Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Di chỉ khảo cổ học Thành Mới


Tượng thần Visnu

Di chỉ khảo cổ học Thành Mới trải rộng trên địa bàn ấp Ruột Ngựa, ấp Bình Phụng - xã Trung Hiệp và ấp Bình Thành - xã Trung Hiếu – huyện Vũng Liêm. Di chỉ Thành Mới đã được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện từ đầu thế kỉ XX. Năm 1944, ông Louis Malleret - nhà khảo cổ người Pháp nổi tiếng - đã đến nghiên cứu Thành Mới và mang về Sài Gòn nhiều hiện vật quí, trong đó có pho tượng Phật và tượng Visnu bằng đá.
Trải qua khoảng thời gian dài, công tác nghiên cứu khoa học gián đoạn, di chỉ Thành Mới bị đào bới, xáo trộn nghiêm trọng. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, các nhà khoa học trong và ngoài nước dành nhiều quan tâm đến Thành Mới.
Trong hai năm 1998 - 1999, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Long tiến hành khai quật di chỉ Thành Mới. Qua hai đợt khai quật, các nhà khoa học đã làm xuất lộ từ lòng đất hàng ngàn di vật quí bằng các chất liệu : gạch, gốm, đá, gỗ, kim loại… Qua giám định bằng phương pháp phóng xạ C14, các hiện vật Thành Mới có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, nhà khảo cổ phát hiện một di chỉ còn nguyên vẹn các tầng văn hóa tại di chỉ cư trú kênh Ruột Ngựa.
Các nhà khảo cổ học nhận định rằng : Từ di tích Thành Mới có thể mở ra hướng đi mới cho việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét