Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Sam sơn nghĩa trủng

Mồ hoang triền núi, hồn an nơi nào?!
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến những di tích văn hoá - lịch sử ở núi Sam (Châu Đốc - An Giang) hầu như du khách chỉ nghe biết có Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An cổ tự, Chùa Hang... chứ ít có ai để tâm đến khu nghĩa trủng - những nấm mồ vô chủ toạ lạc sát vòng thành lăng ông Thoại Ngọc Hầu!



Họ là ai? Đó là những người đã vì nước quên thân. Họ là những người mà ngày trước đã bao phen tả công hữu đột dẹp trừ giặc cỏ xâm lấn cõi bờ, bảo vệ toàn vẹn vùng biên ải Tây Nam Tổ Quốc. Và, họ là dân lân dân ấp từ muôn nơi chịu lệnh của triều đình đem thân phá rừng, bửa đá, đạp bằng chướng ngại, chấp nhận đương đầu với mọi hiểm nguy, quyết đào cho được sông Châu Đốc, tức Kinh Trấn (trấn Vĩnh Thanh, sau gọi Hinh Vĩnh Tế) để “vạch một chân trời” đem lợi lạc muôn đời cho hậu thế, tạo nền tảng phát triển nông thương vùng đất mới mở: Châu Đốc tân cương.



Bằng vào chính cơ bắp và khối óc của mình, hơn 8 vạn lượt người, bao gồm cả người Việt, người Khmer đã hợp sức lại, chia ra thành nhiều phiên, tưới xuống không biết cơ man nào là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để làm cho đất cứng hoá mềm mới đào được con kinh vừa dài vừa rộng như sông, cặp theo biên giới ăn từ sông Hậu ở Châu Đốc đến Giang Thành (Hà Tiên). Công trình ích nước lợi dân này, cho đến ngày nay và mãi mãi về sau, không ai không nghiêng mình cảm phục!



Với ngót 80.000 lượt người thực hiện trong vòng 5 năm sưu dịch (từ 1819 đến 1824 - Kể cả thời gian dùng nghỉ cho thư sức dân) trong điều kiện lao động làm xâu, họ phải thường xuyên đối mặt với thời tiết nghiệt ngã, chê độ ăn uống kham khổ... Trong số ấy đã có bao nhiêu người bị hùm tha sấu bắt, bao nhiêu người bị sơn lam chướng khí vật ngã giữa núi rừng cheo leo, nê địa, bao nhiêu người do lao động quá sức, hoặc do cơm ăn nước uống không tiếp tế kịp thời đã chết vì đuối sức!



Ông Thoại Ngọc Hầu - người chịu trách nhiệm trông coi việc đào kinh, đồng thời cũng được giao trọng trách bảo vệ toàn vẹn cõi bờ vùng biên giới Tây Nam, sau khi đã “dọn cỏ dẹp gai”, hoàn thành Kinh Vĩnh Tế dài gần 100km, đã phụng mạng vua, cho người đi dọc theo hai bên bờ kinh tìm kiếm những nấm mồ các binh dân tử nạn chôn tạm để xúc tiến cải táng tập thể. Tất cả được an vị bên triền núi Sam, ngay cạnh khu đất mà ông đã chọn làm sinh phần cho mình. Sau đó, vào ngày lành tháng tốt, Thoại Ngọc Hầu đã “thừa đế linh” làm chủ tế buổi lễ tế các cô hồn tử sĩ, tử nạn trong việc đào kinh. Dịp này ông đã tuyên đọc bài văn tế vô cùng thống thiết, nhan đề Tế nghĩa trủng văn. Xin ghi lại bản dịch vần theo thể song thất lục bát từ nguyên văn chữ Hán (1):



Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp



Trăng soi nhoà mấy lớp bia tàn!



Mây che bao nấm đất vàng,



Sương sa sao giọi gò hang đổi dời!



Máy tạo thể trò chơi lũ trẻ,



Bóng quang âm như kẻ qua đường.



Lúc sanh, khi lớn không tường,



Là trai hay gái khó tường họ tên?



Hiền hoặc dữ, hư nên nào rõ?



Cha anh đâu, còn có cháu con?



Việc người ta biết chưa tròn,



Xưa làm chi đấy, hãy còn nghĩ suy!



Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ,



Khoác nhung y chống đỡ biên cương.



Bình man máu nhuộm chiến trường.



Bọc thây da ngựa gửi xương xứ này.



Quê cách trở lấy ai hộ tống,



Sống làm binh, thác chống quỉ ma.



Than ôi ai cũng người ta,



Mà sao người lại thân ra thế này!



Mồ ba thước gửi thây cõi lạ,



Lễ thanh minh ai sá quét cho,



Ai trừ gai gốc lan bò,



Gió dồn mưa dập làm cho mòn lần.



Ngày viên huyệt hú rân thê thảm,



Đêm tử qiu ảm đạm khóc than,



Mênh mông đất rộng mây ngàn.



Vật vờ lửng đửng hồn an nơi nào?



Móc đỡ dạ mây bao xác ốm,



Đèn ma trơi lửa đốm lập loè,



Bờ sông đất trở trời che,



Vì ai cảnh vật cũng tê tái lòng!



Nếu không gặp được ông Tây Bá,



Năm xương khô tan rã khắp đồng.



Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,



Dời người an táng nằm chung chốn này.



Chọn đất tốt thi hài an ổn,



Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.



Hàng năm cúng tế dồi dào,



Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi!



Ơn chúa rộng cho người chín suối,



Được hưởng nhờ đền buổi gian lao.



Mộ phần xa cách biết bao,



Làng quê xiêu lạc lòng nào ta an.



Mắt chạm thấy lòng càng tưởng nhớ,



Dầu đưa tay vớt đỡ được đâu.



Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu,



Điếu người thiên cổ mấy câu ca rằng:



Đỉnh núi Sam giáo xuân thổi ngót



Triền núi Sam móc ngọt đượm nhuần



Hợp nơi mồ vắng reo mừng,



Hồn ơi! Hồn hỡi! Mưa đừng luyến xa!



Cỡi văn báo hay là xe ngựa,



Cảnh chia ly gợi ứa lệ hồng,



Phương Tây thoả dạ ruổi dong,



Núi Sam sừng sựng như mong hồn về!




Miếu Bà Chúa Xứ

Không thấy sử sách ghi lại việc ông Thoại Ngọc Hầu “thừa đế lịnh tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh” diễn ra vào ngày tháng năm nào, tại đâu. Tuy nhiên, qua bài Tế nghĩa trủng văn, ta có thể đoàn chắc rằng, địa điểm lễ tế hẳn phải được tổ chức ngay tại nơi đã cải tán các mồ mả ấy. Về thời gian thì rất có khả năng là vào ngày rằm tháng hai, căn cứ vào lời dẫn của Đốc học Nguyễn Thông trong bài Nghĩa trủng phú (phú nghĩa địa làm phúc): “Tháng 5 niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865) có lệnh sai các quan lập nghĩa trủng và kiểm tra thu nhặt hài cốt những mồ hoang ở chung quanh thành của tỉnh, mai táng lại một chỗ, hàng năm cứ đến ngày rằm tháng hai thì ban tế một lần. Thông này đã vâng lệnh làm văn tế, nhân cảm động làm việc ấy, nên lại làm bài phú này” (2).



Trước đó, lệ năm Tự Đức thứ 17 định rằng “Ở ngoài trấn, các tỉnh thành và phủ huyện, nếu có người lữ khách chết, không ai nhận, khuyên các nhà có lòng từ thiện, bỏ tiền đứng ra liệu biện việc mai táng; nếu còn thiếu tiền thì phát tiền công chi cho mỗi ngôi mộ là một quan năm tiền (để mua áo quan gỗ), vải trắng 15 thước (để liệm thi hài) rồi liệu chọn một khu đất rộng, bốn xung quanh đắp tường đất làm giới hạn, dựng một tấm bia đá, khắc ba chữ “Nghĩa trủng xứ” (nơi nghĩa địa) rồi sức cho các nơi đem mả hay xác vô thừa nhận đến đó mà mai táng. Hàng năm cứ cuối mùa xuân, phát tiền công hai mươi quan, để mãi biện đủ các thứ (lơn, xôi, hương, rượu, hoa, quả, cơm, áo giấy và tiền), phái môt viên thông phán hay kinh lịch, phụng mạng nhà vua cho tế một tuần. Trong các dân xã, hoặc khi có mồ mả không ai thăm viếng cúng lễ, thì cũng khuyên dân chiểu biện theo như mọi khoản nói trên này...” (3).



Còn về năm làm lễ tế, tuy không rõ đích xác nhưng có lẽ là từ 1824 đến 1828, hoặc muộn lắm cũng chỉ nửa tháng 1829 chứ không thể trễ hơn (vì ông Thoại Ngọc Hầu bệnh mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu, 1829), và cũng khó sớm hơn được, bởi kinh Vĩnh Tế hoàn công năm 1824. Điều đáng lưu ý là, nếu lễ tế diễn ra vào sau tháng 9 âm lịch 1828 (hoặc 1829) thì, vào thời điểm này núi Sam đã được vua ban danh là núi Vĩnh Tế (bia Vĩnh Tế sơn). Thế thì tại sao ông Thoại Ngọc Hầu là quan của triều đình lại dám cải, không gọi tên mới là Vĩnh Tế sơn mà vẫn gọi Sam sơn? (Sam sơn chi thượng hề, xuân phong xuy; Sam sơn chi hạ hề, cam lộ ti; Sam sơn chi tây hề, khả dĩ toại khu trì). Hay ông cho rằng do các cô hồn đã chết trước khi vua ban tên mới (Vĩnh Tế sơn) nên buộc phải gọi tên cũ (Sam sơn) đặng cho các cô hồn nghĩa trủng biết, hiểu?



Tuyên đọc bài Tế nghĩa trủng văn, ông Thoại Ngọc Hầu đã long trọng nghiêm hứa:



Hằng năm cúng tế dồi dào,



Tràn trề lễ trọng dám nào để rơi!



Nhưng vì sao sau đó lễ tế không được đáo lệ tổ chức? Qua sử sách ta biết, lúc bấy giờ việc biên cảnh chưa yên nên triều đình chỉ thị quan trấn tỉnh phải tập trung lo việc biên phòng, vì tin tháng có biết nước Xiêm đang muốn lén tới xâm chiếm nước ta, còn Lạp thì đang nuôi ý đồ làm phản. Giữa lúc ấy thống chế bảo hộ Chân Lạp Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại qua đời (1829), thống chế Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên được bổ đến thay.



Mới lãnh ấn bảo hộ được một thời gian thì ông Tuyên lại mất (1831), triều đình cho tham tri lãnh hộ Tào Gia Định là Ngô Bá Nhơn bảo hộ Chân lạp, giữ đồn Châu Đốc kiêm lãnh việc biên trấn Hà Tiên (1832). Cũng trong năm này tổng trấn Lê Văn Duyệt mất. Cứ thế, việc nối việc! Cho đến 1867 triều đình để mất nốt 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên! Chính vì những lẽ ấy lễ tế nghĩa trủng hàng năm đình trệ. Nhưng đó là chuyện của thời trước. Còn nay, đã hơn 30 năm đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối..., thiết nghĩ việc phục hồi tiếp nối tổ chức trọng thể lễ tế nghĩa trủng hàng năm là phù hợp đạo lý ngàn đời dân tộc, bởi bất cứ người Việt Nam nào cũng không thể không bùi ngùi, chạnh cảm khi mục kích những ngôi mộ không ai hương khói.







(1) Theo Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. Hương sen xb.S. 1972.



(2) Dẫn lại từ Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900). Nxb. Văn học. H.,1976.



(3) Ts. Nguyễn Sĩ Giác, Đại Nam điển lệ toát yếu. Nxb. Tp.HCM, 1993.










Nguyễn Hữu Hiệp (Theo Kiến Thức Ngày Nay 564)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét