Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Phố Phan Đình Phùng




Phố Phan Đình Phùng luôn rợp bóng mát bởi những hàng sấu già đã tồn tại qua vài thế kỷ.

Nhà thờ cửa Bắc trên phố, một trong những kiến trúc nổi tiếng
Đông Dương.

 Hè phố sau cơn mưa.
Phố Phan Đình Phùng (thuộc phường Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chừng 1,5km, bắt đầu từ phố Mai Xuân Thưởng tới đầu phố Hàng Cót... Đây nguyên là dãy hào chạy mé ngoài bức tường phía Bắc của thành Thăng Long đời Nguyễn (thế kỷ XIX), đồng thời lại là một đoạn của sông Tô Lịch cũ.
Trước đây là đại lộ có tên là Cácnô (Boulevard Carnot), sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phố mang tên Phan Đình Phùng - một chí sĩ yêu nước, một anh hùng chống thực dân Pháp (1847-1895). Ông là người làng Đông Thái, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lãnh tụ nghĩa quân Hà Tĩnh chiến đấu chống Pháp ngót 10 năm trời dưới chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Ông mất ngày 28-12-1895 tại Núi Quạt trong dãy Trường Sơn.
Trên trục phố này có những dãy nhà xây theo kiến trúc cổ của Pháp đầu thế kỷ XX. Nhà thờ Cửa Bắc, nằm đối diện với thành Thăng Long, xây dựng vào năm 1931-1932, do một linh mục, kiến trúc sư người Pháp tên là Đô-pô-lit (tên Việt gọi đó là Cố Hương) thiết kế theo kiểu hình chữ nhật (kiến trúc Ba-xi-la-va), kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm. Nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là một địa chỉ tôn giáo mà còn là một công trình kiến trúc có nhiều nét độc đáo, tạo thêm điểm chấm phá trong không gian đô thị Hà Nội. Và những hàng cây sấu già chạy dọc theo hè phố có những chùm hoa trắng bé xíu giấu mình trong tán lá xanh mà tỏa ra những mùi hương đăng đắng mà nồng nàn... từng đi vào thơ, nhạc.
Nhiều người từng gắn bó với con đường này cùng bao kỷ niệm về một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà thành. Này đây “vết xưa xe ngựa hồn thu thảo” còn in dấu nơi cổng chính Bắc Môn, đây nữa vết đạn đại bác quân Pháp nã vào thành ngày 25-4-1882... Đấy là chưa kể hết hàng chục tòa biệt thự nằm trong quần thể kiến trúc Pháp điển hình còn nguyên vẹn của đại lộ Carnot xưa kia.
Người Hà thành đi qua đây thầm mong được giữ mãi những con phố đặc trưng Hà Nội như thế này.

Cổng chính Bắc Môn, nay là một trong những điểm tham quan du lịch của Hà Nội.
Bài: Trần Trí Công - Ảnh: Lê Anh Tuấn, Ngô Dư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét