Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Pù Luông, kỷ niệm nhớ đời

TTCT - Với dân “phượt”, trong những hoàn cảnh bắt buộc họ phải “chiến đấu” với cung đường luôn để lại những kỷ niệm bất ngờ, thú vị và đáng nhớ. Chúng tôi đã offroad (*) trên đất Pù Luông như thế.
“Con cào cào” này đã thành một khối sắt! - Ảnh: Thủy Trần

Rời bản Kho Mường của người Thái nằm sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi chỉ kịp cất vào hành trang câu dặn dò của anh Nam, một người làm du lịch sinh thái tại đây: “Nhanh lên, không trời mưa là chết dở đấy”.
Vật lộn với đường mòn xuyên rừng
Trên đoạn đường 7km từ Kho Mường ra bản Ươi - Phố Đoàn, chúng tôi thầm mong sẽ tránh kịp cơn mưa đang sầm sập sau lưng, nếu không “cơn ác mộng Pù Luông” từng được cảnh báo từ bao dân phượt kỳ cựu sẽ trở thành sự thật. Bốn chiếc xe máy lao vút đi nhưng chỉ được vài trăm mét, vừa ra khỏi bản cơn mưa rừng đã trút xuống dữ dội. Chúng tôi chỉ kịp bọc máy ảnh vào trong áo mưa thì quần áo đã sũng nước.
Đi cũng dở mà ở lại cũng không xong, đành tiếp tục lên đường theo lối mòn người dân bản Kho Mường hay đi tắt sang Phố Đoàn hoặc đưa khách Tây trekking (đi bộ).
Mưa chỉ ào ạt khoảng 15 phút thì tạnh. Mặt trời lại ló ra sau đám mây như trêu chọc và nắng bừng lên trên những tán lá rừng. Sau mưa con đường mòn trở nên trơn trượt và nguy hiểm. Bình thường đi xe máy trên con đường này đã khó, nay vừa phải dắt vừa phải kéo xe cho không trượt ra mép taluy âm, nơi mà phía dưới đám cây bụi xanh mướt rung rinh kia không thể biết được hẻm núi sâu đến chừng nào!
Bản Kịt ở sâu nhất trong khu bảo tồn Pù Luông - Ảnh: Thủy Trần

Cánh đồng bản Ươi thanh bình - Ảnh: Thủy Trần

Những đôi giày sau một lúc vật lộn với bùn đất đã trở nên nghẹt cứng và mất độ bám. Bây giờ thì người cũng trượt chứ chẳng phải xe. Những đoạn dốc lên xuống, đi bộ vẫn có thể “vồ ếch” như chơi, huống hồ còn dắt chiếc xe máy nặng trĩu. Ngay cả chiếc xe “cào cào” trong nhóm vốn dĩ là một chiến mã trên địa hình đồi núi, nhưng trong hoàn cảnh này trở thành một khối sắt với quán tính trượt dữ dội. Tôi đã thót tim mấy bận khi chiếc xe không thể ghìm lại giữa những sống trâu trên lối mòn, lao thẳng về phía mép núi rồi... dừng lại.
Chúng tôi vật lộn với con đường mòn xuyên rừng bảo tồn Pù Luông, đi một đoạn lại phải dùng cành cây chọc bớt đất bám vào bánh xe, balô cứ xốc lên vai lại hạ xuống. Thỉnh thoảng gặp vài người dân bản đi bộ ngược chiều, chúng tôi hỏi: “Còn bao lâu nữa tới Phố Đoàn?”, ai cũng bảo “Sắp tới rồi” như thể động viên chúng tôi đừng nản lòng.
Cuối cùng, sau hơn hai giờ offroad, chúng tôi cũng vượt qua được 7km đường kinh hãi và rồi một thung lũng lúa bát ngát, dập dờn như biển sóng dang rộng vòng tay ôm chúng tôi vào lòng. Chúng tôi trở thành những cái chấm bé xíu trên con đường mòn căng ngang biển lúa.
Cả bọn dừng xe, nằm lăn trên vệ cỏ, thỏa sức hít căng lồng ngực hương lúa thanh thanh, dìu dịu. Chúng tôi đun một ấm cà phê, nhấm nháp những ngụm cà phê nóng sực, vừa chia sẻ cảm xúc đã trải qua. Ai cũng công nhận: “Mệt nhưng vui và nhớ đời!”. Mặt trời tô màu hoàng hôn trên cánh đồng đẹp lạ lùng. Thêm một buổi chiều quá đỗi thanh bình và dịu ngọt được ghi dấu trong hành trang.
Trên con đường mòn xuyên rừng sau mưa - Ảnh: Thủy Trần

Khám phá Cao Hoong và Kịt
Sáng hôm sau, từ bản Nủa chúng tôi quyết định chinh phục Cao Hoong và Kịt, hai bản của người Mường ở rất sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đoạn đường núi 8km tất nhiên rất phù hợp để trekking nhưng vẫn là một thách thức với xe máy. Khoảng 5km đến bản Cao Hoong, đường tuy dốc ngược nhưng khá rộng, thỉnh thoảng mới gặp vài đoạn ngắn trông như lối mòn trườn qua vách đá và đám cây bụi.
Nhưng từ Cao Hoong vào đến Kịt, đường trở nên chật hẹp và khó đi hơn rất nhiều. Phần lớn thời gian phải đi bộ còn bạn đồng hành đẩy xe. Nắng lóa mắt và trời xanh như rút ruột mà xanh. Dọc đường đám bướm rừng đầy màu sắc bay lượn khắp nơi. Trong khi mấy anh con trai hì hục với chiếc xe thì đám con gái tung tẩy chụp ảnh, đùa nghịch với đàn bướm.
Lúa ở Cao Hoong và Kịt vẫn còn xanh, trồng rải rác trong thung lũng, lẫn với đám cây bụi rậm rạp. Mỗi bản chỉ có vài chục nóc nhà sàn mái rạ nằm quần tụ - một khung cảnh thanh bình đến mê mải. Vào đến Kịt thì mặt trời đã đứng bóng, màu xanh cốm của lúa đang chín trở nên óng ả trong nắng trưa.
Chúng tôi ghé vào một căn nhà sàn ngay đầu thôn để xin nước uống. Vợ chồng chủ nhà hiếu khách mời cả nhóm vào nhà. Trong lúc chờ bà chủ nhà đun nước, mỗi người chúng tôi chọn một ô cửa sổ nhìn ra cánh đồng bản Kịt. Đôi lúc trong đời chỉ cần vài phút được ngồi thật lặng yên như thế này bên bè bạn...
THỦY TRẦN
__________
(*) Offroad: từ của dân “phượt”, có nghĩa di chuyển bằng ôtô hoặc xe máy trên những địa hình phức tạp như leo đồi núi, băng rừng, vượt sông suối... kết hợp với du lịch khám phá


Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên…
Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông có diện tích 17.662 ha, hiện là khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu rừng chính: Rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.
 

Ở độ cao từ 800 - 1000m là khu vực rừng nguyên sinh, xứ sở của loài Trai Lý cổ thụ. (Ảnh: Thông Thiện)


Những tán rừng Pù Luông quanh năm mây mù là điều kiện lí tưởng cho hệ thực vật phát triển phong phú và đa dạng.
(Ảnh: Việt Cường)


Báo đốm và cu ly trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông. (Ảnh: Tư liệu)

Theo số liệu của Ban Quản lí KBTTN Pù Luông, hiện Khu bảo tồn có 1.109 loài cây có mạch, thuộc 447 chi, 152 họ, trong đó có 42 loài là đặc hữu Việt Nam và 4 loài xếp trong Sách đỏ Thế giới; gần 600 loài động vật gồm thú, chim, lưỡng cư..., với 51 loài động vật quý hiếm và đặc hữu xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới, trong đó thú 26 loài, dơi 5 loài, chim 9 loài, cá nước ngọt 5 loài, bò sát 6 loài. Đặc biệt, KBTTN Pù Luông là nơi có quần thể linh trưởng mang tính đặc hữu Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) với số lượng khoảng 31-38 cá thể.

Chạy xuyên suốt KBTTN Pù Luông là đường 15C. Từ Hà Nội có thể đến Khu bảo tồn này theo hai đường, hướng từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) qua quốc lộ 47 gặp đường 15C tại ngã ba Co Lương hoặc theo đường Hồ Chí Minh rẽ phải ở thị trấn Cẩm Thủy, Thanh Hóa, gặp đường 15C tại thị trấn Cành Nàng. Đến Pù Luông, du khách có nhiều sự lựa chọn như khám phá vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, những khu rừng sinh thái với hệ động thực vật phong phú, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở nơi này.

Với những ai ưa thích mạo hiểm, chuyến leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 1700m sẽ là một trải nghiệm khó quên. Những khó khăn, vất vả sau một chặng leo núi hơn 5 tiếng dường như tan biến khi được ngắm từ trên cao vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Pù Luông. Nếu chọn cách chạy xe dọc đường 15C, dù theo hướng nào, du khách cũng được hòa mình với thiên nhiên, qua những bản làng dựa lưng vào núi, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt.
 
Dừng chân ở bản Hang, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, được tìm hiểu tập quán canh tác truyền thống của người dân nơi đây. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền bí. Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là bản Hiêu. Trên con đường không xa từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt lên con dốc trên đồi đất, từ xa đã nghe tiếng thác nước bản Hiêu ầm ầm đổ. Thật lạ lùng, dòng suối với những nhánh nhỏ len lỏi chảy quanh bản, ngay cạnh chân cầu thang của những nếp nhà sàn, chảy ra ruộng lúa rồi bất chợt đổ xuống tạo ra hai thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa...


Bản làng của người Thái với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. (Ảnh: Việt Cường)

Người Thái ở Pù Luông ví chiếc guồng nước như chiếc máy bơm đưa nước lên ruộng bậc thang. (Ảnh: Thông Thiện)

Ở Pù Luông, bạn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người Thái. (Ảnh: Thông Thiện)

Để bảo vệ sự đa dạng sinh học, người dân trong vùng chỉ tận thu những sản phẩm đã khô từ rừng để phục vụ cuộc sống.
(Ảnh: Việt Cường)

Người Thái ở bản Hiêu sống quần cư và thân thiện với nhiên nhiên. (Ảnh: Việt Cường)

Phiên chợ của người Thái ở Pù Luông. (Ảnh: Thông Thiện)

Sau một ngày khám phá đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi lưu trú trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Tại KBTTN Pù Luông hiện đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là loại hình du lịch do chính người dân tổ chức dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống song song với việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường. Bên bếp lửa nhà sàn, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn lạ miệng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng…, cùng say men rượu cần và say mê thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn…

Đến KBTTN Pù Luông, một màu xanh mướt trải đều trên các cánh rừng bất tận, ruộng bậc thang trùng điệp đem lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thung lũng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. KBTTN Pù Luông vẫn còn ẩn chứa không ít điều thú vị, hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước./.
Bài: Việt Cường - Ảnh: Việt Cường, Thông Thiện & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét