Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Đình Bình Phước

Đình Bình Phước tọa lạc tại ấp Phước Trinh A, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, cách trung tâm thành phố vĩnh Long 10 km về phía Đông Nam. Đường đi tới di tích thuận lợi cho du khách cả đường thủy lẫn đường bộ.
Vào năm Mậu Thìn (1808), đình được tạo lập đơn sơ với nền đất cột cây, mái lá. Đến năm 1845, đình bị hư hại nặng và để thuận tiện cho việc thờ cúng, đình được dời về ấp Phước Trinh, trên phần đất được hiến 3.000 mét vuông của một người hảo tâm trong làng là cụ Đặng Văn Hướng. Ngôi đình trên phần đất mới này khá hơn ngôi đình cũ nhưng cũng chỉ là cây gỗ, mái ngói. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1853), đình Bình Phước được triều đình Huế sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng chi thần và chính thức mang tên "Đình Bình Phước".


Vào khoảng năm 1927, đình bị xuống cấp. Ban hội hương đã huy động dân trong làng được số tiền lớn và bắt đầu kiến thiết lại toàn bộ ngôi đình. Lúc này, đình Bình Phước thật khang trang, gồm 3 gian : võ ca, võ quy và chánh điện, gian nào cũng trang nghiêm và lộng lẫy. Cổng tam quan được trang trí "Lưỡng long tranh châu" bằng gốm thật đẹp. Còn trong sân đình trồng nhiều hoa kiểng quí hiếm. Đình không những là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Bình Phước, mà còn đẹp về mặt cấu trúc của một ngôi đình làng truyền thống vùng Nam Bộ.
Từ năm 1930 – 1945, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong làng, đình Bình Phước còn là trường học đầu tiên của xã để khai trí cho con em trong làng. Tháng 6/1945, đình Bình Phước là nơi tổ chức cuộc họp phụ nữ và bầu BCH Phụ nữ Tiền phong. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại đình diễn ra "Tuần lễ vàng" ủng hộ cuộc kháng chiến.
Do nhu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình trở thành trụ sở làm việc và là nơi bảo vệ cách mạng như : Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Việt Minh, Thanh niên Tiền phong, Ủy ban Kháng chiến, Hội Phụ nữ, Trạm Y tế của xã Bình Phước. Đây còn là nơi tổ chức các buổi diễn thuyết về phong trào cách mạng.
Năm 1949, để chống lại âm mưu của địch chiếm đình làm nơi đóng quân chống phá cách mạng, chính quyền cách mạng yêu cầu nhân dân dỡ bỏ đình Bình Phước.
Đến những năm 1952 – 1953, dân làng cất lại ngôi đình bằng tre lá trên nền đình cũ để có nơi thờ thần và cúng tế hằng năm. Dù không còn qui mô và kiến trúc như xưa, nhưng năm 1955, đình vẫn tiếp tục làm cơ sở bí mật của cách mạng. Từ năm 1957, để nơi thờ thần được khang trang hơn, nhân dân Bình Phước cùng nhau đóng góp công, của để trùng kiến lại ngôi đình mới trên nền đình cũ. Việc trùng kiến đình kéo dài từ năm 1957 – 1959 mới hoàn thành. Do lần trùng kiến này, điều kiện kinh tế của dân làng còn hạn hẹp nên chỉ khôi phục được hai phần gồm chánh điện và võ quy.
Sau khi trùng kiến, đình tiếp tục nuôi chứa và là điểm tựa cho cách mạng địa phương đến ngày giải phóng.
Đình Bình Phước ngày nay được Hội hương đình gìn giữ và tổ chức lễ hội hàng năm theo truyền thống.
Lễ hội diễn ra tại đình :
- Lễ khai sơn : diễn ra vào ngày mồng 4/1 (âm lịch).
- Lễ hạ điền : diễn ra vào ngày 16 – 17/4 (âm lịch).
- Lễ thượng điền : diễn ra vào ngày 16  – 17/11 (âm lịch).
Khi đến đây, du khách có thể cảm nhận được giá trị của một ngôi đình không chỉ về kiến trúc, mà còn về giá trị lịch sử trong hai cuộc chiến vừa qua.
Hiện nay, đình Bình Phước nằm trong danh sách được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét