Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Phong tục đón Tết độc đáo của người Sán Dìu ở Bắc Giang

Tết Nguyên đán (tạu nien) được đồng bào Sán Dìu tổ chức lớn nhất trong năm. Để đón năm mới, từ chiều 30 Tết, theo thường lệ, người chủ gia đình mang những tờ giấy đỏ mua ở chợ về cắt nhỏ (cỡ 15 x 25cm) rồi đem dán ở các nơi như cổng, cửa, bàn thờ tổ tiên, các cột cái trong nhà và các cây lâu năm ở vườn. Làm như vậy vì đồng bào tin rằng, màu đỏ thể hiện sự may mắn, tốt đẹp.


Giao thừa đến, mỗi gia đình người  Sán Dìu đều làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mâm cỗ rất đơn giản, chỉ có con gà hoặc một miếng thịt lợn luộc và một chai rượu trắng; còn các loại hoa quả bánh trái đều đã bày sẵn ở bàn thờ.
Sáng mồng 1 Tết, người Sán Dìu ăn chay. Đây là một tập quán khá đặc biệt của người Sán Dìu. Người ta nấu cháo bột có một chút thịt nạc băm nhỏ và rau hành để cả nhà cùng ăn. Ăn chay xong, con cháu mừng tuổi cho bố mẹ, người già mừng tuổi cho trẻ nhỏ những đồng tiền lẻ cùng những lời chúc tốt lành. Đàn ông thì được vào nhà bạn bè và người thân trong làng, trong bản để chúc Tết. Đàn bà con gái cũng được ra đường nhưng không được vào nhà ai nên các bà, các chị thường ở nhà dọn dẹp và đón khách đến nhà mình chúc Tết.
Ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, người Sán Dìu kiêng quét nhà. Sáng mồng 3 Tết, người ta mới quét và moi rác ở các xó xỉnh trong nhà rồi cho vào thùng hay sọt rách, thắp một nén hương, cho vào đó một lát bánh chưng nhỏ. Sau đó, thùng rác này được đưa ra cổng, đổ vào một gốc cây to nào đó ở trong làng. Tục lệ này, đồng bào gọi là "Sộng phống cúi", có nghĩa là để đuổi ma đói ra khỏi nhà.
Sáng mồng 2 Tết, người Sán Dìu mới tổ chức đón năm mới thịnh soạn. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình đều có thịt lợn, thịt gà đã được chế biến sẵn cùng 5 bát bánh trôi nước để cúng ông bà tổ tiên. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời khách. Đó là những người anh em họ hàng, bè bạn xa gần đến chúc Tết. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người ăn uống vui vẻ, bàn bạc công việc làm ăn của những ngày sắp tới và cùng chúc nhau những điều may mắn tốt lành.
Sau khi đã cùng nhau ăn Tết, thanh niên nam nữ Sán Dìu tổ chức hát Soọng cô. Ở từng thôn bản, mỗi tốp dăm bảy anh con trai của làng này đến hát với các cô gái ở làng bạn. Những gia đình nào được đám thanh niên tổ chức hát tại nhà mình, họ coi đó là một niềm vinh hạnh. Do vậy, gia chủ tiếp bạn hát của mình rất niềm nở và hào phóng.
Nguồn : Báo Bắc Giang
Tết của người Sán Dìu
Trong một năm, người Sán Dìu ăn nhiều cái tết: Tết Tháng Giêng (Chang nhọt niên), Tết Thanh minh (Sênh minh triệt), Tết Đoan ngọ (Ngủ nhọt triệt), Tết 14 tháng 7 (Shiết nhọt sip slị triệt), Tết Cơm mới (Slêch thlin mảy), Tết Đông chí (Tông chí triệt)… Tết Nguyên đán là cái tết lớn nhất trong năm.
Người Sán Dìu là một dân tộc ít người sinh sống ở miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, một số di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp thành các làng hay sống rải rác tại các tỉnh thành khác.
 
Thiếu nữ dân tộc Sán Dìu
Trước Tết vài tháng, người ta đã lo mua sắm, tích góp cho cái Tết. Từ việc nuôi đàn gà, vỗ béo lợn, kiếm ít măng phơi khô... cho đến tích trữ gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, miến, mộc nhĩ… đã được các bà nội trợ lo toan. Dù nhà có nghèo đến đâu, người ta cũng cố gắng làm sao để mọi người trong gia đình được ăn ngon hơn, có nhiều món ăn được bày trong mâm cơm hơn.
Đối với người Sán Dìu ở Đạo Trù, Tam Đảo, Vình Phúc, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết cả vì là trong năm còn có nhiều cái Tết khác như Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Rằm (tháng 7)… Khác với người Kinh, vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù.

Để đón năm mới, từ chiều 30 Tết, theo thường lệ, người chủ gia đình người Sán Dìu mang những tờ giấy đỏ mua ở chợ về cắt nhỏ rồi đem dán lên các gốc cây, ở các nơi như cổng, cửa, bàn thờ tổ tiên, cột cái trong nhà hay dụng cụ lao động… Làm như vậy vì người Sán Dìu tin rằng, màu đỏ thể hiện sự may mắn, tốt đẹp và xua đuổi tà ma.
 
Các phụ nữ người Sán Dìu trổ tài gói bánh chưng ngày Tết

Giao thừa đến, mỗi gia đình người Sán Dìu đều làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu rất đơn giản, chỉ có con gà hoặc một miếng thịt lợn luộc, một chai rượu trắng và không thể thiếu được 2 món là bánh con và chè. Bánh con được làm từ bột gạo nếp, vê tròn như hình viên bi, sau đó cho vào nồi nước sôi đến khi bánh chín nổi trên mặt nước. Món chè được làm từ gạo nếp, đỗ và mật đường. Các món ăn được dùng cúng tổ tiên vào năm mới với mong muốn tổ tiên ban hưởng cho những điều tốt lành, bình an trong năm mới.

Sáng sớm tinh mơ mồng 3 Tết, người trong gia đình Sán Dìu dậy sớm, cầm chổi quét nhà để đuổi ma xó, vừa quét, miệng vừa nói: “Các ma xó ở đâu thì ra, muốn ăn thịt gà, trâu thì ra đường, ra chợ, nhà tôi không còn nữa”. Sau khi đuổi ma ra khỏi nhà, các tờ giấy đỏ cũng được bóc ra.

Trong ngày Tết của người Sán Dìu ở Đạo Trù Thượng còn có tục giữ lửa. Vào đêm Giao thừa, người con dâu trong gia đình phải chuẩn bị một cây củi thật to mang vào bếp. Củi này sẽ được đun và giữ than hồng kéo dài qua Giao thừa đến sớm mồng 1 Tết. Tục lệ này thể hiện ước muốn của người Sán Dìu là giữ lửa đỏ, cầu mong mọi điều may mắn và hạnh phúc nối tiếp từ năm này sang năm khác.

Những ngày giáp Tết, phần lớn các gia đình Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang tự chưng cất rượu để uống và mời khách trong những ngày xuân. Men rượu được làm từ các loại thảo dược bổ dưỡng như vạt hương, tai chó, cây trăm rễ... Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo hoa quả và đồ vàng mã, không thể thiếu 2 cây hoa cải vàng. Đây là biểu trưng của một năm mùa màng bội thu, thắng lợi; mọi người mạnh khỏe, đoàn kết. Dịp Tết, các gia đình hay mời thày cúng đến làm lễ tại nhà. Trên bàn thờ, đều dán bùa trấn trạch để trừ ma, quỷ.
 
Trong những ngày xuân, đồng bào dân tộc Sán Dìu thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, thể thao

Sáng mồng Một Tết, người Sán Dìu không ăn mặn mà ăn chay. Đồ chay là cháo chè được nấu từ gạo nếp cùng đỗ xanh và đường. Trên mâm cúng bao giờ cũng có 5 bát cháo. Trong lễ cúng chay, thày cúng hoặc chủ nhà gõ chùng chọe thanh la và thổi tù và chiêu quân âm binh về ăn Tết, phù hộ, độ trì cho gia chủ. Sau khi tục cúng chay hoàn tất, mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau thưởng thức đồ chay do chính tay mình làm. Hương vị thơm mát, ngọt nhẹ của món cháo chè trong ngày mồng Một Tết khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Sáng mồng 2 Tết, người Sán Dìu mới tổ chức đón năm mới thịnh soạn. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình đều có thịt lợn, thịt gà đã được chế biến sẵn cùng 5 bát bánh trôi nước để cúng ông bà tổ tiên. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời khách. Đó là những người anh em họ hàng, bè bạn xa gần đến chúc Tết. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người ăn uống vui vẻ, bàn bạc công việc làm ăn của những ngày sắp tới và cùng chúc nhau những điều may mắn tốt lành.

Trong phong tục đón Tết của người Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn, có một điều rất thú vị, độc đáo, đó là tục gánh nước vào sáng mùng Một. Sáng sớm, con cháu của gia đình  mang theo thùng nước cùng khoanh bánh chưng, giấy bạc ra sông, suối thắp hương xin phép các vị thần mua nước về nhà. Nếu gánh nước đó nặng, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát tài, thóc lúa đầy bồ, chăn nuôi thuận lợi. Nước còn được đun sôi để pha trà hay nấu cháo chè.

Một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu ở Đạo Trù Thượng đó là hát Soọng cô. Trong những bộ váy áo mới, những chàng trai, cô gái Sán Dìu lại tình tứ trao nhau những câu hát Soọng cô. Từng làn điệu Soọng cô khi cất lên đều mang theo hơi thở của mùa xuân, của tình yêu thương con người, tình yêu cuộc sống và phảng phất âm hưởng núi rừng. Trong màn hát đối đáp Soọng cô, nam nữ phải cách xa nhau 2 mét và không được ngồi, đứng gần nhau. Khi hát, bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau.

Trong những ngày xuân, đồng bào dân tộc Sán Dìu thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, thể thao. Đây là những trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội và được lưu truyền từ đời này, qua đời khác.
Theo thegioidisan.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét