Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Những con phố ngắn nhất Hà Nội

Nếu những con phố có chiều dài dưới 100m có thể gọi là "phố siêu ngắn" thì ở Hà Nội có cả chục con phố như vậy.
Trong số những điều thú vị của phố phường Hà Nội, không thể không nhắc đến những con phố có chiều dài rất "khiêm tốn". Những con phố này ngắn tới mức mà người qua phố chỉ cần lơ đãng một chút, họ đã bước chân sang con phố kế tiếp từ lúc nào không hay. Dù rất ngắn, nhưng tất cả các con phố này đều có một lịch sử khá lâu đời và mang dấu ấn riêng của mình. Đó lại là một điều thú vị nữa...  Dưới đây là những con phố ngắn nhất của thủ đô Hà Nội:
Phố Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) dài 52m là phố ngắn nhất Hà Nội. Phố nối phố phố Cầu Gỗ với phố Đinh Tiên Hoàng, nhìn thẳng sang hồ Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Phiharmonique. Ngoài ra, phố còn có một cái tên dân gian là ngõ Hàng Chè. Ngày nay phố nổi tiếng với món nộm thịt bò khô, được coi là một đặc sản của Hà Nội.
Dài hơn phố Hồ Hoàn Kiếm một chút, phố Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm) chạy từ phố Đinh Lễ tới phố Tràng Tiền. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Jules Boissiere. Với nhiều hiệu sách, ngày nay phố là điểm đến của những người yêu đọc sách ở Hà Nội.
Phố Lê Văn Linh (quận Ba Đình) dài 65m, nối phố Phùng Hưng với phố Lý Nam Đế. Phố vốn là dãy hào chạy dọc tường phía Đông thành cổ bị lấp đi, thời Pháp thuộc có tên là phố Tướng Nogrès (Général Nogrès). Hiện thời, một chợ tạm dành cho các hộ kinh doanh ở chợ Hàng Da cũ được dựng lên giữa phố.
Phố Đông Mác (quận Hai bà Trưng) dài 60m, nằm ở đoạn cuối phố Lò Đúc, một đầu thông ra đê Trần Khát Chân. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố 335. Đông Mác nguyên là tên một cửa ô nằm ở vị trí này, đến năm 1994 được đặt cho phố.
Phố Hàng Bút (quận Hoàn Kiếm) dài 68m cắt ngang phố Thuốc Bắc và phố Bát Sứ. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Combanère. Phố chuyên bán giấy vở,  bút mực, bút lông cho học sinh sau năm 1945 phố được đổi tên thành phố Hàng Bút.
Phố Đông Thái (quận Hoàn Kiếm) dài 70m, chạy từ ngã ba Trần Nhật Duật – Chợ Gạo đến phố Mã Mây. Thời xưa phố được dân gian gọi là ngõ Hàng Trứng, đến thời Pháp thuộc được gọi là ngõ Đông Thái. Ngày nay được gọi là “phố”, nhưng Đông Thái vẫn mang dáng dấp của một ngõ nhỏ với lòng đường khá hẹp.
Phố Chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm) dài 75m, nối phố Trần Nhật Duật với phố Đào Duy Từ. Thời Pháp thuộc phố có tên là Quảng trường Thương mại (Place du Commerce). Phố vốn là nơi họp chợ buôn bán thóc gạo với cả một nhà kho lớn chứa gạo nên sau này được đổi tên thành phố Chợ Gạo.
Phố Ô Quan Chưởng (quân Hoàn Kiếm) dài khoảng 75m, kéo dài từ cửa Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, nằm cuối phố Hàng Chiếu ra đường Trần Nhật Duật. Thời Pháp thuộc phố có tên là Nattes en Joncs (phố Hàng Chiếu Cói).
Phố Mai Xuân Thưởng (quận ba Đình) dài 80m, nối phố Thuỵ Khuê với phố Hoàng Hoa Thám. Phố này là một đoạn cũ của dãy hào ở góc Đông Bắc thành Thăng Long thời Nguyễn. Thời Pháp thuộc phố có tên là Hậu Quân Chất.Tên Mai Xuân Thưởng được đặt từ sau năm 1945.
Phố Tô Tịch (quận Hoàn Kiếm) dài 96m, đi từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai. Thời Pháp thuộc phố được gọi là ngõ Tô Tịch (Ruelle de Tô Tịch). Từ một ngõ nhỏ chật hẹp, Tô Tịch được mở rộng thành phố từ thập kỷ 1920. Trên phố có nghề thủ công truyền thống là nghề tiện gỗ, đến nay vẫn tồn tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét