Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Ngôi nhà cổ của cụ Trần Công Vàng



Ngôi nhà cổ của cụ Trần Công Vàng là lâu đời nhất trong 4 ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên một thế kỷ ở Bình Dương và hầu như còn giữ nguyên vẹn kết cấu kiến trúc bên ngoài lẫn phần trang trí nội thất bên trong.
Ngôi nhà này nằm ngay mặt tiền đường Ngô Tùng Châu, số nhà 21, thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Ngôi nhà do ông Trần Công Vàng, năm nay 82 tuổi, là con cháu đích tôn 4 đời của dòng họ làm chủ. Nhà được khởi công xây dựng khoảng năm Nhâm Thìn (1835). Chủ công trình là ông Trần Công Đoàn, ông tổ 4 đời của ông Trần Công Vàng ngày nay. Nhà xây cất mất 4 năm mới xong, thiết kế theo hình chữ nhật gồm 8 căn 2 chái (giới nhà nghề gọi là 8 cột, 8 dầm, 8 khuyết), dài 24m, ngang 22m, diện tích sử dụng khoảng 500m2 . Mái lợp âm dương, khá thấp so với lối kiến trúc hiện nay nhưng bên trong lúc nào cũng thoáng mát nhờ bốn phía đều có cửa sổ. Ngồi trong nhà lúc nào cũng có gió mát nhè nhẹ thổi qua. Nền nhà lát gạch tàu. Vật liệu xây dựng chủ yếu là các loại danh mộc quí như sao, cẩm lai, gỗ mun, huỳnh đường…Có cả thảy 6 hàng cột với 48 cây. Giàn kèo cột đều được trạm trổ hình đầu rồng có những con dơi bám vào rất tinh vi. Nhưng đặc biệt hơn cả là giàn kèo cột đều được vào mộng, toàn bộ kiến trúc không tốn một cây đinh!
Tuy đã trải qua 4 đời với trên một thế kỷ rưỡi, các vật dụng sinh hoạt gia đình hoặc trang trí hầu như còn giữ nguyên vẹn. Đáng chú ý là 3 bộ bàn ghế bành tượng khảm ốc xà cừ với mặt bàn là các phiến đá cẩm thạch tàu sờ vào lúc nào cũng thấy mát tay. Ba bộ đèn Huê Kỳ lạ mắt bằng đồng có tuổi thọ trên 100 năm hiện nay vẫn còn được sử dụng và sáng không thua gì bóng đèn điện ngày nay. Bộ bát bửu (8 loại bửi bối) chưng giữa nhà. Quả cẩn (đồ dùng đựng quần áo cô dâu lúc về nhà chồng). Nón quai thao của miền Bắc và rất nhiều đồ gốm cổ dùng để trang trí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét