Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Nguyễn Trãi với 7 tên trộm

Thời Lê Thái Tông (1434 – 1442), dân số nước ta có chừng năm triệu rưỡi dân mà có 7 tên tái phạm tội trộm cắp, số lượng ấy xem ra chẳng đáng gì, nhưng thời ấy thì đã đủ làm cho triều đình bối rối. Mới hay, sử thần xưa ca ngợi thời ấy là thời thái bình thịnh trị, kể cũng chẳng ngoa...

Đầu đời Lê Sơ, tội trộm cướp bị xử rất nặng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ đang bừng bừng khí thế của một cuộc hồi sinh, khắp cõi, già trẻ gái trai ai ai cũng được nhà nước chia cấp ruộng đất để làm ăn, nhà nhà đều có chút sản nghiệp. Tuy nhiên, thời nào mà chẳng có bọn bất lương. Năm 1434, triều đình Lê Thái Tông đã phải xử một lúc 7 tên tái phạm tội trộm cắp. Số lượng khá nhiều ấy đã khiến cho các bậc quan lại có phần bối rối. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 16, tờ 11) chép:

“Có bảy tên cùng tái phạm tội ăn trộm, tất cả đều đáng bị tử hình. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ vì phải giết một lúc quá nhiều người. Nhà vua (biết vậy) bèn mang việc này hỏi quan thừa chỉ là Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi – ND) (Lê) Trãi thưa rằng:

- Dùng hình phạt chẳng bằng dùng nhân nghĩa, sự ấy đã quá rõ. Như bây giờ mà đem một lúc bảy người ra giết thì sợ đó không phải là việc làm của người có đức lớn. Kinh thư có nói “An nhữ chỉ” nghĩa là phải thuận theo chính đạo mà đặt mình đúng chỗ chí thiện. Ví như vua ở trong cung, đấy là đúng chỗ của nhà vua, thảng hoặc có tuần du đây đó thì sự thoải mái thường không như ở trong cung. Vua về cung, đấy là về đúng chỗ. Ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy. (Vua phải dùng nhân trị, đấy mới đúng là phép trị dân đích thực của vua).

Bọn Sát bèn nói với Lê Trãi:

- Ông thực là người nhân nghĩa, đủ sức để cảm hóa kẻ ác thành kẻ thiện. Đây, xin giao hết cho ông bọn trộm này.

Nói rồi, bọn Sát đem cả 7 tên tội phạm giao cho Lê Trãi bảo quản. Lê Trãi nói:

- Bọn chúng là lũ hung ác, gian xảo. Phép nước còn không răn chúng chừa được. Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa chúng?

Sau, triều đình chỉ chém hai tên cầm đầu, còn thì khép vào tội lưu”.

Lời bàn: Thời Lê Thái Tông (1434 – 1442), dân số nước ta có chừng năm triệu rưỡi dân mà có 7 tên tái phạm tội trộm cắp, số lượng ấy xem ra chẳng đáng gì, nhưng thời ấy thì đã đủ làm cho triều đình bối rối. Mới hay, sử thần xưa ca ngợi thời ấy là thời thái bình thịnh trị, kể cũng chẳng ngoa.

Xã hội đúng là thái bình, nhưng xem ra, nội bộ triều đình đã có dấu hiệu của sự bất ổn. Các bậc đại thần đá việc cho nhau rồi lại còn mắng xéo lẫn nhau, coi bộ cũng đã trên mức bình thường. Triều đình chém hai tên đầu sỏ và coi là đã đủ để răn thiên hạ, còn triều đình, biết lấy gì răn đây?
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét