Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Phố Lò Rèn

Phố Lò Rèn còn có tên là Phường Hàng Bồ, Hà Nội ngày nay.
Phố Lò Rèn là một phố nhỏ, dài có hơn trăm mét; trong nhà là chỗ ở của gia đình; ngoài cửa là chỗ làm hàng; hàng do khách thuê làm và cũng có hàng làm sẵn để bán. Ban đầu, phố Lò Rèn là hai dãy nhà tranh, lơ thơ mấy chiếc nhà gạch nhỏ.
Khu vực này, đầu thế kỷ XIX, là đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương; xưa xa hơn, vào thế kỷ XVI, là phần đất mở rộng của khu phố cổ ở Thăng Long thời Lê. Đình Lò Rèn do dân làng làm nghề thợ rèn lập nên để thờ Tổ nghề rèn sắt.
Theo truyền tụng thì, thời Hùng Vương, ở vùng châu thổ sông Hồng có người họ Lỗ tên Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn sắt, ông tìm đường sang học được các bí truyền của nghề đó, về nước còn cải tiến thêm khiến nghề rèn không thua kém nghề rèn của họ, rồi đem dạy cho mọi người. Nước Nam có nghề rèn là do ông, nên sau khi ông qua đời, người người làm nghề rèn tôn ông làm Tổ sư.
Dân phố Lò Rèn là người gốc làng Hoà Thị (làng Canh huyện Từ Liêm) có nghề cổ truyền đặt bễ rèn các đồ dân dụng bằng sắt. Người làng Canh gánh lò bế đi khắp các nơi, chợ búa, thành thị và nông thôn, rèn thuê. Họ rèn những nông cụ (cuốc, mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm hái...), những đồ dùng gia đình (dao, kéo), đồ dùng của thợ cạo, thợ mộc, thợ may cùng những vũ khí nhỏ (dao ba, dao bảy, mã tấu, mác, sỉa...).
Dụng cụ của thợ mộc thợ chạm do thợ làng Canh rèn đều có tiếng về nước tôi đủ độ bền cứng mới làm được gỗ tứ thiết. Kéo, dao xén của thợ may, thợ giày người ta cũng tìm đến chỗ làm của người làng Canh để đặt hàng.
Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp xây dựng nhiều nhà cửa, nhất là họ làm đường xe lửa và các cầu sắt, một số  vật liệu được đưa từ Pháp sang còn thì phải đặt làm tại chỗ đủ thứ như bù lông, bản lề, cửa sắt. Nhiều thứ như cửa sắt, ban công đòi hỏi kỹ thuật cao, thợ thủ công của ta chóng quen làm và được tín nhiệm. Những đồ hàng mới đó được gọi là “hàng Tây” để phân biệt với “hàng Ta”cổ truyền. Phố Lò Rèn sản xuất cả hai thứ; người Pháp gọi phố này là phố Thợ Rèn. Hiệu Thế Long của Nguyễn Thế Tảo là người đầu tiên nhận hàng của sở Hoả xa đặt, rèn đinh bù lông và đồ sắt nhỏ khác để làm đường sắt xây nhà ga.
Về sau có nhiều nhà có vốn khá quay sang buôn sắt. Họ mua các thứ sắt, tôn, đồng mới cũ đủ các loại, chứa vào kho. Mánh khoé của nhiều người buôn sắt là mua những sắt đánh cắp ở các công trường, sắt còn mới phải rảy nước muối cho han gỉ để che mắt cảnh sát đi lục soát (theo lời cụ Nguyễn Văn Phúc). Nhà buôn sắt nhận hàng các nơi đặt, hoặc đi thầu lại của các công trình xây dựng, rồi thuê thợ làm, nhưng thợ có sẵn lò rèn ở trong  phố. Nhiều nhà ở phố Lò Rèn không làm nghề rèn, chỉ đi thầu thôi, cũng trở nên giàu nhanh chóng.
Lúc phát triển nhất, thợ rèn ở Nam Định, Thanh Hoá cũng đến lập nghiệp ở phố Lò Rèn, có gần trăm bễ lò hoạt động, trong đó quá nửa là lò rèn của người gốc Hoè Thị. Và rồi, cũng như bao làng nghề, phường nghề khác, người dân phường rèn cũng đã cùng nhau dựng một ngôi đình chung để thờ Tổ nghề và các vị khai công đầu tiên đưa nghề rèn lên Thăng Long lập nghiệp.
Trước kia, sản phẩm của người thợ rèn ở Lò Rèn và một số nơi nữa gồm lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái, dao phát bờ, kéo... đáp ứng cho nhu cầu của dân kinh thành và dân các tỉnh lên Hà Nội mua. Dần dần, nhu cầu xã hội phát triển nhiều mặt hàng sắt, người thợ rèn đã luôn luôn thích ứng, lại không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và kỹ thuật. Đầu thế kỷ XX, thợ Lò Rèn Hà Nội đã sản xuất bulông theo đơn đặt hàng của công trình xây dựng đường sắt Hà Nội đi Vân Nam và Hà Nội đi Sài Gòn. Rồi tất cả các đồ sắt cho các công trình xây dựng công sở, xây dựng các công trình văn hoá công cộng lớn như cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề... đều được người thợ rèn ở Hà Nội làm ra. Và nhiều mặt hàng công cụ người thợ rèn Hà Nội chế tạo rất đẹp và bền như khoan, kìm, búa, chàng, đục... Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn thợ rèn đã được thành lập tại đình Lò Rèn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bễ lò rèn vẫn nổi lửa, người thợ vẫn làm ra những dụng cụ thiết yếu cho đời sống của nhân dân, và còn rèn những vật phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến trong đó có các loại vũ khí thô sơ như lưỡi lê, kiếm để cung cấp cho quân đội, cho du kích. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Mọi hoạt động của công nhân Liên đoàn thợ rèn đều được tổ chức tại Đình.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, và cho đến hôm nay, sản phẩm của nghề rèn thủ công Hà Nội vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong Hà Nội và một số vùng lân cận.
Trong nhịp độ phát triển kỹ thuật hiện đại, phố Lò Rèn hôm nay còn nhiều nhà vẫn giữ được nghề truyền thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét