Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu

Người cầm cuốc, kẻ cầm thuổng, người bắt người dồn huyên náo cả cánh đồng. Trong đám người bắt chuột có những chú nhóc chừng 5-6 tuổi, có bác tóc muối tiêu…

Hiếm có ngôi làng nào món thịt chuột lại “thịnh” như đất Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội. Thịt chuột ở đây được ăn phổ biến ngang với thịt gà, thịt lợn.

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu

Mua nhà, tậu xe nhờ... săn chuột
Dân Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng “xôm” nhất là vào độ tháng 9 đến tháng 12 (Âm lịch). “Thời điểm này, nước sông cạn nên chuột đào hang nhiều. Đây cũng là lúc vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột mẹ chuột con béo tròn. Bắt chuột lúc này là “trúng” hơn cả”, Anh Tuấn, “thợ săn chuột” với hơn 10 năm “kinh nghiệm” lý giải.
Chạng vạng tối cũng là thời điểm nhóm anh Tuấn chuẩn bị đi “săn”. Ba người dắt theo một con chó to cùng cơ man nào là: Cuốc, xẻng, giọng, vợt… Cầm đôi dép để gọn vào đầu hồi, anh nói tiếp: “Đi săn chuột là phải đi chân đất. Cái giống chuột này nó tinh lắm. Tiếng dép loẹt quẹt là nó chạy ngay”.

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu
Thịt chuột, món không thể thiếu của "dân nhậu" Canh Nậu

Khi vừa bước chân ra tới con mương đầu làng, tôi đã thấy hơn chục nhóm người đang đi săn. Trong đám “thợ săn”, tôi ước chừng có 5-7 chú nhóc 10, 11 tuổi, có mấy bác dễ đến ngoài 70. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Tuấn cười vang: “Dân săn chuột ở đất Canh Nậu này làm gì có tuổi. Trẻ con 5 tuổi đã theo người lớn ra đồng, cụ 70 vẫn ham cái thú bắt chuột. Cả làng này, ai cũng thạo việc bắt chuột cả”.
Cảnh bắt chuột nói vui như hội cũng không “ngoa”. Người đuổi, kẻ vồ, người tay cuốc, người tay giọng… tiếng chó sủa chuột huyên náo cả cánh đồng. Kết thúc cuộc đi săn, anh Tuấn nhìn rọ ước chừng “thu về” gần chục cân chuột. Anh Tuấn cho hay, mỗi cân thịt chuột sống anh bán được 25-30 nghìn đồng, còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng anh bán với giá khá cao 60-70 nghìn/kg.
Những “thợ săn” như anh Tuấn ở đất Canh Nậu không hiếm. Có người nhờ săn chuột tậu được xe đẹp, làm được nhà cao. Như bác Liên, chủ quán thịt chuột Nguyên Liên, đã kinh doanh món “chú Tý” được ngót 10 năm, hiện nay, bác Lâm cho biết việc kinh doanh của bác đang phất như “diều gặp gió”. “Hàng ngày, quán tôi đón hàng trăm khách nhậu “thập phương”. Người ở xã khác, người ở huyện bạn, có cả người ở Hà Nội tìm về để thưởng thức món chuột Canh Nậu. Có người gọi điện đặt trước dăm ngày. Mỗi ngày quán cũng bán được từ 20-40 kg chuột, ước chừng thu về hơn một triệu đồng tiền lãi”, bác Liên hồ hởi. Rít một hơi thuốc lào, bác Liên nói tiếp: “Cái giống anh Tý này là phá hoại ghê lắm. Nhưng nhà tôi cũng phải biết ơn nó. Cả nhà tôi sống nhờ vào cái nghề kinh doanh thịt chuột này”.

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu
Những thực khách này phải “lặn lội” hơn 20km để thưởng thức thịt chuột Canh Nậu

Có người coi bắt chuột là “cần câu cơm” như bác Liên, anh Tuấn… nhưng có “thợ săn” bắt chuột chỉ để thỏa cái thú ham. “Có ngày bắt được dăm bảy cân chuột bán lấy mấy chục ăn quà, có hôm thì mang về cho hàng xóm, lúc cũng chẳng bắt được con nào. Nhưng cái “thú” săn chuột ăn vào… “máu” rồi, ngày nào mà không vác cuốc đi bắt chuột là chân tay ngứa ngáy”, ông Bính, 74 tuổi, “thợ săn” già nhất làng chia sẻ. Nghe ông nói chuyện, cậu bé tên Phong, chừng 12 tuổi chen vào khoe: “Em cũng biết bắt chuột đấy. Chủ nhật nào cũng “kiếm” được 5, 6 chục nghìn tiền bán chuột. Tiền đó em góp lại phụ mẹ đóng học”.
Món ngon đãi khách quý
Không ai ở đất Canh Nậu nhớ nổi họ đã “chuộng” món thịt chuột từ bao giờ. Chỉ biết, giờ mâm cơm nhà nào cũng có đĩa thịt chuột, không rang thì luộc hấp lá chanh… Phiên chợ chiều, thịt chuột cũng là món đắt khách hơn cả.

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu
Mới lớp 3, nhưng Long làm thịt chuột thạo như người lớn

Cậu bé Dương Văn Long, mới học lớp 3 nhưng tay dao tay thớt, làm thịt chuột thạo như người lớn. Chép miệng vẻ thèm thuồng, Long suýt xoa: “Trời lạnh thế này có bữa chuột luộc chấm tương thì ngon phải biết”. Vừa nói cậu vừa pha nước làm thịt chuột. Long bật mí: “Nước làm thịt chuột không được để nóng quá, thân chuột lượt ra coi như vứt đi. Nếu lạnh quá chuột sẽ bị dai và khó làm lông. Nước pha bảy phần nóng ba phần lạnh là “chuẩn” nhất”. Nói rồi, Long đưa tay tuốt lông chuột, bỏ đầu bỏ chân, rồi dùng lưỡi dao nhọn rạch bụng… Chỉ vài phút, dưới bàn tay của cậu bé chưa đầy muời tuổi hơn chục chú chuột đồng đã được làm sạch sẽ.
Tôi cũng may mắn được thưởng thức món thịt chuột tại nhà bác trưởng thôn. Không giấu vẻ tự hào, bác cười hỉ hả: “Thịt chuột giờ bán nhan nhản nhưng không ở đâu thịt chuột ngon như làng Canh Nậu. Nhà nào có khách là nghĩ ngay đến món chú “Tý” ”.
Tôi đem hỏi bác thông tin: đám cưới nào ở Canh Nậu phải có đĩa thịt chuột mới gọi là sang? Bác lắc đầu nguầy nguậy: “Dân Canh Nậu mê thịt chuột nhưng không có chuyện đưa thịt chuột vào mâm cỗ cưới hay đình đám. Nói vậy là sai. Thịt chuột chỉ đem ra mời khách chứ lấy đâu hàng tạ chuột mà làm cho cả đám cưới”. Nói rồi bác nhấp ngụm rượu, đưa tay gắp miếng thịt chuột còn ngun ngút khói.
Lê Trang

Theo Bưu điện Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét