Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Qua miền đất thánh


Trên nền tảng tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” hoà hợp với trào lưu “thần linh học” có nguồn gốc phương Tây, 85 năm trước “Đại đạo Tam kỳ Phổ độ” chính thức ra đời tại Tây Ninh và nhanh chóng phát triển thành một tôn giáo bản địa ở Nam Bộ.
Thánh địa Cao Đài toạ lạc giữa vùng đất rộng khoảng 100ha có tường rào xây bao quanh với 12 cổng mở ra trước những con đường rộng thênh thang, dẫn đến mênh mang xóm làng ngập tràn ánh nắng. Ngày nay, tất thảy chức sắc cùng hơn 1 triệu tín đồ các hệ phái Cao Đài vẫn chủ yếu tu tại gia, họ tin ở con người, trời, đất, thánh, thần, tiên, Phật... và luôn tuân theo các luật lệ, lễ nghi hợp thành bởi sự pha trộn hạnh từ bi của đạo Phật, luận bác ái của Đạo giáo, lẽ công bằng của đạo Nho.
Chính thức khai đạo vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19.11.1926) tại chùa Từ Lâm, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, đến tháng 3.1927 toà thánh Cao Đài di dời về khu đất mới khẩn hoang rộng hơn 40km2, thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Toà thánh Tây Ninh là một trong những thánh địa tôn giáo rộng lớn nhất thế giới với gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ được xây dựng trong suốt gần 1 thế kỷ đã qua cho đến tận ngày nay.
Từ cửa chính thẳng hướng Đông, băng qua trung tâm thánh đường, du khách nhẹ nhõm phóng tầm nhìn trước không gian thoáng đãng, tươi mới những sắc màu đậm dấu ấn tôn giáo Cao Đài. Vâng, cảm giác đầu tiên đem đến ấn tượng đặc biệt khó quên! Từ kiểu dáng kiến trúc, đến vật liệu xây dựng, trang trí nội thất và hình tượng nghệ thuật trên hoạ tiết hoa văn... đều là sự pha trộn các chi tiết thể hiện đặc trưng thẩm mỹ xuất phát từ những quan điểm triết lý, huyền học khác biệt.
Toà thánh Tây Ninh.     Ảnh: Bảo Trân.
Toà thánh Tây Ninh. Ảnh: Bảo Trân.
Các vị chức sắc chuyên lo kinh kệ ở thánh đường tự hào giới thiệu: “Ngôi đền đường bệ tựa thế “long mã bái sư” là toà nhà 3 tầng, mặt tiền hướng Tây, sừng sững uy nghi giữa 2 toà tháp cao 27 mét được thiết kế làm lầu chuông (bên trái) và lầu trống (bên phải). Thánh đường rộng 22m, dài 93m, được chia thành 3 không gian: Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài và Bát quái đài; mái bê tông giả ngói, mỗi bên giật thành 3 cấp theo mô hình tổ chức của đạo Cao Đài; dọc theo hành lang và bên trong toà nhà có 156 cây cột tròn trang hoàng lộng lẫy hình rồng đắp nổi công phu”. Ngước nhìn mái vòm bê tông, du khách nhận ra đó là hình ảnh bầu trời thu nhỏ với muôn ngàn tinh tú lung linh.
Theo kinh sách Cao Đài, toà thánh tượng trưng cho “bạch ngọc kim” của Thượng đế ở thế gian. Tất thảy tín đồ mà chúng tôi đã gặp bên hiên thánh đường đều giải thích: “Kích thước, số bậc và các biểu tượng trên cột rồng cũng như mái nhà thể hiện những lời tiên tri trong các “sấm truyền”. Đền thánh là nơi thờ tự Đức Chí tôn cùng các vị giáo chủ, thần thánh đứng đầu tam giáo (Phật – Lão – Nho) và ngũ chi thống nhất 5 ngành đạo (nhân đạo - Khổng tử, thần đạo - Khương Thái Công, thánh đạo - Giêsu, tiên đạo - Lão tử, Phật đạo - Thích ca mầu ni), đó là trung tâm giáo lý đạo Cao Đài”.
Vào đền thánh, lặng lẽ tuân theo chỉ dẫn của các vị chức sắc, dù “không có đạo” bạn cũng được “dạo bước một vòng” theo chiều kim đồng hồ, ấy là khoảng lặng vừa đủ để phân biệt 3 bức tượng những người đã có công sáng lập đạo Cao Đài là hộ pháp Phạm Công Tắc, thượng phẩm Cao Quỳnh Như và thượng sanh Cao Hoài Sang. Nếu “hữu duyên” – du khách tham quan thánh đường đúng giữa trưa còn được mời dự lễ cúng Ngọ, có thời gian chiêm ngưỡng “Thiên nhãn” – biểu tượng đạo Cao Đài hiển hiện giữa quả địa cầu, tượng trưng vũ trụ luôn luôn chuyển động trong thánh điện Bát quái đài và thư thái lắng nghe tích xưa hướng đạo “trung, nghĩa, lễ, trí, tín”...
Dẫn dắt chúng tôi lên Bát quái đài, cụ Nguyệt Quang - một tín đồ chuyên lo quét dọn thánh đường - giải thích: “Cao Đài là chỉ nơi cao nhất mà thượng đế ngự trị và cũng là danh xưng rút gọn của thượng đế trong tôn giáo Cao Đài - “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát!”. Tổ chức ở trung ương của đạo gồm có 3 đài là: Bát quái đài, Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài. Bát quái đài là nơi thờ phụng của đạo gồm các vị Thánh, Thần, Tiên, Phật.. do Lý Thái Bạch (còn gọi là Lý Đại Tiên) thay mặt Thượng đế làm chưởng quản. Hiệp Thiên đài vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan tư pháp, đứng đầu là chức Hộ pháp. Cửu Trùng đài là cơ quan hành pháp, đứng đầu là chức Giáo tông.
Thành phần của giáo hội Cao Đài gồm chức sắc, chức việc và tín đồ. Đạo phục chung là màu trắng, riêng trang phục các chức sắc tùy theo ngành: Thái thuộc đạo Phật dùng màu vàng, Thượng thuộc đạo Lão chọn màu xanh, Ngọc thuộc đạo Nho chuyên màu đỏ”. Theo lời tín đồ Nguyệt Quang, tất thảy huynh tỷ gặp nhau ở thánh đường là để kết chặt tình đồng đạo, xoá bỏ mọi hiềm khích, cùng chăm lo cho cuộc sống tươi vui... Ở Tây Ninh, hoạt động tôn giáo của xóm đạo gắn chặt với mục tiêu “xoá đói giảm nghèo” và “giữ vững ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội” của chính quyền cơ sở.
Phía trước thánh đường có sân rộng, 2 bên khán đài gọi là đại đồng xã - nơi tụ họp của bà con tín đồ và khách hành hương vào mùa lễ hội. Hàng năm, thánh địa Tây Ninh có 2 lễ lớn là ngày vía Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng âm lịch) và lễ hội Diêu Trì Thánh Mẫu (đêm Rằm tháng Tám âm lịch) được tổ chức tại các thánh thất Cao Đài và đền thờ Phật mẫu. Rất vui vì từ buổi sơ khai đến tận bây giờ, ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày hội của người dân địa phương và các tỉnh Nam Bộ. Vào những ngày này, các thánh thất, đền thờ được dọn dẹp sạch sẽ và chưng đèn, kết hoa rực rỡ.
Cùng với nghi thức dâng hương, cúng bái, cầu kinh... người dân xóm đạo và khách thập phương hành hương về đây không chỉ đem theo những trò chơi dân gian mà còn tham gia biểu diễn nghệ thuật, thi đấu võ thuật dân tộc, thi múa tứ linh... cuốn hút đông đảo người xem, tạo bầu không khí sinh hoạt cộng đồng phấn khởi, chan hoà.
* * *
Đạo Cao Đài ra đời trong bối cảnh các tôn giáo khác đang mất dần uy tín, phong trào cách mạng ở Nam Bộ khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo, chính sách cai trị của thực dân Pháp đẩy nông dân vào con đường bần cùng không lối thoát. Qua miền đất thánh, du khách có cơ hội thực tế để hiểu rằng tư tưởng Cao Đài giáo đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận quần chúng nhân dân và thực hiện sứ mạng kết nối người dân không chỉ về tinh thần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đất phương Nam.
Bảo Chân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét