Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Thăm đồi Thi Nhân

Về thành phố biển Quy Nhơn, du khách không thể không ghé thăm biển Quy Hòa, một bãi biển sạch, đẹp, thơ mộng. Tại đây, ta có thể đến thăm làng Phong do Linh mục người Pháp Paul Maheu lập năm 1929 và đặc biệt là viếng nơi mộ thi nhân Hàn Mặc Tử trên 70 năm trước được gia đình cùng nhà thơ Quách Tấn cải táng ở sườn đồi phía bắc trước khi dời về đồi Thi Nhân ở Gềng Ráng.

Hàn Mặc Tử là nhà thơ kiệt xuất, hiện tượng nổi bật của thời kỳ “hoàng kim” thơ mới Việt Nam (những năm 30 thế kỷ trước), thế nhưng đã mất khi rất trẻ bởi căn bệnh phong. Số phận nhà thơ tài hoa bạc mệnh có phần ứng với lời đại thi hào Shakespeare từng viết trong vở kịch Othello “Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường?”.
 
Thi sĩ họ Hàn từng viết về Đà Lạt với những câu thơ trác tuyệt: Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu…/ Cả trời  say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói năng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”… 
 
Ghé lại đồi Thi Nhân, điều làm cho du khách thật cảm động bởi một người 30 năm gắn bó với thơ Thi sĩ họ Hàn. Đó là họa sĩ vẽ tranh bút lửa Dzũ Kha. Mê thơ Hàn Mặc Tử, ông đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, xuất bản tuyển tập về cuộc đời, sự nghiệp thơ ca và thể hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử trên tranh bút lửa. Bạn bè văn chương thường gọi ông là “Người giữ lửa thơ Hàn”.
 
Dzũ Kha tự sự về 30 năm sống bên mộ Hàn trên đồi Thi Nhân: Bạn lên phố thị xênh xang/ Riêng ta ở lại đa mang xứ Gềnh/ Phồn hoa náo nhiệt lãng quên/ Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn.

 
Dzũ Kha giới thiệu tác phẩm chạm thơ
 
Bên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử
Biển Gềnh Ráng
Người nước ngoài học nghệ thuật chạm tranh bút lửa
 
Theo NGUYỄN THANH (Lâm Đồng Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét