Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Độc đáo những làng cổ mang tên 'Kẻ' ở Hà Nội

Trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, những làng có từ “Kẻ” được coi xuất hiện sớm nhất. Có thể coi đó là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước và có tuổi đời khoảng 2.000 năm.

Đất Việt giới thiệu một số làng cổ có tên bắt đầu bằng chữ "Kẻ" tiêu biểu ở Hà Nội:
Kẻ Bưởi
Kẻ Bưởi xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha… Các bậc tiền bối kể lại rằng, xưa kia, bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi.
Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công nổi tiếng: dệt lĩnh, làm giấy.  Trải qua nhiều đời, nghề làm giấy ngày càng phát triển, thiên hạ quen gọi là "giấy Bưởi". Thực ra, không phải cả tổng Bưởi làm giấy mà chỉ riêng có ba thôn làm nghề này: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã. Nhờ nghề làm giấy phát đạt  Kẻ Bưởi từ một vùng lầy trũng của sông Nhị Hà, một bãi tha ma sau này đã trở thành một vùng dân cư sầm uất.

Hà Nội xưa...

Kẻ Đơ
Đơ Thao hay Kẻ Đơ là tên nôm của làng Triều Khúc ngày nay. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Triều Khúc là một xã thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội; năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ; năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Trong kháng chiến chống Pháp, xã thuộc huyện Liên Nam tỉnh Hà Đông. Hòa bình lập lại thuộc huyện Thanh Trì. Từ tháng 6/1961, làng nhập với làng Yên Xá thành xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Triều Khúc nổi tiếng là làng thủ công của đất Thanh Oai (Hà Đông) xưa với nghề dệt thao. Ngoài ra, dân làng còn nổi tiếng bởi nghề đi khắp nơi thu lượm lông gà, lông vịt về phân loại, làm sạch, phơi khô. Từ các nguyên liệu này, mọi người trong nhà, mỗi người mỗi việc làm thành khá nhiều sản phẩm.

Ngày nay, truyền thống “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của Triều Khúc vẫn được phát huy và mở rộng thành nhiều nghề khác, có sự “phân công“ theo các dòng họ, như họ Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ và mũ phục vụ lễ hội và cả quân đội; họ Nguyễn Hữu lại chuyên về dệt thảm, trang trí nội thất với những mặt hàng được cả khách hàng ở nhiều nước đến mua…

Kẻ Đáy
Kẻ Đáy là tên nôm của làng cổ Hòa Mục, nép mình ven sông Tô Lịch thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây vốn là phần đất thuộc vùng Mọc (cũ), có tên chữ là Nhân Mục.
Với 20 thế kỷ tồn tại, Hòa Mục không những chứng kiến bao thăng trầm biến cố của lịch sử dựng nước và giữ nước, mà còn là chứng tích của những trận chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Theo thần tích và lưu truyền dân gian, vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh của các tướng Hai Bà Trưng với quân Mã Viện. Có hai nữ tướng của Hai Bà Trưng hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô ả. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705) ghi việc trùng tu miếu.
Thần phả của đền chép, thời vua Mai Hắc Đế chống giặc Đường, có Hoàng hậu Phạm Thị Uyển lãnh một đạo thủy binh đánh nhau với tướng giặc Dương Tư Húc trên sông Tô. Sau ngày thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) rồi kinh đô Vạn An (Nghệ An ngày nay) của nhà Mai lần lượt thất thủ, đất nước lại rơi vào đêm dài Bắc thuộc. Ngôi miếu cạnh sông Tô Lịch vẫn đượm khói hương, nhưng câu chuyện về Hoàng hậu này hầu như mấy ai còn biết đến!?
Chợ Bưởi thuộc Kẻ Bưởi ngày nào. (Ảnh tư liệu)

Sử làng Hòa Mục còn ghi lại rằng, những năm đánh giặc Minh, có lần thua trận đang đêm vượt sông Tô Lịch, Lê Lợi nghỉ chân qua đêm tại ngôi miếu hoang cạnh bờ sông Tô ấy. Lê Lợi được một phụ nữ báo mộng: “Ta là Hoàng hậu nước Nam, năm xưa đánh giặc phương Bắc, tử trận trên sông, được thờ ở miếu này. Ta sẽ âm phù cho ngài chống giặc, giành lại non sông về cho người nước Nam”...

Kẻ Giàn
Kẻ Giàn chính là làng Trung Kính Hạ, một làng thuần nông giỏi thâm canh nên có năng suất lúa rất cao. Làng Trung Kính vốn từ làng Kính Chủ tách ra. Theo thần phả và truyền thuyết, vào đời Hùng Duệ Vương, Kính Chủ đã là một trang đông đúc, cảnh đẹp, dân sống ổn định. Khi trong nước có giặc phía Tây xâm lấn, có ông Hùng Nộn người dòng dõi vua, làm chủ trưởng Ô Châu đã đem quân đến đóng ở Kính Chủ để làm một điểm phòng ngự chống giặc.
Ông lấy người con gái trong trang là Nguyễn Thị Cẩn (Cẩn Nương), đẹp người, đẹp nết làm vợ. Về sau, hai ông bà dẫn đại quân (trong đó có 142 trai tráng của trang) ra trận đánh giặc phương Bắc xâm lấn. Giặc tan,  Hùng Nộn được phong làm Bảo Quốc hầu, rồi Bảo Quốc công, cho lập dinh cơ ở giữa cánh đồng, trên một khu đất cao gọi là Gò Đường. Dân làng Kính Chủ cũng theo ra đó lập trại. Sau đó, người các nơi, đông nhất là người các làng Yên Quyết (Cót), An Thọ cũng đến sinh sống đông dần, trở thành làng mới gọi là làng Giàn, tên chữ là Trung Kính Hạ, cùng với thôn Thượng hợp thành xã Trung Kính (từ đầu thế kỷ 19 trở đi thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức; năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội). Năm 1926, dân số của cả xã Trung Kính là 1531 người. Dân đinh của làng Giàn chia làm ba giáp (Nhất, Đông, Cả).
Kẻ Mọc
Kẻ Mọc xưa là những thôn làng nằm trên bờ Nam Tô Lịch, phía ngoài luỹ thành đất Thăng Long. Thời chưa có đường nối từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông, con đường lên Kinh Thành (từ Thanh Oai, Hoà Bình lên Thăng Long) chạy qua giữa Nhân Mục Môn, có chiếc cầu Nhân Mục Kiều bắc qua sông Tô Lịch.
Tại Nhân Mục Kiều này từng diễn ra ba trận thắng giặc phương Bắc, là hai trận vua Lê Thái Tổ thắng quân Minh năm 1426, và trận vua Quang Trung thắng quân Thanh năm 1789. Từ khi mở quốc lộ từ Ngã Tư Sở đi qua Nhân Mục Cựu nằm trong cuộc đô thị hoá nhanh chóng. Và dần dần, ít người biết đến Nhân Mục Kiều (tên nôm là Cầu Mọc), bởi cầu mới qua sông Tô thuận lợi và đông vui. Cũng do vậy, Nhân Mục Cựu gần như không được coi là Kẻ Mọc nữa.
Nói đến Kẻ Mọc, người ta thường nghĩ đến Nhân Mục Môn. Các làng Mọc của Nhân Mục Môn vẫn giữ được nhiều nét quê truyền thống và nhiều di tích lịch sử. Thôn Giáp Nhất xưa có tên là Lý Thôn. Ông Nguyễn Trung, người Lý Thôn đỗ khoa thi Hội năm Quý Mùi 1583, là người khai khoa của Kẻ Mọc, nên Lý Thôn quê ông được gọi là Giáp Nhất. Đến nay, Giáp Nhất còn giữ được ngôi chùa Giáp Nhất cổ kính cùng với đình Giáp Nhất, là cụm di tích lịch sử văn hoá đẹp uy nghiêm. Tiếc thay, Giáp Nhất không còn giữ được Văn chỉ. Và ao Nghè là ao đẹp nhất thôn có người đỗ tiến sĩ đầu tiên trong vùng, dấu tích của một vùng quê hiếu học, cũng không còn giữ được trong thời kỳ đô thị hoá ồ ạt vừa qua.
Kẻ Noi
Theo Từ điển Hà Nội - địa danh, xã Cổ Nhuế xưa có tên Nôm là Kẻ Noi, thuộc tổng Cổ Nhuế phủ Hoài Đức. Thời Pháp thuộc, trước năm 1942, sau khi bỏ cấp tổng, Cổ Nhuế gồm 3 xã (thời nhà Nguyễn) là Trù Đống, Hoàng (còn gọi là Cổ Nhuế Hoàng), Viên (còn gọi là Cổ Nhuế Viên). Năm 1945, 3 xã này thuộc quận 5 ngoại thành. Tới năm 1961, xã Cổ Nhuế được thành lập, các xã cũ trở thành thôn…, là một xã của huyện Từ Liêm cho đến nay.
Kẻ Noi xưa là làng nông nghiệp, có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi. Song đến năm ất Mão niên hiệu Duy Tân (1915), đê Liên Mạc bị vỡ làm phần lớn đồng ruộng của nơi đây bị cát bồi lấp, từ chỗ cấy được hai vụ đến đây chỉ cấy được một vụ mùa, còn vụ chiêm phải chuyển sang trồng ngô, khoai lang xen đậu đỗ các loại. Từ năm 1920, do sản xuất nông nghiệp bị sút kém nên dân hai làng đã tìm học được nghề may để sinh sống. Từ một vài nhà ban đầu, đến năm 1935 cả hai làng đã có vài trăm hộ làm, rồi lan sang cả xã. Rất đông thợ may của hai làng vào nội thành may thuê cho các nhà thầu hoặc may quần áo cho binh lính, nhiều người có vốn mở hiệu may riêng. Một số chủ hiệu thợ may ở phố Hàng Trống phải lấy tên một thợ may giỏi người Cổ Nhuế làm tên cửa hiệu của mình để thu hút khách hàng…
Kẻ Vẽ
Làng Đông Ngạc (tên nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, tên chữ là Đông Ngạc) là một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học là người làng. Làng còn nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem ("giò Chèm, nem Vẽ"), làm quang gánh, nặn nồi đất...
Làng hiện còn trên 100 ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, trong đó có nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu. Nhà thờ Đỗ Thế Giai, một quan chức cao cấp thời Lê Trịnh là nơi còn giữ được khá nhiều những di vật có giá trị, là ngôi nhà được chọn làm bối cảnh quay nhiều phim truyện, phim truyền hình.

Ngoài những ngôi làng kể trên, quanh thành Thăng Long xưa còn rất nhiều ngôi làng cũng bắt đầu từ chữ "Kẻ" như: Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo...
Vân Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét