Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính: Hội An trở thành “đất lành chim đậu”

Là một trong những người nghiên cứu bảo tồn di sản đô thị Hội An từ năm 1982 và trực tiếp tham gia, theo dõi liên tục sự nghiệp này trong suốt những năm qua, ông nhận định:
Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ Hội An do UBND TP.Hội An ban hành là một công cụ bảo tồn di sản đô thị cổ thật sự hữu ích, đúng với cách ứng xử và do đó mang tính khả thi. Văn bản này hay ở chỗ nó không chủ trương biến khu phố cổ thành bảo tàng, nó tính đến và mở đường cho sự song tồn của hai nhân tố cơ bản: Di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư và tiếp tục phát triển của đô thị. Nó khả thi về sự chấp nhận tất yếu phần “mềm” và phần “cứng” trong bảo tồn. Nó sát với di tích, lại chấp nhận được đối với chủ nhân của chúng.
Điểm tổ chức trò chơi dân gian bài chòi tại phố cổ.     Ảnh: T.T.T
Điểm tổ chức trò chơi dân gian bài chòi tại phố cổ. Ảnh: T.T.T
Tính khả thi quyết định năng lực và hiệu quả của quản lý. Khu phố cổ Hà Nội chưa thành công bởi quy chế áp đặt cho nó là của một khu bảo tàng, khu di tích. Về việc này, các di sản đô thị ở Hà Nội, Huế, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Lạt có thể rút ra được nhiều điều bổ ích cho công việc bảo tồn của mình.
Tuy nhiên, Hội An cũng đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng đô thị trong phát triển và đánh mất mình từ trong ra. Có rất nhiều việc cần phải làm, nhưng trước hết Hội An cần tiếp tục công việc nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu, đúc kết thành một dạng ngân hàng dữ liệu cơ bản dùng cho mọi quy hoạch, chương trình bảo tồn và phát triển.
Khảo sát toàn diện dân cư khu phố cổ (điều kiện sống, kinh doanh, nhu cầu về cải tạo ngôi nhà, sự gắn bó với di sản, quyền lợi của họ trong sự bảo tồn di sản và phát triển du lịch, các nguyện vọng khác). Khi chúng ta cân bằng được quyền lợi người dân và quyền lợi của di sản, điều ấy có nghĩa là công cuộc bảo tồn nắm chắc thành công. Đặc biệt, Hội An cần có những chính sách và chế độ khuyến khích người dân trụ lại với phố cổ, giúp đỡ họ vay vốn hoặc giảm thuế để đầu tư kinh doanh, giảm bớt sự lấn lướt từ phía ngoài.
Đồng thời chú trọng việc khơi nguồn và hồi sinh những giá trị, những truyền thống văn hóa đô thị đặc thù, tránh du nhập thiếu lựa chọn những hình thức hoạt động văn hóa xa lạ với một đô thị có tính cách riêng.
Trương Tâm Thư

Hội An – Một vẻ đẹp không trùng lắp

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: ... Hội An còn để lại một tổng thể di tích phong phú, đa dạng và tương đối nguyên vẹn của các phố xá, bến cảng; các kiến trúc dân dụng và tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.
ong khi đó, trải qua các biến thiên lịch sử và các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, hầu hết các đô thị cổ khác đều bị hủy hoại hoặc cải tạo hoàn toàn, chỉ để lại trên mặt đất một ít di tích rời rạc, phần lớn là các thành lũy, cung điện và đền miếu lăng mộ. Di tích đô thị cổ Hội An còn được bảo tồn cho đến nay là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm có trên thế giới.

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997), Chuyên gia bảo tồn Ba Lan (17 năm làm việc ở VN)
Vẻ đẹp không trùng lắp, chứa đựng trong các phố phường lịch sử; sự phong phú của các thể dáng kiến trúc; sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các quần thể kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc diểm nổi bật trong một thiên nhiên riêng biệt. Những đặc điểm này đưa quần thể di tích phố cổ lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả trong kho tàng văn hóa của nhân loại...

Gs Yoshiaki Ishizama, Giám đốc Viện Văn hóa Á Châu, Đại học Sophia
Ở Hội An hiện vẫn còn lưu giữ được những vết tích của thương cảng quốc tế xa xưa như cầu Nhật Bản... Việc bảo tồn và trùng tu những di sản văn hóa này có thể cung cấp một gợi ý, giúp ta làm sáng tỏ những thông tin lịch sử liên quan đến sự hình thành và suy vi của Hội An. Dựa trên những nghiên cứu đó, chúng ta có thể phác ra một kế hoạch nhất định để phát triển vùng văn hóa Hội An. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Hội An thông qua dự án bảo tồn và phục hồi các phố cổ cần được ưu tiên hàng đầu, cùng với việc tạo ra các đặc sản khu vực... Điều cần giúp các cư dân địa phương hiện nay là phải cho họ có ý thức phải bảo tồn và phục hồi những di sản văn hóa trong khu vực họ đang sống.

Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội
... Với những người Nhật Bản thời Shuninsen (Châu Ấn thuyền), Hội An từng là nơi “đất lành chim đậu”. Không phải ngẫu nhiên mà trong số 19 địa điểm thương nhân Nhật đã từng đến mua bán trên khắp thế giới thì chỉ có 4 nơi họ ở lại xây dựng phố phường. Và trong 4 nơi dừng đậu đó, chỉ duy nhất ở Hội An dấu tích của người Nhật còn được lưu giữ. Di ảnh của một thời quan hệ giao thương chặt chẽ, kết thân hòa hiếu đem lại mối lợi cho cả hai bên đang là sự nhắc nhở cách ứng xử của chúng ta trong hiện tại và tương lai.
    Trung Hiếu tổng hợp

Sống tốt” trong lòng di tích

Không lâm vào cảnh “phố cổ là phố khổ” như khu phố cổ Hà Nội, khu đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang là “mảnh đất vàng” dù không còn chỗ để dễ chen chân, và đời sống người dân ngày một phát triển, khá giả.
Vì sao vậy? Đó là bởi Hội An giải quyết được vấn đề bảo tồn di tích và phát triển du lịch dịch vụ, khai thác được giá trị di sản để tạo nên giá trị kinh tế phục vụ đời sống của chính những người dân nơi đây. 
Thành phố cổ, đời sống mới
Phố cổ Hội An chỉ có diện tích chưa đầy 2 cây số vuông, hàng ngàn di tích nhà cổ, với vô số quy định ngặt nghèo, nhưng hơn 30 ngàn con người “chen chúc” trong đó vẫn có thể sinh sống bình thường, thậm chí còn “sống tốt”. Các nhà nghiên cứu đương đại đánh giá, đô thị cổ Hội An - không chỉ bằng quá trình lịch sử đã trải qua, mà còn đang diễn ra - là một bằng chứng sống động về lịch sử hình thành và phát triển của các đô thị VN qua các thời đại... Rằng, đô thị cổ Hội An là một tập hợp các loại hình kiến trúc đô thị cổ với một cơ cấu cư dân đô thị còn nguyên vẹn.
Sự nguyên vẹn trong kiến trúc đô thị vẫn được bảo tồn ở ba bình diện: hình thái đô thị, đơn vị không gian kiến trúc tức khu phố cổ và từng công trình kiến trúc riêng lẻ. Và đặc biệt hấp dẫn ở chỗ, hầu như toàn bộ các công trình lịch sử đó đều có chủ nhân, đều đang được sử dụng trong cuộc sống hiện tại. Trong những ngôi nhà cổ hình ống đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, các thế hệ con cháu đời nay vẫn tiếp tục sống nối tiếp các thế hệ cha ông của họ, tạo thành “một thành phố cổ đang sống”.
Từ ngày Hội An trở thành di sản văn hoá thế giới (1999), “thành phố cổ đang sống” này ngày càng thêm sinh khí. Ông Trần Văn An, Phó GĐ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, trung bình mỗi năm, các nguồn kinh phí ngân sách, tài trợ của các tổ chức nước ngoài cùng người dân đầu tư khoảng 100 tỉ đồng trùng tu khoảng 100 di tích, theo đúng các quy định đặc thù về trùng tu nhà cổ Hội An.
Chính trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn được vẻ đẹp nguyên trạng mà Hội An hình thành nên một “thương hiệu” du lịch văn hoá mang tầm quốc tế. Mỗi năm, Hội An đón hàng triệu lượt du khách đa quốc tịch tham quan, lưu trú, mua sắm, tham gia lễ hội văn hóa du lịch suốt tháng quanh năm. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của các chủ dân di sản ngày một khá giả. Hiện tại, gần như toàn bộ “mặt tiền” các tuyến phố chính Hội An đều là những cửa hiệu buôn bán. Các nhà cổ này, hầu hết là thuộc sở hữu của người dân, được các chủ nhân vừa giữ gìn, vừa khai thác hiệu quả.
Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngành du lịch -  dịch vụ - thương mại luôn chiếm hơn 65% tỉ trọng GDP, người Hội An thu nhập ngày càng cao, đến 14,7 triệu đồng GDP bình quân đầu người, lại thêm được va đập, học hỏi mở mang nhờ tiếp nhận văn hoá thế giới qua phát triển du lịch.
Tái hiện một đám rước xưa tại phố cổ.     Ảnh: T.T.T
Tái hiện một đám rước xưa tại phố cổ. Ảnh: T.T.T
Thử giải mã “mô hình Hội An”
Nhờ đâu mà phố cổ nhỏ bé này không những không trở thành “phố khổ” đối với các chủ nhân, mà còn bảo tồn và phát triển đời sống đương đại trên chính nền tảng di sản của cha ông? Trước hết, với tính đặc thù mình, Hội An đã trở thành “tâm điểm” thu hút sự “quan tâm đầu tư, chăm sóc” của giới nghiên cứu, bảo tồn quốc gia và quốc tế. GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét, công tác bảo tồn và trùng tu di sản kiến trúc ở Hội An thời gian qua chẳng những khắc phục tình trạng xuống cấp “kịch tính” của các di tích, mà còn nâng cấp diện mạo chung của khu phố cổ, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo nên sự đảm bảo cho di sản tồn tại lâu dài hơn.
Sự đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đến trung ương cả về cơ chế chính sách lẫn nguồn kinh phí cho một đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng giúp Hội An có đủ điều kiện, cơ sở thực hiện các kế hoạch liên quan đến phố cổ.
Hơn mọi nơi nào khác, dân Hội An hiểu rằng di sản ông cha họ để lại chính là tài nguyên của họ. Không giữ được, lấy gì mà làm ra tiền của. Do vậy, người dân phố cổ tuân thủ rất tốt vô số quy định ngặt nghèo về quy chế quản lý, sử dụng, sửa chữa chính ngôi nhà cổ của mình. Còn về phía cơ quan quản lý, theo ông Trần Văn An, bảo tồn không chỉ là gìn giữ, để nghiên cứu, mà còn để phát triển, đối với một di tích sống động như Hội An, thì cuộc sống hàng ngày của hàng chục ngàn người là một áp lực vô cùng to lớn. Chính vì vậy, các quy định về quản lý di tích phải vừa nghiêm ngặt, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, làm ăn của cư dân.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Kinh doanh “kiểu cũ” sẽ làm hỏng di sản, cả về hữu hình lẫn vô hình. Như vấn đề cháy nổ chẳng hạn, với đặc điểm nhỏ hẹp, nhà gỗ, liên cư liên địa, chỉ cần một mồi lửa phát ra là sẽ cháy tất cả. Rồi cạnh tranh không lành mạnh là hệ quả tất yếu của sự “quá tải”. Phố cổ là di tích “sống”, hầu hết do người dân làm chủ, nên nhà nước và người dân phải cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng hưởng lợi. Việc khai thác kinh tế là tất yếu, nhưng không phải là bằng sự trả giá bất kỳ, mà phải được định hướng, quản lý chặt chẽ. Nhưng hoàn toàn đó không phải là những áp đặt nghiêm lệnh cấm. Quy chế cũ không còn phù hợp, bộc lộ bất cập, hạn chế trước tình hình mới, Hội An sẵn sàng thay đổi, thử nghiệm, điều chỉnh để áp dụng các quy chế phù hợp, hài hoà hơn để phát triển”.
Một điều đặc biệt nữa khiến phố cổ Hội An “sống tốt”, là sự đồng thuận hiếm có giữa chính quyền và người dân. Người dân phố cổ đã tìm cách nối tiếp một cách rất sáng tạo và dĩ nhiên là thành công quá trình xây dựng chứ không chỉ là khai thác di sản-tài sản của ông cha để lại, để làm nên một Hội An sống động như hôm nay. Đó chính là ý thực tự thân của người Hội An.
Trương Tâm Thư

“Mở” để phát triển chính mình

Khu phố cổ Hội An nằm bên sông Hoài, chủ yếu thuộc phường Cẩm Phô, Minh Phong. Phố cổ hình thành từ hơn 400 năm trước là một cảng thị, cư dân đa quốc tịch, đến ngày nay càng được “nối gần” với các vùng dân cư trong vùng và “nối tiếp” với các thế hệ trong các ngôi nhà cổ.

Với đặc điểm lịch sử-địa lý này, yếu tố “làng trong phố” vẫn được xem là yếu tố đặc thù tạo nên đời sống tinh thần, lối cư xử của người dân phố cổ Hội An.
Phố cổ Hội An là một mảnh đất nhỏ, gần như mọi người đều biết nhau. Trong không gian sống ấy, cùng với sinh hoạt cộng đồng của những tộc họ, bang, hội, phường hội, làng nghề truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo... mỗi cá nhân sẽ tự khép mình vào nếp sống chung để được chấp nhận, để tương xứng với vị thế của mình trong mỗi nhóm cộng đồng từ gia đình đến bang hội, thôn, khối phố...
Theo thạc sĩ Phùng Tấn Đông (Trung tâm VH-TT Hội An), yếu tố “làng trong phố”, ở mặt tích cực của nó đã tác động rất nhiều đến sự “đồng thuận” khi phát triển lối sống văn hoá. Dư luận cộng đồng, cũng xét ở khía cạnh tích cực, góp phần điều chỉnh sinh hoạt, cư xử của mỗi cư dân phố cổ. Yếu tố “làng trong phố” ở Hội An mạnh mẽ, tạo thành thói quen sống qua nhiều thế hệ người, hình thành một “vô thức tập thể”. Qua thực tế tiếp biến với các lối sống văn hoá khác, mới, cụ thể như “nếp sống du lịch” do du khách Âu-Mỹ mang vào phố cổ lâu nay, chính yếu tố này sẽ giúp người Hội An “giữ được mình”.
Đời sống Hội An đã, đang, và sẽ vẫn phụ thuộc vào giao thương, lịch sử hình thành là cảng thị - một “khu kinh tế mở” của xứ Đàng Trong, nay là trung tâm du lịch sầm uất bậc nhất nước ta. Hiện trong số 475 ngôi nhà nằm trên mặt tiền của 4 con đường có lưu lượng khách du lịch nhiều nhất phố cổ là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi thì hầu hết đang được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu, thậm chí có nhà đến 2-3 cửa hiệu.
Tuy vậy, cũng hiếm nơi nào còn giữ được mức độ “lịch sự” trong cạnh tranh kinh doanh như của các chủ di tích - hiệu buôn. Nhà văn Nguyên Ngọc kể về lối cư xử đẹp của người Hội An: Một người vào hàng thịt ở chợ Hội An hỏi mua thịt heo, bà chủ hàng thịt hỏi mua thịt heo để ăn kiểu chi, người này bảo ăn kiểu cuốn bánh tráng - món ăn “đặc thù” xứ Quảng, bà chủ hàng thịt bèn chỉ sang hàng thịt bên cạnh để mua vì bà không có thịt heo “đủ tiêu chuẩn” để cuốn bánh tráng. Hoặc thói quen của người Hội An mỗi khi gặp đám tang là tạm dừng lại, ngả mũ, chờ đám tang đi qua mới tiếp tục hành trình.
Ông Nguyên Ngọc kể chuyện với sự nuối tiếc vì nét đẹp hình thành từ cộng đồng “làng trong phố” Hội An đang dần phai nhạt.
Phố nghề truyền thống đèn lồng Hội An.     Ảnh: T.T.T
Phố nghề truyền thống đèn lồng Hội An. Ảnh: T.T.T
Ở một góc độ khác, tuy là “làng trong phố” nhưng người Hội An không quá bảo thủ như người ta vẫn tưởng - ông Nguyễn Sự, vốn là Chủ tịch UBND lúc Hội An trở thành di sản và nay là Bí thư Thành uỷ, khẳng định - “Ở những thời điểm quyết định, người Hội An sẵn sàng quyết liệt. Nhưng không hẳn không bảo thủ nghĩa là mở toang đô thị cổ đón bất cứ luồng gió nào. Không phải “mở” là đánh mất bản sắc văn hoá, “mở” để phát triển chính mình chứ không phải biến thành người khác”.
Năm 1999, Hội An trở thành địa phương đầu tiên ở nước ta thực hiện mô hình phát triển kinh tế du lịch ở di sản phố cổ theo một quy chế riêng biệt về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại. Quy chế này liên tục được sửa đổi qua các lần năm 2001, 2006 để phù hợp với thực tế phát triển của cả bảo tồn lẫn du lịch tại phố cổ. Về thuần phong mỹ tục, lối sống, các quy định kiểu như “nữ không hớt tóc nam, nam không hớt tóc nữ” bị bãi bỏ, rồi “lệnh giới nghiêm” lúc 12h khuya đối với hàng quán trong phố cổ cũng được dỡ bỏ, vì không phù hợp với “đời sống du lịch” đặc thù của phố cổ là du khách ngoại quốc sinh hoạt khác múi giờ.
Hội An cũng sẵn sàng “đi đầu”, như phát động xây dựng và được công nhận là “thành phố văn hoá” đầu tiên cả nước, và hiện đang thực hiện việc phát triển theo mô hình “thành phố sinh thái” đầu tiên của cả nước. 
Với khu đô thị cổ có con người đang sinh sống - một “di tích động” như Hội An, việc phát huy bản chất năng động ấy đã giúp Hội An tránh được cảnh “ngồi không ăn lở núi” và không ngừng tiếp tục “mở” để phát triển chính mình, trở thành một thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế.

Đức Tới
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hội An:
“Để người dân hiểu rõ giá trị đích thực và tự giác bảo tồn là điều quan trọng...”

Từ khi được vinh danh là Di sản văn hoá thế giới, khu phố cổ Hội An đóng vai trò cực kỳ quan trọng để kích thích tăng trưởng du lịch tại đây.

Tuy nhiên việc khai thác qua mức, cùng với số tuổi đè nặng, thiên tai hàng năm... đã làm biến dạng, tổn thương di sản. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam  đánh giá về công tác bảo tồn trùng tu nhà cổ mấy năm trở lại đây:
Từ ngày được công nhận là Di tích quốc gia, sau này là Di sản văn hóa thế giới, Hội An đã triển khai nhiều đợt trùng tu, tôn tạo các kiến trúc cổ. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn khoảng 50 nhà cổ bị xuống cấp khá trầm trọng. Qua chừng đó năm bảo tồn các di sản kiến trúc, một kinh nghiệm cho thấy, việc giữ gìn khu phố cổ là một bài toán khó, phụ thuộc từ rất nhiều yếu tố.
Trong đó làm sao để người dân, chủ nhân của mỗi ngôi nhà cổ, hiểu rõ giá trị đích thực và tự giác bảo tồn nó là thành tố không thể thiếu. Chính quyền Hội An đã xây dựng các quy chế trùng tu, tôn tạo kiến trúc cổ nghiêm ngặt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự biến dạng, mất nguyên bản của di tích. Hiện một giải pháp linh động mà thành phố đang áp dụng là những ngôi nhà cổ sắp sụp đổ, nhưng không có khả năng trùng tu, Nhà nước tiến hành lập hồ sơ hiện trạng, đầu tư sửa chữa toàn bộ. Sau này nếu chủ nhà bán hoặc trao đổi thì trừ phần phí mà nhà nước bỏ tiền ra trùng tu.
Ngoài ra kinh phí trùng tu, sửa chữa nhà cổ cũng có trường hợp được đầu tư mang tính hỗ trợ, gia đình hay dòng tộc đóng vai trò chính sửa chữa theo quy định hiện hành của quy chế trùng tu do chính quyền ban hành. Tổng số trùng tu, tôn tạo các di tích cổ thuộc sở hữu người dân, tính đến nay lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ mới đáp ứng được ½ yêu cầu.
Thành phố Hội An hiện có 1.360 di tích các loại. Riêng khu phố cổ Hội An có 1.107 di tích – nhà cổ. Qua khảo sát tại khu phố cổ Hội An có khoảng 105 di tích – nhà ở cần phải chống đỡ trong mùa mưa bão năm nay, trong đó chủ di tích tự chống đỡ 83 di tích, Trung tâm Hỗ trợ thực hiện chống đỡ 18 di tích,  hạ giải khẩn cấp 2 di tích, 2 di tích còn lại được niêm phong và đình chỉ hoạt động.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, đây là biện pháp nhất thời nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho các di tích – nhà cổ bị xuống cấp trước mùa mưa bão năm nay. Về lâu về dài, tỉnh đã xây dựng và trình Chính phủ Dự án quy hoạch đầu tư tổng thể, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An gắn với phát triển kinh tế, du lịch. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2012-2025.
Quy hoạch các khu phố mới để giảm tải cho phố cổ.     Ảnh: T.T.T
Quy hoạch các khu phố mới để giảm tải cho phố cổ. Ảnh: T.T.T
Được biết thời gian gần đây, đã có không ít nhà cổ được bán cho những chủ nhân mới từ các nơi khác đến. Hiện tượng đó không thể không có ý nghĩa tiêu cực nhất định đối với việc tiếp tục bảo tồn các di tích vật thể cũng như phi vật thể tại đây. Chính quyền đã có biện pháp gì để tháo gỡ gút mắc này?

- Gần đây, có những ngôi nhà cổ Hội An, giá chuyển nhượng có lúc lên đến cả 100 triệu đồng/m2. Luật pháp đã quy định cho phép mua bán nhà, kể cả nhà cổ thuộc sở hữu của tư nhân. Về mặt kiến trúc thì không đáng lo ngại, phần này chúng tôi có thể kiểm soát được nhưng lo nhất là phần hồn, cách sống của cư dân phố cổ sẽ nhạt đi bởi lối sống của chủ nhân mới như bỏ thờ cúng, căn nhà trở nên trống rỗng về mặt tâm linh. Đây là một thách thức lớn trong bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể ở Hội An.
Tuy vậy “đất có lề, quê có thói”, về lâu dài, chủ nhân mới của những căn nhà cổ phải thích nghi được văn hóa, lối sống vốn ăn sâu bám rễ từ vài trăm năm nay của người dân Hội An.
Nhiều biện pháp, hoạt động nhằm thu hút du khách như “Đêm rằm phố cổ”, “Phố cổ không động cơ”; cấm đổ xe gắn máy trước nhà… người dân hiện đang sinh sống ở mặt phố chấp nhận dễ, do được hưởng lợi nhiều từ du khách, nhờ mua bán, dịch vụ… Thế nhưng có khó khăn không cho một bộ phận không nhỏ sống ở các khu vực khác, hoặc trong các hẻm sâu của khu phố cổ ? Và bài toán bảo tồn được giải quyết trong trường hợp này như thế nào?
- Nhà trong hẻm tất nhiên bị thiệt nhiều về kinh doanh, thương mại... so với nhà mặt tiền. Để giảm thiểu bất lợi ấy, thành phố có chính sách tăng tỉ lệ hỗ trợ kinh phí trùng tu từ ngân sách nhà nước từ 45-75%, tùy thuộc vào vị trí căn nhà ở mặt tiền hay trong hẻm, nhà cổ ở trong hẻm được hỗ trợ cao hơn nhà mặt tiền. Bên cạnh đó, các căn nhà trong hẻm được ưu đãi kinh doanh các loại hình dịch vụ, cả về số lượng, quy mô... so với nhà mặt tiền.
Thưa ông, để phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, kết hợp với thế mạnh Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nhằm phát triển hơn nữa kinh tế du lịch trong thời gian tới, chính quyền Hội An đã thực hiện ra sao?
- Đây là vấn đề mà thành phố hết sức quan tâm. Chúng tôi xác định Hội An là thành phố thương mại du lịch dựa trên nền tảng sinh thái bản địa, hướng Khu Dự trữ sinh quyển cũng nằm trong định hướng này. Hiện nay Cù Lao Chàm đang là điểm thu hút du khách khá lớn. Trước đây, mỗi ngày chỉ có một chuyến phà đưa, đón dân, du khách... ra đảo, về Hội An thì hiện nay số lượng tàu cao tốc phục vụ du lịch Cù Lao Chàm đã lên đến hàng chục chiếc và ra vào bất cứ giờ giấc nào.
    Anh Thư -  Thế Phong thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét