Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Đi tìm ngọn thác bị bỏ quên

Dòng thác kỳ vĩ, hoang sơ này lại có tên “Vạn - Mơ” huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Đó là tên ghép của đôi vợ chồng “Anh Vạn - chị Mơ” ở ngay chân thác và cũng là người tìm ra dòng thác đẹp này.
Chính thế nên nhiều lữ khách hay chữ đến nơi đây đã để lại thơ rằng:  Vạn - Mơ tên vợ tên chồng/Hoang sơ tìm đến, dụng công tạo thành… Lúc đầu thác được gọi là thác “Vạn - Mơ”. Lâu dần, người ta chọn cách gọi là thác Mơ cho giản tiện và gần gũi hơn.

Ngọn thác hoang sơ mang tên vợ chồng - Vạn Mơ
    
Thác Mơ có nhiều tầng nấc, mỗi tầng lại mang một nét riêng biệt. Tầng thứ nhất tiếng thác đổ xuống ào ào, tung bọt trắng xóa. Đứng từ đó mà nhìn dốc lên, sẽ gặp những tia nắng nhỏ, sắc lẹm chiếu xuống đầy bí ẩn. Lên dần, nước len lỏi qua từng phiến đá, chảy khẽ khàng xuống chân núi. Thác Mơ có đến 9 tầng thác, khi lên gần đến những tầng thác cuối cùng thì xuất hiện thác đôi đẹp như tranh thủy mặc. Suốt từ tầng thác thứ nhất, lên đến tận tầng thác cuối cùng, tất cả quyện hòa trong sự hoang sơ của những lùm cây, những con đường còn vắng dấu chân người.
     
Từ tầng thác thứ nhất, để lên đến được tầng thác cuối cùng có hai cách đi. Một là cứ đắm mình xuống dòng nước trong vắt, mát rười rượi, rồi theo những phiến đá cheo leo, trơn trượt mà đi dần lên. Cách thứ hai là men theo những con đường mòn dọc triền núi để đi, rồi cứ đến một tầng thác lại đu mình mà trèo xuống. Trên dọc đường đi nếu cao hứng, bạn cứ thoải mái ngả lưng trên những phiến đá phẳng lỳ như một chiếc giường, mà trong các pho sử truyền miệng của người địa phương, thì chỗ đó, thỉnh thoảng các nàng cung mây sau khi tắm mình vẫn tìm lên đây mà hưởng nắng trần gian. Nhưng để lên được tầng thác cuối cùng không phải đơn giản. Thế nên, nhiều người khi đến đây chỉ chinh phục đến khoảng tầng thác thứ 4 đã đành phải chùn chân nhìn lên phía trên đầy nuối tiếc.
 
Để đến được với thác Mơ, nếu từ Hà Nội, bạn phải đi qua Sơn Tây, rồi theo đó mà qua cầu Trung Hà, Thanh Thủy (Phú Thọ), từ đây bạn có thể hỏi đường về  xã Cự Thắng - huyện Thanh Sơn. Độ dài cho toàn bộ hành trình khoảng 220km. Đến xã Cự Thắng, đường đi khó dần, có những đoạn đường phải leo qua những quả đồi, băng qua những con suối và cả những con đường cứ mỗi độ mưa xuống thì nhão nhoét bùn. Nếu không chắc tay lái, chỉ một phút sơ xuất cả người lẫn xe có thể phải tắm suối không chừng. Cách an toàn nhất được nhiều người lựa chọn vẫn là “một mình một ngựa” thì mới mong băng qua được. Bạn có thể gửi xe tại nhà Anh Vạn, chị Mơ để ra thác. Nếu không có sẵn đồ ăn bạn có thể đặt món ngay tại nhà anh Vạn - chị Mơ với một mức giá “chấp nhận được” để cùng thưởng thức bữa tiệc giữa mây trời thác nước đầy thơ mộng.                
      
Theo Hồng Lam (Anninhthudo)

Ngược dòng thác Chòi


TTO - Nằm trên ngọn núi Lưỡi Hái, thác Chòi thuộc xã Cự Đồng, là con thác nổi tiếng của huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

3uDHKm8O.jpg
Tầng dưới cùng là tầng thác cao nhất của thác Chòi
Trong một ngày trời thu mát mẻ, quãng đường hơn 80km từ Hà Nội đến xã Cự Đồng chẳng lấy đi bao nhiêu sức lực của nhóm du khách trẻ.
Đến trung tâm xã Cự Đồng, theo chỉ dẫn, chúng tôi rẽ vào một con đường đất khá khó đi. Hai bên đường là những nương sắn nương ngô xanh mướt của người dân xóm Chòi.
Đi hết 3km đường đất là đến điểm đầu con thác. Cả nhóm gửi xe ở một nhà dân, bắt đầu ngược dòng lên thượng nguồn thác Chòi.
AFnyGJvy.jpg
Toàn cảnh núi rừng hoang sơ khi nhìn từ trên tầng hai của con thác
Thác Chòi là một hệ thống nhiều thác lớn nhỏ nối tiếp nhau. Từ nơi gửi xe, chỉ đi vài bước đã thấy tầng dưới cùng, cũng là tầng cao nhất hiện ra trước mắt. Dòng nước trắng xóa từ trên độ cao gần 50m ào ào đổ xuống một vụng nước trong vắt.
Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới. Bọt nước bắn tung tóe và hơi nước bay ra trắng xóa một vùng. Xung quanh cây rừng rậm rạp xanh um. Trên những vách đá là những bộ rễ chằng chịt của những cây cổ thụ.
Cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.
dYTv6OOC.jpg
Sự hiểm trở làm nên vẻ đẹp của tầng thác thứ ba
Leo một đoạn dốc thẳng đứng là tới tầng thứ hai của con thác. Ở tầng này, thác không cao cũng không rộng. Nhưng điều thú vị nhất là đứng tại đây có thể nhìn bao quát được cả khu vực hạ nguồn thác Chòi.
Khoảng rừng rộng bao la để giữa một vệt dài ngoằn ngoèo của con suối. Thấp thoáng xa xa là những nóc nhà xen lẫn những nương lúa, nương ngô của người dân xóm Chòi. Đứng đây, vừa thấy được sự hùng vĩ, vừa cảm nhận vẻ thơ mộng của núi rừng Thanh Sơn.
IBFIGRae.jpg
Lội ngược dòng lên thượng nguồn
Để đến tầng tiếp theo phải leo một đoạn dốc khá cao. Tầng thác này địa hình rất hiểm trở. Đường xuống là những bậc đá trơn trượt, và muốn xuống hẳn vụng nước của tầng thác này phải leo bám một vách đá thẳng đứng.
Dù biết trước khó khăn nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm leo xuống vì vẻ đẹp của dòng thác thật sự cuốn hút. Không cao và rộng như tầng dưới cùng nhưng sự hiểm trở lại trở nên quyến rũ những du khách thích mạo hiểm.
KpVAjQl8.jpg
Những ghềnh đá tạo nên những dòng nước tuyệt đẹp
G3SVVoxP.jpg
Thỏa thích tắm mát
loZqQX5G.jpg
Những ghềnh đá hiểm trở để lên được thượng nguồn
Sau tầng thác thứ ba là một đoạn suối rất đẹp giữa núi rừng hoang sơ. Dòng nước trong vắt len lỏi qua những kẽ đá thỉnh thoảng lại đổ xuống ào ào khi gặp những ghềnh đá. Hai bên bờ suối là rừng cây cổ thụ um tùm, chốc chốc lại bay ra những chú bướm đủ màu sắc.
Đi hết đoạn suối là hai con thác nhỏ cùng chảy xuống một vụng nước. Nước khá sâu nhưng trong xanh nên đây là địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ thỏa sức vùng vẫy, tắm mát.
Theo lời người dân địa phương, đỉnh thác nằm trên đỉnh núi cao và đường duy nhất để lên đến đầu nguồn thác là ngược dòng đi lên. Sự tò mò thôi thúc mọi người vượt thêm một đoạn thác nhỏ nữa để tìm đến thượng nguồn nhưng cuối cùng buộc phải dừng lại trước một ghềnh đá cheo leo.
Chúng tôi đành ra về dù trong lòng còn nhiều nuối tiếc.
NGỌC THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét