Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Về Cà Mau, nhớ vị khô cá bổi

Đến với Cà Mau - mảnh đất cuối trời Nam này, du khách gần xa sẽ được thưởng thức những món ăn rất dân dã nhưng rất đặc trưng sinh thái của vùng mặn - ngọt. Đó là món: ba khía Rạch Gốc, tôm khô Đất Mũi, cá khô khoai Cái Đôi Vàm, mắm lóc Thới Bình, hay khô bổi U Minh...

Tháng 9-2010, UBND tỉnh giao huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu đối với nhãn hiệu "Cá khô bổi U Minh". Đây là cơ hội để đưa đặc sản của Cà Mau vượt xa địa phận tỉnh nhà.
Cá bổi là loài thủy sản nước ngọt, thích nghi với những vùng đất trũng. Điểm đặc biệt ở cá bổi chủ yếu làm khô, nếu đem kho nấu như các loại cá khác thì không ngon bằng. Làm khô cá bổi tưởng đơn giản nhưng thật không đơn giản chút nào.
 Thu hoạch cá đồng.
Cá được người dân thu hoạch vào mùa khô. Khi cá tập trung về đìa, người dân dùng lưới chụp hoặc tát để bắt. Những con cá được tuyển chọn làm khô sẽ là những con cá to bằng bàn tay xòe, thường trên 2 kg cá tươi sẽ cho 1 kg cá khô.
Cá lớn và tươi được đem về cạo vảy thật sạch, bỏ ruột rồi ngâm với muối trong khoảng thời gian thích hợp. Tiếp theo ngâm cá trong nước lạnh trước khi phơi. Cá phơi khoảng 3 nắng thì thành phẩm. Phơi ít nắng, thịt cá bổi sẽ bủn hợp với người “đưa cay” nhưng không đạt yêu cầu thương phẩm.
Thịt cá bổi thơm, dai mà lại ít xương nên hợp khẩu vị của nhiều người, nhất là món khô bổi gỏi xoài hoặc là nướng, xé nhỏ chấm với mắm me. Thời trước, vùng Nam sông Hậu khô bổi còn được dùng làm thức nhấm nháp của các bô lão trong những tiệc trà vào dịp lễ, Tết. Không những ngon mà khô cá bổi còn để lâu được, cách bảo quản cũng đơn giản.
Cá bổi đem đi muối.  Ảnh: N.H
Phơi khô cá bổi. Ảnh: NHẬT HUY 
 Khô cá bổi thành phẩm.
Theo Vũ Trân (Cà Mau Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét