Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TUYẾN DU LỊCH LONG KHÁNH – XUÂN LỘC


1. Thác Trời:

Khu du lịch sinh thái Thác Trời cách trung tâm Huyện Xuân Lộc 29 km. Nơi đây là một bức tranh hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng, nơi con sông La Ngà đổ qua nhiều bậc đá.

Hiện nay, UBND huyện Xuân Lộc đang tiến hành đầu tư vườn cây ăn trái cạnh Thác Trời với diện tích 50 ha, xây dựng điểm đi thuyền trên sông và một số trò chơi mạo hiểm cùng các dịch vụ khác để phục vụ du khách.

2. Khu du lịch núi chứa chan:

Từ TP.Biên Hòa theo quốc lộ 1 ra Hà Nội gần 80km, du khách sẽ đến với núi Chứa Chan ở Thị Trấn Gia Ray – Huyện XuânLộc.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết : “…Núi Chứa Chan có thế núi chót vót, trông xuống khe Da Lao, chỗ giáp giới của hai huyện Long Khánh và Phước Binh có nhiều mây song gỗ lạt, lưng núi có động đá và giếng đá…”.

Núi Chứa Chan cao 837m với Chùa Bửu Quang (thường gọi là chùa Gia Lào) trên gần đỉnh núi là điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Vào các dịp lễ, tết số người hành hương về đây lên đến hàng ngàn, tạo bầu không khí náo nhiệt của ngày lễ hội.

Chùa Bửu Quang được xây dựng từ đầu thế kỳ XX, với chánh điện mái vòm, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Toàn bộ quần thể kiến trúc chùa đều dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ  của núi rừng.

Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm và cây đa ba gốc thần bí ở lưng chừng núi như minh chứng thêm cho các huyền tích được truyền từ bao đời của vùng sơn cước này. Từ độ cao hơn 600 mét, phóng tầm nhìn ra xa du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hữu tình, và lòng người sẽ cảm thấy thư thái sau chặng đường dốc lắm gian nan vất vả.

Núi Chứa Chan ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng qua hai cuộc kháng chiến của người Đồng Nai, vì đây là căn cứ kháng chiến của Huyện Xuân Lộc và chùa Bửu Hưng từng là căn cứ hậu cần, nơi trú đóng của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc chiến tranh giải phóng

3. Mộ cổ hàn gòn:

Từ huyện Long Khánh đi dọc Quốc lộ 1 chừng vài km tới ngã ba Tân Phong , xã Xuân Tân (Long Khánh), tiếp tục đi theo Quốc lộ 56 về hướng Bà Rịa vũng Tàu, chỉ khoảng 3 km, du khách sẽ đến  Mộ cổ Hàng Gòn. Năm 1910, người Pháp lập đồn điền cao su, phá rừng và phát hiện ra Mộ cổ Hàng Gòn.

Kích thước ngôi mộ dài 4,20m; ngang 2,70m; cao 1,60m; ghép bằng sáu phiến đá hoa cương lớn, nặng không dưới 50 tấn. Các phiến đá ghép với nhau theo hệ thống rãnh đục làm nắp và phiến đá làm đáy. Hai bên ngôi mộ có hai trụ đá hoa cương cao 7,5m với tiết diện 0,4m x1,10m và mười trụ đá cát có tiết diện hình chóp cao từ 3m đến 4,10m. Mộ cổ Hàng Gòn có kích thước to lớn khác thường nên còn gọi là mộ cự thạch (cự:  to lớn; thạch: đá).

Theo các nhà khảo cổ, ngôi mộ có cách đây khoảng 2.000 năm và loại đá làm mộ chỉ có ở Đà Lạt hoặc Phan Rang. Những phiến đá nặng hàng tấn đã được vận chuyển bằng cách nào qua quảng đường hai đến ba trăm km trong điều kiện chưa có đường xá, xe cộ và phương tiện gì ?

Năm 1992, Nhà bảo tàng Đồng Nai  trùng tu ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn để bảo tồn di sản văn hóa, cũng trong năm này Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận và xếp hạng đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Người dưới ngôi mộ cổ là tổ tiên trực tiếp của người Mạ, người Chơro, hoặc người Xtiêng ở miền Đông Nam Bộ. Hiện nay Mộ cổ Hàng Gòn vẫn chứa nhiều bí mật mà các nhà khảo cổ còn chưa trả lời đầy đủ.



Huyền bí từ ngôi thạch mộ 
Tọa lạc trên địa phận xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), ngôi mộ cổ Cự thạch có niên đại khoảng 2.000 năm, được phát hiện từ năm 1927. Đây là một kiến trúc độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật, phản ánh óc sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của người Việt cổ cùng những bí ẩn chưa thể giải mã khiến nó được công nhận là 1 trong 10 di tích lịch sử quan trọng của Nam bộ, đại diện điển hình cho loại hình mộ đá Đông Dương.


Phần trong ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn
 
Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30-40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, rộng 2,7m, cao 1,6m được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương bào nhẵn mặt ngoài; 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Các tấm đá này có trọng lượng gần 10 tấn, liên kết với nhau nhờ hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, chôn sâu dưới đất. Cách chân trụ 30cm là khoảng phình ra tựa trên những cái đế ráp nối bởi một hệ thống mộng kỳ lạ. Đầu trụ cũng có rãnh dường như để chịu một thứ cây gỗ nào đó đặt ngang qua mộ mà hiện nay đã bị mục nát... Từ những dấu tích còn sót lại đã chứng tỏ sự thông minh, khéo léo của người thiết kế và sự công phu, mẫn cán của lực lượng tham gia khiến ngôi mộ đá có sức sống lâu bền, mang tính nghệ thuật đặc sắc.

Vài năm gần đây, các đoàn khoa học phía Nam đã khảo sát, nghiên cứu phát hiện được dấu vết của những vệt đất cháy kéo dài thành hình vòng cung, phía trên có rất nhiều than tro và xỉ kim loại; các mảnh đồ gốm trên thân có hoa văn làm từ chất liệu đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ; phát hiện 2 chiếc tù và bằng đồng, 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo. Nhiều hiện vật bằng gốm, bằng đá, các dụng cụ bàn mài, các cột đá và những vết đất cháy, than tro. Đặc biệt, trong xưởng chế tác đá đã tìm thấy trước đó, đoàn khảo sát cũng đã tìm thấy những tấm đá, cột đá, nhiều phế vật mảnh tước đá và nhiều công cụ lao động. Qua so sánh phân tích, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phán đoán cho rằng, chủ nhân của Mộ Cự thạch phải là một nhân vật quyền uy, hoặc thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự; niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.

Hiện nay vẫn còn nhiều dấu hỏi về niên đại, mối quan hệ của ngôi mộ và đặc biệt là làm thế nào để có thể hoàn thành công trình huyền bí này trong khi vật liệu không dễ dàng vận chuyển, kĩ thuật, phương tiện lao động thời ấy quá thô sơ?...
Hoàng Đình Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét