Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Về Tiền Giang thưởng thức bánh giá chợ Giồng


Bánh giá là đặc sản của Tiền Giang. Nó có mặt ở nhiều vùng nhưng ngon nhất là ở chợ Giồng, Gò Công, đây là nơi giữ được nét truyền thống của thứ bánh dân dã có từ xa xưa này. Bánh được dùng làm quà biếu, dùng trong những lễ cưới sang trọng… Bánh mang vị béo của bột gạo, vị ngọt của tôm, giá sống, mùi thơm của đậu phộng ăn cùng mắm ớt tỏi thật khoái khẩu.
Người dân Gò Công thường truyền tai nhau câu ca dao: “Một mai em gái theo chồng/Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh”. Cái tên bánh giá xuất phát từ nguyên liệu làm bánh gồm giá đỗ sống, trứng gà, bột năng, bột gạo, gan heo, thịt, tôm, đậu phộng rang. Tuy nhiên, nhiều người còn gọi bánh giá là bánh vá vì cho rằng khi chiên, bánh được đựng trong những chiếc vá như cái vá múc canh.
Bánh giá chợ Giồng được coi là có thương hiệu ngon nhất của Tiền Giang
Bánh giá chợ Giồng được coi là có thương hiệu ngon nhất của Tiền Giang
Bánh giá là món ăn dân dã, cách chế biến truyền thống và gắn với một câu chuyện dân gian. Muốn làm bánh trước hết, hòa bột gạo, bột năng, trứng gà và nước lại thành một hỗn hợp bột hơi sệt, rồi đánh đều, đánh bột càng lâu bánh càng nở, xốp. Tỉ lệ bột năng và bột gạo tùy thuộc sở thích của từng người. Nhiều bột năng bánh sẽ giòn, nhiều bột gạo bánh sẽ dẻo. Tôm được cắt bỏ râu, gai; lột bỏ vỏ và để nguyên con, cũng có thể xắt mỏng để khi chiên tôm mau chín. Gan lợn được xắt lát mỏng và giá sống được rửa sạch. Sau đó ướp thịt nạc bằm, gan heo, tôm với tỏi, muối, bột ngọt cho thấm.

Công đoạn chiên bánh là một khâu quan trọng. Chiên không khéo thì hình dạng bánh sẽ xấu, nhìn bánh không hấp dẫn. Muốn chiên bánh giá cần có vá chiên. Cho giá sống, gan heo, tôm, thịt và vài hạt đậu phộng rang vào trong vá tùy thích, rồi múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này. Nhúng vá vào trong chảo dầu đang sôi một lát để cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá ra.

Để tôm vào vá sau cùng trước khi múc bột, để khi chín, hình con tôm nổi rõ trên mặt bánh, vàng ươm trông thật hấp dẫn. Chiên bánh để lửa nhỏ để bánh chín tới, giòn mà không cháy. Khi bánh chín vàng, lần lượt vớt bánh ra theo thứ tự trước sau, xếp trên vỉ tre hoặc vỉ kẽm gác ngang ở miệng chảo cho ráo dầu. Nếu không có vỉ người ta có thể dùng 2 chiếc đũa,  hoặc que tre dài gác ngang qua chảo và đặt bánh lên.

Bánh giá được ăn kèm với bún, rau sống, rau thơm, nước mắm tỏi ớt. Rau sống, rau thơm các loai được xắt nhỏ cho vào tô, từng con bún được gỡ rời ra để lên trên. Kế đến bánh giá được xé hoặc cắt nhỏ ra xếp lên trên cùng, xong tưới nước mắm tỏi ớt cho vừa ăn. Khi ăn trộn đều bánh giá, bún, rau sống, rau thơm lại cho thấm đều nước mắm.

Bên cạnh loại bánh giá truyền thống, người ta còn tạo ra loại bánh giá chay mà nhân được thay thế bằng đậu phụ, nấm rơm, nấm mèo… Nước mắm thay bằng nước tương. Lớp bột chiên giòn giụm bao quanh lớp nhân ngon ngọt với thịt nạc bằm, những cọng giá trắng tinh, mẫm mụp và những con tôm nguyên vẹn lồ lộ trên mặt đã tạo nên những chiếc bánh giòn, thơm, với màu vàng bắt mắt, chỉ nhìn thôi là đã thấy thèm!
Phương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét