Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Lễ tiến xuân ngưu ở đền Bạch Mã

Thế kỷ XIX, đền Bạch Mã thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương (nay là phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước đó, theo sách Việt điện u linh, năm 823, thời Bắc thuộc, viên quan đô hộ Lý Nguyên Gia xây La Thành, dựng ngôi đền thờ Tô Lịch là Thành Hoàng. Năm 866, Cao Biền mở rộng thành Đại La, phong Tô Lịch làm Đô phủ thành hoàng thần quân.
Sách Thăng Long cổ tích khảo ghi: Vua  Lý Thái Tổ cho xây thành Đại La, cứ đắp lại đổ, mấy tháng không xong. Một đêm nằm mộng thấy con ngựa trắng nói tiếng người mách bảo "nên cho đào một cái cừ thông sang sông Thiên Phù và Tô Lịch để mạch lưu thông, nếu không chỉ phí công". Tỉnh giấc, Vua bèn làm như lời ngựa trắng thì thành xây được. Khi xây xong có con ngựa trắng cứ hiện ở cạnh thành. Quân sĩ đuổi đi, ngựa chạy đến đền thờ Long Đỗ thì mất dấu. Vua cho đó là hiện thân của thần Long Đỗ bèn phong là Bạch mã Đại vương.
Đền được tu bổ lớn vào niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời Vua Lê Hy Tông. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), đền được tu bổ thêm. Và đến ngày nay, ngôi đền vẫn mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, gồm các tòa nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm, nhà hội đồng. Nổi bật nhất trong đền là thần Bạch Mã trang trọng ở gian giữa, hai bên là đôi hạc thờ rất đẹp mang dấu ấn nghệ thuật chạm đồng thời Nguyễn, nét chạm bay mà vẫn  thể hiện sự chắc khỏe. 15 bia đá là văn bản cổ quý giá cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự tích Thành hoàng của Thăng Long.

Lễ rước Thần Xuân Ngưu năm 2010.

Nằm ở phía đông của kinh thành, gần cửa sông Tô trên bến dưới thuyền tấp nập, nên đền Bạch Mã không chỉ trấn giữ và bảo vệ kinh thành từ phía đông, mà còn là nơi triều đình và quan quân của kinh thành ra tế lễ đầu xuân. Lễ tiến xuân ngưu có từ thời Lý, được nhà nước Đại Việt rất coi trọng. Văn minh lúa nước và cúng tế thần nông, trọng nông, coi con trâu làm đầu cơ nghiệp được thể hiện trong Lễ tiến xuân ngưu do triều đình tổ chức, mang tính quốc lễ mở đầu một năm xin trời cho mưa thuận gió hòa, muôn dân đất Việt làm  nông tang được mùa no ấm. Theo sách Việt sử lược, năm 1048, Vua Lý Thái Tông xuống chiếu định phép "Đả xuân ngưu". Mỗi năm, con trâu đất được nhuộm một màu ứng với năm đó theo thuyết âm dương ngũ hành. Đàn tế  được  lập  ở  cửa  Đông Hà (nay là ô Quan Chưởng), và  lễ  tế  được  tiến hành  đúng  giờ  Tý, đúng  tiết lập  xuân. Vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh vào con trâu, sau đó các quan vào cung dự yến tiệc. Tục khuyến nông và trọng nông được các triều vua gìn giữ, duy trì mãi sau này. Đến thời Lê, sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi rõ: Quan Phủ Doãn và hai quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức làm lễ xong thì cho dân đến rước trâu đất đến đền ở phường Hà Khẩu, nơi thờ thần Long Đỗ, vị Thành hoàng của Thăng Long. Hôm sau, quan Phủ Doãn đến lấy cành dâu đánh vào con trâu đất, đem vào sân điện nhà vua làm lễ tiến xuân ngưu, văn võ bá quan đều tới hầu lễ.
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc coi trọng Thần nông và nhớ ơn tiên tổ, ngày 12-2 âm lịch năm Canh Dần vừa qua, UBND phường Hàng Buồm và phường Phúc Tân cùng các tầng lớp nhân dân trong quận tái hiện lễ tiến xuân ngưu trong lễ hội đền Bạch Mã ngày 27 và 28-3-2010 (tức ngày 12 và 13-2 Canh Dần).
Náo nức chuẩn bị cho lễ hội, Thần xuân ngưu đã được những bàn tay khéo léo của bà con Hoàn Kiếm dựng cốt bằng khung tre, bồi giấy cứng, phết sơn đen với kích thước như con trâu thật. Sáng 12-2-2010 (âm lịch), nhân dân nô nức kéo về đền Bạch Mã rước Thần Trâu. Đi đầu là đoàn rước kiệu long đình, kiệu võng, kiệu bát cống, kiệu rước Thần Trâu... Tất cả các cỗ kiệu, cờ xí, chiếng trống... cuồn cuộn chảy trên đường phố cổ. Các cụ bô lão đóng vai Quan tri phủ và hai quan tri huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, một cụ bô lão đóng vai Thần Câu Mang (mục đồng) hộ tống, tay cầm cành tre, thi thoảng quất vào mình trâu trông thật ngoạn mục... tiếp sau là đoàn rước gồm 500 cụ bô lão, cựu chiến binh và thiếu nhi tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm từ Hàng Buồm qua Mã Mây đến vườn hoa Lý Thái Tổ làm lễ dâng hương trước tượng đài Vua Lý, sau đó, rước Thần Trâu  trở lại đền Bạch Mã làm lễ dâng hương, biểu diễn múa sư tử, múa rồng, múa sinh tiền rộn rã, tươi vui trước cửa đền.
Một mùa xuân nữa lại về trong niềm vui và hy vọng, phấn khởi của toàn dân. Và lễ hội đền Bạch Mã, lễ tiến xuân ngưu vẫn là điểm đến cho lữ khách, cho muôn con dân đất Việt tìm về đất Rồng thiêng của tâm thức dân tộc, để thắp nén hương thơm, nhớ câu thơ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải về sự linh thiêng của đền: "Lửa bốc ba lần không cháy đến/ Gió bụi một phen chẳng hề nghiêng".  
Bài và ảnh: Phạm Kim Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét