Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Miền Trà Vinh xanh

Mỗi lần đến thị xã Trà Vinh, phố xá không thu hút tôi bằng những cụm rừng già bao phủ chùa Âng, chùa Chamca cách nội thị chỉ năm sáu ki-lô-mét. Tôi gọi những cụm rừng ấy là rừng già vì chúng “già” thực sự.
Theo ngài Thượng tọa trụ trì bây giờ thì chùa Âng xây dựng năm 990 trong khuôn viên 36.000 mét vuông, giữa rừng sao, dầu, trong đó có một cây sao đen tính đến hôm nay đã 1.021 tuổi - bằng tuổi ngôi chùa. Nhưng qua sổ sách còn lưu lại, kể từ vị sư trụ trì đầu tiên, ngôi chùa được xây năm 1715, trùng tu năm 1982.
Miền Trà Vinh xanh, Du lịch, tra vinh, du lich trong nuoc, du lich viet nam, da ngoai, du lich tra vinh, du lich

Tôi thắc mắc vì sao có sự chênh lệch thời gian chùa ra đời những hơn 700 năm thì ngài Thượng tọa giải thích rằng, lịch sử của ngôi chùa và những cây sao, cây dầu lâu năm đều được ghi chép và giữ gìn cẩn thận.

Thượng tọa còn giải thích thêm, sở dĩ hơn một ngàn năm tuổi mà chỉ lớn bằng ba vòng tay người ôm vì giống sao đen lớn rất chậm, đến độ tuổi nào đó thì hầu như không phát triển, gỗ cứ đanh chắc lại.

Tôi tạm tin vào sự xác tín của ngài Hòa thượng, vì hàng trăm cây sao, cây dầu già cỗi, cao tận lưng trời, vỏ sần sùi, mốc thếch trong khuôn viên chùa Âng thuyết phục tôi, đặc biệt là cây sao đen được cho là hơn ngàn năm tuổi khác lạ với bao cây sao đen cổ thụ dọc Trường Sơn đã che chở bom đạn cho lính Giải phóng chúng tôi trong những năm chiến tranh giữ nước vừa qua.

Khác lạ bởi thân nó vặn xoắn lại, còn tàn cây thì thưa thớt, cô đơn trên bầu trời bởi chẳng có cây nào theo kịp chiều cao của nó.

Khu rừng chùa Âng tiếp giáp với ao Bà Om. Tương truyền rằng, ngày xửa ngày xưa, đàn ông người Khmer ở vùng đất này phải đi cưới vợ và làm chủ gia đình, cánh đàn bà không chịu vì cho là không công bằng, bàn cãi mãi, cuối cùng hai bên đồng ý thi đào ao.

Độ sâu, độ dài, rộng của cái ao dự định đào được chia làm hai phần bằng nhau, nếu bên trai đào xong trước thì có quyền cưới vợ, và ngược lại, bên gái thắng thì có quyền cưới chồng.

Đào đến lúc sao mai mọc, cánh đàn ông ỷ mạnh, vào sân chùa Âng ngủ, cánh đàn bà do một thôn nữ tên là Om chỉ huy vẫn miệt mài với cuốc, xẻng, ky, sọt. Mặt trời lên cao, phần ao bên gái đã xong mà cánh đàn ông vẫn chưa thức dậy. Thế là từ đó, người Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng bắt đầu có chế độ mẫu hệ.

Truyền thuyết thì thực hư có thể đan xen, nhưng rõ ràng, nhờ sự lao động miệt mài của người xưa mà bây giờ Trà Vinh có ao Bà Om, còn gọi là ao Vuông vì có hình vuông khá chuẩn, mỗi cạnh 200 mét, quanh năm ngát hương sen và rộn rã tiếng chim nước, bao quanh là hàng ngàn cây sao, cây dầu cao ngút tầm mắt.

Miền Trà Vinh xanh, Du lịch, tra vinh, du lich trong nuoc, du lich viet nam, da ngoai, du lich tra vinh, du lich
Ao Bà Om

Ao Bà Om là một thắng cảnh nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long, năm 1994 trở thành di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, và tất nhiên đây là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Trà Vinh có 141 chùa nằm rải rác khắp các huyện và thị xã với tổng diện tích khuôn viên 4,2 triệu mét vuông, lâu đời nhất là chùa Sam Bua xây năm 373 (?), ở huyện Cầu Kè, kế đến là chùa Cos (Châu Thành) xây năm 642, chùa Com Pong (thị xã Trà Vinh) xây năm 642, chùa Can Dal (huyện Cầu Kè) xây năm 773.

Có những chùa như chùa Thum (huyện Duyên Hải) có khuôn viên 150 ngàn mét vuông, chùa Kom Pong Chrây (thị trấn Châu Thành) có khuôn viên trên 60 ngàn mét vuông...

Chùa nhỏ nhất như chùa Duol Ta Thuk xây năm 1972 cũng có khuôn viên 4 ngàn mét vuông. Ngay cả những chùa mới xây thời gian gần đây như chùa Ô Trao (1993) có khuôn viên gần 5 ngàn mét vuông...

Liệt kê như thế có thể làm bạn đọc “mệt”, nhưng để thấy rằng, các chùa Phật của đồng bào Khmer Trà Vinh (chiếm gần 30% dân số của tỉnh) đã rất chú trọng đến cây xanh, tất cả các chùa đều nằm giữa những cụm rừng xanh tươi không thua gì đại ngàn Trường Sơn khi chưa bị tàn phá. Nếu tính ít nhất có 70% khuôn viên chùa là cây xanh thì các chùa của Trà Vinh có gần 300 ha rừng già.

Vì sao các chùa của đồng bào Khmer có nhiều rừng và rừng được giữ gìn tốt như vậy? Theo Đại đức Thạch Sang Thương - Chánh Văn phòng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Trà Vinh thì do ngày trước, các chùa được làm bằng gỗ quý nên nhu cầu về sao, dầu, vên vên... là rất lớn.

Để trùng tu hay sửa chữa, các chùa phải tự trồng các loại cây ấy, lâu ngày cây thành rừng; mặt khác, để tạo cảnh quan và bóng mát nên các vị chư tăng và Phật tử rất chú trọng chăm sóc cây xanh.

2. Thời nhà Nguyễn, Trà Vinh là một huyện thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long, được lập ra năm 1832. Thời Pháp đô hộ, toàn quyền Đông Dương lập ra tỉnh Trà Vinh với tỉnh lỵ là thị xã Trà Vinh vào ngày 1-1-1900, là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ bấy giờ.

Thị xã Trà Vinh bây giờ đã là thành phố, nhưng khu trung tâm, tức khuôn viên cách nay 111 năm vẫn um tùm xanh với trên 10 ngàn cây sao, dầu, ngạc ngựa, sến mũ, giá tỵ, vàng anh được trồng trên 20 tuyến đường, trong đó có gần 1 ngàn cây tuổi bằng tuổi thành phố, tức trên trăm năm.

Có nhiều tuyến đường, dân Trà Vinh quen gọi bằng tên các loài cây, như đường Hàng Sao (Lê Thánh Tôn), đường Cây Dầu (Nguyễn Thị Minh Khai), đường Hàng Me (19 tháng 5)...

Một người dân nội ô Trà Vinh có gần 10 mét vuông cây xanh, cao nhất nước và thành phố cũng như các huyện lỵ mấy năm qua đã trồng thêm hơn 6000 cây gỗ quý, nhiều nhất là ở thị trấn Tiểu Cần, Cầu Quan, Cầu Ngang, Duyên Hải.

Miền Trà Vinh xanh, Du lịch, tra vinh, du lich trong nuoc, du lich viet nam, da ngoai, du lich tra vinh, du lich
Một góc chùa Âng

Ngoài truyền thống trồng cây tạo cảnh quan và lấy gỗ của tất cả các chùa, sở dĩ Trà Vinh có nhiều rừng như vậy là do kết cấu địa tầng khá đặc biệt so với các tỉnh châu thổ sông Mê Kông với những giồng cát pha đan xen đất thịt, độ ẩm lại cao nên rất thích hợp với các loại cây cho gỗ tốt, đặc biệt là dầu rái và sao đen.

Ngoài những rừng cây của các chùa, Trà Vinh hiện có gần 1ngàn héc-ta sao, dầu do nhân dân trồng phân tán, có những nhà trồng thành khoảnh hàng ngàn mét vuông.

Dù đã giảm nhiều, nhưng hiện nay Trà Vinh còn 10 “sân chim”, tất cả đều ở trong khuôn viên các chùa. Có những sân chim như ở chùa Phno Duon (huyện Trà Cú) với hàng ngàn cò, vạc, còng cọc, sáo..., lại có những “sân chim” toàn dơi quạ không thua gì “chùa dơi” ở Sóc Trăng, như khuôn viên chùa Vel Lat (huyện Cầu Ngang)...

Quý bạn đọc chưa đến Trà Vinh, hãy hình dung, giữa đồng bằng mênh mông lúa và hoa màu, đây đó nổi lên những cụm rừng cao vời vợi, xanh biếc, chiều chiều chấp chới cánh chim, phía dưới là những ngôi chùa cổ kính đỏ thắm màu ngói, rực rỡ ánh vàng các họa tiết trang trí... để thả hồn mình phiêu diêu với cảnh sắc thiên nhiên, cảnh sắc do con người tạo ra mà yêu thêm Tổ quốc mình...
 
Theo Phương Hà (Doanh nhân Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét