Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Thái giám dưới thời Minh Mạng

Vua Minh Mạng ban dụ cấm thái giám can dự triều chính. "Về dụ này, chuẩn cho Quốc tử giám khắc vào đá, lại sao lục giao Sử quán kính cẩn tàng trữ, truyền lại cho con cháu ta muôn vàn năm, đời đời kính giữ mà không thay đổi”.

Làng có “giám sinh” là đại phúc!

Như những triều đại phong kiến khác, triều Nguyễn ở Việt Nam cũng tuyển chọn thái giám để giám sát đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa. Những người nam giới phục vụ trong cung phải chấp nhận thân phận “không đàn ông cũng chẳng đàn bà”. Tuy nhiên, đến thời nhà Nguyễn trị vì đất nước, những quy định cho thái giám đã có nhiều thay đổi so với các triều đại trước. Điểm nổi bật nhất ở đây chính là việc thái giám triều Nguyễn không được tham gia vào việc triều chính, đặc biệt là từ thời vua Minh Mạng trở về sau.
Nghĩa trang thái giám hiu quạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế
Nghĩa trang thái giám hiu quạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế
Có hai loại thái giám là giám sinh và giám lặt. Giám lặt là những người bình thường, chấp nhận bị thiến để được vào cung sống bên cạnh hầu hạ các bà. Giám sinh là những người bẩm sinh ngay từ khi mới chào đời đã không có sinh thực khí dù của đàn ông hay của đàn bà.

Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) quy định khi có giám sinh chào đời, cha mẹ đứa trẻ phải báo ngay cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm. Khi đứa trẻ lên 10, Bộ Lễ sẽ đưa nó vào cung, dạy dỗ đứa trẻ đầy đủ những lễ nghi phức tạp về kiến thức, cách xử sự trong hoàng cung để khi nó lớn lên thì tuyển vào đội quân thái giám. Làng nào giấu giếm “giám sinh" sẽ bị phạt nặng. Làng nào có giám sinh nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm, xem như có đại phúc. Vì thế những đứa trẻ giám sinh bị khiếm khuyết không những không bị coi thường mà còn được dân làng cung kính gọi là "ông Bộ".

Tuyên án thái giám Lê Văn Duyệt, người đã nằm dưới mồ

Có thể nói việc vua Minh Mạng bắt đầu không cho những thái giám không tham gia triều chính từ sau cuộc đàn áp xong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt) tại Gia Định vào năm 1835. Lê Văn Duyệt là một thái giám được coi là vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ông đã bôn ba theo vua Gia Long từ những ngày khó khăn nhất cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất được đất nước để lập ra một vương triều độc lập.

Lê Văn Duyệt là người có quyền uy trong triều đình, ông từng giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành 2 lần: từ 1812 đến 1815 (triều vua Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (đời vua Minh Mạng). Trong các vị khai quốc công thần thì Lê Văn Duyệt được tiên triều cho quyền “nhập triều bất bái” (tức vào triều không phải lậy) nên sau này khi vua Gia Long mất Lê Văn Duyệt không chịu lạy vua Minh Mạng.

Khi Lê Văn Duyệt còn sống, giữa ông và vua Minh Mạng đã có những mâu thuẫn nhưng do Lê Văn Duyệt có quyền uy lớn trong triều đình nên vua Minh Mạng không làm gì được. Khi vua Minh mạng trị vì đất nước, mối quan hệ giữa nhà vua và Lê Văn Duyệt bề ngoài thì vẫn êm đẹp nhưng bên trong đã cho thấy có sóng ngầm triều chính. Đến lúc Tả quân Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng mới tuyên án tội của Lê Văn Duyệt trên ngôi mộ của ông.

Mãi mãi không được tham dự triều chính, phẩm chức

Có lẽ sau khi một thái giám có quyền uy như Lê Văn Duyệt mất đi rồi, vua Minh mạng bắt đầu nghiêm ngặt hơn đối với các thái giám. Bên cạnh đó, vua Minh Mạng cũng đã thấy tai họa của một số thái giám thao túng triều chính từ các vương triều ngoại quốc, và từ những tiên triều tại xứ mà ông đang trị vì. Chính vì vậy, cấm thái giám tham gia triều chính là việc làm cho thấy nhà vua thực sự lo lắng đến việc bảo vệ sự tồn tại lâu dài của vương triều. 

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 166, Minh Mạng năm thứ 17 (1836) có chép:

“Nay chuẩn định, chia các thái giám làm 5 đẳng: Quản vụ thái giám, điển sự thái giám đều là thủ đẳng; kiểm sự thái giám, phụng nghi thái giám đều là thứ đẳng, thừa phụng thái giám, điển thảng thái giám đều là trung đẳng, cung sự thái giám, hộ thảng thái giám đều là á đẳng, cung phụng thái giám, thừa biện thái giám đều là hạ đẳng. Cho họ, người nào việc ấy, để sai khiến hầu hạ, nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm quan chức triều đình. Vả lại, vì chức vụ của họ chỉ để nội đình sai khiến và truyền đạt mệnh lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được can thiệp tham dự tí nào, nếu kẻ nào vi phạm quyết phải trừng trị nặng, không chút khoan tha.

Trẫm đã ân cần tha thiết dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau. Về dụ này, chuẩn cho Quốc tử giám khắc vào đá, lại sao lục giao Sử quán kính cẩn tàng trữ, truyền lại cho con cháu ta muôn vàn năm, đời đời kính giữ mà không thay đổi”.

Thái giám về già sống trong hiu quạnh

Cũng từ đó, những thái giám dưới triều Nguyễn phải sống phải sống trong cung cấm với một cuộc đời hiu quạnh. Khi về già hoặc đau ốm, các thái giám không được ở trong nội cung. Hết thời gian phục vụ, họ nhận lương của triều đình và chuyển ra ngoài hoàng thành, cư trú tại một căn nhà gọi là Cung giám viện.

Để chống chọi lại sự cô quạnh, nhiều thái giám đã kết nghĩa anh em hoặc nhận con nuôi. Số khác chọn cách lấy vợ, do mất khả năng sinh con, họ lấy phụ nữ già để bầu bạn những tháng ngày cuối đời. Số ít thái giám may mắn hơn thì về quê sống với họ hàng. Những gì của thái giám triều Nguyễn còn lại cho đến ngày nay chỉ là nghĩa trang tại chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Trong cuốn sách giới thiệu về chùa Từ Hiếu ghi rất rõ nguồn gốc việc thái giám được chôn cất tại đây. Lo lắng sự cô đơn nơi mộ phần khi nằm xuống, các thái giám triều Nguyễn đã chọn chùa Từ Hiếu, ngôi chùa cổ cách thành phố Huế chừng 6 cây số, làm nơi yên nghỉ. Từ đó, các thái giám đã công đức tại chùa, sau khi chết được nhà chùa mai táng và cúng giỗ.

Trong khuôn viên nhà chùa, nghĩa trang thái giám nằm ở phía bên trái, cách chùa khoảng 30 m với diện tích gần 1.000 m2 có 25 ngôi mộ được chôn theo 3 hàng, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám. Ngoài ngày giỗ chung do chùa Từ Hiếu tổ chức vào rằm tháng 11 hàng năm, khu nghĩa trang này vắng lặng không một bóng người qua lại.


Lê Khắc Niên (Báo Khoa học Đời Sống Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét