Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Cồn Cỏ - những góc nhìn thú vị

TTO - Không chỉ nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến Cồn Cỏ (Quảng Trị) bây giờ bạn sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm những cảm giác thú vị mà có lẽ ít nơi nào có được.
Một trong những nét khác biệt của Cồn Cỏ với các bãi biển khác chính là vẻ đẹp hoang sơ của đảo, nhiều bãi cát, đá tự nhiên, nước biển ấm, bãi san hô đỏ, hang đá rất kỳ lạ và cả những món đặc sản đã trở nên nổi tiếng như: ốc nón luộc, cua đá... để khách du lịch khám phá.
Cồn Cỏ có không khí trong lành tuyệt vời, trong cái nắng, gió từ biển thổi vào, từng làn hương thơm thoang thoảng của hoa và cỏ dại quyện lẫn trong gió biển như một đặc sản thiên nhiên ban tặng cho đảo mà không dễ tìm được ở nơi khác.
Trên con đường uốn lượn vòng quanh đảo, nhiều loài cây tạo nên đặc trưng khác biệt của đảo, trong đó nổi bật những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi tỏa bóng sum suê bên đường. Đến Cồn Cỏ khách du lịch có thể tắm biển bốn mùa, tham gia lặn biển ngắm san hô, cắm trại dã ngoại, câu cá… và tận hưởng những cảm giác lạ lẫm thú vị. .
THÁI HÀ

Đảo Cồn Cỏ - Hòn ngọc xanh đang chuyển mình


Đảo Cồn Cỏ. (Nguồn: Internet)

Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị khá gần bờ, chỉ cách đất liền chưa đầy 30km, nơi có những bãi tắm đẹp nổi tiếng như Cửa Việt và Cửa Tùng.

Từ ngoài khơi nhìn lại, đảo Cồn Cỏ như một hòn ngọc xanh tròn trịa nhô lên giữa biển. Các nhà nghiên cứu đánh giá Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan, như một bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng.

Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm trong số các đảo được hình thành bởi núi lửa giữa biển khơi. Dấu vết còn lại của sự hình thành ấy là những thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển cùng với các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... khiến cho đảo nhỏ thêm duyên dáng và xinh đẹp.

Hệ thực vật trên đảo rất phong phú với nhiều cây cổ thụ to 3-4 người ôm. Một số loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn, có nhiều đốt, cây "dầu máu" (loại cây gỗ cứng có nhựa đỏ như máu), một số loài khoai dại (lá to hơn lá chuối), cây sâm cau, nhàu nhàu...

Khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá đang trong tình trạng rất tốt, đa dạng về thành phần loài, với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng...

Khu vực đảo cũng tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực... Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang có nguy cơ tuyệt chủng...

Ngoài thế mạnh thiên nhiên ưu đãi, đến với Cồn Cỏ còn là đến với những địa danh hiển hách  của cuộc  trường chinh thống nhất đất nước đầy hào hùng của dân tộc. Cồn Cỏ, đảo của anh hùng của Tổ quốc vững vàng sau bao bão đạn, dông bom thù, hiên ngang và chiến thắng đã được Bác Hồ gửi thư khen, từng hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đến nay vẫn còn nhiều chứng tích chiến tranh, khu địa đạo dọc ngang trên đảo dài hơn 20km, hệ thống lô cốt dọc bờ biển, các khu nhà pháo...

Đến với Cồn Cỏ còn là đến với một vị trí chiến lược bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, dù diện tích không lớn  với chỉ khoảng 2,5km2 nhưng đảo lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung Bộ, gần nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế. Vì vậy, Cồn Cỏ đóng vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.

Trong cái nắng gắt gao của miền Trung, đất đỏ lầm lên dưới những bước chân, cầu cảng Cồn Cỏ vẫn đang ngổn ngang trong giai đoạn chuyển mình. Dự án mở rộng âu tàu, cảng cá dự kiến được đầu tư tới 300 tỷ đồng đang dần hình thành sẽ phục vụ dân sinh và phát triển du lịch.

Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, với định hướng phát triển thành đảo du lịch sinh thái vào năm 2020 và chính thức đón khách du lịch từ năm 2015, mọi nỗ lực của huyện đảo đều tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, kết hợp với phát triển kinh tế biển để xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến trù phú, hấp dẫn.

Hiện nay, một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên đảo như hệ thống âu tàu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông trên đảo phục vụ đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch đang dần hình thành, tạo nên diện mạo khang trang cho Cồn Cỏ. Hệ thống điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc đã được đầu tư, hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín. Bên cạnh đó, hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã và đang được hoàn thiện... Phương án xây hồ trữ nước ngọt trên đảo đang được triển khai.

Xóm thanh niên xung phong trên đảo giờ đây cũng đã ríu ran tiếng trẻ trong những ngôi nhà mà Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng cho các gia đình.

Anh Ngô Văn Phong, quê ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ra đảo Cồn Cỏ từ năm 2002 trong đội ngũ những thanh niên xung phong đầu tiên. Bén duyên cùng một nữ đồng đội, anh chị đã quyết định xây dựng tổ ấm tại hòn đảo tiền tiêu này. Hiện nay anh là nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, nhưng anh chị đã cùng 8 gia đình thanh niên xung phong khác xây dựng những mái ấm trên đảo. Anh cũng như những gia đình ở đây đều mong muốn đảo nhỏ sớm đón những khách du lịch đầu tiên, khi đó, các gia đình có thể tham gia vào dịch vụ du lịch vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa đóng góp vào sự phát triển của đảo.

Khối lượng công việc trước mắt vẫn còn khá bộn bề bởi trên đảo vẫn chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách. Các dịch vụ khác cũng hầu như rất sơ khai. Thời gian 3 năm không phải là nhiều cho những dự án để xây dựng Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, "người Cồn Cỏ" đang nỗ lực để hòn đảo xanh có thể bắt đầu đón du khách vào năm 2015./.

Đỗ Quyên (TTXVN)


Cồn cỏ và giấc mơ xanh

“Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa (...). Nhưng Cồn Cỏ không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo”...
Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich  Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Con co va giac mo xanh
Cảng Cồn Cỏ bình yên - Ảnh: L.Đ.D.
Chỉ mấy câu ngắn gọn như thế trong bút ký Cồn Cỏ ngày thường của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đủ khái quát hết thế đứng của Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị.

Từ “chiến hạm” đến “du thuyền”

Chỉ rộng hơn 2km2, chu vi vừa vặn 6km nhưng những năm chiến tranh Cồn Cỏ là một trong những địa danh khốc liệt nhất. Hiếm có hòn đảo nào ngày chiến tranh lại có nhiều nhà văn tên tuổi cùng sống, cùng chiến đấu với lính đến vậy.

Giờ đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đọc lại những quyển sách Họ sống và chiến đấu (Nguyễn Khải), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương) hay bài thơ Cồn Cỏ của Nguyễn Trọng Oánh... vẫn còn “nghe” mùi khói đạn vương trong từng câu chữ. Các trận địa trên đảo mang têncác địa danh của cả nước như đồi Hải Phòng, khu Hà Nội (quê hương lính đóng tại vị trí đó) nay vẫn giữ nguyên tên gọi.

Từ bờ biển Cửa Tùng, ngày đẹp trời sẽ nhìn thấy Cồn Cỏ hiện ra như một vệt xanh mờ sau sóng nước. Thuyền cập cảng, càng bất ngờ hơn khi cả đảo ngập một màu xanh nõn óng ả, thứ sắc xanh cây lá chỉ có ở những hòn đảo được kiến tạo từ hoạt động của núi lửa giữa biển khơi.

Những cánh rừng xanh với nhiều loại gỗ quý giờ đã kịp hồi sinh, những đàn khỉ được thả ban đầu nay đã sinh sôi con đàn cháu đống. Cồn Cỏ có chất đất badan màu mỡ, quanh đảo là các thềm đá badan phong hóa rất độc đáo.

Mùa hè năm 1992, chuyến điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng và các cộng sự ra Cồn Cỏ đã mang về những thông tin quý giá: Cồn Cỏ đã có những dấu vết của thời đại đá cũ. Và từ những năm đầu Công nguyên, Cồn Cỏ đã có những cư dân Chăm sinh sống, đó cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt ghé nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển...
Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich  Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Con co va giac mo xanh
Đài tưởng niệm những người hi sinh trên đảo - Ảnh: L.Đ.D.
Nối hai chiều thời gian

Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Trút chiếc áo chiến trận, hòn đảo quân sự nay đã mang một vị thế khác với chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm, nông nghiệp. Những cư dân từ đất liền đã ra đảo sinh sống làm ăn, những ngôi nhà ấm tiếng trẻ bi bô mọc lên, lớp mẫu giáo trên đảo được xây dựng mang cái tên rất biển đảo: Trường mầm non Hoa Phong Ba.

Cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.

Ngay từ khi thành lập, Cồn Cỏ đã thuê chuyên gia Cuba đến lập quy hoạch, biến hòn đảo thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Hòn đảo đặc biệt bởi bước từ bờ biển lên sẽ gặp ngay khu rừng với hệ sinh thái nhiệt đới ba tầng khá hiếm ở các đảo núi lửa VN. Rạn san hô ở đây cũng được nghiên cứu và đánh giá chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã được thành lập nhằm bảo vệ hệ sinh thái san hô này cùng các loài động thực vật quý hiếm.

Những bãi tắm ở Cồn Cỏ vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên thủy và độc đáo. Bãi Nghè đẹp nhờ sự phong hóa của các tầng đá badan thì bãi Hương Giang lại mang vẻ đẹp trắng mịn của đá san hô và bãi đá đen với hàng vạn viên đá tròn đen bóng như những viên ngọc trai đen khổng lồ nằm phía tây bắc đảo.

Còn gì thú vị hơn khi sau một ngày leo đồi đến với những di tích xưa, lang thang trong khu rừng nguyên sinh rợp mát... chiều về lại vùng vẫy trên những bãi tắm hoang sơ. Và đêm đến, những chiếc thuyền câu quanh đảo sau vài chục phút đã đủ cho bạn những nồi cháo cá tươi thơm nức. Riêng con cua đá nổi tiếng trong bài hát Cồn Cỏ có con cua đá nay đang được bảo vệ bởi lệnh cấm bắt cua đá nhằm giữ gìn hệ sinh thái cho Cồn Cỏ.

Với những chứng tích lịch sử một thời trận mạc, những di chỉ văn hóa mới được phát hiện, cộng với đặc thù của một hòn đảo kiến tạo từ hoạt động của núi lửa, Cồn Cỏ sẽ là điểm du lịch hội nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, nối quá khứ vào tương lai.

Đầu tháng 4-2012, ban thực hiện dự án du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng phối hợp Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Trị và UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại đảo Cồn Cỏ cho các doanh nghiệp du lịch - lữ hành, các nhà đầu tư để có cơ sở triển khai tour du lịch thăm đảo trong mùa hè này.

Dù chưa có tour ra Cồn Cỏ nhưng bạn vẫn có thể ra đó theo thuyền cá của ngư dân đi từ cửa Tùng hay cửa Việt. Đảo hiện có đủ nhà nghỉ, hệ thống dịch vụ... Và chỉ cần thức một đêm với đảo, bạn sẽ cảm nhận những cảm xúc riêng có ở hòn đảo một thời khét lẹt mùi đạn bom này.
“Chiến hạm không bao giờ chìm” trên vĩ tuyến 17

Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước, Cồn Cỏ nằm ở vị trí 17O08’15’’ tới 17O10’05’’ vĩ độ bắc, gần như sát rạt bên đường giới tuyến kéo dài từ cửa Tùng ra thêm 15 hải lý về phía biển Đông. Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến, bởi chiếm được hòn đảo án ngữ phía nam vịnh Bắc bộ này, địch sẽ có được bàn đạp “cai quản” một vùng biển rộng lớn, thâm nhập hậu phương miền Bắc.

Nhưng nếu đã đọc các trang sách về Cồn Cỏ những năm tháng bom đạn ấy, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu có dịp trở lại hòn đảo này.

Theo  Lê Đức Dục / tuoitre.vn

Đất Việt giữa trùng khơi…

(iHay) Trở thành 1 huyện thuộc tỉnh Quảng Trị từ năm 2004, đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền 13 hải lý, án ngữ ở cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ, với diện tích 230 ha, dân số chừng 400 người.

Khi bình minh chưa kịp đến với cảng cá Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), thuyền đã nổ máy hướng về Cồn Cỏ, tiếng máy chắc đanh như lòng người đang căng tràn cảm xúc. Người viết cứ đinh ninh rằng, đêm đầu tiên ngủ lại trên đảo sẽ thức trắng chỉ để nằm ngước mặt lên ngắm biển trời, lắng nghe lời tình tự của đảo nhỏ và biển xanh qua tiếng sóng vỗ bờ cả ngàn năm qua không dứt.
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 1
Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ đi tàu từ cảng Cửa Việt (H.Gio Linh), chúng ta có thể đến với Cồn Cỏ
- Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Dù nhỏ bé nhưng Cồn Cỏ luôn được đánh giá là một hải đảo có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú và nhiều tiềm năng. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam được gìn giữ và bảo vệ tốt. Rạn san hô ở đây cũng được cho là có độ phủ cao, còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa)…
Hiện, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã thành lập khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532 ha để bảo tồn.
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 2
Giữa muôn trùng biển khơi, đảo Cồn Cỏ hiện ra với những gì hoang sơ nhất
- Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Thời chiến, với vị thế là đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, Cồn Cỏ gắn liền với nhiều chiến tích oai hùng, đặc biệt là trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 3
Xung quanh đảo, có rất nhiều tàu ngư dân neo đậu sau những ngày mệt nhoài đánh bắt
- Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Ban đầu, khi thành lập huyện, Cồn Cỏ là “đảo thanh niên”, đã có hàng chục bạn trẻ xung phong ra đảo sinh sống, làm việc rồi xây dựng gia đình. Hiện, cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng các loại hình dịch vụ phục vụ cho ngư dân khi họ ghé đảo hoặc các đoàn khách viếng thăm.
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 4
Những công trình đang gấp rút xây dựng kế bên những tòa nhà hành chính khang trang
- Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Ngày nay Cồn Cỏ đang thay da đổi thịt, nhiều công trình kiên cố vững chãi đã được dựng lên, một số đang gấp rút để hoàn thiện. Định hướng của tỉnh Quảng Trị sẽ phát triển tiềm năng du lịch của Cồn Cỏ trong thời gian tới.
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 5
Bến Nghê, một vị trí đẹp trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Nguyễn Phúc 
Ra thăm Cồn Cỏ hôm nay, hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đảo, nơi mà người dân Quảng Trị vẫn thường gọi với cái tên đầy ý nghĩa: đất Việt giữa trùng khơi…
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 6
Những tảng đá màu đen nằm lô nhô trên bờ cát quanh đảo lẫn trong vụn san hô, sò, điệp…
- Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 7
Hàng phong ba xanh tươi dạn dày sương gió - Ảnh: Nguyễn Phúc 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 8
Ngọn đèn biển trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Nguyễn Phúc 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 9
Trèo lên trên chóp ngọn đèn biển có thể phóng tầm mắt bao quát
cả hòn đảo xinh đẹp - Ảnh: Nguyễn Phúc 
 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 10
Ốc hổ và ốc mặt trăng có rất nhiều quanh đảo, đây cũng là là một món “đặc sản” mà
nếu chưa ăn thì có nghĩa là chưa ra Cồn Cỏ - Ảnh: Nguyễn Phúc 
 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 11
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 12
Ngày càng có nhiều người ra với đảo Cồn Cỏ, đó là một tính hiệu đáng mừng
cho hòn đảo đang được định hướng phát triển ngành du lịch - Ảnh: Nguyễn Phúc 
 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 13
Những người trẻ trước tượng đài tưởng niệm những người hy sinh
cho hòn đảo nhỏ đẹp tươi - Ảnh: Nguyễn Phúc 
 
Khám phá đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị - 14
Chị Nguyễn Thị Lan và con gái, những cư dân “đời đầu” từ ngày thành lập
huyện đảo - Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Phượt thủ Hạnh Phúc Nguyễn Đặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét