Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Ngược nguồn rau dớn, cá niên…

Cá niên, rau dớn có đủ “dược tính tráng dương, bổ thận, mát gan…, cho đàn ông nở mặt và đàn bà trắng da, thắm thịt, săn chắc”. Lời đồn đại, không biết thiệt hư kia đã trở thành lực hấp dẫn du khách lên miền ngược- Trường Sơn!

Cá niên nhỏ, dài như cá đối, ăn rêu đá, thường bơi sát mép suối, khe quanh năm nước chảy. Rau dớn dài, mọc quanh khe đá.
Không cần đợi mùa. Khi những cơn lũ thượng nguồn chấm dứt từ cuối tháng 11, lộ ra con suối thanh sạch cho người hái rau, bắt cá. Cách hay nhất là xếp đá, chặt cây thả xuống thành đống lớn dưới đáy những đoạn suối sâu cho cá vào trốn rét. Sau đó, dùng lưới vây quanh đống cây bằng tấm mành mành đan bằng tre rộng. Lần lượt cây được ném ra ngoài, tấm mành thu nhỏ lại và cá quẫy đạp trên nước. Vài con cá niên tươi rói xiên qua cành cây bắc ngang đống lửa, khói đã nhóm từ trước. Mùi thơm bay điếc mũi…
Rau dớn ngọt, thơm, có thể xào, luộc chấm mắm cái hoặc nước cá niên kho. Ăn cá niên “đúng điệu” là nướng, luộc và kho gừng, nghệ. Cá rửa sạch bằng nước vo gạo, dùng que tre xiên dọc thân cá hơ trên bếp than hầm củi rừng, chừng vài phút.
Thực khách chỉ dùng bằng tay (phong cách ăn phản ánh thói quen ẩm thực của dân vùng núi, phảng phất đặc điểm ẩm thực của những con người hoang dã, sống dựa vào thiên nhiên), vặt lấy thịt cá săn chắc, chấm muối sống, ớt và tiêu rừng xanh, nhai và nghe vị đăng đắng, nồng cay của lòng cá. Lại hớp một chút men tà vạt màu trắng đục (loại rượu được chế biến từ thân cây đoác, theo một kỹ thuật riêng của người bản địa Cơ Tu). Vị rượu ngọt, mát lạnh (nghe đâu giải cảm, đau bụng... rất tốt) chưa kịp trôi xuống dạ dày đã thấy hương vị đất trời hoang sơ lâng lâng thấm vào hồn người du lãng.
Theo TÂM CA (Quảng Nam Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét