Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Hè về nhớ hương vị cà cuống

Hà Nội lại bước vào hè, cái nắng oi ả làm ta nhớ đến hương vị cà cuống. Người ta thường nhắc đến hương vị cà cuống như một gia vị quý giá làm nên nét đặc trưng hiếm có trong ẩm thực Hà Thành gắn liền với những thương hiệu : Bún Thang, chả cá,  bánh cuốn chả…
Đất Hà thành vốn nổi tiếng với những nét đẹp tinh tế trong văn hóa ẩm thực. Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội lại được thể hiện ngay ở cách chế biến, cách thưởng thức và ở tấm lòng người trao, kẻ nhận. Để mỗi món ăn đều có hương vị, cách nêm gia vị được người Hà Nội chú trọng và nâng lên thành nghệ thuật và hiếm có loại gia vị nào được “ sùng bái” như hương vị cà cuống.
Cà cuống sinh sôi vào mùa hè tại tác đầm, vũng, ruộng ngập nước…
Cà cuống sinh sôi vào mùa hè tại tác đầm, vũng, ruộng ngập nước…
Ở Hà Nội trước đây, những nơi có không gian rộng lớn và nhiều ánh đèn như cầu Chương Dương, Nhà thờ Hà Nội, Quảng trường Ba Đình, hay những đầm ở quãng sông Tô Lịch từ Cầu Diễn đến Ô Đông Mác… là địa bàn sống tập trung của họ hàng nhà cà cuống. Cà cuống là loại côn trùng có ở nhiều nơi, nhưng chỉ ở Hà Nội người ta mới sử dụng phần tinh túy nhất của loài côn trùng này để làm gia vị sống tạo nên những món ăn để đời, tiêu biểu cho cả một nền văn hóa ẩm thực tinh tế được bàn bè xa gần biết đến.
Người Hà Nội trong các món “để đời” như bún thang, chả cá, bún chả…khi ăn không thể quên một chút tinh dầu cà cuống vào bát nước chấm cho dậy mùi. Và dường như nếu không có gia vị đặc biệt cà cuống thì chắc hẳn món bún chả, bánh cuốn, bún thang, chả cá… không thể có được hương vị tinh túy, đặc trưng so với các vùng miền khác.
Cà cuống vốn là giống côn trùng có cánh, trông gần giống như ve sầu nhưng to hơn và bộ cánh thì mỏng manh hơn. Vào đầu hè, cà cuống bay ra sinh sống ở các đồng ruộng ngập nước. Khi mưa rào làm ngập nước ngang ngọn cỏ và thân cây lúa cũng là lúc cà cuống đẻ trứng. Đi lang thang bờ ruộng, thấy những quả trứng nhỏ xíu màu nâu bám trên lá lúa hoặc ngọn cỏ, búng nhẹ tay xuống nước để phát ra tiếng kêu tách tách. Trứng cà cuống nướng có vị bùi và rất thơm.

 Cà cuống đực có một bọng tinh dầu ở phía dưới ngực và chính bọng tinh dầu này là thứ gia vị làm say lòng người. Muốn lấy dầu cà cuống người ta áp bụng cà cuống xuống phía dưới, để phía lưng lên, lấy một que tre đầu vót nhọn đem rạch ngang lưng nơi tiếp giáp với ngực, đúng vị trí đôi chân thứ ba, sau đó gấp bụng cà cuống xuống, tức khắc hai cái bọng dầu cà cuống sẽ trồi lên phía trên. Lấy đầu tre nhọn khều hai cái bọng này ra, dùng ngón tay khẽ bỏ bọng vào bát hay chén.

Tinh dầu cà cuống tự nhiên rất dễ bay hơi cho dù có đậy kỹ bao nhiêu, vì thế người ta còn có một cách khác để lấy tinh dầu cà cuống đó là khi bắt được cà cuống đực, người ta cứ để nguyên con, ngắt bỏ cánh, nướng trên than lửa lưu riu, khi nghe mùi thơm tỏa ra thì cho nguyên con cà cuống ngâm vào chai nước mắm, mỗi chai có thể ngâm năm dến bảy con. Khi cần dùng chỉ cần nhỏ 1- 2 giọt nước mắm này vào chén nước mắm đã pha sẽ có mùi cà cuống thơm ngậy. Với cách làm này, hương vị cà cuống có thể giữ được quanh năm. Tinh dầu cà cuống có mùi thơm êm ái, thanh lịch, cao sang mà bất cứ một loại gia vị nào cũng không thể sánh được. Ai đến nhà chơi, được biếu một lọ tinh dầu cà cuống thì không còn gì bằng.
Tinh dầu cà cuống làm nên linh hồn của bát nước chấm.
Tinh dầu cà cuống làm nên linh hồn của bát nước chấm.
Người Hà Nội yêu cái mùi thơm ngào ngạt của tinh dầu cà cuống và cách thưởng thức cũng tinh tế lắm. Người ta dùng một đầu đũa nhúng vào lọ tinh dầu cà cuống, kề sát bát nước chấm hay bát bún, nhẹ nhàng và kiên nhẫn chờ cho giọt tinh dầu đu đưa trĩu xuống. Cái vòng tròn lan tỏa trong bát nước chấm quả là thích mắt, mùi thơm thoảng nhẹ nhưng đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức.

Thời gian trôi đi cùng với sự phát triển của công nghiệp không còn những đầm, vũng, những cánh đồng ngập nước để cà cuống phát triển. Cuộc sống ồn ào nơi đô thị ấy có lúc nào đó người ta bất chợt thấy bâng khuâng xao xuyến, thấy tiếc thương hình ảnh đàn cà cuống bay về sau những ngày mưa mùa hè.
                                    Phạm Thị Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét