Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Lưu giữ nghề làm bánh truyền thống

Là đời thứ 3 nối nghiệp nghề làm bánh của ông bà, hiện nay gia đình ông Ap Do Rot Mal (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) được xem là hộ duy nhất còn lại của làng Chăm Châu Giang lưu giữ các món bánh truyền thống của dân tộc. Tuân thủ theo cách thức người xưa dạy, vợ chồng ông vẫn giữ nguyên phương pháp làm thủ công và chế biến bằng những vật dụng cổ truyền như lò đất, gáo dừa, diễm. Nhờ vậy, mùi vị trong từng chiếc bánh luôn được giữ lại nguyên vẹn.

Hàng ngày, gia đình ông Mal nhận đặt làm bánh theo yêu cầu của khách phục vụ trong ngày lễ, cưới hỏi và bỏ mối bán trong chợ. Với những Việt kiều trở về thăm quê hay khách nước ngoài đến tham quan, chỉ vài gói bánh nhỏ cũng trở thành món quà đặc biệt không gì ý nghĩa bằng.

Theo tục lệ của đồng bào dân tộc Chăm, chiếc bánh ngoài vai trò góp vui trong những bữa tiệc thết đãi khách còn là minh chứng thiết thực thể hiện sự khéo léo, đảm đang của cô gái Chăm và gửi gắm nhiều ý nghĩa thay cho lời chúc tốt đẹp đến với mọi người. Bà Amina (vợ ông Ap Do Rot Mal) giới thiệu với chúng tôi: “Người Chăm có nhiều loại bánh truyền thống lắm, cách làm cũng tương đối dễ, yêu cầu chung nhất là người làm bánh phải có chút khéo tay và sự kiên trì.

Còn những món đặc biệt dùng trong dịp mang tính trang trọng thì chỉ những thợ có tay nghề mới làm được thôi”. Mỗi ngày, gia đình ông bà làm trên 200 cái bánh các loại. Có rất nhiều khách từ xóm Chăm ở Châu Đốc, An Phú cũng đến đặt bánh gia đình Ap Do Rot Mal. Vừa duy trì nghề, ông bà truyền lại cho người con gái, hy vọng sau này không để các món bánh ấy phải thất truyền.

Theo bà Amina, để làm ra một chiếc bánh thơm ngon thì dù là loại đơn giản nhất cũng phải tuân theo những yêu cầu riêng có của chúng. Chẳng hạn như làm bánh Paicarah (tiếng Kinh gọi là bánh nghệ) phải cân đối giữa các thành phần: Bột gạo, đậu xanh, trứng, đường, khi chế biến chỉ nhúng qua dầu sôi (chứ không phải chiên) cho vừa có màu vàng mà vẫn giữ lại mùi thơm và độ mềm, xốp bên trong. Hoặc làm bánh Vayvah phải ép bột qua một miếng vải kate để lấy bột thật nhuyễn, khi nướng bánh mới giòn đều, không bị phồng rộp lớp vỏ ngoài.

Phức tạp hơn như làm Hapangư (bánh rừng), bánh tổ mối, tổ chim thì ngoài kỹ thuật còn phải canh vào ngày nắng, tiết trời thật khô ráo mới làm được. Tính từ lúc chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành chiếc bánh cũng mất đến 2 ngày. “Bột được ngâm và phơi kỹ thì bánh mới “dậy” (nổi) màu trắng, các “sợi cỏ” của tổ chim và lớp đường phủ bên ngoài được nở bung, ăn vừa giòn vừa ngon miệng”, bà Amina giải thích. Tùy theo từng dịp, mỗi loại bánh sẽ có tên gọi và ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Phổ biến nhất là bánh Hapangư, Paicarah, bánh tổ chim dùng trong những ngày cưới, ý chúc cho đôi vợ chồng trẻ tình cảm luôn ngọt ngào, gắn kết lâu bền, con cháu đầy đàn, hạnh phúc…

Để tăng thêm tính trang trọng trong ngày cưới, kích thước tất cả các loại bánh cũng sẽ được làm lớn hơn gấp 5, 6 lần so với bình thường. Do đó, đòi hỏi người thợ phải bỏ công sức ra nhiều hơn. Đáng tiếc là ngày nay không còn mấy ai mặn mòi với việc học làm bánh như trước nữa. Anh Mohammet, cán bộ ấp Châu Giang bày tỏ: “Những người biết làm bánh truyền thống trong làng Chăm hiện giờ chỉ còn các cụ bà thôi, sức khỏe họ cũng yếu lắm rồi, các cô gái mới lớn lên cũng không còn ai theo học. Sau gia đình của ông Mal, biết đâu chỉ trong nay mai, các món bánh này sẽ bị thất truyền mãi mãi…”.

Theo Báo An Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét