Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Huyền bí rừng ma người Vân Kiều

 

Rừng ma người Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị được coi như là khu rừng kì bí, khiến biết bao người nghe đến đều cảm thấy rờn rợn. Nơi đây, đã trở thành chốn đất thiêng mà ít người đặt chân tới.

Những câu chuyện ly kỳ liên quan đến khu rừng
Để tìm hiểu khu rừng ma nổi tiếng của người Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị chúng tôi đã thực hiện chuyến hành trình vào mảnh đất thiêng này. Anh bạn đồng hành cùng tôi là Phan Hùng đã mượn được con ngựa sắt để lên bản Pa Ngay của miền tây Quảng Trị heo hút.
Con đường đầy ổ voi, ổ gà…nhiều lúc con ngựa sắt cũng dở chứng phải xuống dắt bộ. Hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi đã đặt chân vào khu "rừng ma", một không khí lành lạnh bao phủ cánh rừng âm u, làm người ta cảm thấy nhụt chí, muốn dừng bước.
Đập vào tầm mắt chúng tôi là hàng trăm ngôi mộ lô nhô, cỏ cây phủ đầy, con đường đi cỏ gai giăng kín, cây đâm ra tua tủa, vọng lên phía xa xa là tiếng chim kêu lạnh tê cả chân tay.
Một góc rừng ma của người Vân Kiều miền tây Quảng Trị
Theo truyền miệng của người Vân Kiều, phong tục nơi đây được hiểu rằng, khi con người trút hơi thở cuối cùng khỏi trần gian thì đã hết kiếp người. Con người cũng là một sinh vật tự nhiên… sinh ra thì phải chết, phải được trả về với thiên nhiên. Người Vân Kiều sẽ chôn người chết ở một gốc cây thật to, họ quan niệm người chết sẽ được sự sống của cây đó che chở, về với cõi vĩnh hằng, linh hồn được an tĩnh, đó là thế giới vững tin nhất, không bị ai xâm phạm.
Một góc thôn Pa Ngay, xã Tà Long, huyện Đakrông
Khi họ được đưa vào rừng ma rồi thì đây là một thế giới tách biệt với trần gian, không ai có thể xâm phạm được nữa, và coi đây như là vương quốc riêng với những căn nhà sàn của họ khi đang còn sống. Họ coi đó là "cõi thiêng" là "thế giới bất khả xâm phạm", ai mà chạm tới sẽ bị trừng phạt, cuộc sống ở trần gian không yên ổn, bị đày đọa. Điều đó, được lưu truyền qua từng thế hệ, làm cho, khu rừng ma lại có thêm bề dày linh thiêng huyền bí qua từng đời.
Căn nhà sàn của người Vân Kiều Quảng Trị
Anh bạn đồng hành cùng tôi cũng khá hiểu biết về tập tục của người Vân Kiều cho biết: Tập tục của họ rất khác với người Kinh. Người Vân Kiều coi cái chết hết sức đơn giản. Họ chỉ lên rừng chặt một cây gốc thật to về khoét chỗ hổng bằng người đặt xác chết vào, làm mấy thủ tục đơn giản rồi đưa lên rừng ma đào một lỗ lấp lớp sỏi đất sơ sài là về, và từ đó họ không bao giờ lên nữa.
Đưa tang về là họ làm thịt, lợn hoặc trâu, bo, cúng bái giữa làng dâng tế báo với thần linh coi như là xong. Điều cấm kỵ với khu rừng là, cho dù mồ mả có hư hại thế nào đi chăng nữa cũng không được vào vun đắp, nếu muốn vào thì phải có sự đồng ý của Già làng, ai mà tự ý vào thì bị luật "ma rừng" trừng trị.
Những đồ dùng người Vân Kiều đem cúng tế ma rừng
Với những ngôi mộ không có bàn tay chăm sóc nơi đây trở nên chốn thâm sâu hẻo lánh. Hàng trăm ngôi mộ dường như đều bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Họ vẫn biết ngôi mộ của người thân như thế, nhưng vẫn không ai vào dọn dẹp hay xây đắp bất cứ một thứ gì lên trên mộ cả.
Chúng tôi vào khu rừng này là đã được sự đồng ý của Già làng. Biết chắc rằng rừng ma trong ý thức của người địa phương nơi đây là một thế giới đầy bí ẩn và đáng sợ, có ảnh hưởng đến sự sống hay cái chết cho một gia đình hay cả làng bản.
Những trận ốm, trận dịch lan đến bất chợt không rõ lý do cướp đi hàng chục sinh mạng con người, những cơn lốc rừng hung dữ tràn về quét sạch nhà cửa, mùa màng, đẩy đồng bào đến cái đói, cái khát khiến họ không đủ can đảm và sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong khó khăn, đói kém và khổ đau, hàng trăm câu chuyện ly kỳ mang màu sắc huyền thoại đã được thêu dệt lên, xuất phát hoặc có liên quan từ khu rừng ma này.
Một đêm với già làng Vân Kiều
Màn đêm buông xuống, núi rừng càng trở nên hoang vắng đến lạ lùng, thỉnh thoảng có những tiếng hú ở xa xa vọng lại. Sau một ngày vất vả, chúng tôi tìm đến nghỉ tạm qua đêm tại nhà già làng Pả Chang- người đã sống hơn 70 năm ở thôn Pa Ngay, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Dùng xong bữa cơm tối đạm bạc độn đầy sắn và ngô, bên bếp lửa bập bùng, già làng Pả Chang kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về rừng ma kì bí, về phong tục tập quán của người Vân Kiều.
Ngày trước bản Pa Ngay chỉ có vẻn vẹn 10 nóc nhà sàn thưa thớt bên dòng suối Sê Pôn. Cách đó không xa, đi bộ chừng 2 tiếng đồng hồ, vượt qua cánh rừng cây rậm rạp là đến được rừng ma. Rừng ma ngày đó còn nhỏ và thưa thớt lắm, chỉ có lác đác mấy ngôi mộ mới chôn. Nhưng về sau, thấy vùng đất Pa Ngay này có địa thế bằng phẳng lại tốt tươi nên người các nơi khác đổ về làm ăn sinh sống ngày càng đông. Dần dần, theo thời gian rừng ma cũng "vươn" rộng ra và ngày nay đã trở thành một khu rừng thiêng rộng lớn, chạy dọc biên giới Việt - Lào.
Bên bếp lửa bập bùng, già làng Pả Chang kể về rừng ma đã khiến tôi hiểu hơn về phong tục của người Vân Kiều. Tục chôn cất người chết và sợ con ma rừng của người Vân Kiều miền tây Quảng Trị đã có từ xa xưa. Sau khi đưa người chết xuống huyệt rồi lấp đất sơ sài lại, những người đi chôn phải ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh ra khỏi rừng ma để con ma không đuổi kịp, không trở về làng làm hại mùa màng.
Chạy đến đâu, họ xoá dấu chân và lấp đường đến đó, để tránh đường ma theo về. Thuở ấy, có một người anh hùng đến vùng đất này sinh sống. Chứng kiến cảnh một con trăn khổng lồ thành tinh chuyên bắt trẻ em ăn thịt nên chàng đã dùng lưới bủa vây, đánh nhau ròng rã suốt ba ngày ba đêm với trăn tinh và cuối cùng cũng chặt được đầu nó. Để ghi nhớ, biết ơn người có công giết quái vật trừ họa, dân làng đã đặt tên cho chốn sinh sống của mình là thôn Pa Ngay (tên của vị anh hùng).
Góp thêm câu chuyện huyền bí về thế giới rừng ma, Pả Chang thì thầm kể tiếp cho chúng tôi nghe:
Đã qua vô số mùa trăng rồi không nhớ nữa, có một người thợ săn, sau 5 ngày 5 đêm tìm theo dấu chân thú hoang và bắn chết con heo rừng nặng như con trâu. Heo rừng chết nhưng thân vẫn dựa vào gốc cây to, đầu gục xuống. Khi người thợ săn chạy đến thì phát hiện trên hai nanh trước dài hơn 1m có cắm hai cái sọ người còn nguyên hốc mắt.
Người thợ săn chạy về làng báo tin, nhưng dân làng chẳng ai dám đến vì họ bảo rằng con heo rừng ấy đi ra từ khu rừng ma. Cũng theo lời Pả Chang, có một thanh niên ở ngôi làng nằm dưới chân dãy núi Trường Sơn vì không tin vào "thần thiêng", nên một buổi trưa, anh ta đã lên khu rừng ma chặt đót mà không xin phép trước. Khi gùi bó đót về đến nhà thì ba ngày sau chàng thanh niên lăn đùng ra chết.
Những câu chuyện hoang đường mà già làng Pả Chang kể trong đêm dễ đưa người ta lạc vào thế giới huyền bí. Ở vùng cao miền tây biên giới Quảng Trị, người ta sống bằng các câu chuyện huyền thoại kể trong đêm, như những niềm an ủi, thay thế cho những nhu cầu của cuộc sống tinh thần với những kiến thức và lý giải khoa học. Nhắm mắt lại, tôi thầm thương cho những người còn sống bên rừng ma.
Theo Pháp luật & Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét