Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Thất Phủ miếu (Chùa Ông)

Thất Phủ miếu là bảy phủ : Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông. Vào đời Thanh, có rất nhiều người Hoa ở các các địa phương vừa kể sang nước ta lập nghiệp nên nhà Nguyễn cho phép họ lập Hội Thất Phủ, tượng tự như Hội Hoa kiều ngày nay.

Thất phủ miếu ở phường 5 - thành phố Vĩnh Long

Căn cứ vào tên gọi, chúng ta biết miếu Thất Phủ tại Vĩnh Long có từ thời Nguyễn. Thời đó, chợ Vĩnh Long phố xá tấp nập. Theo Đại Nam nhất thống chí, hai mặt chợ Vĩnh Long đều giáp sông, phố xá liên tiếp, trăm mốI hàng hóa tấp nập đủ cả, chạy dài năm dặm, ghe thuyền đậu đầy bến sông. Có đình miếu thờ thần rực rỡ, đờn ca náo nhiệt, là chỗ phố phường lớn. Như thế, vàm sông Long Hồ, trước mặt miếu Thất Phủ hoặc miếu Minh Hương là bến thuyền, nên họ chọn nơi này đặt Hội quán giao tiếp.
Đến thời Pháp thuộc, số người Hoa đến Vĩnh Long làm ăn ngày một đông. Do yêu cầu lúc đó, những người Quảng Đông, Triều Châu tách ra lập bang hội riêng nên những người Phúc Kiến còn lại vào năm 1872 đã tái thiết miếu Thất Phủ, đổi lại là “Vĩnh An cung”, để làm Hội quán của bang mình.
Thất Phủ hội quán (Vĩnh An cung) ở địa chỉ Khu A, phường 5, thành phố Vĩnh Long ngày nay. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phúc Kiến sang, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo. Tất nhiên, suốt giai đoạn xây dựng (từ năm 1892 đến 1909), họ phải có sự giúp sức của nhiều thợ khác như thợ mộc xây dựng, thợ đá, thợ hồ, trang trí, thợ sơn thiếp, họa sĩ, thợ cắt sành và thợ mộc trang trí.
Miếu Thất Phủ làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là Đông sương và Tây sương (nhà Đông và nhà Tây, người Việt thường gọi là Đông lang và Tây lang). Diện tích xây dựng khoảng 800 mét vuông, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Để một khoảng diện tích to rộng như thế ấy có đầy đủ ánh sáng, các công trình sư đã cho chừa những khoảng sân trống. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối, gọi là “hà cầu” (hà kiều), tức xem những sân trống đó là ao sen và những nhà nối ấy là những cây cầu bắc qua ao sen.
Theo truyền thống xây dựng của Trung Quốc, mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặt biệt có tráng men màu xanh. Đứng trước sân nhìn vào, nét đặc biệt nhất của nghệ thuật kiến trúc vùng Phúc Kiến cũng như nghệ thuật kiến trúc của miếu Thất Phủ là mái ngói cong vút và tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian bên. Một điểm đặc biệt nữa là miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai ô cửa tượng trưng mặt trời, mặt trăng; trong miếu có nhiều hình ảnh cố sử.
Bộ giàn trò miếu Thất Phủ bằng gỗ quý. So với các công trình kiến trúc của người Việt (Nam bộ) thì bộ giàn trò này rất mỹ thuật và kiên cố. Tất cả các bộ phận trong chịu lực trong ngôi miếu như : vì, xuyên, trính, các con kê hoặc con đội đều chạm hình voi, sư, lân, chậu hoa, chùm trái… Các bộ phận này chạm trổ tinh vi, vừa mang tính hiện thực, vừa cách điệu, lại được sơn ngũ sắc hoặc thiếp vàng. Thỉnh thoảng một vài nơi giữa những bộ phận chạm trổ tinh tế ấy cũng có những khoảng trống, là chỗ để các họa sĩ đặt lên những bức tranh nhân vật cố sử. Do đó, khu vực này cầu kỳ nhưng không nhàm chán. Có thể nói, đây là công trình mỹ thuật xuất sắc chẳng những đối với các công trình của người Việt, mà còn của người Hoa nữa.
Trong miếu có ba bàn thờ chính, bàn thờ giữa là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình Thái Tử, Châu Xương Tướng quân. Khánh thờ bên tả thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khánh thờ bên hữu thờ Phước Đức Chánh Thần. Phước Đức Thánh Thần có hai vị Chiêu Tài Đệ Tử, Thiên Hậu Thánh Mẫu có hai thần vị Thiên Lý Nhãn (thấy ngàn dặm) và Thuận Phong Nhĩ (nghe ngàn dặm) hầu cận. Trong vách hông có tượng ngựa xích thố và Mã đầu Tướng quân của Quan Công. Ngoài ra còn có bàn thờ Phật Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Di Lặc, Hộ pháp Long Thần… nhưng mang tính chất tín ngưỡng dân gian nhiều hơn tôn giáo.
Các tượng thờ kể trên đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Mặc dù bằng chất liệu gì thì các hiện vật này cũng đều tạo hình chân phương và sinh động, mô tả được cái nộI tâm của nhân vật ấy. Các tượng thờ này được sơn màu hoặc thếp vàng theo quy ước.
Nội cung Vĩnh An cung trang trí tuyệt đẹp. Có thể nói, không đâu có đến mấy chục bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, sơn son thiếp vàng chói lọi như ở đây. Theo ký hiệu khắc trên các tác phẩm, đa số các hiện vật đều do các lò thợ ở Tân Giai, Tân Nhơn thực hiện. Các dạng hoành phi, câu đối ở miếu Thất Phủ đều có nét chữ rất đẹp. Một bức hoành khắc bốn chữ “Quan Thánh Phu Tử” được đem đi triển lãm ở hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille (Pháp) năm 1922, được Huy chương đồng.
Hàng năm, tại miếu Thất Phủ có các ngày vía như ngày vía bà, vía Phước Đức Chánh Thần, tam Nguyên, Tứ Quý; đặt biệt nhất là ngày vía Ông (13 tháng giêng và 13 tháng năm), ngày Tất niên (15 tháng 12), có hàng ngàn người đến chiêm bái, chẳng những đã thu hút bà con người Hoa, mà còn người Việt ở địa phương nữa. Người ta đến chiêm bái Quan Thánh Đế Quân, một biểu tượng trọng nghĩa tuyệt vờI, một biểu tượng nhân dũng, tiết nghĩa, thuỷ chung… Bên cạnh đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Phước Đức Chánh Thần là những vị thần phù hộ họ đi ra nước ngoài, những vị thần phù hộ họ làm ăn sinh sống. Quan Âm Bồ Tát cũng là Thiên Hậu Thánh Mẫu, với tấm lòng từ bi thường hiện ra cứu giúp người lương thiện tai qua nạn khỏi, phù hộ phụ nữ và trẻ con. Đặt biệt người Phúc Kiến thường thờ Quan Âm Bồ Tát vì truyền thuyết ngài đã xuất hiện tại Phổ Đà sơn, một ngọn núi ở hải đảo, ngoài khơi tỉnh này.
Thất Phủ miếu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa (Quyết định số 152 QĐ/BT, ngày 25/1/1994).
Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét