Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Lạ miệng với dông 7 món

(ĐVO) Dông có bốn loại: dông lửa, dông rằn, dông bột, dông đen. Ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt.

Thời bao cấp, dạy học ở biển, thầy trò đi bắt dông về cải thiện bữa ăn. Thường thì bắt dông bằng thòng lọng, cắm ngay miệng hang. Mồi nhử là lá cây non, hạt lên mầm hay côn trùng nhỏ. Trên những cồn cát hoang vu, dông nhiều vô kể.
Thời ấy, thiếu mì chính, dầu ăn, nhưng thịt dông vẫn ngon dù chế biến qua loa, đơn giản. “Chị nuôi” bỏ đi lục phủ ngũ tạng cho an toàn, lột da, băm nhỏ rồi vo viên, nấu canh rau. Khi nào bếp tập thể nhận được thùng mỡ lợn “Trung Quốc”, bữa ăn rộn ràng hơn. Dao thớt râm ran, đủ món xào lăn, chiên, trộn, gỏi…kết thúc bằng nồi cháo dông thơm lừng mùi ném.
Con dông sống tự nhiên thịt săn chắc, ngon hơn thứ dông nuôi chuồng bây giờ, tương tự như thịt lợn cho ăn cám chuối. Vả lại, săn dông không được nhiều, bữa ăn thòm thèm, thấy ngon miệng. Thịt dông bổ phế, bổ tỳ, chữa viêm khớp, đau nhức, tê bại, chống phong, chữa ghẻ lở, rôm sảy. Ăn nhiều rất tốt.
Dông nướng giòn đơn giản nhưng thơm ngon bậc nhất.

Dông có bốn loại: dông lửa, dông rằn, dông bột, dông đen. Ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông béo, bùi mà không ngậy. Cái trứng chỉ to bằng đầu ngón tay út. Dông cái đẻ một lần 2-3 trứng, vùi vào cát, rất khó kiếm.
Thịt dông làm được nhiều món: gỏi, xào, nướng, ram, hấp, chả, gỏi, cháo và nấu dưa hồng. Những dĩa nhông ram, nhông xào, gỏi nhông dậy mùi thơm phức; cắn vào một miếng thấy giòn tan và béo ngậy. Thịt dông trắng như thịt gà, gỏi dông ăn chung với bánh tráng mè, chấm muối ớt chanh. Trong đó, thịt dông nướng đặc biệt giữ được mùi thơm, nguyên chất, chứa nhiều chất sắt tốt cho sức khỏe, của trẻ em còi xương, phụ nữ mang bầu.
Nguyên liệu chế biến món dông nướng gồm thịt dông mềm, hành, tỏi, ngũ vị hương, nắm nêm, dứa, ớt, sả và đặc biệt là ngải cứu và các loại rau thơm, bánh tráng để cuốn. Ngải cứu không chỉ chữa nhiều bệnh như đau đầu, mà còn giúp tiêu thịt và có mùi thơm dễ chịu. Đầu tiên ướp thịt, thịt dông cắt thành thớ để không dai. Sau đó cho tỏi, hành bằm nhỏ, ngũ vị hương, một chút bột nêm, nước tương và đường trộn đều với thịt. Không nên cho nhiều đường vì khi nướng đường dễ bị khét, chỉ nên cho ít để tạo màu đẹp. Cuối cùng, cho một chút dầu ăn vào để khi nướng thịt không bị khô.
Thưởng thức dông nướng không thể thiếu bánh tráng và rau thơm, chuối chát thái lát, ngải cứu, khế chua, dưa leo… Đặt rau thơm lên bánh tráng, gắp miếng thịt vào giữa, cuộn lại rồi chấm mắm nêm. Dông nướng có hương vị ngọt của thịt, vị chát của chuối, vị tê tê, hăng hăng của ngải cứu, tía tô, vị chua của khế… cùng với mùi thơm hấp dẫn của nước chấm.
Cầu kỳ nhất là nem dông, cần nhiều thứ, mỗi thứ một ít: tôm sú tươi, củ đậu, hành tây, trứng, cà rốt, hành lá, miến, nấm hương, bánh đa nem và các loại gia vị như đường, dấm, chanh, bột nêm…và rau sống. Trước khi cuộn nem cần sơ chế các nguyên liệu đã chuẩn bị. Hạt sen tươi đem rửa sạch, luộc kỹ và có thể đem chiên qua nếu muốn, sau đó thái nhỏ, hình hạt lựu. Tôm sú bóc bỏ, rửa sạch bằng rượu trắng và gừng để bớt mùi tanh rồi để ráo nước và ướp gia vị. Chỉ chút bột nêm, không nêm mặn vì khi ăn còn nước chấm. Khi gói nem, không nên gói lỏng quá, nem sẽ vỡ, nhân nem không kết dính. Múc nhân vào bánh đa, gập mép 2 đầu và cuộn nem tròn. Sau đó cho nem vào chảo dầu và chiên. Vớt ra đĩa, nem ăn nóng mới ngon.
Dông - nhiều người cho là cái tên xấu, quê mùa, khó nhớ nhưng, đảm bảo chỉ ăn một lần, người ta sẽ khó quên hương vị đặc trưng của nó. Không giống hẳn thịt gà, ếch, chim... dông giống mỗi thứ một chút, thế mới độc đáo.
Phúc Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét