Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Dẻo thơm bánh lá dừa

Bánh lá dừa có nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào nguyên liệu làm nhân bánh: nhân chuối, nhân đậu xanh hay nhân dừa.
Bến Tre là xuất xứ của nhiều loại ẩm thực phong phú, độc đáo với nguyên liệu chính là dừa. Ngoài đuông dừa, của hũ dừa, kẹo dừa… Bến Tre còn có một đặc sản nữa mà không nơi nào có, đó là bánh lá dừa.
Nguyên liệu chính để làm bánh lá dừa là nếp, cơm dừa, đậu đen, chuối hoặc đậu xanh cùng với lá dừa để gói bánh. Lá dừa chính là nguyên liệu đặc trưng tạo nên hương thơm hấp dẫn của bánh.  Lá dừa gói bánh phải là lá dừa non có màu trắng ngà xanh, như vậy bánh sẽ dễ gói và có màu sắc đẹp hơn. Nếp phải thật dẻo thì bánh mới ngon, đồng thời khâu chuẩn bị nếp rất quan trọng sẽ quyết định độ dẻo của bánh. Đồng thời phải chọn giống nếp ngon, trắng, không bị lẫn tạp chất và không có mùi mốc để bánh trắng và thơm.
Nếp sau khi lựa được rửa sạch, ngâm qua đêm rồi tiến hành xào với dừa, phần nếp này có thể bổ sung thêm đậu trắng, đậu đỏ hay đậu đen để bánh ngon và đẹp mắt hơn. Khi xào, cho nước cốt dừa cùng một ít muối đun xôi, sau đó cho nếp vào đảo trộn đến khi hạt nếp hấp thụ nước cốt dừa trở nên mềm, trương nở và hơi dính thì cho tiếp đậu đen vào xào chung. Nếp xào dừa sẽ chín sơ bộ. Nước cốt dừa sẽ giúp hạt nếp bóng, béo hơn.
Bánh lá dừa đơn giản nhưng rất độc đáo, hấp dẫn bởi hương thơm nồng nàn, quyến rũ của nếp, đậu xanh và lá dừa.
Bánh lá dừa đơn giản nhưng rất độc đáo, hấp dẫn bởi hương thơm nồng nàn, quyến rũ của nếp, đậu xanh và lá dừa.
Chuối chọn những quả to, chín muồi để khi làm bánh có màu đỏ đẹp. Chuối thái khúc khoảng 2 đốt ngón tay rồi trộn đều với đường và một chút muối và để từ 20-30 phút cho thấm. Ngoài ra, có thể sử dụng đậu xanh làm nhân bánh thay cho chuối. Đậu xanh ngâm, đãi sạch vỏ rồi đem hấp chín với nước cốt dừa và một chút muối để đậu thơm, béo và đậm đà, sau đó dùng chày tán nhuyễn. Đậu xanh trước khi cho vào làm nhân bánh cần nặn viên chặt để khi luộc không bị bở.
Tiếp đó là công đoạn gói bánh. Gói bánh dừa đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Nếu gói chặt bánh sẽ không chín đều, gói lỏng bánh dễ bị nát. Và nấu cho đến khi hạt nếp dính chặt vào nhau, nếp trong là bánh đã chín. Muốn được bảo quản lâu, bánh sau khi vớt ra phải được rửa qua nước lạnh, để ráo và treo lên.
Bánh lá dừa được dùng nóng hay nguội tùy theo sở thích mỗi người. Bánh khi ăn có vị hơi mặn của muối, vị béo của nước cốt dừa, cái dẻo của nếp, cái bùi của hạt đậu kết hợp cùng hương nếp thơm nồng, hương thơm đặc trưng của lá dừa tạo nên một hương vị hấp dẫn riêng có. Khi lột bỏ lớp vỏ lá, bề mặt bánh nhẵn, bóng và không dính vào lá, hạt đậu và nếp mềm, nở đều nhưng không bị nát là bánh đạt yêu cầu.
Bánh dừa ngon phải là bánh dừa khi nguội cầm chắc tay, ráo, không nhão, có mùi thơm của lá dừa và nếp. Bánh dừa sau khi nguội, được xâu lại với nhau như nem chua và bán làm quà cho du khách mỗi khi qua đây.
Phương Lam

Bánh lá dừa

Có một loại bánh đặc trưng của miền sông nước Cửu Long mà tên gọi lại từ lớp vỏ bánh: đọt lá dừa non, hoặc đọt cà bắp (cây dừa nước non chưa nở thành tàu lá) được dùng để gói bánh. Nguyên liệu chính để gói bánh là nếp, chuối hoặc đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân bánh. Để gói bánh phải chuẩn bị từ bữa trước. Nếp rặt (không để lẫn lộn với gạo) chọn loại dẻo như nếp bầu, nếp mỡ, nếp bà bóng… đem ngâm qua đêm, sáng hôm sau vuốt nước vài lượt rồi để ráo. Đậu trắng hoặc đậu đen ngâm mềm, bỏ vỏ ngoài. Dừa khô nạo lấy cơm, vắt nước cốt trộn vào nếp, xác cơm dừa bằm nhuyễn trộn với đậu xanh cà ngâm, bỏ vỏ nấu nhừ nêm hành lá, muối, vo thành viên để làm nhân. Đơn giản hơn thì dùng chuối xiêm chín lột vỏ, cắt ra hai phần, ướp thêm ít đường cát làm nhân. Nếp trộn nước cốt dừa được xào sơ qua cho thấm, tăng thêm vị béo. Để có vị bùi người ta có thể cho thêm đậu trắng hoặc đậu đen vô nếp trộn đều.
Lá gói bánh lấy từ đọt dừa non hoặc đọt cà bắp rửa sạch, sau đó phơi nắng (hoặc nhúng nước sôi và lau khô) để dễ gói và không bị rách. Theo kinh nghiệm dân gian nếu gói quá chặt, bánh sẽ chín không đều nhưng nếu gói lỏng tay, khi nấu bánh bị nong nước, hạt nếp sẽ rời rạc và bánh trở nên nhão mềm không ngon. Lấy lá dừa lót thành lớp mỏng dưới đáy nồi để tránh bánh bị cháy khét khi nấu.
Bánh lá dừa được dùng nóng hay nguội tùy vào sở thích mỗi người. Bánh khi ăn có vị mặn nhẹ của muối, vị béo của dừa, nếp dẻo và đậu bùi kết hợp với từng loại nhân hòa quyện vào nhau. Bánh lá dừa tuy được làm từ những nguyên liệu dân dã nhưng lại có giá trị dinh dưỡng đáng kể.
T.B.X

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét