Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Oản đường Hàng Giầy – tinh hoa quà Tràng An

Thuần khiết, tinh khôi chỉ với gạo và đường cát trắng, oản đường Hàng Giầy trở thành thứ bánh quí, tinh khiết dâng lễ Phật trong các ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc.
Cuộc sống hiện đại, trái cây, bánh kẹo nội ngoại tràn lan các siêu thị, chợ lớn, có một thứ bánh giản dị, khiêm nhường như chính tên gọi của nó, hàng trăm năm nay vẫn ngát thơm đất Hà Nội, đó là oản đường.
Từng xuất hiện ở Hà Nội trên 150 năm, oản đường không chỉ là một thứ bánh thơm, ngon, được người già, em nhỏ yêu thích, thứ bánh này còn rất được chuộng trong các ngày lễ đem dâng cúng tổ tiên, thần thánh, cúng Phật. Bởi, theo quan niệm của người Việt, oản thanh khiết, trắng trong, chỉ làm từ gạo nếp và đường trắng, không vẩn bụi trần, mang cả tinh hoa trời đất vào chiếc bánh.
Oản đường Hàng Giầy, tinh hoa quà Tràng An.
Oản đường Hàng Giầy, tinh hoa quà Tràng An.
Cửa hàng oản đường 66 Đồng Xuân giờ đã không còn,  Hà Nội chỉ còn gia đình cụ bà Đoàn Thị Tuyết (năm nay đã 80 tuổi) ở phố Hàng Giầy cùng các con cháu theo nghiệp tổ cha ông làm oản. “Nghệ nhân oản” chia sẻ, đến đời con gái cụ, cô Đỗ Tuyết Loan, ngoài 40 tuổi, gia đình đã làm oản đến đời thứ 4. Không gian phố cổ chật hẹp, nên mấy năm nay ở Hàng Giầy chỉ còn là nơi bán hàng, không còn đóng oản. Các con của bà Tuyết đã lập xưởng sản xuất riêng ở phố Trần Khát Chân, theo đúng bí quyết được cha ông truyền lại.
Cụ bà Đoàn Thị Tuyết cho hay, chiếc oản của đất Tràng An thơm ngon, tinh khiết không làm từ bất cứ nguyên liệu nào khác, ngoài nếp cái hoa vàng, đường cát tinh luyện và hương hoa bưởi. Để có lãi nhiều hơn, oản ở nhiều nơi  người ta cho thêm bột khoai, bột tẻ, nhưng bà Tuyết cho biết, đây lại là một điều cấm kị của oản Hàng Giầy. Nếp cái hoa vàng rang chín, đem xay nhỏ, mịn. Đường cát trắng tinh luyện đem nấu với nước theo tỉ lệ thích hợp rồi để cho nguội (bước này gọi là hoán đường). Đường hoán xong, để nguội rồi cho vào với bột, rắc hương hoa bưởi, rồi cán đều. Cán bột với đường bằng cái lăn gỗ cho tới khi bột, đường bông tơi lên như bỏng. Cuối cùng chỉ việc đóng khuôn.
Khuôn đóng oản đường Hàng Giầy bằng gỗ, theo nhu cầu của người đi lễ chùa, có đến 10 loại khuôn to khuôn nhỏ khác nhau, khuôn to nhất cho chiếc oản đến 15kg.
Cụ bà Đoàn Thị Tuyết bên những khối oản lớn nhỏ khác nhau.
Cụ bà Đoàn Thị Tuyết bên những khối oản lớn nhỏ khác nhau.
Cô Đỗ Tuyết Loan- con gái “nghệ nhân oản” bên chiếc oản vừa đóng gói..
Cô Đỗ Tuyết Loan- con gái “nghệ nhân oản” bên chiếc oản vừa đóng gói.
Chiếc oản sau khi ra khỏi khuôn, trắng muốt, thơm ngào ngạt hương bưởi, đóng vào giấy bóng kính ngũ sắc xanh, đỏ, vàng, hồng hay trắng, dán một cái tem vàng trên đỉnh, thế là xong những chiếc bánh cổ truyền dân tộc Việt.

Nghe đơn giản, nhưng với cô Tuyết, người kế nghiệp làm oản đường Hàng Giầy, công việc “hoán” đường là quan trọng nhất khi làm oản. Đường không đủ độ ngọt, không đủ độ kết dính, thế là hỏng hết cả mẻ oản. Chiếc oản đóng ra phải chắc, không vỡ vụn, nhưng đảm bảo khi ăn sẽ dẻo thơm vị gạo nếp mới, vị của hoa bưởi vườn nhà, ngọt thanh mà không hề chua, mềm dẻo mà không ngán.
Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét