Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang

Đầu năm 1928, ông Trương Như Thị cùng các chức sắc đạo Cao Đài tạo lập nhà tịnh Kim Linh. Nhà tịnh Kim Linh được lập tại nhà ông Trương Như Thị, thuộc xã Tân Long Hội, huyện Cái Nhum (nay thuộc huyện Mang Thít). Họ đạo ở đây theo hệ phái Tiên Thiên. Năm 1936, ông Trương Hoàng Ngự – một chúc sắc Cao Đài – hiến 7 công đất để xây dựng thánh tịnh mới – thánh tịnh Ngọc Sơn Quang.
Ngay từ năm 1931, bên cạnh các việc hành đạo, các chức sắc và các tín đồ Ngọc Sơn Quang có những hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1936, thực dân Pháp niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, nhiều chức sắc, tín đồ bị bắt bớ, lưu đày. Dù khó khăn như vậy, nhưng Ngọc Sơn Quang vẫn hướng về cách mạng. Năm 1943, Đảng phân công đồng chí Trần Văn Sen phá bỏ niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và các hoạt động ở thánh tịnh Ngọc Sơn Quang lại diễn ra mạnh mẽ, các đoàn thể nơi đây hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Tháng 8/1945, các đoàn thể ở Ngọc Sơn Quang cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang


Trong kháng chiến chống Pháp, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang là điểm tựa vững chắc của Cách mạng. Nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ lãnh đạo của Vũng Liêm, Mang Thít bám trụ nơi đây chỉ đạo phong trào của địa phương. Năm 1954, Chi bộ Đảng của Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang ra đời, chỉ đạo các hoạt động cách mạng của Thánh tịnh.
Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhiều hoạt động cách mạng diễn ra có lúc âm thầm bí mật, có lúc công khai trực diện với kẻ thù, giành thắng lợi lớn trên nhiều mặt. Nổi bật là sự kiện Thánh tịnh Ngọc Sơn dựng đài Ngưỡng Thiên tổ chức lễ cầu nguyện Hòa Bình. Sự kiện này diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng năm 1970. Đại lễ quy tụ 18 Hội Thánh ở miền Tây về tham dự. Lễ hội đã biến thành diễn đàn chống xâm lược Mỹ, khẳng định Việt Nam nhất định hòa bình độc lập.
Sự kiện này gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đến Ngọc Sơn Quang trực tiếp đưa tin ra toàn thế giới. Kẻ thù tìm mọi cách triệt phá buổI lễ, đàn áp tôn giáo. Đài Ngưỡng Thiên vẫn đứng vững trong sự đoàn kết bảo vệ của tín đồ, của quần chúng nhân dân. Sự kiện này làm cho kẻ thù run sợ.
Sự kiện thứ hai cũng tạo ra tiếng vang lớn diễn ra tháng 7 năm 1973. Tín đồ, chức sắc Ngọc Sơn Quang trực tiếp lên gặp Quận trưởng Minh Đức, Tỉnh trưởng Vĩnh Long, Chỉ huy Vùng IV chiến thuật, Bộ Nội vụ, Phủ Thủ tướng, Tối cao Pháp viện, Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia của ngụy… đấu tranh quyết liệt chống bắt lính. Thánh tịnh tổ chức truy điệu trọng thể ba tín đồ bị địch bắt giam, bị thủ tiêu vì chống quân dịch. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của Ngọc Sơn Quang, địch phải nhượng bộ, thả 181 tín đồ bị giam giữ, cam kết chấm dứt các hoạt động bố ráp, lùng sục Thánh tịnh. Hàng năm, đến ngày 14/11, Ngọc Sơn Quang tổ chức trọng thể kỷ niệm lễ cầu nguyện Hoà Bình.
Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (Quyết định số 1811 QĐ/BT ngày 31/8/1998).
Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét