Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Suối Chor


Suối Chor

Mấy khi mới có một chuyến vào rừng khi nắng sớm chưa lên. Thật tuyệt làm sao rừng Chàng Riệc lúc trời vừa sáng. Sương còn đọng trên ngọn cỏ long lanh. Khí trời còn lơ mơ ẩm ướt. Còn chưa thấy bướm bay. Con đường từ tỉnh lộ 722 rẽ vào khu di tích căn cứ Mặt trận nhỏ thôi, nhưng đã có mặt nhựa đường êm bánh xe lăn.
Có lẽ đây là con đường đẹp nhất trong số những đường rừng tôi đã đi qua, dù ở Tây nguyên hay miền Tây Bắc. Từ đầu lối rẽ vô, chỉ dài non 3 km nhưng cứ ngoắt ngoéo lượn lại, lượn qua. Trên cao, phía trước là một khung trời luôn biến đổi. Bởi những tán cây rừng cao vợi, tạc lên không gian những phù điêu khắc khoải, lạ kỳ.
Vào đến cuối con đường, bỗng trước mắt mở ra một lõm rừng đã loe hoe nắng sớm phớt vàng trên những ngọn cây cao. Trước mặt ta đã là một mái ngói ửng hồng, dù không gian bên trong còn sâm sẫm tối. Bên trái là một cây đa, cũng xù xì những rễ phụ bện quanh thân cây, nhưng khác với cây đa dưới xuôi bởi tán lá cứ vươn lên lơ lửng giữa lưng trời. Như một người lính canh hiên ngang bồng súng đứng gác muôn đời trước lối vào căn cứ. Đến đây, ai đi xe hơi đành phải xuống xe. Còn đường đâu nữa mà đi. Lõm rừng, nay đã thành sân bãi, đủ chỗ cho vài chục xe hơi đậu lại.
Dưới mái ngói ửng hồng kia (thì ra đó là một nhà bia) là bia đá, chữ vàng ghi khắc ký ức một thời đã đi vào lịch sử. Ta sẽ gặp lại những tuổi tên tổ chức và con người đã từng vang dội dư luận trong nước và quốc tế. Đấy là UB Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam… Những cái tên: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Thị Bình v.v… Những thời khắc đáng nhớ: 20.12.1960- thành lập Mặt trận. Ngày 16.2.1962- Đại hội lần thứ nhất bầu ra UB Trung ương Mặt trận do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch v.v…
Bên hông phải nhà bia là con đường mòn dẫn vào khu di tích căn cứ. Đây mới thực sự là đường mòn bởi màu đất nâu trầm ấm, đôi chỗ còn sạm màu rêu xanh xám, không như bên di tích căn cứ Trung ương Cục đã được thay bằng đường bê tông màu trắng xám xi măng. Rừng hai bên lúp xúp cây chồi, vặn vẹo dây leo và thấp thoáng lá trung quân. Đi một đỗi thì tới một nơi như ngã ba đường. Trông sang trái đã thấy mái lá trung quân màu đồng của trạm gác bảo vệ. Rẽ sang phải là ra bờ suối. Nơi ngã ba vút lên mấy dáng bằng lăng, gốc bạnh ra to cỡ mấy người ôm, thân vỏ óng ánh màu ngà trắng. Luồn sâu vào căn cứ, sẽ còn gặp những ngôi nhà đơn sơ cột cây, mái lá. Nơi nền trũng xuống làm hầm không nắp. Nơi đắp nền cao, bên dưới mới là hầm. Còn thêm những căn bếp kiểu Hoàng Cầm. Tất cả đều được chở che bằng mái lá trung quân. Bên mỗi ngôi nhà, còn có lối thông ra giao thông hào, vách đã xanh rêu. Bắc ngang làm cầu, là những đoạn gỗ còn nguyên vỏ. Rừng thoáng và sạch, dù đang giữa mùa mưa.
Nghe tiếng nước rì rào, trở ngược lại tìm ra bến suối. Trên bến nước cũng có một cây đa vĩ đại. Bờ suối lô nhô những vỉa đá ong. Đôi bờ rất nhiều cây rừng có dáng nghiêng ra mặt nước. Nếu là mùa khô nước cạn, sẽ còn trồi lên những viên đá cuội trụi tròn bởi nước chảy đã ngàn năm. Lạ thay, giữa dòng nước cuộn trôi sóng sánh phù sa màu mật mía lại là những bụi tre gai dày rậm. Suối Chor từ đây đổ vào suối Mây, rồi chảy dưới chân cầu Cần Đăng thuộc thị trấn Tân Biên, xuôi dòng sông Vịnh để hoà vào Vàm Cỏ Đông sông mẹ. Chỉ nhắc mấy cái tên ấy thôi đã thấy âm vang một dòng lịch sử truyền lan về phía hạ nguồn.
TRẦN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét