Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Lễ Đonta

Lễ Đonta của người Khmer được tổ chức vào cuối tháng 8 âm lịch, là một trong những hội lễ quan trọng, được người Khmer xem như là cái Tết thứ hai trong năm.
Thật ra, lễ hội Đonta bắt đầu từ ngày 16/8 âm lịch và kéo dài đến ngày cuối tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong suốt thời gian này, các gia đình người Khmer thường mang cơm nước, hoa quả, bánh trái… đến chùa để sư sãi làm lễ cúng cho vong hồn những người đã khuất và làm lễ cầu siêu cho những vong hồn ấy. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, trong thời gian này, các sư sãi đang trong thời kỳ nhập hạ (1) và đây cũng là thời gian mà các gia đình dâng cúng vật thực cho sư sãi dùng để tỏ lòng tôn kính (2). Chính điều này khiến cho hội lễ Đonta mang ý nghĩa tôn giáo khá sâu sắc.
Lễ chính của hội lễ Đonta tập trung vào ngày cuối tháng. Trước kia, lễ chính không chỉ tổ chức trong một ngày, mà là 3 ngày, từ ngày 29/8 âm lịch đến ngày 1/9 âm lịch hàng năm (3).
Ngày đầu là ngày “đón tiếp” ông bà về dùng cỗ và đi chùa, ngày thứ ba là ngày “cúng đưa” (ông bà). Trong ngày cúng đưa, một số nơi có làm một chiếc thuyền (bằng bẹ chuối) để đưa lễ vật gồm một ít cơm, thức ăn, bánh trái, lúa, đậu… theo ông bà. Trên thuyền, người ta cũng làm hình cá sấu, cắc kè (bằng bẹ chuối) gắn ở mũi và lái thuyền (4).
Tối ngày 29 (tháng 8), tức là thời điểm bước vào thời gian chính lễ của lễ Đonta, đông đảo người Khmer tập trung về chùa để cùng sư sãi tụng kinh cầu siêu, thọ trai giới (ngũ giới hoặc bát quan trai giới) và sau đó là nghe thuyết pháp. Đêm hôm ấy, sau khi đã hoàn tất các nghi thức của lễ, mọi người lại cùng nhau tổ chức văn nghệ, vui chơi… Giàn nhạc ngũ âm lại được đem ra phục vụ và mọi người cùng ca hát, cùng múa ram wơn… Rạng sáng ngày 30, tất cả mọi gia đình đều chuẩn bị cơm nếp, cơm canh, hoa quả, bánh trái để mang đến chùa dâng cúng cho các vong hồn người quá vãng và một phần dâng cho các sư sãi dùng. Cũng như trong lễ Chol Chnam Thmay, những gia đình có điều kiện sẽ làm các loại bánh truyền thống của dân tộc như bánh tét, bánh ít để cúng, để dâng lên sư sãi, đãi khách và dùng trong gia đình. Hôm đó, mọi người cùng với chư tăng cùng vào chánh điện (nếu quá đông thì người ta vào cả trong giảng đường – sala tiêng) để đọc kinh cầu siêu. Lễ kết thúc sau khi sư sãi dùng cơm trưa và mọi người dùng bữa cơm cộng đồng tại chùa, do chính mỗi gia đình góp phần lương thực – thực phẩm bánh trái của mình cho bữa cơm thân mật đó. Điều đáng lưu ý là trong mùa lễ hội Đonta, nhất là vào ngày cuối tháng, trong các lễ vật mang đến cúng chùa có những nắm cơm hay xôi tròn, gọi là “bai banh”. Được biết, loại cơm nắm và xôi nắm “bai banh” này chủ yếu là để cúng cô hồn, trong mùa lễ Đonta thường được bỏ lại ngoài sân chùa (mà chỉ những người nghèo khó mới lấy ăn) (5).
Do tính chất cùng góp vật thực để cúng vong hồn người quá cố, cho các cô hồn, để sư sãi dùng cũng như cho bữa cơm cộng đồng mà đặc biệt là có “bai banh” mà ngày lễ chính của lễ Đonta (ngày 30/8 âm lịch) được người Khmer gọi là ngày “phchum banh”, nghĩa là lễ “góp bánh”. Lễ Đonta vì vậy đôi khi cũng được gọi là lễ “Phchum banh”.
Sau khi kết thúc những nghi thức lễ tại chùa vào buổi sáng ngày lễ phchum banh, mọi người trở về nhà để làm lễ cúng ông bà, gọi là lễ “sen chaktum”. Theo truyền thống của người Khmer, lễ cúng ông bà thường được tổ chức tại gia đình của người lớn tuổi nhất, nơi có bàn thờ tổ tiên. Thông thường thì lễ được tổ chức tại nhà của cha mẹ và tất cả gia đình, con cái sẽ tập trung đến để cùng làm lễ cúng ông bà. Tùy theo khả năng tài chính của mỗi gia đình thành viên mà người ta có thể đóng góp nhiều hay ít, có thể bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật (gạo, nếp, bánh trái… ). Người ta làm cỗ, thắp nhang đèn để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu xin vong hồn của họ được siêu thoát và van vái, cầu xin ông bà phù hộ. Một số nơi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, người Khmer vẫn còn giữ tập quán làm thuyền đưa lễ vật theo ông và và thuyền này được thả xuống sông. Sau đó, người ta mời lối xóm, bạn bè đến cùng nhau ăn uống, vui chơi cho đến tối… Tóm lại, qua nghi thức, thời gian và cách thức tổ chức lễ có thể thấy, hội lễ Đonta là sự kết hợp giữa hình thức lễ nghi nông nghiệp với lễ cúng tổ tiên và lễ xá tội vong nhân của đạo Phật (6). Tính chất của lễ nông nghiệp thể hiện qua thời gian tổ chức lễ gắn với thời kỳ lên đòng đòng của cây lúa (lúa chửa) với tục “đưa cơm cho lúa”… Tính chất tín ngưỡng thờ tổ tiên thể hiện qua hình thức dâng cúng lễ vật cho “bà ông” (Đonta) đã quá vãng và trên căn bản này mà lễ “xá tội vong nhân” của Phật giáo đã được hòa nhập vào lễ hội Đonta. Sự “hợp nhất” các ý nghĩa của lễ hội Đonta đã làm cho nó có tầm quan trọng trong hệ thống lễ hội cộng đồng của người Khmer nói chung.    
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
————————————-
(1) Thời gian nhập hạ là 3 tháng, kéo dài từ lễ Nhập hạ (Chol Vossa) vào ngày 15/6 âm lịch đến lễ Xuất hạ (Cheng Vossa) vào ngày 15/9 âm lịch.
(2) Sau khi kết thúc mùa nhập hạ, người Khmer còn tổ chức lễ “Dâng y” (Kathâna) cho các sư sãi đã nhập hạ. Lễ này được tổ chức vào một ngày tốt trong thời hạn một tháng sau ngày xuất hạ (từ 16/9 âm lịch đến 15/10 âm lịch).
(3) Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, Sđd, trang 95
(4) Sách trên
(5) Người Khmer ở Trà Vinh còn lấy một phần “bai banh” ở chùa đem về rải vào ruộng lúa đang trong thời kỳ lên đòng đòng sau khi làm lễ cúng đất thiêng (thway prah phum).
(6) Nguyễn Xuân Nghĩa, TLđd, trang 63 – 69

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét