Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Tiếng vang làng trống Đọi Tam

TTO - Theo nhiều tài liệu ghi chép, nghiên cứu thì nghề làm trống ở Đọi Tam (xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có từ hàng ngàn năm nay. Trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, nghề làm trống ở đây vẫn được truyền từ đời này qua đời khác.
Căng mặt trống là một trong những khâu đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo tiếng vang của trống

Đã từ lâu, tiếng trống luôn gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân ở thành thị cũng như nông thôn: tiếng trống trường, trống trong lễ hội, sự kiện lớn của đất nước… Tiếng trống đã trở nên quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức của người dân khắp mọi miền đất nước.
Từ năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời.
Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản nên sau này nhà vua đã cho phép hai ông lên kinh thành lập phố làm nghề. Cũng từ đây, dân làng đã tôn hai ông là “Trạng Sấm”. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, phố nghề này tuy không còn nhưng vẫn mang tên Hàng Trống ở khu phố cổ Hà Nội.
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm trống ở Đọi Tam giờ vẫn được giữ gìn.
Tinh xảo trên từng chi tiết của sản phẩm

Để làm được một chiếc trống phải trải qua nhiều công đoạn và vật liệu chủ yếu là gỗ mít, da trâu, tre cùng bí quyết riêng của làng nghề.
Chính từ bí quyết được truyền lại nên trống ở Đọi Tam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, bởi độ căng của da bề mặt, của độ bền và âm của tiếng trống mỗi khi vang lên. Mỗi loại trống đòi hỏi cách căng mặt trống khác nhau tạo ra âm thanh vang, trầm, bổng mang đậm dấu ấn trống Đọi Tam.
Hiện nghề làm trống đem lại nguồn thu nhập chủ lực của làng. Trong vài năm trở lại đây trước nhu cầu đặt trống của các nhà trường, đình, chùa, miếu… ở nhiều địa phương nên nghề làm trống phát triển mạnh hơn. Bên cạnh việc nhận đặt theo đơn hàng của khách, làng còn có hàng trăm thợ đi khắp cả nước để nhận đặt làm trống.
Dù ở đâu thợ của làng cũng phát huy được tay nghề, làm ra những chiếc trống chất lượng cao, tạo được niềm tin nơi khách hàng. Cũng bởi lẽ ấy, những chiếc trống diện “hàng khủng” ở nhiều địa phương đều có dấu tay của nghệ nhân làng nghề. Qua đó, góp phần nối dài tiếng vang của làng nghề trống Đọi Tam đến khắp mọi miền đất nước.
Da trâu được làm sạch và phơi khô

Ghép tang trống - khâu quan trọng trong công đoạn làm thành chiếc trống

Hộ gia đình ông Phạm Văn Huỳnh (phải) luôn được biết đến với những chiếc trống to kỷ lục do nhiều tổ chức cá nhân đặt làm

Hầu hết các hộ gia đình làm trống đều sử dụng máy để cắt tang trống

Tỉ mỉ trên từng chi tiết của chiếc trống cơm

Một lô hàng mới được hoàn thành chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ

Hiện nay, làng nghề còn mở rộng làm các loại bình nhỏ để rượu vang phục vụ trong ngày lễ tết và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác phục vụ nhu cầu của khách hàng

Bài, ảnh: THÁI HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét