Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Cá chuồn quê tôi

ND- Mỗi lần nghe chim tu hú kêu vào khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai (âm lịch) như giục giã báo hiệu mùa cá chuồn quê tôi: "Chim tu hú rú cá chuồn". Cũng vào thời điểm này, trong vùng thường nghe nhắc đến câu:
"Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le đưa xuống cá chuồn gởi lên".
Thật ra, nghề đánh bắt cá chuồn khơi chẳng những chỉ phát triển ở xã Tịnh Khê quê tôi, nhất là các thôn ở ven biển như Cổ Lũy... mà hầu như ngư dân Quảng Ngãi từ cửa Sa Cần (Bình Sơn) đến Sa Huỳnh (Ðức Phổ), đảo Lý Sơn đều có nghề này. Thường nghề cá chuồn bắt đầu từ khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai lúc thời tiết thuận lợi đến tháng tư, tháng năm là chấm dứt.
Nghề đánh bắt cá chuồn khơi là một nghề truyền thống có từ hàng trăm năm trước. Ghe dùng cho nghề cá chuồn gọi là ghe nghề thuộc cỡ lớn, khỏe, chạy bằng buồm. Mỗi chiếc gồm một lái chính, lái phụ và năm, bảy ngư dân. Người lái chính, lái phụ là những tay đi biển sành sỏi, họ rất có kinh nghiệm trong việc xem sao để định phương hướng, xem gió, mầu ráng trời... để dự đoán thời tiết, biết nơi có rạn, biết cách tránh né mỗi khi có giông tố. Nhưng với những cơn tố mạnh, bất ngờ không xoay xở kịp thì ghe nghề có thể bị xiêu hoặc bị mất tích. Bãi đánh bắt cá chuồn ở khoảng biển khơi Hoàng Sa hoặc xa hơn nữa cho nên quần đảo Hoàng Sa trở nên quen và là chỗ dựa của ngư dân cá chuồn. Chẳng thế mà Quảng Ngãi (xa hơn so với Thừa Thiên và Quảng Nam - Ðà Nẵng) lại gắn bó với Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Nghề cá chuồn khơi thật gian nan, nhưng chuyến đi suôn sẻ, cá đầy ắp khoang ghe, lúc về đến bến biết bao người ra đón mừng thật hạnh phúc. Rồi cá được bán sỉ cho các bạn hàng và thế là cá chuồn muối được chào bán ở khắp các chợ từ biển đến nguồn. Vài ba hôm bán cá xong thanh toán hết các khoản, các chủ ghe nghề lại sắm đủ các vật dụng cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Cá chuồn muối là thức ăn bình dân, mộc mạc. Trước khi làm món phải đánh vẩy, chặt vi, rửa sạch, cắt làm đôi. Món thông thường là kho. Kho cá chuồn với dầu phụng, khử hành tỏi, đổ nước vừa ngập cá, cho thêm ít gia vị như tiêu bột, ớt giã nhỏ. Nước cá vàng, béo thơm ăn cơm độn khoai lang tươi hoặc khô. Khoai lang cũng là nguồn lương thực chính sau lúa gạo của vùng "không có khoai lang, mang lấy nợ". Cá chuồn kho tuy mộc mạc mà đậm đà tình quê hương. Còn rau luộc tập tàng như chồi bí, rau dền, rau sam, rau muống chấm với nước cá thì ngon tuyệt. Tiết tháng hai, tháng ba cũng là mùa mít non, cá chuồn nấu với mít non, có dầu mỡ, bỏ ít rau húng thơm là một món ăn dân dã đậm đà. Có khi người ta rán vàng cá cho ớt tỏi vào ăn cũng lạ miệng, ngon. Mùa cá chuồn cũng là thời điểm người dân địa phương thường tổ chức cúng đất (nhớ ơn các bậc đã có công khai cơ, mở đất) trong lễ cúng thường không thiếu con cá chuồn nướng và đĩa rau luộc. Có năm được mùa lớn, cá quá rẻ, người ta lấy bột bắp sấy vàng đem thính cá và đến mùa mưa lạnh tháng mười, tháng mười một vớt ra đem bán để người ta nướng hoặc chưng với mỡ ăn cũng khá ngon, mặn mòi, ấm áp.
TRƯƠNG QUANG VĂ

 Về Quảng Ngãi, nhớ thương canh mít non cá chuồn

Theo TH (Nguồn video: Đài TH Việt Nam) (Khám PháN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét