Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Những 'hồ tình nhân' đẹp lạ lùng

,
Dù toạ lạc giữa trung tâm hay nằm ở ngoại ô, các hồ ở Đà Lạt luôn gắn với những truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa.

Hồ Xuân Hương

Toạ lạc ngay trung tâm Đà Lạt, hồ Xuân Hương được xem như "nét duyên" không thể thiếu của thành phố sương mù. Hồ có hình trăng lưỡi liềm kéo dài gần 7 km đi qua nhiều địa danh du lịch như vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù...


Một góc Hồ Xuân Hương.

Vào buổi sáng hay chiều, mặt hồ được phủ những làn sương sớm, tiếng chim ríu rít. Khi đêm đến, hồ thơ mộng với những ánh đèn hắt ra từ các quán ven đường. Du khách có thể thả bộ dọc hồ, đi xe ngựa hay rong ruổi trên xe máy, quanh hồ.

Hồ Xuân Hương 
Nằm ngay trung tâm thành phố, ở độ cao 1.477m, Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quy tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu.

Năm 1919, từ sáng kiến của viên Công sứ Counhac, kỹ sư công chánh Labbe đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ. Đến năm 1923 lại xây thêm một đập nữa ở phía dưới tạo thành hai hồ.
Do ảnh hưởng của cơn bão tháng 3 năm 1932, cả hai đập đều bị vỡ. Mãi đến năm 1934-1935 một đập lớn bằng đá mới được kỹ sư Trần Đăng Khoa thiết kế xây dựng phía dưới hai đập cũ tạo thành một hồ lớn - người Pháp gọi là Grand Lac. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo lúc này là Phạm Khắc Hoè vẫn được dân địa phương xưng gọi “Ông Đạo”, nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là cầu Ông Đạo, còn tồn tại đến ngày nay.

Hồ có chu vi 5.000m, rộng 25ha với hình dạng trăng lưỡi liềm. Mặt hồ phẳng lặng như tấm gương soi bóng những tán tùng già cỗi, những hàng liễu rũ thướt tha và sẽ đẹp hơn khi mùa xuân về, lúc những cánh anh đào nở rộ một màu hồng rực rỡ khiến mặt hồ bừng lên như đôi má cô gái Đà Lạt tuổi xuân thì.
Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19 Hồ Xuân Hương.

Hồ Than Thở

Hồ Than Thở cách trung tâm thành phố 6 km về hướng Chi Lăng. Thời Pháp, tên hồ là Las des Soupirs. Sau 1976, hồ có tên là hồ Sương Mai, nhưng du khách vẫn gọi là hồ Than Thở.


Hồ uốn lượn giữa những triền thông.



Vị trí: Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương.
Đặc điểm: Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.
Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”

Sở dĩ nổi tiếng là vì hồ nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Và cho đến nay vẫn còn câu chuyện Thảo - Tâm cùng ngôi mộ của người con gái xấu số tên Thảo lạnh lẽo ở Đồi thông 2 mộ (từ ngoài vào phía tay trái khu du lịch).
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp. 

Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay.

Hồ Tuyền Lâm

Hồ Tuyền Lâm cách Ðà Lạt 5 km. Hồ bắt nguồn từ dòng suối Tía huyền thoại và nằm gọn gàng giữa rừng thông mênh mông. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rải rác giữa hồ là những đảo nhỏ xanh ngát.

 
Nét thơ mộng của hồ.

Vào những ngày đẹp trời, dùng cano hay thuyền buồm du ngoạn trên mặt hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đồi thông xanh mởn, những sườn đồi thoai thoải. Nếu thích, du khách có thể tạt vào một hòn đảo bất kỳ, giăng võng ngủ giữa rừng thông hay thưởng thức những đặc sản núi rừng hoặc thủy sản được đánh bắt dưới hồ.

Tại hồ hiện có tour khám phá hồ 1 ngày với các dịch vụ như khám phá hồ bằng thuyền, thưởng thức đặc sản với mức giá 250 - 300 ngàn đồng.

Hồ Đan Kia

Hồ Đan Kia cách trung tâm Đà Lạt 12 km về phía Bắc. Đây là nơi năm 1893, bác sĩ A.Yersin ngây ngất trước vẻ đẹp của cao nguyên Langbiang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghỉ dưỡng, tiền thân của thành phố Đà Lạt ngày nay. Có bề dày lịch sử như thế nhưng địa danh du lịch này chỉ được đưa vào phục vụ du khách trong thời gian gần đây. Hồ đẹp như một nàng sơn nữ còn say ngủ dưới rừng thông. Phía dưới hồ Đankia có một thác nước, gọi là thác 7 tầng. Vào mùa này, thềm thác rộng và hùng vĩ.


Hiện tại hồ không có bất kỳ một dịch vụ du lịch nào. Du khách muốn đến hồ, phải chuẩn bị thức ăn nước uống. Không nên ở lại hồ vào ban đêm nếu ít người.

Hồ Đa Nhim

Hồ Đa Nhim nằm trên con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt, thuộc huyện Đơn Dương, cách thành phố Đà Lạt 40km về hướng đông.



Hồ Đa Nhim có diện tích 9,7 km², ở độ cao xấp xỉ 1.042 m. Hồ Đa Nhim ẩn mình dưới những rạng thông xanh, mềm mại với những nếp lượn trông như một mặt gương bao la. Khi gió dừng thổi, mặt hồ không một gợn sóng. Lúc trời mưa, mặt hồ như những giọt nước nhảy múa theo một khúc nhạc sôi động.

Theo Zing/BĐVN

Hồ Suối Vàng 
Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng Bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ngẩng ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ để sau này đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng nơi đây.

Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian; cạnh đó là một thác nước trắng xóa cũng mang tên Ankroet - thác này đã được toàn quyền Decoux chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt vào năm 1942.
Hồ Suối Vàng có sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất năm đạt 15 triệu kw/h.
Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000m3/giây, với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng đã xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết.

Dankia - Suối Vàng ngày nay đã được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó. Trong một tương lai không xa nơi đây cùng với khu vực Tuyền Lâm sẽ là một đối trọng của Đà Lạt hiện nay đã bị bê tông hóa tràn lan đến bực bội. Một liên doanh gồm một bên là Tỉnh Lâm Đồng và một bên là Singapore đã có kế hoạch đánh thức nàng sơn nữ Dankia với hàng trăm hạng mục lớn nhỏ sẽ được dựng lên bên hồ, trên hồ và giữa những đồi thông, thảm cỏ mượt mà … chúng ta có quyền hy vọng nơi đây sẽ đem lại sức hấp dẫn quyến rũ cho một vùng đất huyền thoại luôn làm say đắm biết bao khách viễn du
Mộng mơ hồ Than Thở.

Một góc hồ Than Thở - Ảnh: Đào Tấn Trực
Một góc hồ Than Thở - Ảnh: Đào Tấn Trực 

Đến Đà Lạt - thành phố của ngàn hoa với những điểm tham quan du lịch tuyệt đẹp, trong đó không thể bỏ qua một địa điểm gắn liền với những câu chuyện tình yêu dang dở được lưu truyền trong dân gian. Đó là hồ Than Thở.

Ngày xưa, nơi này là hồ nước tự nhiên, đầu thế kỷ 20 người Pháp xây dựng thành hồ chứa nước rồi đặt tên Lacdes Soupirs, nghĩa là tiếng rì rào hay than thở. Ngoài ra, người địa phương có một thời kỳ còn nhắc đến hồ với tên gọi Sương Mai có hàm ý những hạt sương buổi sớm tinh mơ. Tuy nhiên, Than Thở vẫn là tên gọi mà người bản địa và du khách nhớ nhiều nhất.
Từ trung tâm thành phố về hướng đông nam khoảng 6 km là đến nơi. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt là một hồ nước rộng nằm bên phải con đường quanh co dẫn vào khu đồi thông cao vời vợi. Khi vào cổng chính, đứng trên đồi thông, phóng tầm mắt về phía mặt hồ sẽ thấy nước in bóng ngàn thông trông như một chiếc gương phẳng chiếu. Xung quanh tứ phía toàn là thông. E chừng những rừng thông này đã hàng trăm năm tuổi. Dưới thông là những thảm cỏ xanh mượt và ẩn hiện trên từng triền dốc cao thấp mấp mô là những khóm hoa tú cầu, hoa mimosa, hoa penseé… đủ màu, làm không gian rợp sắc nước hương trời.
Cùng với cảnh đẹp, không gian nội cảnh hồ Than Thở cũng rất sống động. Thi thoảng, bên bờ hồ, trên những con đường quanh co trong rừng thông là những chiếc xe ngựa bên cạnh người xà ích làm du lịch nhiệt tình đưa khách đi tham quan. Dưới lòng hồ là những chiếc xe đạp nước chở từng đôi bạn nói cười rộn rã. Có thể nói, cùng với những câu chuyện tình dân gian được lưu truyền như chuyện của Hoàng Tùng và Mai Hương ở thế kỷ 18, chuyện đồi thông hai mộ… hợp cảnh hồ Than Thở có được những nét hài hòa đặc sắc nên nơi này ngày càng có nhiều du khách đến tham quan như một điểm hẹn hằng năm.
Đẹp, hay và hài hòa như thế nên khi du khách đến thưởng ngoạn và rời khu du lịch hồ Than Thở đều thuộc lòng hai câu thơ: Đà Lạt có thác Cam Ly/Có hồ Than Thở người đi sao đành.
Đào Tấn Trực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét