Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Lễ Chol Chnam Thmay

Các lễ hội theo phong tục
Người Khmer ở Vĩnh Long cũng như ở nhiều tỉnh khác ở vùng ĐBSCL vốn là cư dân nông nghiệp và cho đến nay vẫn sống chủ yếu bằng các hoạt động nông nghiệp nên hệ thống các lễ nghi của họ là các lễ nghi nông nghiệp và các lễ cộng đồng liên quan đến phum sóc. Ngoài các lễ Phật giáo như đã trình bày ở trên thì các hội lễ quan trọng của người Khmer là lễ Chol Chnam Thmay, Đonta và lễ Ok Ombok. Những lễ này nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp và chủ yếu liên quan đến chu kỳ của thời tiết. Hệ thống hội lễ ngoài các lễ nông nghiệp còn có các lễ cộng đồng của phum sóc. Hệ thống hội lễ đó phản ảnh nét đặc trưng của văn hóa người Khmer, được cấu thành từ ba yếu tố chủ đạo, đan xen và tác động lẫn nhau : nông nghiệp lúa nước, tổ chức xã hội phum sóc và Phật giáo Tiểu thừa. Phật giáo với tư cách là tôn giáo chung của cộng đồng người Khmer và ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng của phum sóc, là nơi tổ chức hầu hết các lễ hội, kể cả các hội lễ nông nghiệp và lễ cộng đồng của phum sóc.
Lễ Chol Chnam Thmay
Trong hệ thống hội lễ truyền thống của người Khmer, Chol Chnam Thmay là lễ mừng năm mới, được tổ chức vào giữa tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây cũng chính là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, thời điểm bắt đầu vụ sản xuất nông nghiệp theo nông lịch cổ truyền của người Khmer. Lễ Chol Chnam Thmay mừng năm mới đồng nghĩa với việc mừng vụ mùa mới trong năm. Cũng cần nói thêm là trong thời gian giao mùa này, cùng với việc tổ chức lễ Chol Chnam Thmay, người Khmer ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng còn tổ chức lễ cầu an (cumsan phum srok) để cúng thần bảo hộ của phum sóc (Neak ta).
Lễ Chol Chnam Thmay là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình. Khoảng một tuần trước ngày lễ, ở mỗi gia đình, người Khmer đã lo sửa sang nhà cửa, mau sắm lương thực, thực phẩm như gạo, nếp, bột, đường, đậu… để làm bánh dâng cúng tổ tiên, cúng Phật và đãi khách cũng như để cho con cháu ăn trong các ngày lễ. Người ta cũng đã nuôi gà vịt, chuẩn bị thịt cá… để làm cơm đem đến chùa dâng lên sư sãi. Đây cũng là dịp để người Khmer mua sắm quần áo mới, nhất là con cái mua sắm quần áo, khăn mới… cho cha mẹ mặc đi chùa. Không chỉ lo chuẩn bị lễ trong gia đình, mà nhiều người, nhất là những người lớn tuổi cũng đến chùa để làm công quả. Họ cùng nhau dọn dẹp, quét tước trong ngoài, lau chùi lư hương, bàn thờ Phật… để mọi người đến đây cùng nhau đón mừng năm mới. Các thanh niên cũng đến chùa để luyện tập các bài hát theo giàn ngũ âm truyền thống của dân tộc. Bởi vì như chúng ta biết, chỉ có nhà chùa mới có đủ các nhạc cụ truyền thống hợp thành giàn ngũ âm rất độc đáo của người Khmer.
Lễ Chol Chnam Thmay kéo dài trong 3 ngày (1). Ngày thứ nhất gọi là ngày “sangkran”, tức là ngày “rước quyển Đại lịch” (Maha sangkran) với ý nghĩa đón mừng năm mới mà nghi thức lễ gắn với thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum (thần Bốn mặt) (2).
Đây là buổi lễ quan trọng nhất trong hội lễ Chol Chnam Thmay. Tùy theo năm mà các vị Achar Maha (Achar phụ trách các nghi lễ cộng đồng) dựa theo sách lịch để xem ngày – giờ cử hành lễ. Ngày – giờ cử hành lễ Chol Chnam Thmay đã được ấn định trong bộ Đại lịch và các Achar Maha căn cứ vào đó mà thông báo cho mọi người biết từ nhiều tháng trước. Nhờ căn cứ vào bộ Đại lịch mà trong toàn bộ phum sóc của người Khmer đều cử hành lễ Chol Chnam Thmay đồng thời với nhau. Thí dụ năm 1996, lễ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều ngày 13/4 dương lịch, còn năm 1998, lễ sẽ chính thức bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng ngày 14/4 (dương lịch), tức là vào ngày 18/3 năm Mậu Dần hay vào rạng sáng ngày mùng Ba hạ tuần trăng (thngay pay ruôs) tháng Chet lịch Khmer (3).  

————————————–—-——–
(1) Trước kia, tại một số nơi, người Khmer tổ chức lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmay kéo dài đến 7 ngày.
(2) Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, chú thích (4) trang 95 thì thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum có nội dung tóm lược như sau :  Thần thoại kể về Hoàng tử Thomabal thông minh và tài trí đã thắng được thần Bốn mặt Kabil Maha Prum trong một cuộc đấu trí. Thua cuộc, thần đã tự chặt đầu mình sau khi căn dặn 7 nàng con gái hãy để đầu mình lên một chiếc khay bằng vàng và đem đặt tại hang thủy tinh “Thamaminly” trên núi Cailas trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó về sau, cứ đúng vào ngày thần tự sát, 7 cô gái xuống núi, vào hang thủy tinh, cứ luân phiên nhau mỗi năm một cô, rước đầu cha đi 3 vòng quang ngọn Meru – một ngọn núi rất nổi tiếng trong hệ thống thần thoại đạo Hin-đu của Ấn Độ. Theo tinh thần của thần thoại kể trên, vào ngày đầu năm mới, người Khmer rước quyển Đại lịch (Maha sangkran) đi quanh chính điện 3 lần.
(3) Theo lịch Khmer là vào rạng sáng ngày mùng Ba hạ tuần trăng (thngay pay ruôs) : Lịch của người Khmer là một loại âm lịch gắn với lịch Phật. Mỗi năm cũng gồm 12 tháng, mỗi tháng chia làm hai nửa tháng. Nửa tháng đầu gọi là “kơt” là thời gian từ trăng xuất hiện đến trăng tròn (thượng tuần trăng), nửa tháng sau gọi là “ruôs” là thời gian từ trăng tròn khuyết dần đến ngày cuối tháng, không trăng (hạ tuần trăng). Người Khmer gọi ngày đầu tháng là “muôi kơt” – mùng Một thượng tuần trăng (muôi là số đếm một), ngày thứ 16 là “muôi ruôs” – mùng Một hạ tuần trăng. Như vậy, ngày mùng Ba hạ tuần trăng (thngay pay ruôs) tức là ngày thứ 18 tháng Chet theo lịch Khmer trùng với ngày 18/3 (âm lịch) năm Mậu Dần.


Theo truyền thống, lễ Chol Chnam Thmay được tiến hành đồng thời trong từng gia đình và ở tất cả các ngôi chùa Khmer. Trước giờ cử hành lễ, người ta chuẩn bị hai phần lễ vật, một để làm lễ tại gia đình, một để một số thành viên trong gia đình mang đến chùa dâng cúng và cùng nhau đón năm mới. Tại mỗi nhà, người ta dọn bánh trái, hoa quả, nhang đèn lên bàn thờ thiên và cũng đặt thêm một bàn lễ vật nữa ở giữa sân hoặc phía trước nhà. Mọi người đến trước bàn thắp nhang đèn, vái lạy để làm lễ tiễn Chư Thiên (Têwađa) của năm cũ và đón Chư Thiên của năm mới, đồng thời để đón năm mới và cầu xin được bình an, may mắn. Lễ này gọi là Riêl Têwađa. Ở vùng nông thôn Nam bộ, người Khmer thường làm bánh tét (num chruk hay num anhsom), bánh ít (num tiênh hay num kôm), bánh gừng (num khnhây – bánh làm bằng bột nếp pha với đường, nặn thành hình củ gừng rồi chiên cho vàng), bánh bò (num akâu) và các loại mứt… để cúng trong lễ đón Chư Thiên. Sau lễ Riêl Têwađa tại nhà, mọi người sẽ đi đến chùa cùng tham dự các cuộc vui.
Tại chùa, vào giờ cử hành lễ, Ban quản trị chùa cùng với Phật tử tổ chức lễ đón năm mới. Thông thường thì phần lớn gia đình người Khmer đều mang lễ vật đến chùa để cùng nhau đón Chư Thiên và đón năm mới. Tại đây, người ta đặt một bàn dài ra ngoài sân, trên đó bày đủ hoa quả, bánh trái, nhang đèn… do mọi người mang đến và cùng nhau lễ bái, đọc kinh cũng như cầu xin được những điều tốt lành… Dưới sự điều khiển của Achar Maha – cũng là thành viên của Ban quản trị chùa, mọi người xếp thành hàng một, đi vòng quanh chánh điện 3 lần để chào mừng năm mới và nhận thêm một tuổi. Lễ này kéo dài trong khoảng một giờ, sau đó, người ta cùng vào chánh điện để lễ Phật. Trong những năm mà lễ rước Maha Sangran được cử hành vào lúc chiều tối thì sau khi lễ Phật, đêm ấy, mọi người thường ở lại chùa để nghe các vị sư sãi đọc kinh và thuyết pháp. Nghi thức đọc kinh và thuyết pháp gồm : lễ bái Tam Bảo (Phật, pháp, tăng) thọ giới, đọc kinh chúc lành và thuyết pháp. Sau đó là các hoạt động văn nghệ, vui chơi. Thường thì sau lễ cúng ở nhà, nhiều người cũng đến chùa để nghe thuyết pháp, để gặp người thân, bạn bè hoặc để cùng nhua ăn uống, xem văn nghệ… Cũng cần lưu ý là những người giữ thọ giới “bát quan trai giới” cũng như các sư sãi, theo giáo luật, không được tham dự các cuộc vui… Hôm sau, tức là ngày “wonbot”, từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị để đi chùa lễ Phật, nhất là mang thức ăn dâng cho các sư sãi dùng bởi vì vào các dịp lễ lớn và vào 4 ngày lễ hàng tháng, các sư sãi không phải đi khất thực, mà Phật tử trong khi đi lễ chùa còn mang theo cơm, thức ăn để các sư sãi dùng. Nếu như những gia đình ở gần chùa có thể làm cơm dâng lên sư sãi thì những gia đình khác có thể đem gạo, đường, sữa… để sư sãi dùng dần. Trước khi ăn, sư sãi tụng kinh tạ ơn những người đã làm ra vật thực nuôi sống con người, đồng thời làm lễ đưa vật thực đến cho những linh hồn đang chịu cảnh đói khát. Sau khi dùng cơm xong, sư sãi lại tụng kinh cầu phúc cho tất cả mọi người.    


Chiều hôm ấy, mọi người cũng tập trung tại chùa để thực hiện nghi thức đắp núi cát. Ở nhiều nơi, thay vì dùng cát, người ta dùng lúa hoặc gạo để đắp “núi cát”, có nơi vừa đắp núi cát vừa đắp “núi lúa” hoặc “núi gạo”. Dưới sự hướng dẫn của ông Achar Maha, người ta dùng gạo đắp thành 9 ngọn núi ở hành lang chùa và theo 9 hướng khác nhau. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, trong đó, ngọn núi ở trung tâm vũ trụ tượng trưng cho núi Meru là trung tâm của vũ trụ. Lễ đắp núi cát kết thúc bằng nghi thức làm lễ quy y cho núi.
Ngày thứ ba được gọi là ngày “Lơn sak” với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật. Sáng hôm ấy, sau khi các sư sãi dùng điểm tâm xong, tất cả Phật tử vào lễ Tam Bảo, thực hiện nghi thức thọ giới và đọc kinh cầu nguyện. Kế đó, các gia đình đem lễ vật gồm gạo, vải (màu vàng hoặc màu trắng và không dùng bất cứ loại vải nào có màu khác), đường, sữa… dâng cho các sư sãi. Tiếp theo là lễ đọc kinh cầu siêu cho những người đã quá vãng. Khoảng một giờ trưa, sau khi dùng cơm và sư sãi nghỉ ngơi một chút, mọi người tập trung tại tháp, nơi đặt tro cốt của người quá vãng. Lễ cầu siêu tại tháp kéo dài trong một giờ. Một số gia đình có thể mời sư sãi đến nhà để cầu siêu cho ông bà cha mẹ hay người thân đã quá cố.
Đến khoảng hai giờ, người ta chuẩn bị lễ tắm tượng Phật. Trước hết, người ta đặt một cái bàn, trên đó có bày đầy đủ hoa quả, nhang đèn ra giữa sân… ở nơi sạch sẽ. Sau đó, sư sãi và Phật tử vào chính điện thỉnh tượng Đức Phật ra, đặt trên bàn. Vì có nhiều tượng Phật và có những tượng rất lớn, không thể di chuyển được nên người ta chỉ thỉnh tượng trưng một tượng Phật để làm lễ tắm tượng Phật mà thôi. Trước tượng Đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, moi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ Đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó, mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn. Đối với người Khmer, nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây cũng là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới. Giàn ngũ âm trỗi lên những điệu nhạc tưng bừng, náo nức và không ai bảo ai, tất cả cùng đứng lên, bắt đầu các điệu múa ram wơn… Các hoạt động văn nghệ vui chơi kéo dài cho đến tận nửa đêm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải bất kỳ ngôi chùa Khmner nào cũng có giàn nhạc ngũ âm, thí dụ như trường hợp của các chùa trong xã Tân Mỹ và Trà Côn là không có. Nhằm giúp người Khmer trong xã Loan Mỹ – một xã vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long và đồng bào Khmer ở đây còn nhiều khó khăn – duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống của mình, tỉnh đã tặng cho chùa Kỳ Son một giàn ngũ âm.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét