Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Đặc sản phi tiến vua xứ Thanh

Phi sống ở nước lợ có hình dáng tựa như con trai nước ngọt nhưng vỏ mỏng hơn và ruột trắng nõn và giòn, từng là sản vật sông nước dâng vua chúa, gọi là “phi tiến vua” nổi tiếng một thời.
Con phi thường sống ở các cửa sông có dòng nước chảy, nên nếu ai có dịp về đất Thanh Hóa vào dịp mùa hè nhất là vùng Hậu Lộc hay cửa Hới ở Sầm Sơn, cửa sông Ghép vùng Quảng Xương  sẽ được thưởng thức phi với chất lượng thịt ngon nhất và con nào con nấy cũng to tròn. Những người xứ Thanh cho hay, những ngày cách đây vài chục năm, có đợt mùa nước phi nhiều, người dân bắt phi cho vào chậu, cắp nách đi rao bán khắp các ngõ ngách trong làng ngoài xóm chỉ một lúc là hết sạch.
 Phi trắng nõn ăn ngọt và giòn nổi tiếng là món ăn vương giả.
Phi trắng nõn ăn ngọt và giòn nổi tiếng là món ăn vương giả.
Phi có thể làm được nhiều món tựa như trai hến, nhưng vị tỏa ra từ phi lại ngọt mát hơn nhiều. Và với cách làm phi cũng có đôi chút khác với sơ chế ngao, hến hay trai. Với phi, trước khi nấu đem ngâm phi trong nước muối mặn vừa phải chừng một ngày hoặc một đêm, sao cho độ mặn giống môi trường nước lợ để cho phi nhả hết lớp cát. Sau đó, dùng lưỡi dao nhỏ, mỏng ghé tách hai vỏ để lấy ruột. Phải xối thịt phi trong nước cho sạch, gỡ bỏ và loại bỏ những điểm đen của rêu xung quanh mép phi. Với cách tách vỏ đó, sẽ có được thịt phi sạch và tươi ngon.
Do thịt ngon ngọt nên phi được sử dụng chủ yếu để nấu canh, có thể xào để xúc ăn chơi. Thịt phi sau khi đã làm sạch cho vào nồi xào với gia vị cho đậm đà, rồi đổ thêm lượng nước vừa phải đun sôi. Thịt phi dễ chín chỉ cần năm đến mười phút sôi, rồi cho thêm cà chua, hành ngò, hành hoa, mùi tàu để bát canh thêm đậm đà.
Phải luôn canh phi sao cho không bị rào, không bị chín kỹ teo tóp. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của người dân xứ Thanh khi nấu canh phi cho nước vừa phải để ngấm được vị ngọt của thịt phi. Bát canh phi thơm mùi, nồng nồng mùi hành ngò, thịt phi giòn và bùi, rất ngọt.
Canh phi có thể ăn với cơm, hoặc cũng có thể làm món khai vị với cách nấu khác đi một chút. Nấu phi sột sệt, thật ít nước, nấu xong vớt phi ra đĩa, để nước riêng, khi ai ăn mới múc vào từng bát, vừa nhấm nháp thịt phi, vừa kết hợp thêm bánh đa vừng quạt, giòn tan, cách thưởng thức này vẫn được thực khách gọi là món “phi vương giả” ăn ngọt mát. Người dân nơi đây rỉ tai nhau, ngày xưa khi cúng tiến sản vật này cho vua chúa cũng thưởng thức theo cách ăn như thế, nên tên gọi cũng bắt nguồn từ đó.
Ngày nay, phi hiếm hơn không còn nhiều như trước, một phần vì người dân khai thác nhiều, phần nữa phi cũng ít hơn ở các cửa sông. Nhưng nếu ai một lần được thưởng thức món ngon từ phi sẽ tận hưởng hết vị ngon ngọt, giòn bùi của phi. Về xứ Thanh vừa được vẫy vùng trong nước biển lại được thưởng thức món ngon tiến vua thì không gì bằng.
Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét