Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Phần thưởng của Bùi Thì Hanh

Ngày 25 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), vua Lê Thái Tông tiến hành thăng chức nhất loạt cho cả ngàn quan lại. Ngày hôm đó, quan Nội mật gọi tên để cấp sắc liên tục từ sáng đến trưa mà vẫn chưa hết. Có lẽ vì cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để được ban thưởng, cho nên, quan Thái sử Bùi Thì Hanh đã lập kế để được thưởng thêm.
Chuyện này xảy ra vào ngày 1 tháng 5 năm Giáp Dần, đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 9-a) chép lại như sau:
“Trước đó, Thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1 tháng 5 sẽ có tinh khí con vượn đen ăn mặt trời nên sẽ có nhật thực, mà có nhật thực thì nhất định trong nước sẽ có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem về giết để trấn yểm thì mới mong tại qua nạn khỏi.
Quan Đại Tư đồ là Lê Sát rất tin, bèn tâu xin cho quan lại ở các trấn như Tuyên Quang, Thái Nguyên phải đốc thúc dân săn lùng vượn khắp núi rừng để đem về kinh. Bởi thế, vượn, khỉ… bị bắt, đóng cũi đưa về nườm nượp, đếm không xuể. Đến ngày ấy (tức ngày 1 tháng 5), Vua nghỉ chầu, sai làm phép trấn yểm khắp cấm cung, bách quan chẳng ai hay biết. Bùi Thì Hanh chỉ nói cho quan Lễ Bộ thị lang là Trịnh Toàn Dương, nguyên là đạo sĩ, để Trịnh Toàn Dương cùng làm phép với mình. Xong, hai người được thưởng rất hậu”.
Lời bàn:
Trước đó, ngành thiên văn và lịch pháp của ta đã rất phát triển, tính toán để biết trước nhật thực và nguyệt thực trong năm, chẳng có gì khó khăn. Với quan Thái sử như Bùi Thì Hanh, chuyện đó lại càng không đáng kể. Cái đáng kể ở đây là dùng cái biết của mình để mê hoặc lòng người. Trên thì từ vua cho đến quan Đại Tư đồ, dưới thì quan biên ải cho đến dân thường, cả nước phải một phen vất vả đi săn vượn, săn khỉ, khổ thay!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
- NXB Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét