Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc

Cách Hà Nội chừng 70km, đảo cò ở xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương là một điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc.
Hải Dương là tỉnh có tiềm năng du lịch dồi dào, một miền đất trù phú với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tài sản vô giá là hàng trăm di tích lịch sử đã được công nhận và xếp hạng. Trong một ngày về miền đất này, chúng tôi đã ghé thăm hai địa danh.
Uy nghi Văn Miếu Mao Điền
Khu văn miếu cổ kính nằm cạnh đường Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, thế nên bất cứ du khách nào đi qua cũng muốn dừng chân ghé lại. Từ giữa thế kỷ thứ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại… nhà Lê đã cho xây dựng một loạt những trường quốc lập, trong đó có Văn Miếu Mao Điền - công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi.
Qua cổng Tam Quan đồ sộ, du khách dễ dàng nhìn thấy cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi in bóng dưới hồ nước xanh mát tôn vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch cho văn miếu. Tương truyền, cây gạo cổ thụ này được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) là thời điểm tái thiết văn miếu trấn Hải Dương tại Mao Điền.
Phía trong hậu cung của văn miếu thờ cả thảy chín bài vị. Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là bài vị của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thầy giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Danh sĩ Phạm Sư Mạnh, Nhà toán học Vũ Hữu, Danh y Tuệ Tĩnh, nữ tiến sĩ đầu tiên Nguyễn Thị Duệ.
Đến Văn Miếu Mao Điền, lòng người như thư thái và tự hào về một bề dày truyền thống hiếu học của người nước Nam. Hàng năm, từng đoàn sĩ tử tụ hội về đây lòng thành kính khâm phục, quyết tâm noi theo các bậc tiên hiền để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.
 
Những cánh cò về tổ trong ánh hoàng hôn.
 
Hấp dẫn đảo cò Chi Lăng Nam
 
Trong nắng chiều vàng như mật, ngồi trên thuyền nhỏ bập bềnh giữa lòng hồ bao la sóng nước, những người chèo đò xứ Đông sẽ kể cho khách nghe những truyền thuyết hấp dẫn kỳ bí về đảo cò...
Cách Hà Nội chừng 70km, đảo cò ở xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện) là một điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc. Đây được xem là vương quốc của những cánh cò, nơi tụ hội của chín loại cò quý hiếm với số lượng lên tới hàng nghìn con.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì để quan sát cò tốt nhất thì nên chọn một chiếc thuyền cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò. Thời điểm để xem được nhiều cò nhất là lúc hoàng hôn.
Đất lành chim đậu, người dân ở đây vẫn kể cho nhau và cho du khách nghe truyền thuyết về đảo cò và hồ An Dương. Chuyện rằng, vào thế kỷ XV, nơi đây còn là những đồng ruộng trũng mênh mông, nổi trên giữa cánh đồng trũng ấy là một gò cao, bên trên có dựng một ngôi đền.
 
Bỗng một năm, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Qua một đêm, ngôi đền trên đỉnh gò cao đó bỗng dưng biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nơi trước kia là ngôi đền hình thành một đảo nhỏ.
Người dân trong vùng xem đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát cạn được, nên đã sống dạt ra phía ven ngoài của hồ. Theo thời gian, cò vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo mỗi ngày một nhiều. Và đảo cò Chi Lăng Nam cũng bắt đầu được hình thành từ đó.
Đò chầm chậm trôi trong ánh hoàng hôn. Du khách say mê ngắm từng đàn cò nối nhau về tổ. Mỗi đàn có số lượng từ dăm bảy chục tới hàng trăm con. Sau khi lượn nhiều lòng che kín cả khoảng không gian mặt hồ, chúng lần lượt hạ cánh an toàn xuống những lùm cây xanh xào xạc trong ánh nắng cuối ngày giữa biển nước mênh mông.
Theo Thanh Giang
Dân Việt
giadinh.net.vn

Chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc xứ Kinh Bắc

Nói về sự hoành tráng của những ngôi đình, người xưa có câu: “Thứ nhất đình Đông Khang/Thứ nhì đình Bảng, thứ ba đình Diềm”...
Trong tiềm thức của người Việt, khi nói về một ngôi làng thì không thể nhắc đến ngôi đình của làng đó, bởi công trình này là sự kết tinh trí tuệ, công sức và thể diện của người dân cả làng. Có thể nói ngôi đình chính là biểu tượng thiêng liêng của một ngôi làng.

Ngôi đình càng to, đẹp thì người dân trong làng lại càng tự hào. Nói về sự hoành tráng của những ngôi đình, người xưa có câu: “Thứ nhất là đình Đông Khang/Thứ nhì đình Bảng, thứ ba đình Diềm”.

Ngày nay, Đình Đông khang đã không còn do chiến tranh tàn phá, đình Diềm cũng đã biến đổi nhiều, không còn bề thế như xưa. Chỉ còn Đình Bảng vẫn giữ được nguyên vẹn quy mô kiến trúc của mình. Giới kiến trúc cũng đánh giá đây là ngôi đình đẹp nhất của người Việt còn tồn tại cho đến nay:

Dưới đây là những hình ảnh Đất Việt về ngôi đình:
Đình Bảng nằm ở làng Đình Bảng, xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình được xây dựng từ năm 1700 - 1736. Đây là nơi thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn Đại vương (thần Núi), Thủy Bá Đại vương (thần Nước) và Bách Lệ Đại vương (thần Đất) và sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15.
Kiến trúc ngôi đình gồm tòa đại đình (Bái đường) đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi là kiểu "chữ đinh". Toà đại đình dài 20m, rộng 14m, cao 8m, phần mái rủ xuốngchiếm tới 5,5m.
Điểm nhấn trong kiến trúc ngôi đình là sự tỏa rộng trong không gian của mái đình với những đầu đao đồ sộ. Các các đầu đao của Đình Bảng vươn xa nhất trong các các công trình kiến trúc gỗ cổ tại Việt Nam.
Đình có kết cấu theo hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7 mét so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m(cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.
 Mái đình được lợp ngói mũi hài.
 Các đầu bẩy hiên dưới mái được điêu khắc hoa văn hình mây,
rồng cách điệu. 
 Hoa văn trang trí phía trên gầm sàn.
 Bộ khung đình rất vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng
 theo lối chồng giường "Thượng tam, hạ tứ".
 Nội thất đình được trang trí vớinhững tác phẩm điêu khắc rất công phu trên rường, cột, xà, thể hiện sự tinh hoa của nghệ thuật
chạm khắc thế kỷ 18. 
 Các bức chạm khắc thể hiện nhiều chủ đề phong phú như các loài
linh thú, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm...
 Mỗi bức chạm khắc là một tác phẩm độc nhất vô nhị, không có
sự lặp lại.
 Đặc biệt, hình tượng rồng chiếm một tỷ lệ lớn với số lượng khoảng 500 bản khắc.
Gian chính điện có sàn thấp, lát gạch lá nem. Gian này có bức cửa Võng lớn, phủ kín một diện rộng, kéo dài từ Thượng lương xuống
Hạ xà và mở ngang hết một gian.
 Bức cửa võng được chạm lộng kết hợp chạm nổi tinh xảo trên cả
 7 lớp, 9 ô
Các đề tài điêu khắc chủ yếu ở cửa Võng là tứ linh, tứ quí....
 Vách gỗ ngăn gian chính điện với hai gian bên cạnh.
 Một chú chó đá trấn giữ bên ngoài tòa đại đình.
Theo Hồng Quân
  
giadinh.net.vn

"Nóng" mùa đông với lẩu ếch Tây Hồ

Với cách chế biến các món ăn riêng biệt, lẩu ếch Tây Hồ mang đến hương vị và màu sắc rất đặc trưng mà thực khách khó tìm thấy ở một nơi nào khác.
Món lẩu ếch thơm ngon tại một nhà hàng lẩu ếch Tây Hồ.

Ếch vốn được mệnh danh là gà đồng bởi vì mùi vị thơm ngon, thịt đùi mềm lại còn rất ngọt và giàu dinh dưỡng. Từ lâu ếch đã được người Việt Nam yêu thích bởi hương vị dân dã. Ngày nay các món ếch xuất hiện ngày càng nhiều trong các quán ăn, nhà hàng lớn trong đó có những nhà hàng ở Hồ Tây.

Ở nơi này, món lẩu ếch được chuẩn bị công phu nhất. Ếch được tẩm ướp chế biến khéo léo, cẩn thận cùng với măng rồi sau đó mới cho vào nồi lẩu. Vì thế khi ăn, người ta sẽ cảm thấy thịt ếch đậm đà, thơm, có chỗ đun lâu rồi mà vẫn giòn tan, ăn chung với măng cay cay cùng rau muống nữa thì lại càng tuyệt vời. Trong tiết trời lạnh thế này, vừa xuýt xoa vừa ăn lẩu ếch quả là ý tưởng không tồi.
Chỉ mới nhìn những nguyên liệu chủ hàng đem ra đã thấy sự kỳ công của chủ hàng. Những chiếc đùi ếch được tẩm ướp cả tiếng trước khi chiên có màu vàng rượm xếp khéo léo với những miếng măng rừng trên đĩa. Trong lúc ngồi đợi nồi nước lẩu sôi, nhởn nha thưởng thức đùi ếch với măng giòn giòn cay cay cũng thật là thú vị.

Tới khi nồi nước lẩu được bê ra, cảm giác thích thú tăng hơn nhiều với kết hợp màu sắc khéo léo, sắc xanh của các loại rau, sắc măng vàng, màu vàng rượm hơi sang đỏ của ếch...
Một điều thích hợp nữa của món lẩu này cho những thu mát mẻ hay đông lạnh giá chính là độ cay của nước. Vị cay cũng vừa phải, chẳng quá gắt nên ai sợ cay cũng chẳng nên quá e ngại. Bởi món này mà bỏ cay thì quả là phí.
Theo Báo Đất Việt 
  
giadinh.net.vn

    Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên Tử

    Đây là pho tượng đá nguyên khối lạ kỳ nhất trên non thiêng Yên Tử. Bao năm qua người ta vẫn đến đây lễ bái, phụng thờ nhưng chưa ai thực sự hiểu được huyền tích ra đời của pho tượng.
    Theo sử sách, ngay từ thủa sơ khai, Yên Tử đã là một ngọn núi thiêng nổi tiếng khắp nước Việt. Chính vì vậy, vào thế kỷ thứ III trước CN đã có đạo sỹ tên Yên Kỳ Sinh - đạo sỹ giỏi nối tiếng xứ Trung Hoa đến đây tu luyện rồi hóa đá. Dấu tích xưa nay vẫn còn lại một pho tượng đá cao 2m, hình người, đứng chắp tay hướng về Bắc.

    Tượng đá mang hình người kỳ lạ

    Pho tượng đá An Kỳ Sinh (hay còn gọi là Yên Kỳ Sinh) tọa lạc ngay giữa đỉnh Yên Tử, đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng. Là tượng đá nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm nên rong rêu bám đầy. Nhiều người dân ở đây cho rằng tượng đá An Kỳ Sinh là một khối đá thiên tạo, dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió.


    Khi đi qua tượng, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái.
    Tượng được dựng đứng trên một khối đá hình nấm, dưới chân tượng được cố định bằng xi măng. Trước mặt tượng được xây một bệ thờ ba bậc, bằng xi măng và đặt một bát hương rất to. Bên phải có một bệ thờ nhỏ, cũng đặt một bát hương.
    Không ai biết đích xác đó là bệ thờ ai, chỉ nghe tương truyền đó là bệ thờ một vị đệ tử của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh. Bên trái có một biển bằng xi măng cắm trên một cột bê tông hình chữ nhật, nét chữ sơn vàng ghi: "Tượng An Kỳ Sinh - di tích có giá trị, đã được xếp hạng bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm".
    Thật lạ là trong khi đường leo núi, đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm thì chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng, mặc dù rộng chưa đầy 100m2. Một số người bán hàng ở đây cho biết, chỉ duy nhất ở đoạn này, trên hành trình lên chùa Đồng không bao giờ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Khi đi qua đoạn này, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái chứ không tranh giành nhau như ở chùa dưới.

    Người ta quan niệm, tượng An Kỳ Sinh là một pho tượng kỳ lạ nên ẩn chứa trong đó nhiều phép màu huyền bí. Bởi vậy, khi đến đây người đi chùa thường lấy một tờ tiền mới, chà lên mình tượng để cầu phúc, cầu sức khỏe và tài lộc.
    Cũng có người cho rằng tượng là hiện thân của Yên Kỳ Sinh - một vị đạo sỹ tinh thông bách bệnh, từng luyện nên linh đan trường sinh bất tử nên khi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa đã đến đây lập đàn cúng tế, xin cho bệnh tật tiêu tan, tai qua nạn khỏi đã rất linh ứng.

    Theo PGS Nguyễn Duy Hinh - người đã nhiều năm nghiên cứu về tôn giáo Việt Nam thì trước đây khu di tích này là một quần thể gồm một tượng đá đứng và hai ngôi mộ hình chữ nhật có nấm, đắp cao khoảng hơn 10cm. Xung quanh có kè đá che chắn khá kiên cố.
    Tương truyền đó chính là tượng An Kỳ Sinh và hai ngôi mộ là mộ hai học trò của ông. Tượng không phải là đá mọc tự nhiên mà là do con người dựng, chính vì thế dưới chân tượng mới có nhiều khối đá lớn như bệ để giữ cho tượng không bị đổ. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ở phần ngực tượng có một khung hình chữ nhật khắc lõm, qua năm tháng đã bị mờ.
    Theo phỏng đoán của PGS Hinh thì đó có thể do ngày xưa khi đặt tượng người ta đã khắc tên An Kỳ Sinh như một cách yểm tâm tượng thường thấy trong dân gian. Đó cũng chính là dấu vết của một sự gia công. Gần tượng xưa còn có động Dược am và Thung am (am thuốc và am luyện thuốc).

    Yên Kỳ Sinh là đạo sĩ hay thiền sư?

    Đại đa số người dân qua nhiều thế hệ đều chỉ biết rằng tượng đá là hiện thân của thiền sư An Kỳ Sinh - vị thiền sư đầu tiên đến tu tập trên đỉnh Yên Tử. Tên Yên Tử sau này cũng là bắt nguồn tên ông (Yên Tử theo sách An Nam Chí của Cao Hùng Trưng ban đầu có tên là Tượng Đầu sơn). Cũng từng có nhiều nhà nghiên cứu về đây tìm lại các dấu tích cổ để móc nối với các giai thoại lịch sử, trả lời cho câu hỏi: Nhân vật Yên Kỳ Sinh có thực sự đã đặt chân đến Yên Tử?


    Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Duy Hinh, trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú có dẫn bài thơ "Thủy văn tùy bút" của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này đã nhắc đến Yên Kỳ Sinh như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Như vậy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh và Yên Kỳ Sinh là đạo sĩ chứ không phải là thiền sư.

    Về nguồn gốc của vị đạo sỹ họ Yên này, trong sách "Liệt tiên truyện" của Trung Quốc cho biết rằng, Yên Kỳ Sinh là người Phụ Hương ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ gọi là Thiên Tuế Ông. Tần Thủy Hoàng đi tuần phương Đông đã từng nói chuyện với ông và tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích nhưng đã bị ông bỏ lại trong đình Phụ Hương cùng một bức thư, một đôi giày bằng xích ngọc để báo đáp, bảo mấy năm sau Tần Thủy Hoàng hãy đến núi Bồng Lai tìm ông.
    Theo lời dặn, mấy năm sau Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị (Từ Phúc), Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì gặp bão nên phải quay về. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ ông ở đình Phụ Hương và ven biển Đông Hải. Nhà Tần mất, ông ở cùng người bạn thân là Khoái Thông.
    Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác, không biết chết ở đâu. Trong một số thư tịch và sử liệu Trung Hoa cũ còn cho biết thêm, Yên Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm.

    Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người trở nên thắc mắc, tại sao Trung Quốc nổi tiếng với vô số núi thiêng như Hoằng Sơn, Thiên Thai, Nga Mi, Vũ Ang, Ngũ Nhạc... sao An Kỳ Sinh lại không ở đó mà đến Yên Tử?

    Theo lý giải của PGS Hinh thì trong sách "Đại Nam nhất thống chí" có ghi rõ ngay tại tỉnh Sơn Tây, huyện Tam Dương và Lập Thạch (thuộc vùng đất Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay) có cây thạch xương bồ mọc rất nhiều trên đỉnh núi. Như vậy có thể Yên Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử tìm cây thạch xương bồ để cứu người hoặc luyện linh đan sau đó ở lại nơi đây tu luyện.

    "Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là vấn đề quan hệ đi lại giữa Giao Châu với miền ven biển Đông Hải thời Tần Hán khá thuận lợi. Những di tích khảo cổ học thời Ân Thương ở Quảng Đông và nước ta đã chứng tỏ mối quan hệ khó tưởng giữa hai nước. Do vậy, khả năng Yên Kỳ Sinh đến Yên Tử vào thế kỷ III trước CN là có khả năng xảy ra" - PGS Hinh cho biết.

    Về pho tượng đá An Kỳ Sinh, PGS Hinh nhận định rằng đây là một di tích ngoài trời mang tính dân gian, hoặc do môn đệ của Yên Kỳ Sinh lập nên hoặc do nhân dân tạo dựng để đánh dấu sự có mặt của Yên Kỳ Sinh và môn phái của ông trên đỉnh núi này. "Còn việc chỉ có mộ của học trò mà không có mộ của ông, có thể lý giải do Yên Kỳ Sinh là tiên nên bay lên trời chứ không chết, vì vậy không có mộ. Hoặc cũng có thể môn đồ của ông đến đây luyện linh đan rồi chết, mộ của họ còn đó và bên cạnh là tượng thờ tổ sư" - PGS Hinh nói.
    Theo ĐS&PL


    vtc.vn

    Đợp thịt chuột như thụi

    Thực khách cầm nĩa xiên thẳng vào lưng con chuột đang ngoai ngoải. Một dòng máu đỏ tươi phun ra. Thực khách đưa món tinh hoa ấy lên miệng nhai chậm rãi như thể đang tận hưởng cái tinh túy của đất trời lắng đọng trong mình con chuột được nuôi mấy đời chỉ bằng thứ sâm thượng hạng.
    Ở miền Tây và Campuchia vào mùa khô có rất nhiều ngọn đồi, gò đất nhấp nhô, cỏ gianh lút gối, khô héo khô hắt, với đầy rẫy hang hốc mà họ hàng nhà “tý” sinh tụ.
    Vậy nên, thợ săn không cần tốn công xua đuổi, không cần khua chiêng gõ trống cho đàn chuột sợ hãi bò ra khỏi hang. Họ chỉ cần mồi lửa.
    Cỏ gianh bén lửa thì cháy bùng bùng, nổ lép bép. Lửa cháy đến đâu, chuột bò ra khỏi hang đến đó, cứ chỗ chưa cháy mà chạy.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”
    Bắt chuột kiểu miền Bắc khá kỳ công.

    Đường cùng của đàn chuột là trong lọp, trong đăng. Thợ săn chỉ việc chờ gò cỏ cháy hết thì lôi từng tên chuột trong lọp bỏ vào lồng. Ruộng lúa gặt hết rồi, lũ chuột kéo hết vào gò cỏ gianh, nên có những vụ, thợ săn tóm một lúc cả tạ chuột.
    Phương pháp dậm cù cổ xưa của người U Minh vẫn được các thợ săn chuột sử dụng rất hiệu quả. Thiên nhiên, địa hình, đồng ruộng, khí hậu ở Campuchia khá giống với vùng sông nước Cửu Long nên phương pháp dậm cù bắt chuột vẫn áp dụng được ở đất nước này.
    Chừng năm mười người chạy vòng quanh một đám lúa hay cỏ, đạp nhẹp xuống, càng lúc càng nhỏ vòng lại. Sau cùng, cù chỉ còn bằng cái nia, chuột quay đầu vào giữa, lòi cả trăm cái đuôi ra ngoài.
    Người ta nắm đuôi từng chú bỏ vào giỏ rất đơn giản.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”
    Chuột từ khắp đất nước Campuchia đổ về Chạy Thum.

    Bọn chuột nổi tiếng thông minh, lanh lợi, nhưng khi thợ săn dùng phương pháp dậm cù, chúng trở nên vô cùng tội nghiệp, sợ rúm ró, cứ cắm đầu một chỗ và chổng đuôi ra chờ chết.
    Những phương pháp trên chỉ áp dụng được vào mùa khô. Đến mùa nước nổi, thợ săn chuột lại dùng phương pháp khác, đơn giản hơn.
    Mùa nước nổi, họ hàng nhà chuột kéo cả đàn lên ngọn chàm “hùng cứ” và… chờ chết. Các cô gái ở ấp Chạy Thum dắt chó, cưỡi xuồng và dùng chỉa đâm rất siêu.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”
    Cảnh làm chuột ở Chạy Thum.

    Đàn chuột nháo nhác trên ngọn chàm cứ rụng như sung. Con nào cố thủ trên cây thì trúng chỉa, “mở đường máu” bằng cách lao xuống nước thì rơi vào mõm chó. Đàn chó săn được huấn luyện thành những “vận động viên bơi lội” siêu hạng. Đố tên chuột nào nhảy xuống nước mà thoát được.
    Mùa nước nổi, các thiếu nữ miệt vườn cưỡi thuyền đi một ngày đã chở về có khi cả tạ chuột.
    Và cứ thế, những đoàn thợ săn chuột miệt mài tỏa đi khắp xứ Nam Vang. Ở đâu chuột sống thành đàn, thành bầy, gây hại khủng khiếp nhất thì họ có mặt.
    Những chiếc xe tải chở thợ săn đến tận Phnôm Pênh, cách ấp Chạy Thum (Kandal, Campuchia, biên giới An Giang) những 200km để săn chuột. Họ đi từ tờ mờ sớm hôm trước, tối hôm sau đã về với lặc lè một xe chuột.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”

    Từ khi có cái ấp kỳ lạ này, hàng ngàn nông dân Campuchia có thêm một nghề mới, đó là nghề săn chuột. Nghề săn chuột quanh năm suốt tháng, không lúc nào sợ tắc đầu ra.
    Các cư dân Việt sắm bẫy cho nông dân Campuchia, hướng dẫn họ cách săn chuột để bán cho mình.
    Chuột được thịt hoàn toàn bằng cách thủ công. Hàng trăm người, như thợ chuyên nghiệp, dùng dao loại bỏ đầu và tứ chi, rạch bụng, lột da, bóc ruột. Mọi công đoạn từ đập chết đến thành phẩm chỉ mất nửa phút đã xong một con.
    Trông các cô gái vùng sông nước này làm thịt chuột mà đôi tay mềm dẻo, thoăn thoắt cứ như đang múa. Mọi sản phẩm từ chuột đều không bỏ đi thứ gì và được nhập hết về Việt Nam. Thịt cho người ăn. Người ăn không hết thì nuôi rắn, cá sấu. Da, nội tạng, đầu dùng làm nguyên liệu nuôi cá tra và cá ba sa.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”
    Chuột cống nhum là món đặc sản của miền Tây.

    Bình quân mỗi ngày có khoảng 3 đến 5 tấn thịt chuột được đưa từ khắp đất nước Campuchia về ấp Chạy Thum.
    Chuột được ướp đá, đóng thành từng thùng chuyển xuống thuyền vượt sông Bình Di sang Việt Nam mà chẳng qua trạm kiểm soát, kiểm dịch nào.
    Sản phẩm từ chuột tiếp tục được đám lái buôn đưa đi khắp các ngả đường đất nước. Trong đó, khoảng 50% lượng sản phẩm (cả chuột ướp đá và chuột sống) được chở lên TP. Hồ Chí Minh rồi tỏa đi các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu… đáp ứng cho những quán nhậu và các cơ sở nuôi rắn, cá sấu và những loài thú ăn thịt khác.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”

    Lang thang ở ấp thịt chuột của người Việt ở ngoài biên ải này, tôi còn được người dân hướng dẫn cho cách chế biến chuột thành cả trăm món đặc sản. Trong số đó, có một món có tên khá hài ước là “trinh nữ kén chồng”.
    Để làm món này, người ta phải chọn những con chuột cái còn… trinh (không biết họ xem kiểu gì). Sau khi lột da, bỏ ruột, tứ chi, đầu và thân chuột được ướp gia vị rồi cho nấm mèo, thịt ba chỉ, gan, đậu xanh để nguyên vỏ… nhồi vào bụng chuột và khâu lại.
    Con chuột được chiên vàng, tiếp tục cho vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp nấu cho đến khi sền sệt thì ăn được.
    Món chuột “trinh nữ kén chồng” thơm và béo ngậy. Để thưởng thức trọn vẹn mùi vị quyến rũ của nó nên cắt ngang con, nhai thư thả kèm với rau răm.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”

    Người dân trong ấp Chạy Thum còn có một bài thuốc chữa lang ben, lác rất đơn giản với món thịt chuột cống lang, chế biến tùy thích và chỉ cần… ăn là khỏi.
    Các nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu thường cho người vượt mấy trăm cây số đến tận Chạy Thum đặt mua chuột cống nhum với giá từ 2 đến 3 trăm ngàn một ký.
    Món chuột cống nhum ngon không kém gì đặc sản chuột rừng ở Hòa Bình, ngon hơn cả thịt dúi (con dúi rất giống con chuột, sống trong rừng), vì tôi đã được thưởng thức một lần ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ.
    Thịt chuột cống nhum thơm như thịt gà, nhưng ngọt và đằm hơn. Người dân ở đây kể rằng, họ còn đánh cả tiết canh chuột cống nhum và… ngon phải biết. Tuy nhiên, ở đồng ruộng Việt Nam giống chuột này rất hiếm, nó chỉ có nhiều ở Campuchia.
    Lang thang ở ấp chuột Chạy Thum của người Việt bên đất Campuchia, tôi được nghe mấy cô gái hoàn lương, bỏ nhà thổ đi làm nghề mổ chuột kể về món ăn sâm thử trong các nhà hàng ở Phnôm Pênh mà các cô có dịp được thưởng thức cùng với các đại gia.

    Xơi chuột sống và đặc sản chuột “trinh nữ kén chồng”
    Truy tìm hang hốc để tát nước bắt chuột ở Thái Bình.

    Người ta bắt những con chuột bao tử mới sinh cho vào lồng kính đặc biệt và nuôi nó bằng sâm hảo hạng. Khi con chuột này lớn lên đẻ con, người ta lại bắt ngay những con mới sinh ấy và nuôi bằng chế độ như vậy.
    Con chuột bao tử đời thứ ba chính là món sâm thử. Món này được coi là tinh hoa ẩm thực phương Đông, bởi nó kết hợp giữa “thập toàn đại bổ” của sâm và cái tinh ranh, khôn ngoan của giống chuột.
    Đấy là các ông chủ nhà hàng giới thiệu với thực khách như vậy, chứ các cô phục vụ biết thừa rằng, họ toàn tóm chuột bao tử ở ngoài đồng về làm món sâm thử.
    Cũng theo mấy cô gái miệt vườn, khách hàng thưởng thức món sâm thử trong các nhà hàng ở Phnôm Pênh chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.
    Người phục vụ bắt con chuột bao tử còn đỏ hon hỏn đặt lên chiếc đĩa sứ trắng. Thực khách cầm nĩa xiên thẳng vào lưng con chuột đang ngoai ngoải. Một dòng máu đỏ tươi phun ra. Thực khách đưa món tinh hoa ấy lên miệng nhai chậm rãi như thể đang tận hưởng cái tinh túy của đất trời lắng đọng trong mình con chuột được nuôi mấy đời chỉ bằng thứ sâm thượng hạng.
    Trông các thực khách nhai con chuột đỏ hỏn, các em phục vụ phải rú lên kinh khiếp. Tất nhiên, các em rú lên không phải vì sợ, bởi các em đã nhìn cảnh đó đến cả ngàn lần rồi. Các em hét càng to, càng tỏ ra sợ hãi, thì thực khách càng khoái trá và bo nhiều hơn…

    Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

    .Chả cua đồng Sa Đéc

    Nhón một miếng bánh phồng tôm chiên, và dùng muỗng múc một ít chả cua đồng cặp vào bánh phồng đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, mềm mại và thơm của rêu cua hòa lẫn với vị béo của bánh phồng chiên giòn tan trong miệng... thật khó quên.
    Cua đồng vốn là món dân dã, nhưng ngày nay đã được các nghệ nhân ẩm thực nâng lên tầm cao mới, trở thành nhiều món đặc sản khó quên như: cua đồng rang muối, rang me, nấu canh bồ ngót, nấu canh chua bắp chuối, lẩu cua đồng..v.v…, nhưng đặc biệt gây ấn tượng với tôi trong dịp tham quan Sa Đéc (Đồng Tháp), đó là chả cua đồng.
    Cha cua dong Sa Dec
    Để làm món này, trước hết bạn phải làm sạch cua. Tách bỏ mai, yếm, chỉ giữ phần thân, ngoe, càng, rửa nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo. Sau đó, cho cua vào máy quay sinh tố với nửa muỗng muối bọt cùng một ít nước xay nhuyễn. Đổ thịt cua đã xay nhuyễn vào thau khuấy đều cùng với nước, cho vào vợt lược bỏ xác (khoảng 3 lần nước) đến khi nước cua hơi trong thì thôi. Sau cùng, cho nước cua vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi.
    Chừng vài phút sau, dùng vá nhẹ tay sơ đều và hớt bọt để riêu không bị dính dưới đáy nồi. Điều chỉnh lửa liu riu (tránh bị trào), cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên, dùng vợt lược hớt riêu cua ra tô, để ráo. Đập 1 trứng vịt cho vào tô, dùng đũa đánh trứng hòa tan, để sẵn.
    Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi, đầu hành lá xắt nhuyễn cho thơm, đổ riêu cua, trứng vịt cùng gia vị (bột nêm + bột ngọt) cho vừa khẩu vị vào xào chín, nhắc xuống, múc ra dĩa, thế là xong!
    Để cho món ăn phong phú, đậm đà hương vị, nhớ cho vào vài nhúm đậu phộng rang giã giập, cũng như rau sống (dưa leo, cà chua) xắt miếng. Món này phải ăn kèm với bánh phồng tôm chiên (hoặc bánh tráng mè nướng) mới “đúng bài”!.…
    Thịt, cá, tôm ăn hoài cũng ngán. Vậy, trong một ngày nghỉ cuối tuần rãnh rỗi, mời bạn xuống Sa Đéc - quê tôi - thưởng thức món chả cua đồng xúc bánh phồng tôm chiên thật lạ, và hấp dẫn.
    Dùng tay “nhón” lấy miếng bánh phồng tôm chiên, và dùng muỗng múc một ít chả cua đồng cặp vào bánh phồng đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, mềm mại và thơm của rêu cua hòa lẫn với vị béo của bánh phồng chiên giòn tan trong miệng, thêm một cốc bia lạnh vào nữa, tôi đoan chắc bạn sẽ không thể nào quên được món ăn dân dã của quê hương miền Tây yên ả, thanh bình và mến khách này!...
    Bài và ảnh Phan Hữu Tưởng

    Nhím biển- món ăn hải sản bổ dưỡng


    Tôi được một người bạn mời đến thưởng thức món ăn hải sản ở làng Chài nổi trên biển, thuộc TP Nha Trang. Ở đây, có rất nhiều loại hải sản đang sống trong các lồng nuôi, như cá mú, mực, ốc, cua, tôm, ghẹ, chình biển… nhưng điều làm tôi tò mò nhất đó là con nhím biển (dân địa phương gọi là con nhum hay cầu gai) là loại giáp xác với thân hình bao bọc bởi một hệ thống gai nhọn tua tủa trông đến phát khiếp, nếu không có kinh nghiệm, thì chẳng thể nào cầm được nó lên để ngắm nghía.
    Thấy tôi có vẻ tò mò với loại sinh vật biển này, bạn tôi mua mười con với giá 25 ngàn đồng/một con, rồi nói với tôi: “Hôm nay mình đãi cậu món đặc sản này nhé, nhìn nó gớm ghiếc vậy nhưng bên trong nó trái ngược hoàn toàn với hình dạng bên ngoài”. Khi đĩa nhím biển còn sống đặt lên bàn với một chén nhỏ mù tạt và ít lát chanh tôi không khỏi kinh hoàng hỏi: “Loại này ăn sống vậy sao?” Bạn tôi cười nói: “Loại này chế biến được nhiều món lắm như nấu cháo, nướng, chiên… mỗi kiểu chế biến đều có vị ngon đặc trưng của nó nhưng mình muốn cậu ăn thử món nhím sống trước để thưởng thức hương vị nguyên khai của nó”. Nghe bạn nói vậy, mặc dù rất ghê nhưng sự tò mò của tôi bỗng trỗi dậy một cách mãnh liệt. Tôi lấy con dao Thái can đảm tách lớp vỏ xù xì đầy gai nhọn của nó ra, qua cái lớp nhớp nhúa kia là 5 thùy của bộ phận sinh sản (điểm đặc trưng của động vật da gai). Màu sắc của nó từ màu rám nắng rồi ngả sang màu cam sáng, còn bề mặt thì từ mềm như bơ ấm đến chắc mịn, như một chiếc bánh ngọt ngào. Bạn tôi giải thích: “Màu sắc năm thùy của bộ phận sinh sản của nhím biển phụ thuộc vào những thức ăn và môi trường nơi nó sinh sống”. Tôi thích thú reo lên, rồi lấy chiếc muỗng nhỏ múc một múi chấm một chút mù tạt đã có chanh ăn thử, thấy ngon đến lạ kỳ. Mềm mại, đó là cảm giác đầu tiên. Rồi sau đó là vị mặn rất dịu dàng và kết thúc bằng hương rong biển, hòa quyện với vị cay nồng chua cay của mù tạt và chanh tươi tràn ngập lan tỏa hết tất cả các giác quan trong cơ thể. Dường như đó là một chu trình tự nhiên khi lần đầu tiên nếm thử món nhím biển. Tôi không thể tin rằng hương vị mỏng manh và sự mềm dịu xa hoa đó lại diễn ra bên trong những sinh vật sống mà bên ngoài có vẻ xấu xí và thô kệch. Bởi khi nếm chúng, tôi thấy cái vị khêu gợi của biển cả, một cảm giác lãng đãng trôi dạt như một thứ bọt biển xa xăm, cứ dập dềnh theo sóng, mê ly và dạt dào vẫn vỗ mãi trong tiềm thức không thôi, khiến cho tôi lúc nào cũng nghĩ tới nó. Điều hấp dẫn lạ lùng của nhím biển là các thùy của nó có chứa một hợp chất tự nhiên anandamide mà theo các nhà khoa học, đó là một tác nhân gây ra những cơn hưng phấn rất đỗi ngọt ngào mà người ta khó có thể chối từ. Bạn tôi nói vui: “Những thanh niên chưa vợ luôn được giới sành ăn nhím dặn dò là phải tăng cường rau răm để hãm bớt sự “rộn ràng phấn khích” sau khi ăn món này”. Thưởng thức món nhím biển mất nhiều thời gian và nhiều công phu- công phu cả người làm và công phu cả trong chuyện ăn. Còn sau đó, tác dụng của nó như thế nào thì... có trời mới biết. Nhưng nếu có cơ hội để thưởng thức một món lạ thì cũng nên thử để tự thấy nó có ứng nghiệm như lời đồn thổi của dân gian hay không. Nhím biển nấu cháo chung với các loại hải sản như: hàu, sò, ngao là cực kỳ hợp, dễ ăn, có vị ngọt gần như cháo trứng gà. Và dĩ nhiên, ăn một tô cháo nhím sau buổi tắm biển thì mau chóng phục hồi sức khỏe và tăng cường thể lực.
    Chia tay với bạn, tôi không thể nào quên được món nhím biển mà bạn tôi đã giới thiệu. Tôi nghĩ bụng thế nào tôi cũng đưa cả gia đình đến thưởng thức một bữa để bồi dưỡng sức khỏe.
    HOÀNG BÍCH HÀ(Cần Thơ)


    Vị ngon nấm tràm mùa mưa

    Khi những cơn mưa cuối thu đầu đông trút xuống những khu rừng tràm cũng là lúc những bụi nấm tràm đua nhau mọc lên.


    Ở nước ta không phải nơi nào cũng có loại nấm này mà chúng chỉ có ở một số địa phương như đảo Phú Quốc, Kiên Giang và miền Trung thì nhiều nhất là ở Thừa Thiên Huế và Quảng Bình.
    Những bụi nấm tràm mọc dưới lớp lá cây.
    Những bụi nấm tràm mọc dưới lớp lá cây.
    Loại nấm tràm này thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của các con suối trên lớp lá mục dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn là những loại cây có tinh dầu rất thơm. Cũng giống như các loại nấm quen thuộc khác như nấm rơm, nấm mối, nấm tràm cũng là loại nấm nhanh mọc chóng tàn.
    Chỉ một vài ngày sau cơn mưa là những bào tử nấm từ dưới mặt đất ẩm ướt sẽ xuyên qua lớp lá mục nhô lên thành những cây nấm li ti bằng đầu đũa. Ngày hôm sau nó đã lớn bằng đầu ngón tay, lúc này cây nấm đã có hình dạng tròn quay, béo múp trông rất thích mắt. Ngày tiếp theo nó đã to tròn như quả trứng gà, trứng vịt. Thêm vài ngày sau nữa, nếu chúng không được hái thì cả cây nấm với tai nấm chứa đầy bào tử sẽ héo rũ xuống rồi bị nước mưa hoà tan vào đất để chờ đến mùa năm sau lại tiếp tục một chu kỳ sống mới.
    Hấp dẫn với tô cháo nấm tràm.
    Hấp dẫn với tô cháo nấm tràm.
    Vào thời điểm mùa nấm nở rộ mọi người trong làng thường rủ nhau đi hái nấm. Trước đây, khi đời sống còn khó khăn thì mọi người đi hái nấm tràm mục đích chủ yếu là để kiếm sống. Ngày nay, đi hái nấm tràm đã trở thành những buổi dã ngoại cuối tuần vui vẻ của các bạn trẻ.
    Nấm tràm theo quan điểm đông y rất tốt vì chữa mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng làm bổ nội tạng vì chất dầu tràm ở trong nó. Món nấm tràm ngon nhất là nấu với canh thập tàng cùng tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ hoặc nấu cháo với cá tươi, xào thịt để nhậu có tác dụng giã rượu rất tốt...
    Thơm ngon tô canh nấm tràm.
    Thơm ngon tô canh nấm tràm.
    Khi ăn nấm có cảm giác hơi nhơn nhớt nhưng lại rất giòn và béo như thịt mỡ có vị đắng nhân nhẫn pha chút thanh thanh nên hơi khó ăn tuy nhiên, ai đã quen ăn nấm tràm thì ghiền vô cùng. Đặc biệt sau khi ăn xong uống nước lại nghe the the ở đầu lưỡi, nhưng chỉ lát sau lại cảm thấy có vị ngọt hậu rất dễ chịu.
    Vào dịp này nhiều gia đình ở miền Trung tìm mua nấm tràm gửi tặng người thân phương xa làm quà để san sẻ một món ngon mà những vùng đất không thể có.
    (Theo LĐO)

    Món ngon xứ Mường

    Ẩm thực của người Mường không quá cầu kỳ trong cách chế biến, nhưng mỗi món ăn lại là một đặc sản, một sự hòa hợp tuyệt vời giữa các loại thực phẩm tự nhiên và cách chế biến hợp khẩu vị. Dưới đây là một số món ăn tiêu biểu:

    Cá nướng.

    1. Lợn cỏ thui luộc

    Lợn được nuôi thả rông cho ăn rau rừng và uống nước suối để thịt có độ săn chắc và thơm ngon. Khi muốn giết mổ, dùng rơm thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước, mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên cho ráo. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu.
    Khi muốn ăn, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới đem thái mỏng bày lên lá chuối rừng tươi xanh. Khi ăn chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn sẽ giữ được độ ngọt của thịt, giòn của mỡ và bì hòa với mùi thơm của lá chuối, hạt dổi, vị đậm đà của muối rang. Thưởng thức một lần là nhớ mãi.

    2. Nhộng ong rừng rang măng chua

    Đây là một món ăn dân dã mà độc đáo được đồng bào Mường ở Mai Châu (Hòa Bình) rất ưa chuộng.
    Vào mùa ong rừng (thường là dịp cuối hè) người dân trong bản tìm những tổ ong to bằng chiếc rổ con mang về. Nhặt những con ong già màu nâu đem ngâm rượu, còn những con ong non màu trắng béo tròn mập mạp thì để chế biến các món đặc sản. Sau khi lấy hết ong ra khỏi tổ đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Ong rừng có thể rang với lá chanh giống như rang nhộng tằm, nhưng ở đây người dân rang với măng chua.
    Phi thơm hành mỡ cho ong vào đảo đều, khi ong ngả sang màu hơi vàng thì bắc ra trút vào đĩa, sau đó cho măng vào xào chín thì cho ong đã rang vào đảo cùng. Chế biến món ong rừng xào măng chua rất đơn giản, không cần phải cho vào đó loại rau thơm nào mà chỉ cần thêm một chút cay cay của ớt và nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Khi thưởng thức món này, để hương vị thêm đậm đà và đúng vị thì ăn kèm với củ kiệu muối. Vị béo ngậy, mềm thơm phức của ong rừng lẫn với vị chua cay của măng chua và vị ngọt ngọt, hăng hăng của củ kiệu muối, thêm ly rượu ngô càng làm say đắm lòng người.

    3. Món cá nướng đồ

    Cá được đánh bắt từ sông Đà, thường là các loại như cá chép, cá trê, các diếc… mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn. Sự kết hợp các hương vị của tre tươi, lá chuối, vị đậm đà của muối hòa quyện vào nhau làm cho món ăn thực sự hấp dẫn. Du khách sẽ khó mà quên được hương vị ẩm thực Tây Bắc này khi thưởng thức cùng với cơm lam.

    4. Măng đắng nướng

    Đây là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Tây Bắc, nhất là các dân tộc Tày, Mường… Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống thì cũng là lúc các mầm măng nhú lên.
    Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú, lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại, bóc dần từng bẹ chấm vào gói “chẩm cheo” (gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ). Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị đậm đà của muối, cay nồng của ớt, cay ấm của lá gừng, cay tê của mắc khén, cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
    (Theo VnExpress)

    Say cùng rượu thóc La Pá Tẩn

    YBĐT - Từ thị trấn Mù Cang Chải, ngược những con dốc dài, men theo những con đường nhỏ uốn lượn quanh co ngang chừng núi, chúng tôi tìm về xã La Pán Tẩn - một trong những địa danh đã được xếp hạng danh thắng quốc gia về ruộng bậc thang vừa để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, vừa để thưởng thức một loại rượu thơm ngon có tiếng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây- đặc sản rượu thóc.
    Theo các già làng người Mông xã La Pán Tẩn kể lại, thì từ lâu lắm rồi  đã thấy người Mông làm thứ rượu thóc quý này. Một loại rượu không chỉ đơn thuần là thứ đồ uống phục vụ trong sinh hoạt văn hoá ẩm thực của đồng bào mà còn là sản vật để dâng cúng tổ tiên, trời đất và tiếp khách quý từ xa đến chơi. Người Mông xã La Pán Tẩn có câu hát:
     “…Có tiền cùng tiêu
     Có thịt cùng ăn
      Có rượu cùng đổ”
    Thậm chí:
    “…Gặp người là gặp bạn
    Gặp bạn là gặp rượu
    Gặp rượu mới là gặp nhau

    Với đồng bào dân tộc Mông, rượu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày như vậy nên để làm ra được thứ rượu thóc thơm ngon này, bà con nơi đây đã phải rất cầu kỳ, cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến khâu chế xuất. Chị Giàng A Dê - một phụ nữ người Mông xã La Pán Tẩn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nấu rượu thóc cho hay: “Muốn có được loại rượu thành phẩm ngon thì ngoài việc lựa chọn được loại thóc nương ngon (nguyên liệu chính để nấu rượu) còn phải có thêm một số các nguyên liệu không thể thiếu khác là men lá gia truyền và nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về”.
    Hiện tại, quá trình sản xuất rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền. Tức là, thóc nương sau khi được làm sạch sẽ không xát mà để nguyên vỏ trấu cho vào chảo gang luộc trên bếp lửa từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Khi thóc đã chín sẽ được múc ra cho nguội hẳn rồi rắc men lá trộn đều bỏ vào các thùng. Khoảng hai ba ngày sau, khi các thứ trong thùng chứa bắt đầu lên men thì lại tiếp tục công đoạn ủ từ 7 đến 8 ngày rồi mới cho vào chưng cất thành rượu.
    Cách chưng cất rượu thóc của người Mông nơi đây gần giống với cách chưng cất rượu gạo của người miền xuôi nhưng điểm khác biệt là ở các dụng cụ để chưng cất. Thông thường, người Mông La Pán Tẩn sẽ đặt một chiếc chảo gang có nước lên trên bếp, rồi để một cái chu chớ (giống như cái chõ đồ được đục từ gốc cây gỗ lớn) có đường kính từ 70 - 80cm và chiều cao gần 1 mét lên bên trên chiếc chảo, xung quanh viền bịt kín bằng cám để kín hơi.
    Bên trong cái chu chớ tiếp tục đặt một cái chá chớ (bằng gỗ) đẽo theo hình cái máng dài thuôn nhỏ một đầu dùng để dẫn rượu ra ngoài. Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong và lửa trong bếp cũng đã được nổi lên, ông chủ nhà sẽ làm nốt công việc cuối cùng là đặt một cái chảo gang có chứa nước lạnh lên trên cái chu chớ (mục đích để ngưng rượu) rồi cầu khấn trước nồi rượu mong cho được mẻ rượu ngon.
    Đến nay, chính nhờ có hương vị thơm nồng men lúa, trong suốt, uống vào không gây sốc đã giúp thương hiệu của loại rượu này ngày càng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Còn gì thú vị hơn nếu một lần được đến với non cao La Pán Tẩn quanh năm mây phủ, được ngồi bên bếp lửa hồng của người Mông và nhâm nhi thứ rượu đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được phần nào nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân tộc của người Mông.
    H.O

    Món lạ Mường Lò

    YBĐT - Chè shan tuyết đậm đà và chát lịm như thể chắt lọc từ trời và đất. xôi Tú Lệ cầm tay ăn mà không dính nhép nhưng vẫn dẻo thơm. rượu quê đong ra bát, tỏa hương thơm lừng, cảm giác chưa uống đã lâng lâng say.
    Những đặc sản ẩm thực Mường Lò ấy đã hấp dẫn biết bao du khách nhưng chưa hết, vào Mường Lò du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn rất lạ chế biến từ thế giới côn trùng như: dế mèn, bọ xít, cào cào.
    1. Tháng 6 gặt xong lúa xuân, tháng 10 gặt xong vụ lúa mùa là bà con người Thái, người Mường ở Mường Lò đi bắt cào cào khi chúng bám vào gốc rạ. Những con cào cào béo ngậy, bụng đầy trứng, lâu nay còn phá lúa, giờ chuẩn bị hại ngô được người bắt dùng những chiếc vợt chế bằng túi ni lông có cán dài khoảng 1m, chao đi, chao lại trên gốc rạ, cứ từng đàn, từng đàn cào cào chui vào miệng túi.
     Cào cào bắt về nếu nhiều thì để trong túi bóng, ít thì cho vào chai nhựa, rồi đổ vào ít nước sôi. Gặp nước nóng chúng nhảy tứ tung, đạp mạnh những chiếc gai sắc nhọn vào nhau, chỉ một lúc là tự chúng “làm công việc” cắt râu, cắt cánh. Khi cào cào chết hẳn, người ta chỉ việc đổ cào cào ra chậu, lựa bỏ râu, cánh, rồi thao tác nhẹ nhàng việc bỏ đầu, rút ruột và rửa sạch.
    Bà con người Thái ở Mường Lò tự hào nói rằng: “Cào cào món nào cũng ngon!” nhưng du khách và các nhà hàng ở đây vẫn lựa chọn món cào cào rang. Khi cào cào được rửa sạch, người ta để ráo nước rồi cho thêm ít gia vị như lá chanh, nước mắm, bột nêm… xong rồi đưa lên chảo mỡ nóng già đảo qua, đảo lại một lúc, những con cào cào ngả dần sang màu vàng rộm. Thế là có một đĩa mồi rất hợp để nhậu ngay bên dưới những gốc ban già hoa trắng tinh khiết.
    2. Cuối  xuân đầu hạ, hoa nhãn Mường Lò đã rụng để lộ những quả nhãn bé xíu, đây cũng là lúc bọ xít sinh sôi, phát triển hút nhựa nhãn. Dưới những cây nhãn, người dân, phần lớn là trẻ em dùng những chiếc vợt (làm bằng ,y lông, có cán dài 3 đến 4m) để chụp bắt những con bọ xít đã trưởng thành (bọ xít đã mọc đủ cánh) bọ xít cũng chế biến được nhiều món nhưng đặc biệt nhất là món bọ xít nướng.
    Bọ xít bắt xong đưa lên than hoa đang cháy hồng rực khoảng một phút, cánh lụa của bộ xít cháy khen khét, bụng bọ xít nổ lẹt đẹt… rồi mùi hôi của bọ xít biến đâu mất, thay vào đó là mùi thơm lừng, ăn vào có cảm giác bùi bùi, thơm thơm, ngầy ngậy. Bọ xít, chấm nước mắm lá chanh thì không chê vào đâu được, không ít người sau khi ăn bọ xít phải kết luận: “Con bọ xít còn sống hôi bao nhiêu khi nướng chín lại thơm bấy nhiêu. Đây là món ngon nhất mà mình đã từng ăn”.
    3. Ngay sau khi mùa bọ xít nhãn kết thúc, Mường Lò chuyển sang món dế mèn. Những cơn mưa rào bỗng nhiên nhẹ đi và kéo dài ra để đưa Nghĩa Lộ vào mùa mưa ngâu, đây cũng là lúc dế mèn ở Mường Lò nhiều vô kể. Các quán ven đường Điện Biên, Quang Bích, khu dốc Hoa Kiều hay ngoài Cửa Nhì… cũng lấy dế mèn làm món chủ đạo.
    Bắt dế mèn rất dễ như đào hang, đổ nước nhưng thuận lợi nhất là trời tối, mưa tạnh, dế bay về quần tụ rất đông dưới những cột đèn cao áp hai bên đường, trẻ em, người lớn chỉ việc nhúp từng con cho vào túi đựng. Dế bắt được đem về còn sống khỏe mạnh, đầu bếp chỉ việc dùng kéo cắt bỏ những cái chân có gai sắc nhọn, tiếp theo, rút phần ruột và bỏ phần túi hôi ở gáy, thao tác này phải nhẹ nhàng và khéo léo để dế còn nguyên con mà không nát.
    Tiếp đó, người ta rửa dế bằng nước ngâm măng chua  cho sạch mùi rồi đưa lên chảo mỡ đang sôi chiên giòn; khi dế chín, đầu bếp bày dế ra đĩa, rắc lên trên một ít lá chanh thái chỉ. Một đĩa dế mèn chiên cực kỳ hấp dẫn ở trước mắt. Ăn phần đầu và hai đùi dế thấy thơm và giòn tan trong miệng; ăn phần thân thấy dai dai, bùi bùi, ngầy ngậy.
    Bọ xít, cào cào hay dế mèn mà nhậu với bia hay dùng để nhắm rượu “nút lá chuối” (thứ rượu do đồng bào nấu bằng gạo nguyên chất, ngưng tụ phía trên (thủy thượng), ống dẫn bằng tre hoặc nứa… uống vào êm, dịu, không đau đầu) đều rất tuyệt, nếu dùng để ăn với cơm cho thêm ít nước mắm hoặc bột nêm thì ngon tuyệt.
    Lê Phiên

    NGHI LỄ DOLTA CỦA DÂN TỘC KHMER

    Xem hình
    Lễ hội đua bò trong nhũng ngày lễ Dolta. Ảnh của tuoitreangiang.com
    Dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, và đồng bào người dân tộc Khmer Bảy Núi có những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc riêng. Có những lễ hội của dân gian được dân tộc hóa và hòa nhập với các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng sâu đậm truyền thuyết của Phật giáo Nam Tông.
    Lễ Đônta (Lễ ông bà) là một trong hai lễ lớn hiện nay – và trở thành lễ hội tại địa phương. Nội dung bao trùm trong Lễ Đônta - (Lễ ông bà) là nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng và cầu phước cho linh hồn những người đã khuất.
    Lễ Đônta kéo dài từ ngày 16 đến 30.8 âm lịch với 4 lễ thức chính tại chùa và tại mỗi nhà người dân tộc Khmer như sau:
    1/ Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh)
    2/ Lễ cúng ông bà (Banh Sên Đônta)
    3/ Lễ hội (Banh phchum banh)
    4/ Lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Đônta)
    Nghi thức Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh) được tổ chức tại chùa, từ 16 đến cuối tháng 8 âm lịch hàng năm. Các vị Tà–à-cha phân công cho từng nhà, hoặc từng tổ (vênh) thay phiên nhau đem gạo, nếp, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc… về chùa để tổ chức nấu nướng và cúng liên tục thời gian 15 ngày. Mỗi ngày nấu nhiều mâm cơm, đặc biệt có một mâm cơm được vắt cơm thành từng viên tròn bằng trái cam – người Khmer gọi là bai banh, và theo các vị chức sắc ở phum sóc cho rằng: Từ này bắt nguồn từ phạm ngữ Banh-đa có nghĩa là phần cơm dâng cúng cho người đã chết. Cơm vắt (bai banh) được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn, thức uống đem lên nhà hội (sa la) cúng Tam Bảo, có sự chứng kiến, tụng kinh nhằm cầu phước của sư sãi cho linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố. Sau đó đem cơm vắt ra ngoài cúng cho ma quỷ. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong 15 ngày như thế.
    Nghi thức Lễ cúng Ông Bà (Banh Sên đônta) được tổ chức vào ngày cuối của thời gian Lễ đặt cơm vắt (ngày30.8 ÂL) và vào chiều cùng ngày, sau khi cúng trên chùa xong, được tổ chức tại mỗi gia đình người dân tộc Khmer. Trước đó, từng nhà dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ và ngày cúng Ông Bà được mỗi gia đình sắm sửa một mâm cơm thịnh soạn, có hoa quả, nhang đèn… rồi mời họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ cùng nhau cúng vái.
    Thường là khấn vái, mời linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố về ăn uống. Người chủ hộ khấn vái ba lần, mỗi lần rót trà, rượu và gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén… Tiếp đó là đem ra sân để cạnh hàng rào nơi sạch sẽ, đốt nhang mời ma quỷ đã dẫn dắt ông bà họ về cùng ăn - vì theo người dân tộc, những linh hồn ma quỷ ấy không dám lên ăn chung mâm với ông bà nên phải đem ra ngoài cho ăn riêng. Họ khấn vái, mời ông bà, dòng họ quá cố và ma quỷ ở lại ăn uống, vui chơi trong ngày lễ. Sau đó, gia đình, họ tộc, bạn bè (có nhà mời bạn bè là người Kinh láng giềng) cùng nhau ăn nhậu mừng đón Lễ vì theo họ ông bà, họ hàng đã cùng về dự đông đủ.
    Lễ Hội, có nơi còn gọi Lễ Hội linh - Banh Phchum banh (theo Trần Văn Bổn, sách "Một số lễ tục dân tộc Khmer Nam bộ"). Lễ này được tổ chức linh đình tại chùa, tất cả các gia đình trong phum sóc đều nấu một mâm cơm thật tươm tất mang đi chùa cúng vào ngày 30.8 ÂL. Trước khi đem mâm cơm đến chùa, chủ gia đình khấn vái, đại để: Hôm nay là Lễ Đônta kính thỉnh ông bà, họ hàng thân nhân đã khuất cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh, nhận sự cầu chúc của Phật và sẽ đầu thai kiếp khác sung sướng hơn. Tại chùa, quy tụ đầy đủ sư sãi, À cha, Phật tử, con sóc… cùng dọn thức ăn trên các cỗ dài, rồi sư sãi tụng kinh cúng Tam Bảo, kinh cúng dường cầu phước cho ông bà, họ tộc đã khuất. Cũng có nhiều mâm cơm vắt (Bai banh) để cúng cho ma quỷ. Nơi đây, tất cả cùng nhau ăn uống, thết đãi bạn bè (có cả người Kinh đến dự). Và hơn 15 năm qua, trong mùa Lễ hội này, trước hoặc sau ngày 30 Âl, chính quyền, các ngành chức năng và sư sãi, À cha còn tổ chức hội đua bò Bảy Núi luân phiên mỗi năm ở chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn hoặc chùa An Hảo, Thamith, huyện Tịnh Biên thu hút hàng chục ngàn người dự xem. Năm 2006, chùa Sà Lôn còn tổ chức giải bóng chuyền dân tộc, giao lưu các trò chơi dân gian…
    Lễ tiễn đưa Ong Bà (Banh chuônh đônta) được tổ chức vào 3 ngày sau, tức qua mùng 3 tháng 9 âm lịch âm lịch tại mỗi gia đình. Nếu lễ cúng ông bà (ngày 30.8) thì lễ tiễn ông bà có khác đôi chút.
    Mỗi gia đình đều làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối dài từ 5 đến 7 tất, có nhà làm đẹp và dài cả thước. Trang trí cờ phướn màu sắc rực rỡ. Sau khi nấu mâm cơm thịnh soạn, họ bới 4 chén cơm gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi khấn vái và mang ra đặt trên thuyền, cùng với lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái… người chủ gia đình đem thả trên sông hoặc kênh gạch, mé ruộng gần nhà, nhằm đưa tiễn ông bà và ma quỷ cùng trở về âm phủ. Sau đó, tập trung về nhà cùng quây quần ăn uống vui chơi với gia đình, họ hàng, bè bạn. Đến đây, coi như lễ Đônta đã chấm dứt .
    Cũng cần nói thêm, Lễ Đônta, lễ ông bà của người dân tộc Khmer, bắt nguồn từ sự tích rút ra từ kinh điển Phật giáo. Xin được tóm lược như sau: Một hôm, vào lúc đêm khuya canh vắng, tại hoàng cung của vua Ping-pis-sara, bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm! Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, các nhà này cho rằng đó là bọn ma quỷ đói khát đến xin ăn. Nhà vua phải lễ cúng tế cho họ. Quốc vương nghe vậy, mới ngự giá tìm đến chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Phật bảo rằng – đó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc vương Mahinta – cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay là 92 kiếp – nay biết Ngài (tức Quốc Vương Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiến kiếp, nên họ mới đến đòi ăn. Vậy Ngài nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyền phước đến bọn quỷ đó. Nhà vua vâng lời Đức Phật, bọn quỷ được ăn uống no nê, và được đầu thai kiếp khác, sau khi chịu những hình phạt về tội đã làm ra ở kiếp trước.
    Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo trên, nên người dân tộc Khmer tổ chức Lễ Đônta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo nhằm nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn


    TRẦN THẾ VINH (An Giang)

    Về Bạc Liêu nghe bài “Dạ cổ hoài lang”

    Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1997. Đây là một trong những địa chỉ du lịch lý tưởng của du khách và những người đam mê đờn ca tài tử.

    Tham quan và nghe giới thiệu về cuộc đời của Cao Văn Lầu và quá trình sáng tác bài “Dạ Cổ Hoài Lang”. Ảnh: Mỹ An
     
    Đến với tỉnh Bạc Liêu, du khách sẽ được tham quan rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như vườn chim Bạc Liêu, Phật Bà Nam Hải, nhà công tử Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán…, mỗi nơi sẽ khiến chúng ta có những cảm nhận khác nhau.
     
    Đặc biệt, khi đến Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu ngoài việc được nghe kể lại quá trình hình thành, phát triển của bản vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương, chúng ta còn có điều kiện tìm hiểu thêm về con người và cuộc đời của soạn giả Cao Văn Lầu, người đã làm nên tên tuổi của bản “Dạ cổ hoài lang”, một báu vật của nền cải lương Nam bộ.
     
    Hiện nay, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được tỉnh Bạc Liêu trùng tu và mở rộng diện tích gần 3 ha với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Vào khu lưu niệm đi qua chiếc cổng kiên cố, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người tham quan là khu mộ của gia đình soạn giả Cao Văn Lầu.
     
    Tại đó có 4 mộ phần của cha, mẹ ông và vợ chồng ông. Kế bên là khu trưng bày hiện vật nơi lưu giữ tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cố nhạc sĩ.
     
    Giữa phòng trưng bày có tượng soạn giả Cao Văn Lầu với khói hương nghi ngút, hai bên án thờ là hai bản “Dạ cổ hoài lang” cùng nhiều tác phẩm khác của ông được viết bằng nét bút thi pháp điêu luyện.
     
    Đối diện với phòng trưng bày là khu nhà dành để bày bán những quyển sách viết về Cao Văn Lầu và một số hàng lưu niệm. Ngoài ra, khu lưu niệm còn có sân khấu ngoài trời phục vụ biểu diễn những ngày kỷ niệm và lễ hội…
     
    Đến đây không chỉ biết thêm về thân thế sự nghiệp của soạn giả Cao Văn Lầu và hoàn cảnh ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang”, du khách không khỏi xúc động trước tấm lòng nghĩa nhân, chung thủy của một bậc nghệ sĩ tài danh này. Sinh ra tại tỉnh Long An, đến năm 4 tuổi Cao Văn Lầu theo gia đình trôi dạt đến nhiều nơi, cuối cùng ông đã gắn kết cuộc đời mình với mảnh đất Bạc Liêu hiền hòa.
     
    Cũng tại nơi đây, Cao Văn Lầu được thầy Lê Tài Khí - còn được gọi là nghệ nhân Nhạc Khị, bậc thầy của các thầy nhạc lễ và nhạc tài tử lúc bấy giờ ở Bạc Liêu dạy bảo và dìu dắt vào nghề. Với tư chất thông minh, năng khiếu bẩm sinh nên ông được thầy Khị vô cùng yêu mến.
     
    Cao Văn Lầu là một trong số ít những học trò được thầy truyền nghề tận tâm vì thế tài năng của ông ngày càng được bộc lộ và phát triển. Sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc sống, năm 1919, Cao Văn Lầu sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang”.
     
    Được biết, tác phẩm hình thành trong thời gian cuộc sống vợ chồng của Cao Văn Lầu gặp nhiều sóng gió. Mẹ Cao Văn Lầu bắt ông phải cưới vợ khác vì sau 3 năm chung sống nhưng vợ ông là bà Trần Thị Tấn vẫn không sinh được con nối dõi tông đường. Phần vì đau lòng, phần vì tủi phận thay cho vợ mình ông đã từ chối kết duyên với người con gái khác.
     
    Để giữ trọn nghĩa nhân, vẹn thủy chung với vợ, ông vẫn thường xuyên lui tới thăm nom, chăm sóc vợ khi bà không còn được ở bên nhà chồng. Dù biết là vậy nhưng nỗi xa cách, nhớ nhung đến xé lòng cùng với những giây phút suy tư trước nhân tình thế thái khiến Cao Văn Lầu bật lên những âm điệu não nuột, ai oán qua bài “Dạ cổ hoài lang”. Nhìn trên một phương diện nào đó, tác phẩm như là tiếng nấc, là bản nhạc lòng quý giá của tác giả đối với người tri âm, tri kỷ. Ngoài ra, tại đây chúng ta còn được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu về việc bảo tồn và phát triển của bản “Dạ cổ hoài lang” trong nhiều thập kỷ qua.
     
    Ngày nay khi đến với Bạc Liêu, đến với Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu dù ít hay nhiều chúng ta vẫn được nghe “Dạ cổ hoài lang” từ một số câu lạc bộ đờn ca tài tử nằm trên địa bàn tỉnh.
     
    Ông Khưu Minh Chiến, chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu cho biết: Câu lạc bộ chủ yếu hoạt động ở các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tại Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu chúng tôi phục vụ theo sự yêu cầu của khách tham quan. Có nhiều khách du lịch là người trong tỉnh nhưng họ vẫn đến đây tham quan và rất thích nghe chúng tôi hát vài bài vọng cổ.  Hiện tại dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và cố gắng phát huy hơn nữa để đờn ca tài tử và những bản vọng cổ sẽ vẫn là món ăn tinh thần của người dân Nam bộ.
     
    Không chỉ có khách trong nước, khu lưu niệm còn thu hút nhiều khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu. Ông Phan Thế Anh, Việt kiều Úc, sau 30 năm xa quê hương, khi đến tham quan và được tìm hiểu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của soạn giả Cao Văn Lầu nói: “Tôi nể phục tài năng của Cao Văn Lầu và quý trọng tấm lòng của ông đối với vợ mình”. Có lẽ câu nói của ông cũng là tiếng lòng của tất cả những con người nơi đây cùng với những người mộ điệu đờn ca tài tử.
     
    Theo NGUYỆT THU (Hậu Giang Online)

    Thứ Ba chơi chợ Cốc Ly

    Nếu ai đó muốn tìm hiểu cuộc sống thuần chất văn hóa của đồng bào các dân tộc thì không nên bỏ qua địa chỉ chợ văn hóa Cốc Ly (Bắc Hà).

    Độc đáo chợ trâu
     
    Theo cách giải thích của người dân bản địa, Cốc Ly có nghĩa là "gốc mận" và có lẽ cũng bởi chợ phiên nằm ở vùng cao nguyên mận tam hoa - cây đặc trưng của Bắc Hà. Chơi chợ Cốc Ly, hình thức thú vị nhất là đi bằng thuyền ngược dòng sông Chảy. Muốn sở hữu một vé thuyền không hề khó khăn, bạn có thể đăng ký mua vé ở các hợp tác xã dịch vụ thuyền sông tại Bảo Nhai. Rồi từ Bảo Nhai, ngược sông Chảy khoảng 20 km, sẽ tới chợ Cốc Ly.
     
    Ngồi trên thuyền, du khách tha hồ thả hồn với dòng nước trong vắt, lững lờ trôi, mọi ưu phiền, lo toan thường nhật dường như tan biến, chỉ còn lại những âm thanh trong trẻo của cuộc sống bình dị hai bên dòng sông. Từ bến thuyền chân cầu đi bộ dọc bãi cát trắng mịn, rồi đi thêm một đoạn không xa sẽ đến chợ văn hóa Cốc Ly.
     
    Ở nơi con sông Chảy uốn mình hiền hòa này, ngày thứ ba là một ngày hội. Trên cầu, rất nhiều chàng trai, thiếu nữ váy áo sặc sỡ đứng đó tâm tình và còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn ở một phiên chợ vùng cao đầy màu sắc.
     
     Bến thuyền Cốc Ly. 
    Đến chợ Cốc Ly, điều hấp dẫn nhất là khu chợ trâu, khu này bao giờ cũng sôi động. Người dân Bắc Hà chủ yếu dùng trâu để cày kéo, vì vậy, những con trâu đem đi bán phải là những con khỏe nhất, béo nục nhất.
     
    Theo người dân bản địa, kinh nghiệm để chọn một con trâu cày khỏe phải đảm bảo ba yếu tố quan trọng: lông ngắn, chân tròn, sừng cong. Mỗi con trâu có giá dao động trên dưới 20 triệu đồng.
     
    Con trâu là đầu cơ nghiệp, nên người ta chỉ bán trâu khi thực sự cần tiền để chi trả cho những công việc lớn trong gia đình như: làm nhà, cưới hỏi, ma chay…
     
    Có những nhà cách chợ nửa ngày đi bộ, để rong trâu xuống kịp phiên chợ, người ta phải đi từ 2 giờ sáng, nhưng không phải phiên chợ nào cũng giao dịch thành công, phiên chợ này không bán được, lại mất nửa ngày đường rong trâu về nhà, chờ đến phiên chợ sau xuống bán.
     
    Người bán được giá thì hỉ hả, còn người không bán được cũng chẳng lấy đó làm phiền muộn. Chủ yếu họ xuống chợ để gặp gỡ, chuyện trò, làm vài ly rượu đến khi say mèm mới thư thả ra về.
     
    Hấp dẫn ẩm thực
    Người Mông uống rượu ngô, ăn thắng cố.
     
    Chợ Cốc Ly bày bán rất nhiều mặt hàng đậm nét văn hóa vùng cao, từ váy áo thổ cẩm, rượu ngô, rau rừng, gạo nương đến các loại gia súc, gia cầm… Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chơi chợ mà bỏ qua khu ẩm thực, bởi đây mới thực sự là điểm hấp dẫn nhất của chợ phiên vùng cao này.
     
    Khu chợ ẩm thực là nơi những người ở các bản xa gặp gỡ, cụng ly, cùng nhau thưởng thức những món đặc sản riêng có ở Bắc Hà. Dù có vội vàng thì vẫn nên nán lại gần những chảo thắng cố, quây quần cùng đồng bào dân tộc, làm một bát nóng hôi hổi, thơm thơm mùi lá chanh, ngòn ngọt vị xương ngựa và nhâm nhi chén rượu ngô đậm đà, cay cay.
     
    Chỉ với 50.000 đồng là bạn có thể được thưởng thức một bát thắng cố với đầy đủ hương vị vùng cao. Một địa chỉ thắng cố nên biết chính là quán anh Lù A Dào, quán này lúc nào cũng đông khách, nhưng không vì thế mà phải đợi lâu, hai vợ chồng chủ quán luôn biết cách chiều lòng khách, chỉ phải đợi khoảng 15 phút là đã có một bát thắng cố tuyệt vời.
     
    Người Bắc Hà hay ăn thắng cố với mèn mén, đây được coi như sự kết hợp giữa các hương vị một cách hoàn hảo. Món mèn mén được làm từ ngô nương xay nhuyễn, có màu vàng ươm, ăn có vị bùi, ngọt và thơm.
     
    Ở chợ Cốc Ly duy nhất quán chị Giàng Thị Mỷ ở cuối chợ có bán, trong lúc ăn thắng cố, bạn có thể nhờ chủ quán mua giúp mèn mén, lúc nào họ cũng sẵn lòng phục vụ. Mèn mén còn có thể ăn với canh đậu, món ăn này tuy dân dã nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe.
     
    Những quán phở vùng cao cũng không kém phần sôi động so với khu thắng cố. Phở Bắc Hà rất đặc biệt, bánh phở được chế biến thủ công từ một loại gạo đỏ, nên có màu phớt hồng rất hấp dẫn. Bạn có thể chọn phở thập cẩm, phở chua nguội, phở chua nóng, loại nào cũng có vị đặc trưng.
     
    Nếu chơi chợ vào một ngày đông lạnh giá thì nên chọn một bát phở gà nóng, còn chơi chợ vào ngày hè hãy chọn một bát phở chua nguội ăn cho mát ruột. Phở gà là món ngon nhất ở Bắc Hà, thịt gà bản thái phay, vàng ươm, váng mỡ được nêm gia vị, thêm một chút tương ớt Mường Khương thì không có gì tuyệt vời hơn.
     
    Còn đặc sản của Bắc Hà lại là phở chua, một bát phở với rất nhiều thứ: thịt lợn bản, dưa muối khô, lạc rang sẽ khiến bạn không muốn rời xa vùng cao nguyên trắng.
     
    Chợ Cốc Ly được đánh giá là chợ phiên còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa đồng bào vùng cao. Chợ sặc sỡ sắc màu, thôn quê dân dã. Nếu ai đã đặt chân đến đất Bắc Hà mà chưa một lần ghé thăm chợ Cốc Ly sẽ là thiếu sót cho một hành trình du lịch.
     
    Chợ họp đến chiều mới tan, người dân lục đục ra về, có người địu một gùi hàng đầy sau lưng, nhưng cũng rất nhiều người tay không xuống chợ. Họ xuống chợ, chơi chợ như một thú vui vào mỗi thứ Ba hằng tuần, không những thế, thứ Ba còn là dịp để những người bạn bè ở xa xuống núi gặp gỡ chuyện trò, để những đôi bạn trẻ có dịp làm quen, tìm hiểu, rồi yêu nhau.
     
    Chơi chợ Cốc Ly, bạn hãy cứ mua những gì mình thích, hàng hóa ở đây rất dân dã, không phải ở đâu cũng có, mà giá cả chẳng hề đắt đỏ. Bắc Hà có nhiều địa chỉ nên khám phá, nhưng bạn đừng quên chơi chợ Cốc Ly để được trải nghiệm những điều thú vị về cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà.
     
    Theo Vân Thảo (Lào Cai Online)

    Về “thủ phủ khoai sọ”

    Dịp này, lên huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn-Nghệ An, hầu hết khách miền xuôi đều mua về một ít khoai sọ để ăn hoặc làm quà. Bởi hiện nay đang là thời điểm chính của vụ thu hoạch, khoai sọ đang ở thời điểm ngon và nhiều tinh bột nhất.

    Dọc Quốc lộ 7A chạy qua Thị trấn Mường Xén, thứ khoai của núi rừng này được bày bán khá nhiều với mức giá trên dưới 10.000 đồng/kg. Nếu có dịp đi qua những tuyến đường vào các bản làng, chúng ta thường gặp những người phụ nữ dân tộc Mông, Khơ mú gùi những bế khoai sọ nặng trĩu từ rẫy về nhà hoặc ra bán tại khu vực Mường Xén.
     
    Ở Kỳ Sơn, khoai sọ được trồng tập trung tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Na Ngoi và Tây Sơn. Đây là những vùng đồi núi cao, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông. Nói như vậy để biết được rằng, cây khoai sọ ở đây ưa độ cao, khí hậu mát và tất nhiên điều kiện thổ nhưỡng phải thích hợp.
    Cuối năm, trời rét căm căm, chúng tôi vẫn quyết tâm “cưỡi” xe máy vượt khoảng 15km đường đèo vào xã Tây Sơn, một trong những “thủ phủ” của cây khoai sọ ở Kỳ Sơn. Trên đường đi phải xuyên qua những làn sương mù dày đặc, những đỉnh núi và thung lũng phủ đầy mây trắng. Chợt nghĩ, phải chăng cây khoai sọ ở đây còn thích được ấp ủ trong những làn sương, làn mây?
     
    Niềm vui được mùa khoai sọ của bà con bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)
    Đã gần trưa, đất trời và núi rừng Tây Sơn vẫn nhuốm một màu trắng của sương mây. Khi đặt vấn đề tìm hiểu về việc, trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ, chúng tôi được nghe ông Vừ Chống Dì, Bí thư Đảng ủy xã thuyết giảng về loài cây này: “Ở đây hầu hết các gia đình đều trồng khoai sọ để làm lương thực, chủ yếu là tự cung tự cấp.
     
    Thứ cây này khó tính lắm, trồng nó phải chọn vùng đất tốt, thường phải xẻ phát những chỗ rừng già hoặc phủ rơm hay phân xanh lên đất rẫy chờ phân hủy mới trồng được. Như thế củ khoai sọ mới to và nhiều bột, ăn mới ngon. Nếu bón phân, bất kể là phân chuồng hay phân hóa học thì củ của nó có thể sẽ to nhưng lúc ăn chỉ thấy toàn xơ, chất bột rất ít. Như thế, sẽ phí công 8 tháng trời vun trồng, chăm bón và thu hoạch”.
     
    Chợt nghĩ, giống cây này thật lạ, tại sao được tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ phân chuồng và phân hóa học là đánh mất ngay bản chất của mình, trong khi đó hầu hết các loại cây nông nghiệp khác lại cho năng suất cao?
     
    Phải chăng bao đời nay cây khoai sọ đã gắn bó mật thiết với rừng già, với mạch đất và khí trời nên không cần tới một nguồn dinh dưỡng nào khác? Rồi chợt liên tưởng đến sự chất phác, hồn hậu và ngay thẳng của những con người quanh năm gắn bó với núi đèo và sương mây.
     
    Khi chúng tôi hỏi về tổng diện tích khoai sọ trên địa bàn toàn xã, ông Vừ Chống Dì cho biết: “Nói thật là không thể thống kê chính xác về diện tích, vì nhà nào cũng trồng, nhà trồng ít, nhà trồng nhiều, nhà trồng gần, nhà trồng xa. Chỉ biết rằng 6/6 bản đều trồng cây khoai sọ, trong đó trồng nhiều nhất là bản Huồi Giảng 1 và bản Lữ Thành”.
     
    Được một cán bộ văn phòng dẫn đường, chúng tôi vượt mấy cánh rừng và leo mấy con dốc để tìm đến rẫy khoai sọ của một gia đình ở bản Huồi Giảng 1.
     
    Chủ rẫy là chị Mùa Y Xìa, đôi tay người phụ nữ Mông này đang thoăn thoắt dùng thuổng đào bật gốc từng bụi khoai sọ, sau đó nhặt từng củ khoai tròn lẳn cho vào bế. Rẫy khoai sọ này khoảng hơn 500 m2, nằm ở một góc của một rẫy lúa bạt ngàn đã thu hoạch xong, giờ chỉ trơ lại rơm rạ.
     
    Chị Xìa cho biết: “Rẫy nhà ta chủ yếu trồng cây lúa, mỗi mùa thu hoạch xong thường dồn rơm rạ lại một góc để chờ mùa sau trồng khoai sọ cho tốt. Ta trồng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình thôi chứ không có nhiều để đem ra Mường Xén bán”.
     
    Gần trưa, khi sương mù bắt đầu tan, bà con từ nương rẫy về bản, chúng tôi tìm đến nhà ông Vừ Chông Thông - Trưởng bản Huồi Giảng 1. Ông Thông vui vẻ tiếp khách với nồi khoai sọ vừa luộc xong, cầm lên tay nóng ran, làn hơi nước bốc lên mang theo một mùi thơm quyến rũ với khách miền xuôi.
     
    Trong cái buốt lạnh của núi rừng, lại gặp lúc vừa băng qua một chặng đường mệt nhọc, chúng tôi như ấm và khỏe hẳn khi được ăn khoai sọ luộc đang nóng hổi, rồi thưởng thức vị ngọt bùi của tinh bột ngũ cốc hòa quyện với hương đất, hương rừng như gần, như xa.
      
    Ông Thông xởi lởi: “Khi mới biết nhìn, ta đã thấy củ khoai sọ nơi góc nhà. Sau này ta hỏi bố mẹ, ông bà, họ cũng nói vậy. Từ bao đời nay, khoai sọ luôn gắn bó và có mặt trong các ngôi nhà của người Mông. Nó là một loại lương thực để hỗ trợ mỗi khi thóc lúa trong nhà đã cạn.
     
    Vào mùa giáp hạt, khoai sọ trở thành nguồn lương thực chính của mỗi gia đình. Mấy năm gần đây, bà con nhận được gạo cứu trợ trong thời kỳ giáp hạt của Nhà nước nhưng vẫn không ai bỏ cây khoai sọ”.
     
    Nghe tin có khách dưới xuôi lên, bà Thông làm món canh khoai sọ để đãi khách. Củ khoai sọ được gọt vỏ, rửa sạch rồi xắt nhỏ nấu với rau cải Mông và một ít xương lợn. Lúc này vừa thưởng thức khoai sọ luộc, nhưng khứu giác và vị giác không thể bỏ qua được mùi vị quá hấp dẫn của canh khoai sọ do bàn tay người phụ nữ dân tộc Mông chế biến. Ở đó có vị bùi của khoai sọ, vị béo của thịt, vị ngọt và thanh của cây cải. Các loại mùi vị này quyện lẫn vào nhau làm nên hương vị đặc trưng của thứ canh khoai sọ.
     
    Thưởng thức xong món canh khoai sọ hầm xương tại nhà ông Vừ Chông Thông, chúng tôi tiếp tục lên đường tìm đến bản Lữ Thành. Đoạn đường từ trung tâm xã đến bản Lữ Thành là con đường đất gập ghềnh men theo những sườn đồi, phía dưới là vực sâu thăm thẳm, phía trên là đỉnh núi cao ngất, nếu không có kinh nghiệm chạy xe máy đường rừng chắc hẳn không ai tránh được cảm giác rợn ngợp, thậm chí là phải chùn bước.
     
    Vào thăm nhà ông Mùa Xái Cở, chúng tôi kể lại hành trình vào “thủ phủ khoai sọ”. Ông Cở liền nói: “Vậy là nhà báo đã ăn khoai sọ luộc và canh khoai sọ hầm xương, giờ ta đãi anh món khoai sọ hông”. Nói rồi, Mùa Xái Cở bảo vợ gác lại việc giã lúa để hông khoai sọ đãi khách.
     
    Người phụ nữ dân tộc Mông này vào góc nhà chọn những củ khoai sọ nhỏ, rửa sạch cho vào hông rồi bắc lên bếp lửa đã đượm. Chiếc hông của người vùng cao được làm từ thân một cây gỗ được đục rỗng. Thấy khách chăm chú để ý cái hông gỗ, ông Cở giải thích: “Để giữ được hương vị của nếp và khoai sọ, người trên này luôn dùng hông gỗ chứ không bao giờ dùng hông nhôm như dưới xuôi”.
     
    Trò chuyện một lúc, mùi thơm đã tỏa ra từ chiếc hông trên bếp. Bà Cở nhấc chiếc hông khỏi bếp rồi rải khoai sọ ra một chiếc rổ lớn. Ông Cở liền nói: “Bắt đầu thôi, khoai sọ hông phải ăn khi nóng mới thú”.
     
    Cầm củ khoai sọ vừa được hông xong, xuýt xoa rồi bóc vỏ, hương thơm và mùi vị cơ bản giống với thứ khoai này khi được chế biến bằng cách luộc. Nhưng thưởng thức xong, thực khách dễ dàng nhận biết khoai được chế biến bằng cách hông thưởng dẻo và lưu giữ được vị thơm lâu hơn.
     
    Mặt trời đã sắp xuống tận dãy núi trước bản Lữ Thành, chúng tôi chào chủ nhà để ra về, ông Mùa Xái Cở ôn tồn: “Sắp tối rồi, không về được đâu, sương mù giăng kín các ngả đường rồi, nguy hiểm lắm. Đêm nay ngủ lại đây thôi, tối nay ta làm món khoai sọ rán”. Chủ đã nói vậy thì khách không thể chối từ.
     
    Một lát sau, vợ chồng chủ nhà cùng chọn những củ khoai to đem rửa và gọt sạch vỏ rồi xắt thành từng miếng mỏng. Chiếc chảo lớn và khá nhiều mỡ được bắc lên bếp. Khi mỡ sôi, bà Cở cho từng miếng khoai sọ xắt nhỏ vào chảo và cần mẫn ngồi chờ lật từng miếng một. Từ bếp tỏa ra mùi béo ngậy.
     
    Bữa cơm được dọn ra, ngoài các loại thức ăn khác, trên mâm có một đĩa lớn khoai sọ rán (chiên) giòn. Mùa Xái Cở vừa lấy ra chai rượu vừa nói: “Cái thứ này là phải nhắm với rượu mới thú”.
     
    Quả thật, được nhắm rượu với khoai sọ rán giòn trong đêm Đông sương giá nơi vùng cao biên giới thật không có gì bằng, vì chất béo của khoai và mỡ cùng vị nóng của men rượu sẽ xua tan cái buốt lạnh của đất trời.
     
    Ông Cở nói thêm: “Món này được người Mông dùng khá phổ biến trong mùa Đông, vì nó giữ nhiệt cho cơ thể”. Bữa cơm đó kéo dài đến tận khuya, khi cả chủ và khách đã chếnh choáng vì men rượu.
     
    Sáng hôm sau, dù sương mù chưa tan nhưng chúng tôi vẫn quyết định xuống núi để ra Mường Xén. Tại đây, được gặp lại ông Moong Văn Nghệ (74 tuổi, dân tộc Khơ mú), nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc- Miền núi tỉnh. Khi biết chúng tôi vừa ra từ “thủ phủ khoai sọ” và được thưởng thức các cách chế biến loại khoai này, ông Moong Văn Nghệ liền nói: “Từ lâu khoai sọ còn được dùng làm các vị thuốc quan trọng trong Đông y nữa đó”.
     
    Nửa tin nửa ngờ, lên mạng Internet tra cứu, quả thật một số tài liệu khẳng định khoai có thể hỗ trợ điều trị một số trường hợp như đau dạ dày, bổ tỳ, suy nhược cơ thể, tăng cường thể lực, viêm thận, kiết lỵ, đau nhức gân cốt... Và rồi chợt nghĩ, phải chăng những con người nơi vùng cao biên giới này có sức khỏe dẻo dai, có đôi chân mạnh để trèo đèo, lội suối một phần do suốt đời gắn bó với khoai sọ, một loại lương thực đồng thời cũng là một vị thuốc quý?
     
    Trao đổi với ông Lê Công Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được biết, toàn huyện năm nay trồng từ 80-90 ha khoai sọ với tổng sản lượng khoảng 800 - 900 tấn.
     
    Khoai sọ được trồng ở Kỳ Sơn từ lâu đời, vừa rồi được đưa ra triển lãm ở Hà Nội và thu hút nhiều sự chú ý. Đến nay vẫn chỉ duy trì ở mức độ nhỏ lẻ, là một trong những nguồn thu đáng kể của bà con trong những năm gần đây. Nhưng huyện không có chủ trương mở rộng diện tích gieo trồng vì giống khoai sọ tương đối “khó tính” nếu mở rộng diện tích sẽ ảnh hưởng đến vốn rừng.
     
    Theo Công Kiên (Nghệ An Online)

    Cây sến 500 năm và chuyện “Cầu được ước thấy”!

    “Làng Spa Eco” nằm trên đường ven biển Phan Thiết đi Tân Thành (Hàm Thuận Nam), cách hải đăng Khe Gà khoảng 1,5 km.

    Gọi là làng nhưng kỳ thực đó là  khu du lịch sinh thái, hình thành bởi một số bungallow mái lợp tranh hình tổ chim cúc cu trên lưng chừng đồi, cùng những ngôi nhà  kiểu xưa lợp ngói âm dương, tất cả đều quay ra biển và chỉ cách  đường 719 ngang qua làng chỉ vài bước chân… Chính vì thế, từ phía Bắc vô, từ phía Nam ra, cứ bước xuống xe là đến làng, không phải di chuyển nhiều, đặc biệt thuận lợi cho người có hành lý. 
    Anh Lê Hải, giám đốc điều hành Làng Spa Eco cho hay: “Hàng năm, trong mấy tháng cuối, hàng đoàn khách nước ngoài  đến làng. Khung cảnh hoang sơ của  đồi nhãn rừng, những dãy đồi cát dựng đứng, cộng với biển xanh và một chút sáng tạo của con người trong cách bài trí, phối cảnh của toàn bộ ngôi làng đã thu hút họ”.
    Gần đây, làng Spa đón thêm nhiều khách Việt. Họ đến với làng ngoài nghỉ dưỡng còn để  tham quan cây sến 500 tuổi nằm trong khu rừng  thuộc quyền quản lý của làng spa.
    Đó là cây cổ thụ  nhiều nhánh, tàng khá rộng, thuộc họ sến cát, chỉ mọc vùng cát ven biển Bình Thuận - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây cũng là cây sến nhiều tuổi nhất trên địa bàn Bình Thuận hiện nay.
    Nguyên nhân giúp cây sến này tồn tại  đến ngày nay trước bao ánh mắt của thợ rừng (đây cũng là khu  vực nhiều người từng đốt than) là do người dân quanh vùng đã khoác lên cho cây sự huyền bí, về khả năng: “Ước gì được  nấy, kể cả chữa khỏi một số bệnh”.
    Có lẽ vì lời đồn này, mới đây, một gia đình khoảng chục người từ miền Tây ra nghỉ đêm tại Làng Spa, và sáng hôm sau họ leo đồi vào chỗ cây sến. Bên gốc sến già đầy nhánh, gia đình người miền tây khần cầu  cho mẹ họ hết bệnh, còn những đứa trẻ thì cầu cho học hành giỏi giang.
    Chứng kiến sự việc, tôi hỏi  người thanh niên dẫn đường: “Em có tin những điều đó xảy ra?”. Người thanh niên đáp ngay: “Cây sến là một điểm tham quan của làng spa. Khách của Spa muốn tham quan cổ thụ, chúng tôi đều dẫn đường. Mọi người sẽ đi rất chậm, nghỉ nhiều chặng, mỗi chặng năm hoặc mười phút.. thành ra  việc đi thăm cổ thụ là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe. Chúng tôi thấy nhiều người cầu ước bên gốc cổ thụ nhưng tuyệt nhiên không ai  bày các nghi thức mê tín nên chấp nhận được”.

    Theo Hà Thanh Tú (Bình Thuận Online)

    Lầu xả stress ở Spa Eco


    Leo mấy chục bậc tam cấp, cuối cùng tôi cũng đến lầu xả stress ở làng Spa Eco (Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

    Được thiết kế như  lầu vọng nguyệt, không có cửa chính, từ lầu xả stress có thể quan sát  tứ hướng nhờ vào hàng lan can thấp bao quanh. Mái lầu lợp lá, hơi tròn, gần như chiếc dù lớn dành cho khoảng một chục người.
    Lầu xả stress
     
    Người dẫn đường cho hay: chỉ  người có tâm sự mới đến lầu, thành ra lầu đặc biệt vắng vẻ. Vé cho mỗi lần  xả stress là 50 ngàn đồng. Người  mua vé sẽ được cung cấp những chiếc chén sành loại khó vỡ. Sau đó, khi chỉ còn lại một mình giữa hoang sơ, người có tâm sự sẽ một mình  “đối thoại” với những  điều làm cho khó chịu, mệt mỏi và… rồi sẽ ném những chiếc chén vỡ tan tành cho đến khi nguôi ngoai bực tức trở lại trạng thái cân bằng..
     
    “ Lầu xả stress thường là chỗ người nước ngoài tìm đến”- người  hướng dẫn  góp chuyện.  Chúng tôi bước  vào bên trong lầu, nơi có chiếc ghế dài mặt quay về một chiếc hố chứa đầy mảnh chén vỡ.
     
    Người dẫn đường nói thêm: “ Có  một số người vô tình gặp nhau tại lầu. Sau khi lấy lại trạng thái cân bằng,  họ mời nhau ăn sáng và ăn tối, rồi trở thành bạn của nhau trong những ngày lưu lại Spa Eco.
     
    Được biết, trung bình có đến cả trăm lượt người đến lầu xả stress mỗi năm. Điều đấy cho thấy trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, nhu cầu xả stress là cần thiết.
    Theo Hà Thanh Tú (Bình Thuận Online)

    Mùa cào hến đồng

    Mùa này, dọc theo tuyến kênh Mặc Cần Dưng và các nhánh kênh số 5, số 7, số 9 thuộc địa phận huyện Châu Thành (An Giang) đâu đâu cũng tấp nập ghe xuồng cào hến đồng. Bình quân mỗi ngày bà con nghèo thu hoạch từ 200-300 kg hến, bán với giá 1.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng đủ nuôi sống gia đình.

    Sáng sớm, tại đầu kênh 7, hàng chục chiếc xuồng đậu san sát nhau hì hục cào, lựa hến, tạo nên khung cảnh vui nhộn cả khúc kênh. Ngồi trước đầu chiếc xuồng tam bản, ông Trần Văn Thanh (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) cố hết sức tì cán cào chà sát chiếc vợt sâu xuống lớp đất bùn, rồi từ từ kéo lên từng mẻ hến.
     
    Dạo sạch đất, ông đổ hến vào thau, bà Nguyễn Thị Lẹ (vợ ông Thanh) ngồi phía sau phân loại hến lớn, hến nhỏ đổ xuống khoang xuồng. Đến nay, vợ chồng ông Trần Văn Thanh đã vào nghề cào hến ngót nghét chục năm. Nhà không ruộng rẫy, cũng nhờ nghề này mà ông kiếm sống đắp đổi qua ngày.
     
    Ông Thanh trần tình: “5 giờ sáng đem cơm nước theo xuồng, chạy đến kênh 7, kênh Mặc Cần Dưng bắt đầu buông tay cào cho đến 3 giờ chiều thì chở hến về nhà. Mùa nước rút, hến đồng nhiều vô số, mỗi lần cào kéo lên dính khoảng 5-6 kg. Cá biệt có những cào kéo lên nặng trịch, trúng hơn 10kg.
     
    Hôm nào trúng mánh cào được hơn 300kg hến, bạn hàng cân xô với giá 1.000 đồng/kg, còn hến lựa 3.000 đồng/kg. Nhà có 5 miệng ăn, nhờ nghề cào hến mà tôi đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
    Dạo sạch mẻ hến.
     
    Hiện nay, ngoài cào bằng tay, bà con còn trang bị cho mình loại cào bằng máy để thu hoạch nhiều hến. Ông Nguyễn Văn Thuyền, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành đầu tư 2 chiếc cào máy, mỗi chiếc ông thu hoạch từ 25-30 giạ hến/ngày (1 giạ khoảng 20kg).
     
    “Mấy năm đầu, chủ yếu cào hến bằng tay, sau đó thấy bà con ở miệt Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ lên tận đây cào bằng máy, tôi mạnh dạn đầu tư thiết bị chuyển sang cào hến bằng máy. Nếu như cào tay một ngày kiếm khoảng chục giạ hến thì cào máy thu hoạch được gấp đôi, gấp ba.
     
    Một chiếc cào tay chỉ 1 người lựa hến là đủ, còn cào máy phải có 3 người lựa hến mới kịp. Nghề cào hến tuy cực mà vui nên dân nghèo thường ví von đây chính là nghề nạo da “bà thủy”…”- ông Thuyền nói vui.
     
    Bà con nghèo có thâm niên trong nghề cào hến cho hay, hến sống nhiều nhất theo những dòng kênh quanh năm bồi lắng phù sa. Đặc biệt, kênh Mặc Cần Dưng, kênh 5, kênh 7, kênh 8, kênh 9 thuộc huyện Châu Thành thì hến sinh sôi đặc quánh, nên thu hút rất đông bà con nghèo đến làm ăn.
     
    Ông Thuyền cho biết, đến kênh 7 vào buổi sáng sớm có trên 50 xuồng ghe, lớn nhỏ khắp nơi chen chúc nhau cào hến. Từ lâu, ở các tuyến kênh này được phù sa bồi lắng tạo môi trường thuận lợi cho hến ở. Nếu tính sơ sơ, mỗi ngày có trên 50 đầu xuồng cào hến tại các con kênh này, một đầu xuồng thu hoạch từ 10-15 giạ hến/ngày.
     
    Nghề cào hến làm quanh năm, nhưng trúng nhất là vào thời điểm mùa nước nổi kéo dài cho đến Tết. Thời điểm này, hến đồng được tiêu thụ mạnh nên chính là điều kiện để bà con nghèo kiếm tiền ăn Tết.
    Hến vô bao chuyển đi Bến Tre.
     
    Ngoài dân “bản địa” đi cào hến, tại các dòng kênh còn có dân tứ xứ thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre đến đây mưu sinh bằng nghề cào hến. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước rút là họ canh theo con nước rủ nhau đến các dòng kênh tại huyện Châu Thành để cào hến. Hết mùa, họ lại trở về quê ăn Tết.
     
    “Nghề cào hến- nghề hạ bạc cũng lắm gian nan, vất vả. Có hôm trúng cũng có hôm thất phải lỗ sở hụi. Ngoài ra, nghề này phải đi xa mới có hến để cào, như mùa này, thời tiết lạnh nhưng anh em tụi tôi ráng mần kiếm tiền ăn Tết…”- anh Trương Văn Lắm, quê ở Vĩnh Long bày tỏ.
     
    Cặp ven kênh cầu chữ S (xã Vĩnh Thạnh Trung) cả xóm có khoảng 150 hộ chuyên nghề cào hến đồng. Mỗi buổi chiều, bà con chở hến về, trên bờ có cả trẻ em người lớn đem hến lên luộc để cân bán cho bạn hàng.
     
    Ông Trần Văn Cải, một thương lái thu mua hến đồng cho biết, mỗi ngày cân trên 5 tấn hến của bà con nghèo ở xã Vĩnh Thạnh Trung, rồi vận chuyển về Bến Tre cân lại cho bạn hàng. Vùng miệt dưới nhất là cư dân sống ven biển rất ưa hến đồng. Mỗi buổi sáng ra chợ, ai cũng mua bọc hến về ăn, họ rất chuộng hến đồng bởi vừa ngon, vừa rẻ…
     
    Theo THÀNH CHINH (An Giang Online)

    Vị ngọt Thất Sơn

    Lấy nước từ cây thốt nốt, đồng bào dân tộc Khmer chế biến thành sản phẩm thơm phức và có vị ngọt rất đậm đà, đó là loại đường truyền thống của vùng núi Thất Sơn-An Giang. Hiện nay, thời điểm khai thác nước và mùa nấu đường thốt nốt bắt đầu, du khách đến An Giang chắc hẳn không thể bỏ qua loại đặc sản độc đáo này.

    Khai thác nước cây thốt nốt.
     
    Cây thốt nốt nhiều nhất tại khu vực An Cư, Văn Giáo, An Hảo, An Phú, Xuân Tô, Nhơn Hưng… (huyện Tịnh Biên) và Ô Lâm, Núi Tô, An Tức… (huyện Tri Tôn). Theo các Hội Nông dân xã, thị trấn vùng núi cho biết, có khoảng hơn 60.000 cây thốt nốt cho sản lượng từ 5.500 tấn – 6.000 tấn đường; mỗi năm tăng lên từ 10% đến 15% do tuổi thọ cây càng cao, trữ lượng nước dồi dào và tỉ lệ đường thành phẩm cũng nhiều hơn.
     
    Hầu hết, người làm nghề đều là đồng bào dân tộc Khmer, sản phẩm nguyên chất rất an toàn, mang hương vị đậm đà và dân dã, rất khoái khẩu đối với du khách gần xa.
     
    Đường thốt nốt có 2 loại sản phẩm chủ yếu, là đường thô (nguyên chất) đựng trong keo nhựa và đường tán (vừa và nhỏ đã qua chế biến) gói bằng lá thốt nốt hoặc bọc nilon.
     
    Khi cây lúa mùa vùng núi chín rộ, lượng mưa bắt đầu thưa dần và thời tiết từ từ chuyển sang mùa khô thì thời điểm khai thác nước cây thốt nốt và đồng bào dân tộc Khmer vùng Thất Sơn bắt đầu mùa làm đường.
     
    Người sống với nghề ở thời điểm này, lo sắm sửa đủ thứ, nào là cây tre làm đài leo, keo nhựa đựng nước, dự trữ trấu và lá cây rừng, lau chùi nồi, kiểm tra lại lò đốt… sẵn sàng cho mùa làm ăn trong niên vụ mới.
     
    Do nghề nghiệp thủ công nên dụng cụ thiết yếu cũng đơn giản, chỉ cần từ  3 đến 5 triệu đồng/hộ là có thể hoạt động được và thuê 25 đến 30 cây thốt nốt khai thác mãn mùa (6 – 8 tháng).
     
    Để hỗ trợ cho hộ nghèo và người gặp hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Hội Nông dân An Giang cũng đã triển khai dự án “Huấn luyện, chuyển giao phương pháp khai thác và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới” tại các xã Núi Tô, Lê Trì (huyện Tri Tôn); An Cư, An Hảo, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên).
     
    Hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Khmer được giúp đỡ kỹ thuật khai thác nước thốt nốt, chi phí mua sắm dụng cụ và xây lò nấu đường, kinh phí 300 triệu đồng do Trung ương Hội Nông dân tài trợ. Đây là bước đột phá mới, giúp nghề truyền thống hoạt động ổn định, sản phẩm đặc sản vươn xa và tăng thêm thu nhập cho đồng bào vùng núi Thất Sơn. Kết quả mang lại rất khả quan, tuy nguồn vốn không lớn và số hộ được hỗ trợ chưa nhiều, bởi mục tiêu của dự án chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm.
     
    Chuẩn bị cho mùa thắng đường bắt đầu.
     
    Tháng mười một âm lịch, mùa thắng đường thốt nốt bắt đầu khởi động, giữa trưa làn khói phảng phất qua những mái nhà, rồi lan tỏa hương thơm len lỏi trong từng phum, sóc… gây nên cảm giác thú vị đối với du khách. Đầu mùa này, một lò làm ra được 5- 10kg đường mỗi ngày, giá bán tại chỗ dao động 15.000 – 18.000 đồng/kg; sản lượng sẽ còn tăng lên gấp đôi, ba lần khi vào cao điểm mùa khô.
     
    Nếu một hộ mướn 15 đến 20 cây thốt nốt, khả năng làm ra được hơn 20kg đường, trừ chi phí vật liệu pha chế và chất đốt, mỗi ngày kiếm được 150.000 – 250.000 đồng. Niên vụ khai thác nước và làm đường thốt nốt kéo dài 6 – 8 tháng, cao điểm nhất là vào tháng chạp kéo dài cho tới Tết Nguyên đán và bước sang tháng giêng, tháng hai, tháng ba.
     
    Ở thời điểm này, tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nhiều cơ sở nổi tiếng sản xuất đường thốt nốt bắt đầu ráo riết đi thu mua, dự trữ đường thô để chế biến lại thành đường tán, đóng gói, có nhãn hiệu hàng hóa và địa chỉ xuất xứ, phục vụ du khách tham quan và người tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết.
     
    Thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm thì tán đường thốt nốt vùng núi Thất Sơn đã có mặt tại hầu hết các trung tâm, thành phố lớn trên cả nước và được cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng gần xa.
     
    Những năm gần đây, đặc sản đường thốt nốt vùng núi Thất Sơn còn vươn ra trong khu vực và nhiều nước bằng con đường ký gửi cho các doanh nghiệp, vừa thông qua người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương vào dịp lễ và Tết cổ truyền của dân tộc hàng năm.
    Theo TRỌNG ÂN (An Giang Online)