Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Tiếng chuông Phước Kiều

Cụ Dương Ngọc Chúc, còn có tên Dương Không Lộ là một trong những tiền hiền khai cư ra làng đúc đồng Phước Kiều tính đến nay đã trên 400 năm.
Làng nghề tọa lạc trên khu vực dinh trấn Thanh Chiêm xưa của xứ Đàng Trong (nay là xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam), từng tham gia đúc các loại súng thần công từ thời các chúa Nguyễn vào mở cõi phương Nam. Năm Minh Mạng thứ 6, nghệ nhân làng Phước Kiều từng tham gia đúc tiền, ấn tín, đĩnh, vạc... cho triều đình Huế. Nhiều năm sau chiến tranh và chế độ bao cấp, làng nghề rệu rã dần. Chỉ đến khi đổi mới, du lịch phát triển, nghề đúc mới được khôi phục. Nay cả làng có hơn 30 gia đình với hơn 100 nghệ nhân, thợ đúc. Các công ty, xí nghiệp chuyên nghề đúc hình thành, kinh doanh bán hàng qua mạng internet khá rầm rộ. Bộ mặt làng nghề thay đổi, nhà thờ tổ nghệ, nhà trưng bày sản phẩm làng nghề mở ra khang trang thu hút du khách dừng chân...

Chuông đồng và hoạt động đúc chuông tại làng Phước Kiều - Ảnh: Trương Điện Thắng
Từ đó, một chiếc chiêng lớn nhất Việt Nam đúc từ đầu năm 2008 có đường kính 2,5m, trọng lượng 700 kg “ra đời”. Các nghệ nhân Dương Ngọc Sang, Dương Nhi của làng Phước Kiều được vinh dự đứng ra đúc đại hồng chung nặng 400 kg cho các chùa tại Đà Nẵng, Tam Kỳ; nghệ nhân Dương Tiến với năng lực thẩm âm thiên phú đã được mời vào tận Vũng Tàu đúc đại hồng chung nặng đến 600 kg. Công trình đúc đại hồng chung nặng 1,8 tấn của nhóm Dương Ngọc Truyền, Dương Ngọc Dũng cũng làm rạng danh làng đúc. Tính đến nay, những người thợ tài hoa của làng nghề Phước Kiều đã đúc hơn 4.000 bộ cồng chiêng cho các buôn làng đồng bào các dân tộc vùng cao trong cả nước…
Những người thợ Phước Kiều không chỉ giỏi nghề mà còn có khả năng thẩm âm tốt đã làm cho tiếng ngân những sản phẩm của họ ngày càng trở thành một giá trị riêng biệt. Phước Kiều không chỉ nổi tiếng có nghề đúc đồng mà còn là cái nôi của chữ quốc ngữ, nơi cách đây 400 năm, các giáo sĩ De Pina, C. Borri, Alexandre de Rhodes đến tu đạo và sáng tạo ra chữ viết theo lối La tinh mà chúng ta sử dụng cho đến ngày nay...
Trương Điện Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét