Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Đà Lạt ở bắc Tây Nguyên

Nghe tôi kêu ca về chuyện cúp điện liên tù tì, nóng bức muốn phát khùng cả tháng  qua, ông bạn họa sĩ cù rủ: "Đi Đà Lạt trốn nóng không?".
160 căn biệt thự như thế này đã mọc lên tại Măng Đen.
160 căn biệt thự như thế này đã mọc lên tại Măng Đen.
Biết tính bạn hay đùa, tôi cảnh giác: "Ông không lừa tôi đấy chứ?". Ông bảo: "Nếu đi thì mười giờ sáng mai lên đường, chỉ được rủ thêm một người nữa thôi".

Tôi rủ thêm một người "đặc biệt" rồi cùng lên xe mà lòng nửa tin nửa ngờ về một Đà Lạt mát mẻ, nhưng chỉ đi... hai tiếng rưỡi đồng hồ bằng xe ôtô từ Quảng Ngãi là tới nơi, như lời ông bạn quảng cáo.
Thay vì xe chạy theo quốc lộ 1A để vào Nha Trang rồi lên Đà Lạt như lâu nay, nhưng mới đến Thạch Trụ, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), ông bạn đánh tay lái, rẽ qua quốc lộ 24, nhấn ga vọt thẳng theo hướng Kon Tum, không cho tôi kịp thắc mắc điều gì.


Thời tiết miền Trung những ngày này, nóng như chảo rang ngô, bỗng mát lạnh khi tôi mở cửa xe sau gần một giờ vượt đèo Violac - con đèo phân định ranh giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Chừng như có một Đà Lạt hiển hiện trước mắt khi những rừng thông đẹp đến mê tơi cứ trập trùng hết đèo lại dốc.

Bao nóng bức ngột ngạt nơi miền duyên hải, bao ấm ức vì cúp điện đột ngột giữa trưa hè đã tụt lại phía sau lưng, chỉ còn một không gian yên bình đến kỳ lạ, chỉ còn một khoảng trời trong lành và mát mẻ đến không ngờ. Đó là địa danh có tên Măng Đen -  một Đà Lạt ở bắc Tây Nguyên còn hoang sơ như trong cổ tích.

Từ cứ điểm phòng thủ của thực dân Pháp...


Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Ngãi đến Phú Yên được xem là “vùng tự do” do Việt Minh kiểm soát. Sợ ta lấn lên vùng cao nguyên, thực dân Pháp cho xây cứ điểm Măng Đen thành tuyến phòng thủ vững chắc ở bắc Tây Nguyên. Để chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch đánh vào cứ điểm Măng Đen, với một suy nghĩ, nếu cứ điểm này bị “gãy” thì toàn bộ quân Pháp ở Tây Nguyên sẽ bị vỡ trận. Hàng vạn dân công hỏa tuyến ở “vùng tự do” đã được huy động để khuân vác cõng gùi đạn dược và lương thực để đánh đồn Măng Đen. Đúng như dự đoán, cứ điểm trọng yếu này đã bị “gãy”, thừa thắng, bộ đội Việt Minh đã đánh tan tác một sư đoàn tinh nhuệ của Pháp từ Quy Nhơn lên chi viện, góp phần rất lớn vào thắng lợi chung của chiến dịch Đông Xuân 53 - 54 mà điểm cuối cùng là lòng chảo Điện Biên Phủ.

Măng Đen theo tiếng địa phương có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng”. Trước khi biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm của bắc Tây Nguyên, người Pháp cũng đã hình thành nơi đây những khu nghỉ dưỡng nhưng hãy còn tạm bợ. Họ đã nuôi một ý định là biến “vùng đất bằng phẳng” này thành một Đà Lạt thứ hai ở bắc Tây Nguyên, nhưng chiến tranh liên miên đã không cho phép người Pháp thực hiện điều đó. Họ chỉ kịp hình thành một nhà tù mang tên Ba Tơ, cách Măng Đen một con đèo mang tên Violac mà thôi.

... đến vương quốc của ngàn thông


Dấu vết sót lại của người Pháp ở Măng Đen hiện nay không chỉ là những công sự còn lờ mờ trên mặt đất, mà là 1.041 hécta rừng thông trên 70 năm tuổi.

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Kon Plong - tiếc rẻ: “Giá như biết Măng Đen trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia như hiện nay thì chắc chắn chúng tôi sẽ không cho khai thác trên 1.000 hécta thông để lấy mủ khiến chúng chết dần chết mòn như các anh đã thấy”.

Ngoài 1.041 hécta thông trên 70 năm tuổi do người Pháp để lại, người dân huyện Kon Plong cùng các lâm trường ở đây đã kịp phủ lên vùng cao nguyên này trên 4.000 hécta thông đủ các cỡ tuổi nữa. Những rừng thông bạt ngàn cứ tiếp nối hết đồi lại dốc cho đến tận thung sâu, như thể, vùng đất Măng Đen chỉ dành riêng cho loài cây ưa xứ lạnh này.

 
Trần Đăng
Cứ điểm Măng Đen bây giờ là “Tượng đài Chiến thắng”.
Cứ điểm Măng Đen bây giờ là “Tượng đài Chiến thắng”.
Người khách “đặc biệt” mà ông bạn họa sĩ cho phép dẫn theo chính là cậu con trai 19 tuổi của tôi. Lần đầu nhìn thấy những cánh rừng thông ngút ngát, miệng hắn như bị khớp lại trước vẻ đẹp kỳ ảo của loài cây được ví với sự thẳng ngay trung thực này. Tôi vỗ vào vai thằng con: “Đây chính là cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành mà con từng mê đắm ấy!”. Chàng trai chỉ kịp ồ lên một tiếng: “Thế mà con cứ tưởng... Đúng là các bác nhà văn!”. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt của một thông điệp: “Bố nên cẩn thận khi viết lách nhé?”.

Tôi nói với hắn rằng, bác Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) nào có lỗi gì! Lỗi là tại những người soạn sách giáo khoa lẫn những người đứng lớp không nói cho các em biết, cây xà nu mà bao nhiêu thế hệ học trò mơ một lần được chạm tay vào thân của nó ấy chính là cây thông chứ nào có xa lạ gì!

Nhưng ở Măng Đen này thì cây thông lại mang một vẻ đẹp khác. Nó không cô đơn bởi cạnh nó là những cánh rừng nguyên sinh nghìn tuổi với đủ các chủng loại cây để làm bầu bạn. Lại nữa, vương quốc của ngàn thông đã được đánh thức bằng những dự án du lịch đã và đang được triển khai.

Đánh thức tiềm năng


Mùa hè năm 2009, trên đường từ Kon Tum về Đà Nẵng bằng ôtô qua quốc lộ 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã nghỉ qua đêm tại Măng Đen -  một sự kiện chưa có tiền lệ tại đây. Hẳn là người đứng đầu Chính phủ muốn kiểm chứng những gì mà tỉnh Kon Tum đã trình bày những ưu thế của vùng đất này để “xin” được biến Măng Đen thành một Đà Lạt ở bắc Tây Nguyên. Có lẽ chuyến “thực tế” ấy cùng những gì mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tận mắt chứng kiến tại vùng đất này đã khiến ông quyết định giao toàn bộ việc quy hoạch Măng Đen thành khu du lịch sinh thái mang tầm quốc gia cho Bộ Xây dựng, thay vì giao cho tỉnh Kon Tum như trước đây.

Không phải đợi đến lúc người đứng đầu Chính phủ đưa ra quyết định ấy, tỉnh Kon Tum mới “à” lên về tiềm năng của vùng đất này. Ngay sau khi tách huyện năm 2003, huyện Kon Plong đã có một động thái khiến ai cũng phải ngỡ ngàng: Gần như “biếu không” (chỉ thu một ít tiền mang tính “tượng trưng”) cho những ai muốn định cư tại Măng Đen này một lô đất có diện tích 1.000 mét vuông, nằm ven quốc lộ 24, nhưng với một điều kiện: Sau hai tháng cấp đất thì chủ nhân phải xây một căn biệt thự, trị giá khoảng... 2 tỉ đồng! Nếu không triển khai xây dựng, huyện sẽ thu hồi số đất đã cấp.

Cứ tưởng “nói chơi” để thu hút nhà giàu đến ở, không ngờ các đại gia từ TPHCM ra, từ Hà Nội vô, thấy quá “mát mẻ”, họ đâm đơn xin đất ào ào! Nhoáng một cái, đã có 160 căn biệt thự -  “bự thiệt” đã mọc lên tại Măng Đen từ hai năm qua. Không chỉ dừng lại ở những căn biệt thự xinh xắn nằm lẩn khuất trong rừng thông, mà hàng loạt nhà hàng, khách sạn cũng đã bắt đầu xuất hiện ở vùng đất này.

Ông Nguyễn Hùng Dũng đưa chúng tôi đi thực địa ở vùng “ngoại ô”, nhìn những vạt rừng thông còn nguyên sơ, chưa thấy có dấu hiệu nào của “san nền phân lô”, tôi trầm trồ khen đẹp, ông bảo: “Đăng ký hết cả rồi đấy anh. Không còn “biếu không” nữa đâu mà đã vọt lên 250.000đ/mét đất, nhưng phải đấu giá”. Tôi chợt hiểu: Từ bây giờ, Măng Đen không còn là “dải đất bằng” bình lặng nữa rồi.

Với độ cao từ 1.300m - 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình hằng năm 21 độ C, lại nằm xen giữa hàng chục ngàn hécta rừng nguyên sinh và rừng thông, Măng Đen trở thành một địa chỉ hấp dẫn để các nhà hoạch định chiến lược hình thành nơi đây một Đà Lạt thứ hai ở bắc Tây Nguyên. Một số sản phẩm từ Đà Lạt cũng đã xuất hiện tại Măng Đen như các loại củ quả xứ lạnh, rồi cá tầm, cá hồi, những chú ngựa màu mận chín, những cây mimosa... tất cả đã trở thành những “công dân” đầu tiên làm nhiệm vụ “khai sơn phá thạch” cho vùng đất vàng đang được đánh thức này.

Những người Pháp từng một thời gắn bó với Măng Đen, dù có óc tưởng tượng đến đâu đi nữa thì cũng sẽ không hình dung được rằng, chính trên cứ điểm chỉ có chiến hào và thuốc súng ngày nào ấy, sắp mọc lên một thành phố ngàn thông với những kiến trúc hiện đại bậc nhất như kỳ vọng của những nhà quy hoạch đã ký thác vào đó.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, nhiều thành phố ở miền Trung đang phải gánh chịu những đợt nắng nóng kinh người, luôn phải đối mặt với những chuỗi ngày cúp điện liên miên. Bỗng thèm quay quắt cái không khí mát mẻ nơi vùng cao nguyên ấy quá chừng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét