Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Kiến trúc 'xưa nay hiếm' ở Nhà Bát Giác bên hồ Tây

 
(ĐVO) Với vẻ đẹp kiến trúc hiếm có, Nhà Bát Giác - thư viện của trường Chu Văn An trở thành một công trình nổi bật bên bờ hồ Tây mênh mang sóng nước.

Được thành lập từ năm 1908, trường PTTH Chu Văn An (tên gọi dân gian là trường Bưởi) của Hà Nội là một trong những trường học lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Đây cũng là một ngôi trường đẹp với phong cách kiến trúc mang đậm dấu ấn của người Pháp.

Công trình kiến trúc cổ kính và đẹp nhất của trường là Nhà Bát Giác, được xây dựng từ năm 1898. Ban đầu công trình có tên là Biệt thự Schneider (La villa Schneider), theo tên của chủ biệt thự là một chủ xưởng giấy người Pháp tên là Henri Schneider.

Sau khi trường Trung học bảo hộ (tên thời thuộc địa của trường Chu Văn An), được thành lập, biệt thự được dùng làm nơi ở của hiệu trưởng người Pháp. Sau giải phóng, có thời gian tòa nhà được dùng làm nhà nghỉ của Công đoàn Sở giáo dục Hà Nội. Sau đó công trình bị bỏ không một thời gian khá dài.

Trải qua nhiều năm xuống cấp trầm trọng, vào năm 1999, với sự giúp đỡ tài chính của vùng Île-de-France (Pháp), Nhà Bát Giác đã được tu sửa và dùng làm thư viện của trường.

Ngày nay, với vẻ đẹp kiến trúc hiếm có, Nhà Bát Giác trở thành một công trình nổi bật bên bờ hồ Tây mênh mang sóng nước. Khoảng không gian tuyệt vời của công trình này cũng là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của các thế hệ học trò trường Bưởi - Chu Văn An…

Một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận:
Nhà Bát Giác nằm ngay sát bờ hồ Tây giữa màu xanh của cây cối.
Có một thời, nó trở thành biệt thự biệt lập dành cho hiệu trưởng, ngày nay công trình này trở thành một thư viện nằm trong khuôn viên trường Chu Văn An.
Nhà Bát Giác từng bị bỏ hoang trong nhiều năm và xuống cấp trầm trọng, đến mức học sinh trong trường lưu truyền những câu chuyện ma về tòa nhà.
Sau khi được trùng tu, Nhà Bát Giác đã trở về với vẻ đẹp vốn có, trở thành một niềm tự hào của các học sinh trong trường.
Về tổng thể, tòa nhà mang phong cách kiến trúc Pháp với những họa tiết rất cầu kỳ trên mặt đứng.
Rêu phong, cỏ cây dại tô đậm thêm vẻ trầm mặc, cổ kính và cũng đầy quyến rũ của tòa nhà.
Quanh công trình kiến trúc này là nhiều dãy cầu thang với kiểu dáng khác nhau.
Hai vòm cổng tuyệt đẹp tại đại sảnh của Nhà Bát Giác.
Cánh cửa chính của tòa nhà được chạm khắc theo phong cách phương Đông.
Bước qua cánh cửa này là một phòng đọc sách ngập tràn ánh sáng từ những khung cửa sổ lớn.
Cầu thang gỗ trên 100 năm tuổi vẫn được giữ nguyên.
Ban công tầng 2 rộng rãi và lồng lộng gió, là nơi có thể nhìn toàn cảnh hồ Tây.
Khoảng không gian tuyệt vời của Nhà Bát Giác là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của các thế hệ học trò trường Bưởi - Chu Văn An.
Đó có thể là những làn gió mát rượi thổi từ hồ Tây, cảnh hoàng hôn rực rỡ trên sóng nước một ngày hè, hương thơm từ cây hoa sữa cổ thụ vào mùa thu, hoặc chỉ đơn giản là những phút giây vui vẻ, hồn nhiên bên bạn bè...
Một cựu học sinh chia sẻ: "Nhà Bát Giác là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của em.... Những buổi học tiếng Pháp vào đọc truyện tranh, những hôm 'bùng' tiết ra đây ngồi tâm sự, những ngày tập văn nghệ quì đến toạc cả đầu gối, những buổi lao động cả lớp làm thì chậm mà chơi thì nhiều... mặt mũi phởn phơ... Những buổi sáng mùa đông lạnh cóng, cả lũ ra đấy ôm nhau ngồi tỉ tê, bị thầy Mão hỏi thì rằng: Bọn con học chiều mà thầy...".
Dù có đi khắp mọi miền, xa cách bao năm thì mỗi khi quay trở lại thăm Nhà Bát Giác, ký ức của nhiều cựu học sinh lại ùa về như thể tất cả mọi chuyện chỉ vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
Những trang kỷ niệm lại tiếp tục dày thêm cùng sự trưởng thành của các thế hệ học sinh mới...

Hồng Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét