Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Thưởng thức vị quê trong món dưa chuối

Khi nhắc đến dưa thì mọi người dễ dàng kể tên một loạt các loại dưa như dưa cà, dưa cải, dưa hành, dư kiệu, dưa món … Nhưng mấy ai biết rằng dưa chuối nơi xứ Quảng cũng thơm ngon, đa hương vị và lạ miệng không kém các loại dưa khác.
Chuối là loại cây được trồng nhiều nơi xứ Quảng. Nhưng chỉ có chuối sứ (chuối chát) mới được chọn để làm dưa chuối, bởi chuối sứ có hạt, vị hơi chát, khi làm dưa sẽ có vị dai và chát dịu, hòa quyện với các vị chua, ngọt, cay của nước dầm tạo nên những hương vị rất thơm, rất đặc trưng mà các loại chuối lùn, chuối bom, chuối mốc, chuối tiêu,... không thể nào có được.
Chuối sứ ra trái quanh năm nên hầu như mùa nào người quê tôi cũng có thể làm món dưa chuối. Đặc biệt vào những ngày giỗ, chạp, tết thì trong nhà thường có lọ dưa chuối để ăn kèm với cơm, vừa kích thích vị giác, vừa đỡ ngán khi ăn nhiều thịt cá. Dưa chuối còn được dùng làm mồi nhậu lai rai, vừa dân dã, lại vừa thanh tao, mộc mạc, chân chất và ấm nồng tình quê.
Sau khi cắt hoa chuối khoảng ba tuần là lúc các bà nội trợ hái buồng chuối  non mang vào nấu canh, làm gỏi và cả món dưa chuối. Dưa chuối tương đối dễ làm nhưng để làm được một lọ dưa chuối thơm ngon, bắt mắt và nhiều hương vị cũng cần nhiều sự tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo cùng vài bí quyết nhỏ của người nội trợ.
Chuối sứ có nhiều mủ nên để chuối nhả hết mủ và giữ được màu trắng của ruột chuối thì khi hái chuối vào phải mang ra gọt vỏ và ngâm chuối vào thau nước ngay. Thường thì người ta gọt vỏ và cắt bỏ đầu trên của trái chuối, giữ lại phần đuôi để tạo dáng hình con cá cho món dưa. Chính vì vậy mà nhiều người còn gọi dưa chuối là “cá” chuối.
Dùng dao cắt nhẹ thân trái chuối thành những lát thật mỏng nhưng không làm đứt lìa thân trái chuối. Những trái chuối sau khi cắt xong được ngâm ngay vào thau nước có pha một ít nước cốt chanh để chuối nhả hết mủ và không bị hóp gió, chuyển màu thâm xám. Sau đó vớt chuối ra rổ, để ráo rồi sắp vào lọ thủy tinh. Đổ hỗn hợp nước dầm gồm giấm, đường, gừng, tỏi, ớt và một lượng muối vừa đủ sao cho chuối phải ngập trong nước dầm.
Khoảng bốn ngày sau chuối ngấm gia vị, có màu trắng đục, mềm mại, thơm nồng là có thể dùng được. Khi ăn chỉ cần gắp vài trái dưa chuối ra rồi dùng tay ép nhẹ cho dưa chảy bớt nước, khéo léo tạo hình con cá cho món dưa thêm đẹp mắt. Món ăn thanh tao với vị chua của giấm, ngọt của đường, mặn mà của muối, cay của ớt và ấm nóng của gừng già quyện lẫn vào nhau rất thơm ngon, lạ miệng mà những món dưa  khác không thể có được.
Tuy chỉ là một món ăn dân dã chốn đồng quê, nhưng dưa chuối đã để lại nổi nhớ da diết trong lòng những người con xứ Quảng xa quê mỗi khi nhớ về với những bông hoa chuối hồng tươi và những trái chuối non trong khu vườn quê yên tĩnh, thanh bình của mẹ năm nào.
Thanh Nga|

Dân dã dưa chuối chát ở xứ Quảng

authorBài, ảnh: Thanh Ly 

(Dân Việt) Trong ẩm thực xứ Quảng, trái chuối chát được dùng để chế biến nhiều món ngon, hấp dẫn, như chuối chát xào, chuối chát um, kho cá, canh chuối chát hay xắt ăn cùng rau sống... và không thể thiếu món dưa chuối chát.


   
Thoạt nhìn món dưa chuối chát thấy rất mộc mạc, giản dị như chính tấm lòng người dân quê. Nhưng sự hấp dẫn của món ăn này lại chính là vị chan chát, chua chua, ngòn ngọt, ăn rất đưa cơm.
Người xứ Quảng làm món dưa chuối chát cũng không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi một sự kiên trì, khéo léo và có chút kinh nghiệm. Trước tiên, chuẩn bị sẵn một thau nước sạch, vắt vào đó ít cốt chanh. Trái chuối chát đem cắt bỏ phần đầu, nhưng tuyệt đối không cắt phần cuống chuối để trang trí cho đẹp mắt. Dùng dao bào gọt sạch vỏ áo xanh, cho vào thau ngâm nhằm giúp chuối không bị thâm đen. Sau khi ngâm, rửa chuối cho hết nhựa, cắt chuối thành những lát mỏng, nhưng không cắt rời, mà để những lát chuối vẫn còn dính lại với nhau. Cắt xong tiếp tục ngâm chuối vào thau nước chanh cho chuối thêm trắng.
dan da dua chuoi chat o xu quang hinh anh 1
Đĩa dưa chuối hấp dẫn bởi vị chan chát, chua chua, giòn ngọt, đậm đà hương quê.
Sau khi cắt hết số lượng chuối cần dùng thì cho chuối vào luộc. Nước luộc được thêm vào một ít muối cho nhân nhẩn mặn. Đợi nước sôi lớn, mỗi lượt thả chừng vài ba quả chuối, không  nhiều quả một lúc. Chuối luộc vừa chín tới khoảng 2 phút thì nhanh tay vớt ra bỏ vào thau nước lạnh. Tiếp theo dùng đĩa chần lên trên quả chuối để cho chuối nhả bớt chất chát, đồng thời dùng tay khéo léo tạo dáng hình cho những lát chuối  thêm đẹp mắt.
dan da dua chuoi chat o xu quang hinh anh 2
Trái chuối khi còn xanh - nguyên liệu chính của món dưa chuối chát.
Theo kinh nghiệm của người xứ Quảng, trong chế biến món ăn, còn có một công đoạn khá quan trọng là làm nước dầm chuối. Nước dầm bao gồm đường, giấm và ít muối với tỷ lệ thích hợp. Sau đó đổ nước dầm, gừng, tỏi, ớt thái lát hoặc đập dập vào hũ chuối. Khoảng hai ba ngày sau chuối ngấm gia vị, có màu trắng đục, mềm mại, thơm nồng là dùng được.
Giữa chốn quê bình yên, món dưa chuối chát gần như đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của mỗi gia đình, nhất là trong những dịp lễ, tết, chạp mả, hay mâm cơm thết đãi của người xứ Quảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét