Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Bộ tứ cổ ngọc của vua Thiệu Trị

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ ngày 2/8 sẽ trưng bày bốn chiếc nghiên ngọc độc đáo chế tác dưới thời Thiệu Thị và có khắc những bài thơ của vua. Đây là đồ ngự dụng duy nhất được biết đến của vua Thiệu Trị.
Nghiên mài son, ô mực hình hoa, hoa văn hai rồng chầu, năm Thiệu Trị 1, 1841
Nghiên mài son, ô mực hình hoa, hoa văn hai rồng chầu, năm Thiệu Trị 1, 1841
Những chiếc nghiên này năm trong sưu tập đồ ngọc của vương triều Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Chất liệu ngọc dùng chế tác nghiên là ngọc xanh ghi, ngọc trắng, ngọc trắng điểm vân xanh. Đặc biệt, trong nhóm nghiên ngọc này có bốn chiếc mang niên hiệu chế tạo dưới đời vua Thiệu Trị và đều có khắc bài Ngự chế thi của nhà vua.

Chiếc thứ nhất: Nghiên ngọc màu xanh ghi được đặt trong một chiếc hộp kim loại hình khối hộp chữ nhật có bốn chân thấp. Trên bốn mặt xung quanh hộp khắc hoa chanh và bổ ô khắc sóng nước, cỏ rong, chòm sao thất tinh. Mặt nắp hộp có ô chữ nhật, viền hồi văn chữ T, bên trong ô khắc sáu dòng chữ Hán, từ phải sang trái: dòng một đến bốn là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 dòng x 14 chữ.

Dòng 5: Thiệu Trị nguyên niên Tân Sửu cát nguyệt nhật cung tuyên, nghĩa là: Cung kính khắc ngày tháng lành năm Tân Sửu, năm đầu niên hiệu Thiệu Trị, 1841.

Dòng 6: Ngự chế châu nghiễn thi nhất thủ (một bài thơ Ngự chế về nghiên mài son của vua), trên mặt nghiên ngọc khắc ô mực hình bông hoa bốn cánh, xung quanh khắc hai hình rồng năm móng, chầu viên châu ngọc.

Chiếc thứ hai: có vỏ hộp tương đồng với chiếc nghiên trên và hoa văn khắc xung quanh. Trên mặt nắp hộp, bên trong ô chữ nhật, diềm hồi văn chữ T cũng khắc sáu dòng chữ Hán, từ phải sang trái: Dòng một đến bốn là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 dòng x 14 chữ.

Dòng 5: Thiệu Trị lục niên Bính Ngọ cát nguyệt nhật cung tuyên. (Nghĩa là: Cung kính khắc ngày lành năm Bính Ngọ, năm Thiệu Trị 6, 1846.

Dòng 6: Ngự chế mặc nghiễn thi nhất thủ (Một bài thơ Ngự chế về nghiên mài mực nho của vua). Nghiên ngọc đặt trong hộp màu xanh ghi. Trên mặt nghiên khắc ô mực hình bông hoa bốn cánh, xung quanh khắc hai hình rồng chầu viên ngọc châu trên nền mây.

Chiếc thứ ba: Nghiên không có vỏ hộp kim loại nhưng tạo hình khối chữ nhật với hai nửa lắp khớp lại (còn gọi là loại nghiên hộp). Cả hai nửa cùng tạo bằng loại ngọc trắng xám. Trên mặt nắp nghiên, khắc và thếp vàng sáu dòng chữ Hán. Từ phải sang trái, dòng một đến bốn là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 dòng x 14 chữ.

Dòng 5: Thạch mặc nghiễn, Thiệu Trị thất niên cung tuyên (Cung kính khắc năm Thiệu Trị 7, 1847. Nghiên ngọc thạch mài mực nho).

Dòng 6: Ngự chế thi (Thơ Ngự chế). Trên mặt nghiên khắc ô mực hình bông hoa bốn cánh, xung quanh là cành hoa lá phật thủ.

Chiếc thứ tư: Nghiên chế tạo cùng khuôn khổ kích thước kiểu nghiên như trên. Điểm khác là bài ngự chế và dòng 5: (Cung kính khắc năm Thiệu Trị 7, 1847. Nghiên ngọc thạch mài son).

Trên mặt nghiên khắc ô mực, xung quanh là cành hoa lá quả đào và hình con dơi ở góc theo đề tài Phúc- thọ.

Bốn chiếc nghiên ngọc trên đây vô cùng độc đáo và hiếm quý vì đây là đồ Ngự dụng duy nhất được biết thuộc về vua Thiệu Trị, nhà vua thi sĩ.

Và không chỉ xuất hiện trên đồ sứ ký kiểu, chúng ta còn được biết bốn bài Ngự chế thi của nhà vua đã lưu lại trên nghiên ngọc quý với thời gian cụ thể vào các năm 1841, 1846 và 1847. Về nội dung bốn bài thơ ngự chế này còn đang được nghiên cứu và chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.

Không biết có bao nhiêu bài thơ, bài văn của vua Thiệu Trị đã ra đời từ những chiếc “mặc nghiễn”, “châu nghiễn” quý hiếm này?

Nguyễn Đình Chiến (Báo Khoa học Đời Sống Online)
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét