Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Thang Hen - hồ trên núi thơ mộng

Từ Cao Bằng, du khách mất hơn một giờ vượt qua những đoạn đèo ngoằn ngoèo để tới hồ Thang Hen. Nơi đây được các tay phượt nhà nghề ví là cảnh sắc tiên giới.
Mặc dù 36 hồ nước ngọt tự nhiên trong quần thể hồ Thang Hen đều có bờ ngăn riêng nhưng tất cả đều thông nhau bởi các hang động ngầm dưới lòng đất. Phong cảnh sơn thủy hữu tình gắn liền với những truyền thuyết, sự tích, kỳ bí đã thu hút nhiều bạn trẻ đến đây khám phá, ghi dấu lại trên bản đồ Kool Vietnam.
ho_thang_hen.jpg
Sáng tinh mơ, khi những dải mây trắng bồng bềnh còn vắt ngang sườn núi, từ trên cao phóng tầm mắt xuống, bạn có thể thấy mặt hồ Thang Hen như chiếc gương màu ngọc bích mờ ảo. Hồ có hình thoi, nằm gọn gàng trong những tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo, trông xa như một cái “đuôi ong” khổng lồ đúng như ý nghĩa của từ “Thang Hen” trong tiếng dân tộc Tày.
ho_thang_hen_2.jpg
Đến đây vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10, du khách sẽ được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu khi nước hồ Thang Hen bị rút cạn chỉ trong vài ba giờ. Nếu du khách đến đây vào mùa lũ thì nước hồ Thang Hen vẫn giữ được màu xanh ngọc bích đặc trưng, trong khi các hồ khác trong vùng chuyển màu đỏ lựng.
Thượng nguồn của hồ là hang Thang Hen. Miệng hang sâu 200m, rộng khoảng 5-6m thông thẳng lên đỉnh núi. Nước từ trong hang chảy róc rách ngày đêm không dứt. Khu vực hồ Thang Hen có bờ vực đá dựng đứng sâu từ 5m đến 30m. Trên núi đá có những loại cây gỗ quý hiếm như nghiến cổ thụ có tuổi thọ hằng trăm năm và nhiều giống hoa lan rừng. Bên cạnh đó là các loại thực vật đa dạng phong phú cùng nhiều loại thú hoang dã như: khỉ vàng, gà gô, chim gáy rừng... Mỗi ngày trên bản đồ Kool Vietnam không ngừng nở rộ những điểm đến mang đậm nét đẹp thiên nhiên hoang sơ và ít người biết đến.
Thang-Hen-5.jpg
Chương trình “Clear Mykool Vietnam” ra đời nhằm khuyến khích giới trẻ khám phá vẻ đẹp của các địa điểm du lịch tại Việt Nam và chia sẻ cảm nhận, hình ảnh, hướng dẫn... cho mọi người về một đất nước kỳ thú và hấp dẫn thông qua ứng dụng Kool Vietnam. Truy cập website www.mykoolvietnam.vn để thêm vào danh sách du lịch của mình những điểm đến hiếm có và thú vị cho mùa thu này.
Phương  Thảo
.
Bình yên hồ Thăng Hen
Đến Cao Bằng, cứ ngỡ thác Bản Giốc hùng vĩ hay động Ngườm Ngao bí ẩn sẽ làm chúng tôi dừng chân lâu nhất, nhưng rồi nơi níu giữ chúng tôi lại là hồ Thăng Hen.
Không có những trò chơi như đạp vịt, chèo thuyền, lướt canô, bơi lội..., chỉ mặt hồ xanh màu ngọc bích và thảm hoa tim tím đã níu chân chúng tôi cả một chiều bình yên.
Một chiều bình yên bên hồ Thăng Hen.
Một chiều bình yên bên hồ Thăng Hen.
Trước chuyến đi, chúng tôi đã mò mẫm tìm hiểu xem ngoài hai thắng cảnh hùng vĩ là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, nước non Cao Bằng còn gì khác thú vị và tìm thấy một cái tên: Hồ Thăng Hen. Cái tên nghe là lạ, những tưởng chẳng mấy hấp dẫn, chỉ là một cái hồ thôi mà.

Rồi chúng tôi cũng ghé vào hồ, bởi không vội vã, lại cùng cung đường và bởi ý nghĩ chắc chỉ dừng nơi đây chừng nửa tiếng là đủ. Nhưng chúng tôi đã bị màu xanh như ngọc bích của hồ mê hoặc, bị vẻ bình yên của Thăng Hen níu chân đến tận chiều muộn.

Nằm cách thị xã Cao Bằng 25km, Thăng Hen là một trong quần thể 36 hồ nước ngọt trên đỉnh núi cao thuộc huyện Trà Lĩnh. Theo tiếng Tày, Thăng Hen có nghĩa là “đuôi ong”. Nhìn từ trên cao, hồ có hình thoi gần giống đuôi con ong, phía đầu nguồn của hồ có một hang rộng, nước luôn tuôn chảy.

Huyền thoại xưa truyền rằng, trước kia ở vùng Trà Lĩnh có một chàng trai thông minh tuấn tú, làm bao cô gái xinh đẹp thổn thức. Chàng thi đỗ làm quan, được ban thưởng 7 ngày vinh quy bái tổ trước khi vào kinh. Mải quyến luyến bên người vợ mới cưới là nàng Bjooc nết na, xinh đẹp, đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ là phải trở về kinh.

Dốc sức vượt qua 36 thung lũng núi đá giữa đêm tối, chàng kiệt sức ngã khụyu, đập đầu vào núi Mã Phục và chết. 36 thung lũng ấy ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ ở vùng rừng núi huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng, nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thăng Hen ngày nay. Mùa mưa, nước ở các hồ dâng lên xanh ngát. Mùa khô, các hồ hết nước, duy chỉ có Thăng Hen vẫn trong xanh, không bao giờ cạn.

Đường vào hồ Thăng Hen cũng thật đẹp, đi qua một ngôi làng nhỏ lô nhô những mái nhà gỗ. Những căn nhà thấp lụp xụp, mái nhà như chạm cả xuống đất. Có lúc, con đường bất ngờ dốc đứng giữa hai bên là vách núi cao, lúc lại uốn lượn giữa đồng lúa nương êm ả.

Ngày chúng tôi đến, vạt hoa dại ven hồ đang nở đầy những bông hoa nhỏ, tím ngắt. Thảm hoa tím ôm trọn lấy mặt nước hồ xanh màu ngọc bích mát lành giữa trưa nắng. Những tia nắng vàng nhảy nhót lấp lánh trên mặt hồ xanh phẳng lặng như gương. Xa xa, sau thảm hoa là tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo, khiến mặt hồ như thu nhỏ lại, e ấp nép mình dưới sự chở che của núi rừng.

Phong cảnh nên thơ, êm đềm đến mức giữa trưa nóng mà chẳng ai có ý nghĩ sẽ nhảy xuống hồ tắm, bởi sợ làm vỡ mặt gương ngọc bích của hồ, sợ phá vỡ vẻ thanh bình nơi đây. Chúng tôi nằm giữa thảm hoa, để mặc những tia nắng nhảy múa xung quanh, thả hồn mình theo những dải mây trắng bồng bềnh vắt ngang sườn núi. Những câu chuyện cứ nhỏ dần, rì rầm rồi tắt hẳn, chỉ còn thấy thời gian trôi thật chậm và bình yên.
Ngân Hà


Kỳ diệu hồ nước nghìn khối trơ cạn trong một đêm

(Kienthuc.net.vn) - Người dân Hồ Thang Hen (xã Quốc Toản, huyện Trà lĩnh, Cao Bằng) từ bao đời truyền miện những câu chuyện đầy kỳ bí về nghìn khối nước trơ cạn trong một đêm.
Li kỳ chuyện thủy quái hại dân
Theo các cụ già dân tộc Tày tại đây, từ bao đời nay bản Lũng Táo vốn nằm dưới chân hồ Thang Hen là vùng đất có địa thế đẹp, nơi định cư của đa phần dân tộc tày cuộc sống vốn yên bình. Những, cuộc sống của họ bỗng chốc bị đảo lộn hoàn toàn, không biết dân làng ai đã đắc tội hay làm sai điều gì với thần linh mà một ngày nọ bỗng từ đâu xuất hiện hmột con quái thú.
Vào một ngày khi mặt trời còn nằm trên ngọn núi, khi mọi người đang hoạt động sản xuất thì đất, trời bỗng mây đen lũ lượt kéo về, sặc mùi ám khí, đêm về buông xuống tiếng gầm rú của con quái thú làm rung chuyển núi, rừng ai cũng khiếp sợ hoảng loạn không dám bước ra khỏi cửa.
              H
ồ Thang Hen có sức chứa hàng nghìn khối nước nhưng cứ theo chu kỳ một năm lại cạn một lần
Gia súc trong làng thả ra là bị móng vuốt sắc nhọn của con quái thú “vồ” thịt, hoang mang, sợ hãi nhiều người dân cũng dần nản trí trong họ bắt đầu có ý định dời đến vùng đất khác, vì không còn ai chịu nổi được sự hoành hành của con quái thú.
Trước sự lộng hành của con quái thú, trưởng bản tụ tập tất cả mọi người lại họp, bàn diệt trừ con quái thú gian ác. Sau nhiều ý kiến nhiệm vụ diệt quái thú được dao các thanh niên, trai tráng khỏe mạnh nhất trong làng và vùng lân cận.
Ngay lập tức công việc chuẩn bị cho việc diệt quái thú được đưa ra là lập một hàng rào đầy rẫy trong gai sắt nhọn ngay trước của miệng hang nơi con quái thú đang đang ẩn náu. Khi giăng bẫy đã xong mọi người bắt đầu dụ con quái thú ra ngoài hang.
Các loại vũ khí dáo, mác, cung tên… được tất cả mọi người chuẩn bị sẵn sàng tiêu diệt con quái thú, vì gia súc trong làng bị quái thú ăn thịt hết nên khi đánh hơi thấy mồi nhử con quái thú liền lao ra khỏi hang xẻ thịt con mồi cho cơn đói.
Nhưng con quái thú không thể ngờ đó là cái bẫy đã được giăng sẵn chờ đón con ác thú, khi chưa kịp chạm tới mồi nhử con quái thú bị dính bẫy ngàn mũi chông nhọn hoắt, quá đau đớn con quái thú vùng vẫy loạn xạ, nhưng càng vùng vẫy thì con quái thú càng dính nhiều bẫy chông không thể thoát ra được.
Nắm được thời cơ tiêu diệt con quái thú đã tới, thanh niên, trai tráng cùng mọi người dùng tất cả các loại vũ khí mình có trong tay phóng thẳng vào mắt con quái thú, bị mù hai mắt con quái thú thét gào trong vô vọng hoang mang. Dù vậy, vẫn chưa đẩy lùi được con quái thú xuống dưới miệng hang. Bởi, vũ khí thô sơ và có hạn nên con quái thú dần dần thoát được bẫy giăng.
Ngay lập tức mọi người dùng mõ, trống… gõ liên hồi trên miệng hang làm cho con quái thú càng trở nên hoảng loạn và bị đẩy xuống vực sâu, khi bị đẩy xuống vực sâu mọi người đã lập nhiều hàng rào chông trước miệng hang động để con quái thú không lên được nữa.
Khi con quái thú bị giam cầm trong hang động sâu thẳm thẳm, khi tiêu diệt được con quái thú, bà con trong bản reo hò, mở hội ăn mừng chiến thắng. Từ đó đến nay bản Lũng Táo luôn sống trong yên bình. Còn con quái thú khi bị giam giữ trong trong cơn cuồng loạn đã dùng chút sức lực cuối cùng của mình tìm lối thoát và đã gây ra những hang động dọc ngang dưới lòng đất cho đến tận ngày nay…
Đứng trước miệng hang, nơi được cho là truyền thuyết quái thú hại dân đứng trên đỉnh núi nhìn xuống miệng hang sâu hơn 20 mét thông thẳng lên đỉnh núi, bốn mùa nước trong hang chỉ lên xuống chênh lệch đôi chút nên lúc nào khi ai lên đây đều có thể nhìn thấy nước trong hang luôn trong xanh những cũng ẩn chứa đầy bí ẩn.
Hồ Thang Hen là một hồ nước đẹp, nằm cách con đường tỉnh lộ 205 đi vào huyện Trà Lĩnh, nơi có những rừng xanh bạt ngàn như một bức tranh nhuốm màu xanh đặc trưng của miền núi. Con đường nhỏ và duy nhất dẫn lối vào “hồ nước thủng” với những cung đường quanh co, rồi bất ngờ đổ xuống dốc gấp khúc như một thách thức của thiên nhiên đối với con người khi đến với nơi vùng đất này. Cách “hồ nước thủng’ không xa là bản Lũng Táo nơi sinh sống của đồng bào tày hiền hòa nằm dưới chân “hồ nước thủng” nằm uốn lượn quanh co qua các dãy núi đá thoặt nhìn thoáng qua ai cũng rất dễ dàng hình dung ra được “hồ nước thủng” giống y như đuôi của một con ong nằm vắt vẻ ngang lưng trời…những cụ già người dân tộc tày của bản Lũng Táo nơi đây vẫn kể cho con cháu hay các khách du lịch mỗi khi đến hồ Thang Hen, nó như một truyền thuyết của người đồng bào tày nơi đây nhắc lại để răn dạy con cháu mình.
Hồ nước nghìn khối trơ cạn trong một đêm
Xung quanh câu chuyện về hồ nước nghìn khối này trơ cạn trong một đêm người dân tại đây cho biết, hiện tượng hàng nghìn khối nước trong hồ trơ cạn trong một đêm dường như đây như một quy luật tự nhiên. Nhưng hồ chỉ trơ cạn vào buổi đêm khi đó người dân tại bản Lũng Táo và những người dân khu vực xung quanh lại đổ xô đi bắt cá thỏa thuê. Khi ấy những thanh niên trai tráng là những người bắt được nhiều hơn cả, cả năm cá trong hồ được bắt một lần nên cá rất to ngoài việc dành để ăn, gia đình nào được nhiều ca lại đem ra chợ huyện bán lấy tiền.
Bản Lũng Táo yên bình dưới chân hồ Thang Hen.
Thời điểm hồ nước cạn là vào khoảng tháng 9 và tháng 10 lập thu hàng năm, nước trong hồ trơ cạn chỉ trong vòng 2 đến 3 tiếng đồng hồ. những người dân tại đây và cả các nhân viên ban quản lý hồ lâu năm tại đây cũng không thể lý giải được tại sao lại xảy ra hiện tượng như vậy nó không chỉ diễn ra một lần mà lặp đi, lặp lại theo chu kỳ nhưng câu hỏi lớn nhất đặt ra với họ là hàng nghìn mét khối nước trong hồ trơ cạn như vậy sẽ chảy về đâu?.
Cụ Nông Văn Bằng (78 tuổi) người dân tộc Tày cho biết: “Cả cái hồ rộng lớn bao la như vậy mà, nước cạn rút đi không biết chảy về đây chúng tôi đã dùng nhiều cách như tính được chu kỳ nước rút cả bản họp lại dùng trấu thóc đổ xuống hồ để xem nước hồ chảy qua khe núi hay đổ ra đâu nhưng tất cả đều không dấu vết nên từ đó đến nay mọi người ai cũng không còn để ý nhiều đến chuyện này nữa. Mọi người chỉ biết hồ nước cạn là dùng các dụng cụ có sẵn trong gia đình đi bắt cá.
Nhưng cũng theo người dân tại đây thì nước hồ rút cạn trong thời gian ngắn thì cũng tự khắc chảy trở lại hồ y như ban đầu đây là một trong những điều bí ẩn mà đến hàng trăm năm qua không ai giải thích được.
Nước trong hồ rút dần, rút dần xuống mà mắt thường cũng có thể nhìn thấy nước bị rút dần xuống lòng đất. trong khi đó mọi thứ xung quanh đều không có gì thay đổi y như một chiếc chậu nước bị thủng đang chảy nước ra ngoài cụ Bằng cho biết.
Trong 36 hồ được nối liền và thông nhau thì hồ Thang Moỏng nằm gần kề với hồ Thang Hen, hồ Thang Moỏng có diện tích hơn 10ha và sâu hơn 30 mét với trự lượng hàng ngàn mét khối nước và là hồ duy nhất bị trơ cạn.
Quần thể 36 hồ tại đây, thì hồ Thang Hen là có thể chứa được lượng nước lơn nhất, khi mùa khô đến tất cả các hồ khác nước đều rút dần xuống rất nhanh và chỉ còn lại hồ Thang hen.
Theo ban quản lý khu du lịch hồ Thang Hen cho biết tổng cộng có 36 hồ nước tự nhiên lớn nhỏ, có nhưng hồ sâu tới 40 – 50 mét và mỗi hồ đều được ngăn cách nhau nhưng được nối liền thông nhau bởi các mạch hang động ngầm trong lòng đất nên mỗi khi nước cạn để lộ ra những hang động rất đẹp tạo nên những khung cảnh huyền ảo rất đẹp.
Tất cả các hồ lớn nhỏ tại đây đều được người dân địa phương đặt vơi những cái tên khac nhau: Thang kiều, Thang Ngả Nôi, Thang Hoi, Thang Khung, Thang Kè…vị trí của hồ nằm ngay giữa thũng lũng giáp ranh giữa hai huyện Hòa An và Trà Lĩnh (Cao Bằng) hồ đã tồn tại từ hàng trăm qua.
Có thể nói đây là hồ nước ngọt lớn nhất của địa phương tỉnh Cao Bằng và thông nhau với các sông suối lớn nhỏ khác nhau bao phủ một vùng rộng khắp. Đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục vụ nhu cầu tưới tiêu của hàng ngàn ha ruộng đất ruộng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Không chỉ vậy hồ còn là nơi tích trữ một lượng lớn nước khi có những đợt mưa lũ lớn.
Đồng thời, vị trí Hồ Thang Hen nằm ngay giữa thung lũng được bao bọc bởi rừng núi đã đã vô tình tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hết sức thơ mộng với khung cảnh thiên nhiên “non nước hữu tình” tạo nên một địa điểm du lịch rất hấp dẫn đối với du khách khi tới Cao Bằng.
Võ Sa Hà

Thang Hen – Điểm đến mới ở Cao Bằng

 


Đây là hồ nước có chiều rộng hơn 300m, chiều dài khoảng 1000m, xung quanh còn có một chuỗi hồ gồm 36 hồ lớn nhỏ. Các hồ nước được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá vôi, tạo nên một cảnh quan như "vịnh Hạ Long" cạn trên cao nguyên núi đá. Xung quanh các hồ còn có nhiều khu rừng nguyên sinh được gìn giữ bảo vệ lâu đời, đó là loại rừng nhiệt đới còn nhiều gỗ quý như nghiến, táu và tầng rừng sinh thái có nhiều dây leo chằng chịt, tạo cho khí hậu khu rừng trong lành, thoáng mát, dễ chịu đối với đời sống dân sinh.

Được các đồng chí bảo vệ khu vực du lịch sinh thái dẫn đi thăm phong cảnh hồ, chúng tôi và những du khách thập phương hết sức thú vị khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của một dãy hồ cạn nước, tạo nên một vùng xoáy phù xa, kênh rạch cạn sâu thẳm. Điều lý thú nữa là ở khu vực hồ Thang Hen còn có 9 hang động lớn nhỏ, đây là các hang động núi đá tự nhiên, do hàng nghìn năm biến động của núi đá vôi tạo nên. Trong đó có hang động Kỳ Rằng, hang động này nằm gần với hồ cạn nước. Qua khảo sát cho thấy hang có chiều dài khoảng 2000m, nhiều chỗ rộng có thể chứa được từ 200 đến 300 người một lúc đến thăm hang. Trong hang có nhiều nhũ đá, phiến đá tạo ra phong cảnh đẹp, hình thù đa dạng phong phú theo trí tưởng tượng của mỗi người.

Hiện nay, với sự đầu tư của địa phương, khu vực Thang Hen còn có nơi nghỉ cho khách du lịch và mọi người đến đây còn được thưởng thức các món ăn dân tộc như cháo ngô, rượu ngô, gà đồi, lợn quay, rau bò khai thơm ngon nổi tiếng. Đặc biệt, các làn điệu hát sli, hát then, hát lượn say đắm lòng người đã và đang được các dân tộc vùng quê phát huy và nhân rộng.

Nguồn : dulichvn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét