Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Đình làng Thiện Mỹ

"Sắc Bổn cảnh Thành hoàng chi thần… Tuân Nghĩa huyện, Thiện Mỹ thôn… Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật (1852)". Theo lời truyền tụng, đình làng Thiện Mỹ được lập trước đó một thời gian. Nghĩa là khi cư dân ở đây tương đối đông đúc, sống quây quần bên nhau thành làng, xóm… đủ điều kiện để triều đình đặt bộ máy quản lý cấp thấp nhất lúc bấy giờ.
Đình làng Thiện Mỹ nằm bên bờ sông Hậu, cách thuỷ lộ quốc gia (đường sông từ Cà Mau đi thành phố Hồ Chí Minh) 400 mét, cạnh quốc lộ 54, thuộc trung tâm thị trấn Trà Ôn. Ngôi đình bề thế hầu như còn nguyên vẹn, tọa lạc trên khu đất rộng. Phía trước và bên hông có lộ lớn, tráng nhựa. Đình Thiện Mỹ là một công trình văn hóa vô giá mà người xưa để lại cho nhân dân Trà Ôn.
Qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1935, đình mới được hoàn chỉnh qui mô như ngày hôm nay. Nền cao ngang ngực, được cẩn đá ong, rộng 17,5 mét, dài 65 mét, lát gạch tàu cỡ lớn. Đình gồm 3 gian : võ ca, võ quy và chánh điện; cột căm xe, kèo vỏ đậu, mái lợp ngói âm dương, có ngói ống bắc cầu. Trên nóc mỗi gian có đúc hình lân giữ thành, phượng chầu mặt nguyệt, song long tranh châu – thể hiện tấm lòng hoài vọng cố hương của người xa xứ. Từ lâu, mái đình, cây dương, bến sông đã trở thành góc quê hương của bao người.
Đình làng Thiện Mỹ một mặt khẳng định sự chinh phục thiên nhiên, lập nên làng, xóm ở cuộc đất ven sông này. Mặt khác còn biểu hiện nhiệt tình, bàn tay khéo léo, trình độ nghệ thuật, tính cách văn hóa… qua cấu trúc được xây dựng bên trong của người xưa. Không tính cột xây bằng gạch ngoài hàng hiên, đình có trên 70 cây cột tròn bằng gỗ quí, bề hoành từ 1,2 - 1,4 mét. Kèo cột, đòn tay xuyên, trính… có đến hàng trăm khối gỗ. Nhiều cột có chạm mặt liễn, tứ linh rất công phu.


Bốn con vật trên long trụ được chạm vô cùng khéo léo. Từ dưới lên, trên các hoa văn, linh quy (rùa) có vảy tơ, chân bám chặt vào đất, cổ cất cao ngậm cọng cỏ. Giữa hai chân trước, con rồng (long) giương ra nghểnh cao, cổ hơi uốn cong dài hơn mét, nhe răng nhọn hoắt, râu tua tủa dưới hàm. Mình rồng từ hai chân trước về sau uốn vào phía trong cột, ngược lên để nhô phần đuôi ra trước. Tiếp phía trên là chim phượng, bộ lông mượt mà, thanh thoát, đầu có mỏ nhọn, mắt to, đuôi phượng cong vút về phía sau như mình rồng. Hình tượng con lân nép mình đằng sau cột, bốn chân trong tư thế sẵn sàng lao tới. Có lẽ, các nghệ nhân cố ý để lân giữ mặt hậu. Từ trên cao trở xuống, phượng, rồng, quy đều xoay đầu về một hướng, phần mình lượn về sau, kết hợp với lân ôm tròn thân cột, cao 6 mét vừa vặn. Nét chạm khắc độc đáo, sắc sảo mà chắc chắn, những hoa văn chi tiết tinh xảo. Những móng vuốt, cọng râu, mỏ nhọn, các chi tiết nhỏ nhô cao 3 cm từ thân cột vẫn nguyên vẹn dù trải qua thời gian dài với nhiều biến đổi. Màu sắc được sơn phết hài hòa, tô thêm dáng uy nghi của long trụ, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách tham quan. Tác phẩm nghệ thuật này có lẽ người xưa đã tốn nhiều công sức và thời gian.
Cùng với long trụ, những câu liễn đối bằng chữ Nho cho thấy sự lịch lãm, thâm thuý, ý vị của những người có công tạo dựng ngôi đình. Từ ngoài vào, cửa bên trái võ ca có câu : Xuất nhập tất tu tiên chỉnh đốn (Tạm dịch : Ra vào đi đứng ngay ngắn)/ Vãng lai mỗi niệm trí khiêm cung (Qua lại khiêm nhường cung kính). Giữa có câu : Tùng bách vĩnh cửu cổ kim lăng (Cây tùng, bách sống lâu, đình cũ xây sửa mới)/ Chi lan thác hoa thạnh tiền đình (Hoa đẹp nở rộ trước sân đình). Cửa bên phải có câu đối gắn với địa danh : Trà Ôn địa chiến giang sơn cổ/ Thiện Mỹ thiên tồn sự nghiệp kim (Đất Trà Ôn, Thiên Mỹ đã có lâu đời, người dân đã an cư lạc nghiệp).
Vào võ quy, phía trước có những câu đối nói về công lao người xây dựng ngôi đình như : Ất Hợi niên, hương cả đại phước vạn cổ tồn hương (Năm Ất Hợi, vị hương cả làm cái việc phúc đức muôn đời còn tiếng tốt)/ Đông nguyệt xuất thủ tường kiệt lực sự thành thiên niên (Tháng mùa đông, ra tay cố gắng hoàn thành để lại ngàn năm). Vào bên trong gian võ quy, trên các vách tường có vẽ tranh các điển tích đẹp, nét vẽ tài hoa thanh thoát, vừa có tính răn dạy cách sống, vừa trang trí tôn nghiêm. Phía trên cao có bảng vàng "Thánh thọ vô cương" và hai câu đối có nội dung nói về buổi lễ khánh thành ngôi đình : Cẩm tú, hoa đăng thụy thái trực liên tam niễu nguyệt (Gấm thêu, đèn hoa màu sắc sặc sỡ suốt ba tháng liền)/ Khanh tương cổ nhạc thanh thanh ứng ngộ cửu vân tiêu (Tiếng chiêng, trống vang lừng tận chín tầng mây).
Chánh điện có hai hoành phi với chữ "Thiên thu khâm ngưỡng" (Ngàn đời cung kính) và "Hà thanh hải yến" (Sông trong biển lặng). Có lẽ hồi ấy, bà con ở đây thường đi sông biển, làm nghề đánh bắt tôm cá nên cầu mong như thế. Câu đối chạm vào cột, nét chữ "thảo" tinh xảo : Hương mãn tận đường ngọc thọ xuân hoa khang tinh mậu (Hương khói tỏa khắp điện thờ, mùa xuân hoa tươi thắm)/ Đăng quang bảo tọa tường vân thái phượng khách hồng nghi (Ánh sáng của đèn rọi trên ngai thần mây lành vây quanh như chim phượng).
Đình làng Thiện Mỹ được gìn giữ và sinh hoạt. Trong các ngày lễ hội, nhân dân tề tựu đông đảo để ôn lại công đức người xưa – một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Đình làng Thiện Mỹ được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 2005.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét