Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Truy tìm lai lịch cua đồng, rau muống 'tiến vua'

“Rau muống Trũng Xuồng/Cua đường Đồng Cấn” là hai sản vật dùng để tiến vua một thời của làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang).


Làng Tân Phượng xưa có tên là Phụng Công Trang, hay làng Phụng Pháp, thuộc tổng Mỹ Cầu, huyện Yên Dũng, nơi thái ấp của Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc (vị Quận công văn võ toàn tài, có nhiều công lao với đất nước). Làng gắn liền với cua đồng tiến vua - một loại sản vật ngon có tiếng trong vùng, vì vậy làng còn có tên khác là làng Cua. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện về một loại cua chỉ có ở đây.

Chuyện kể rằng: Một lần nhà vua (không nhớ vua nào) đi kinh lý qua đất Phụng Pháp, nghe nói ở đây có loại cua ngon, muốn dừng lại để tận hưởng loại cua này. Lý dịch liền rao mõ khắp làng, ai bắt được nhiều cua dâng vua sẽ được hậu thưởng. Nghe vậy, dân làng thi nhau đi bắt cua về dâng vua.
Trong số đó có một phụ nữ góa chồng, vốn quen với nghề mò cua, bắt ốc từ nhỏ bắt được nhiều cua nhất. Cua được nấu canh dâng lên nhà vua. Ăn ngon miệng, vua tấm tắc khen ngợi hết lời, rồi sắc phong cho bà là “Bà chúa cua”, khi bà chết dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Cua (miếu đã mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp).
Đó là những chuyện xa xưa được người dân kể lại, còn với cụ Hoàng Ân, 79 tuổi, cua làng Phụng Pháp được nhiều người thừa nhận là rất ngon. Ví dụ như năm 1990, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về danh nhân Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc lần thứ nhất, tại đình làng Phụng Pháp có nhận xét rằng: “Đến Bắc Giang mà được thưởng thức đặc sản bún Đa Mai kết hợp với bát canh diêu cua làng Phụng Pháp thì quả là rất tuyệt vời”.
Ngoài làng Phụng Pháp ra không ở đâu có loại cua ngon như vậy. Khi xé ra, thịt cua vàng như nghệ, nấu canh mỡ cua nổi váng phủ kín nồi. Không như các loại cua khác, cua ở đây chỉ cần chục con đem nấu canh đã rất thơm ngon.
Rau muống tiến vua Phụng Pháp.

Cùng với cua đồng, làng Phụng Pháp còn có loại rau muống rất giòn, thơm, nước ngọt đậm đà, khi luộc rau có màu xanh mướt và cũng là sản vật tiến vua. Cụ Dương Ngọc Luyện cho hay, rau được trồng ở nhiều vùng, nhưng rau muống ngon thì có lẽ chỉ có Trũng Xuồng (Tân Phượng), loại rau mềm, giòn, ngọt, lại xanh tốt quanh năm. Đến nay loại rau vẫn được người dân trồng nhiều trên các cánh đồng trong làng, và câu chuyện dân gian về rau muống vẫn được người dân nơi đây lưu truyền.
Chuyện kể rằng, ngày đó làng Phụng Pháp bị nạn đói, xóm làng xơ xác, tiêu điều. Đói đến nỗi ba năm liền cả làng không sinh được một đứa bé nào. Đói quá, một phụ nữ trong làng liền ra khu vực Trũng Xuồng khai hoang trồng rau muống. Do đất tốt lại cần cù chăm sóc, bãi rau muống phát triển rất nhanh, xanh tốt mơn mởn. Từ bãi rau muống, không những đủ ăn, người nọ còn đem đi bán, sau đó nhờ no đủ nên sinh được một cậu con trai và là xuất đinh duy nhất của làng Phụng Pháp. Sau này người con trai đó làm đến chức Chánh tổng, dân gian còn gọi là chánh Muống.
Đó là chuyện dân gian, nhưng với cụ Hoàng Ân thì đã được “tai nghe, mắt thấy” rau muống Trũng Xuồng cứu đói dân làng mình trong nạn đói năm 1945. “Rau muống đã cứu đói rất nhiều người trong làng hồi đó, mọi người đã phải ăn rau muống thay cơm để sống cầm hơi qua ngày”, cụ Ân xúc động nhớ lại. Cụ còn nói: Dù mình đã đi đến nhiều nơi, ăn rau muống ở nhiều vùng nhưng không đâu có loại rau ngon như ở làng Phụng Pháp.
Tuy nhiên “đặc sản” do gần đây người dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, làm biến đổi môi trường sống, nhiều sinh vật đang dần biến mất trong đó có cua làng Phụng Pháp… nên cua đồng, rau muống Trũng Xuồng có nguy cơ “biến mất”. Vì vậy, người ta lo rằng, một ngày, cua đồng và rau muống Trũng Xuồng sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể của người dân.
Đào Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét