Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng Chiết Bi

Đã bước vào tổi 90, với cụ ông Lê Văn Tráng, ngôi đình làng chính là nơi thiêng liêng mà gần gũi nhất để neo đậu ký ức của tuổi thơ, của những năm tháng chiến tranh và của sự thay đổi của một làng quê vùng ven thành phố mà ông đã từng sống, từng nếm trải. Đình làng Chiết Bi vẫn bền bỉ cùng thời gian soi bóng bên dòng sông Như Ý. Trong ký ức của cụ Tráng, tại ngôi đình làng này đã từng có những sự kiện quan trọng như việc trùng tu ngôi đình khi ông còn bé tẹo hay việc ngôi đình trở thành nơi tiếp tế để đánh Pháp năm 1945. Cùng với những dấu ấn lịch sử gắn liền với ngôi đình, theo cụ Tráng đình làng Chiết Bi quê ông chính là ngôi đình to nhất ở huyện Phú Vang...
Đình làng Chiết Bi
Đình làng Chiết Bi
Cũng giống như các vùng miền khác, sau khi xóm làng được hình thành thì đình, chùa, am, miếu cũng được xây dựng. Tuy chưa có nguồn tài liệu nào đề cập đến niên đại ra đời của đình Chiết Bi nhưng theo truyền khẩu của các cụ cao niên và các vết tích, văn tự chữ Hán hiện nay còn lưu giữ tại làng, có thể khẳng định đình Chiết Bi là một ngôi đình cổ, được xây dựng lại vào những năm giữa thế kỷ XIX- là sự kế thừa của những ngôi đình đơn sơ trước đây.Ngay từ lúc đầu đình đã được làm một cách rộng rãi, thoáng mát, được xây dựng trên mảnh đất ở vị trí đầu làng. Đình có hướng Tây Nam, trước mặt là con sông Như Ý tạo nên yếu tố minh đường. Trước đây, đình 5 gian 2 chái, trải qua thời gian dài được tu sửa nhiều lần. Năm 1954, đình trùng tu một lần, đặc biệt đến 1974 lại được đại trùng tu với quy mô lớn, thu nhỏ thành 3 gian 2 chái và giữ mãi cho đến nay, kết cấu được làm bằng chất liệu gỗ lim là chủ yếu, có chánh điện và  hậu tẩm, mái lợp ngói âm dương.Đình Chiết Bi là nơi thờ các vị thần của làng, thờ vọng lục tổ khai canh và các vị có công với làng. Là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng làng xã, cũng là nơi gắn bó thân thiết với dân làng về nhiều mặt lịch sử, tâm linh, tình cảm…Đây cũng là nơi có ý nghĩa kết nối các mối quan hệ xã hội của các thế hệ con dân trong làng lại với nhau.

Di tích Kiến trúc nghệ thuật đình Chiết Bi có kết cấu của một ngôi nhà rường truyền thống Huế, gồm 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, phần mái hiên lợp ngói liệt, chính giữa bờ nóc trang trí mặt nhật, 2 đầu nóc là hình tượng “Long hồi”. Hệ thống bờ tè, bờ quyết được gắn bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bên có đắp hoa lá, cây cối cách điệu. Hai mặt đầu hồi có đắp nổi hình mặt dơi bằng xi măng. Các đề tài, motip trang trí này ngoài việc thể hiện là những điểm nhấn mỹ thuật còn thể hiện niềm mơ ước của người dân, cầu mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.Phần chính điện:  Được bài trí với một hệ thống hương án thờ tự ở cả 3 gian. Hương án trước đây được làm bằng gỗ nhưng do bị hư hỏng nên được làm lại bằng bê tông giả gỗ, phía ngoài được quét sơn và trang trí khá tỉ mỉ. Xung quanh hương án được chia làm nhiều ô hộc với những hình vuông và hình chữ nhật. Mỗi ô hộc đều có trang trí cây cối, hoa lá cách điệu. Mặt chính của hương án có trang trí hình “hổ phù”. Phía trên thiết trí các đồ thờ tự như bát nhang, đài trầu nước, đế đèn cầy…Giữa các hương án là các cặp câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh yên vui, thái bình của một làng quê Việt. Tuy đã trải qua một thời gian tồn tại khá dài, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa nhưng nhìn chung đình vẫn giữ được những yếu tố gốc mang đậm phong cách kiến trúc đình làng xứ Huế với hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống mang đậm dấu ấn và đặc trưng của nhà rường xứ Huế. Đây là một nguồn tư liệu vật chất, một dấu ấn văn hóa góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của cha ông để lại.

Cùng với đình làng Chiết Bi, dọc theo con đường làng bên dòng sông Như Ý  còn có chùa Linh Quang Tự, miếu thờ Đức Khổng Tử, miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y- A –Na và ngôi nhà thờ các vị khai canh khai khẩn của làng tạo nên một hệ thống di tích khá hoàn chỉnh  để lưu giữ các hoạt động văn hóa của cộng động làng xã nhằm phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa để lại.


Phi Tân (TRT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét